Văn & Chữ

“Thế giới chó mèo” và “Một tối ở nhà” của Đỗ Duy 06. 02. 15 - 9:58 pm

Đỗ Duy

SOI: Vẫn hay nói đùa Đỗ Duy là người vừa kiên cường vừa bất lực chống lại công nghệ và đời sống thành thị: Luôn muốn thoát khỏi FB nhưng vẫn không thể bỏ FB; Lúc nào cũng yêu mến những vườn rau xanh với nhịp sống yên bình nhưng về quê 10 ngày đã nôn nao nhớ phố; Không thể rời những nơi hào nhoáng nhưng từ đó trở về bao giờ cũng ít nhiều bứt rứt. Thỉnh thoảng viết báo, là nhân viên truyền thông cho Blue Productions, là chỗ thân thiết của vài sân khấu kịch, bảo Đỗ Duy là một người trẻ của thành thị cũng được mà nói là một ông già lạc trên Sài Gòn cũng được.
Nhưng cuộc vật lộn (âm thầm) để được sống như bản thân mình muốn hình như đã làm Đỗ Duy cạn hết sức. Đến in sách cũng không muốn in nữa, chỉ viết dăm truyện ngắn chăm chút mà uể oải, như tinh thần của một kẻ đã chơi game quá nhiều vào đêm trước. Đọc hai truyện ngắn này, đều về “vấn nạn công nghệ”, nhưng cách nhau mấy năm, mới thấy có chừng ấy thời gian mà “tinh thần đấu tranh với công nghệ” của Đỗ Duy đã thành buông xuôi, tuy vẫn hay nhưng đã là cái thái độ “không thèm nói đến nữa” trước hiện tượng.
Thôi, giữa một rừng háo danh, gặp được những người uể oải không hừng hực muốn xuất hiện nữa cũng coi như gặp được dòng nước mát 🙂 

 

Đỗ Duy. Ảnh: Hồng Quân

 

THẾ GIỚI CHÓ MÈO

1.

Hồi học đến hết năm hai, Nguyệt nói chưa biết chat là gì, tụi trong lớp cười thiếu điều rớt nước mắt. Địa chỉ chat bây giờ cũng giống như cái tên, à không, như bộ mặt của mỗi người – bộ mặt thứ hai. Phổ biến đến mức đôi khi tụi trẻ như Nguyệt tự hỏi, những cuộc vượt đường gặp nhau bằng bộ mặt thật cuối cùng là để làm gì?

Khi cuộc sống này đang trở nên hấp tấp, ồn ào, đầy rẫy những căng thẳng thì chat tạo nên một thế giới im tiếng, rẻ tiền và thanh thoát nữa. Chuyện gì cũng có thể thành thanh thoát cả. Giọng nói, vẻ mặt, cử chỉ của con người đôi khi làm sự việc nghiêm trọng hơn bản chất.

Trong cái thế giới chỉ nhan nhản chữ viết ấy, mình tiếp xúc sự việc bằng cái đầu nào thì nó sẽ đi theo chiều hướng đó. Ai chửi mình cũng có thể là đang yêu mình. Ai khen mình cũng có thể trở thành kẻ thù. Chẳng cần phải lệ thuộc vào yếu tố gì cả, do mình hết.

Thời đầu, Nguyệt còn rối nùi vì những tin nhắn offline trong cửa sổ chat của mình. Nguyệt tự hỏi, nỗi đau trên đời ở đâu ra mà lắm thế? Chúng cứ như quy tụ vào trước mắt mình, những dòng chữ thôi cũng đủ làm nhói tim gan mình từng giây, từng phút. Đồng bào, rồi đến đồng loại trước những căn bệnh, những cái chết thảm thương từ thiên tai, chiến tranh…, cứ như một cơn sóng thần đang ập xuống đầu tất cả.

Nguyệt đã tốn một đống tiền rồi. Bây giờ cái bọn móc túi qua những tin nhắn trên internet đừng hòng ăn của Nguyệt được một xu. Chúng nói: “Em X đang cần mổ tim gấp. Đóng góp tại trang…”; “Đồng bào bị lũ ở miền Trung đang thiếu đói từng giờ. Chỉ cần một tin nhắn…”, “Chia sẻ nỗi đau với nạn nhân động đất ở Chile bằng cách…”. Bọn bạn của Nguyệt nói, cứ thử đọc tất cả bằng một giọng điệu thật nhí nhảnh thử xem, sẽ nghe như một trò đùa của trẻ con vậy. Dân sử dụng internet chuyên nghiệp, chẳng ai mắc lừa cả. Cái bọn tin tặc càng ngày càng lồng lộn lên, “Nếu bỏ qua, không đọc tin này, bạn thật không phải là một con người…”. Sống mà không biết tin ở bản thân thì có khi không phải là con người thật.

2.

Thấy Nguyệt cứ dán chặt vào cái máy tính, má càm ràm: “Mày bỏ ra, coi em phụ má coi Nguyệt”.

Nguyệt lặp lại điều đã khẳng định với má rất nhiều lần: “Nó là em của con hồi nào? Ai làm chứng? Ai công nhận chuyện đó?”

– Mày mà còn ăn nói kiểu đó nữa là tao bửa đầu mày nghe chưa.

Má có làm như vậy thật thì Nguyệt cũng chẳng bất ngờ gì. Từ lúc má đem thằng nhóc cỡ ba tháng tuổi này về, nhà bữa nào cũng như hội. Trong cái hội đó, có buổi má để cả nhà đi ăn quán chỉ vì mãi lo nấu bột, pha sữa, giặt tả… Giọng của má già rồi mà còn hát ầu ơ, nghe vừa não vừa ức – nghe như thể đang là hiện thân của con mẹ hư đốn của thằng nhỏ đang cất tiếng the thé kia. Rồi tới con Lê, đi học về, bỏ cặp là nhào vô buồng thằng nhỏ. Lăng xăng nói chuyện, hát hò, nhảy múa. Người dưng nước lã, yêu thương bằng cái gì? Không thể hiểu nổi.

Thằng nhỏ này, má nói là người ta bỏ nằm trong một thúng gạo, để ngoài chợ. Theo lời những bà bạn hàng thì có người phụ nữ mặc đồ đỏ, có đội nón hay không, mang dép màu gì thì người ta quên rồi. Cô ngồi như bán gạo, được một lúc thì bỏ thằng nhỏ vô thúng, không nhờ ai coi chừng dùm nên người ta nghĩ chắc là đi quẩn quanh đâu đó, nhưng cuối cùng không thấy quay lại.

Cả buổi trời thằng nhỏ khóc la, tiếng có thất thanh mấy thì thấm tháp gì giữa những âm thanh chợ buổi sáng. Mấy bà bán rau thỉnh thoảng chạy qua vỗ vỗ mông kêu “nín đi, nín đi”, cùng lắm là ẵm lên, tặc lưỡi “Mẹ mày đi đâu không biết, đàn bà hư quá”. Không ai nghĩ là nó bị bỏ và dĩ nhiên, người ta sẽ tránh liên can đến một trường hợp như thế.

Đến khi má đi ngang qua thì không hiểu sao thằng nhỏ khóc dữ quá, rồi ngất ngang. Ẵm nó vô nhà thương, má chỉ nghĩ tội cho cả hai mẹ con. Má cho rằng mẹ nó đã để một thúng gạo lại cho người mà cô muốn nuôi con dùm mình, có lẽ đã là cả gia tài của cô ta rồi. Nếu vô trách nhiệm, cô ta chỉ cần để trên một cái hàng ba là xong.

Nguyệt giậm chân, tức muốn chết: “Bây giờ cả mấy ngàn con gái hư ngoài đường, không phá thai kịp, đẻ ra rồi bỏ đó. Chiêu của nó còn cảm động hơn thúng gạo thế này. Má cũng nuôi hết chắc?”.

– Chừng nào mày làm mẹ đi, rồi hiểu cảnh người ta phải dứt núm ruột của mình đi thế nào.

– Con chẳng cần biết. Chỉ biết là bây giờ tụi nó phá thai ầm ầm.

– Chuyện đó là bình thường hả con?

– Má… Nhưng mà nhà mình còn chỗ đâu cho thằng nhỏ này nữa?

– Ý của tôi nuôi thằng nhỏ này. Cô không thích, muốn làm gì đó cứ làm cho nhẹ mắt cô.

Thì chuyện Nguyệt làm là… kệ nó. Má không chịu hiểu, Nguyệt chỉ nghĩ một cách sòng phẳng thôi, tại sao má cũng nghèo, lại phải gánh vác dùm thiên hạ? Mà lại là dạng thiên hạ “hư đốn”, nỡ vứt bỏ con ra đường. Quan điểm của Nguyệt, máu mủ thì phải có thật ở bên trong, không tưởng tượng ra hay trét bên ngoài được.

3.

Má mang thằng bé về vào buổi sáng, nên Lê gợi ý đặt tên là Minh, theo họ Trần của hai chị em. Nhưng mà để hai chữ như vậy thì sợ sau này thằng nhỏ nghèo rớt mồng tơi giống anh khố chuối ngày xưa, nên quyết định thêm chữ Văn ở giữa, theo tên thường của đàn ông Việt Nam. Còn ở nhà thì gọi là Gạo, để một lúc nào đó, khi lớn lên thằng nhỏ sẽ còn lại một kỷ niệm với mẹ nó.

Má dặn Lê là muốn ăn uống gì thì cứ thoải mái, không được để dành tiền mua đồ cho Gạo. Nhịn đói rồi ốm teo thì lấy sức đâu mà học hành. Nhưng con nhỏ cứ hôm thì áo, bữa quần, chong chóng, máy nghe nhạc, những đĩa nhạc hòa tấu dành cho trẻ con… Tiền má lo được, nhưng chắc là không dư để làm những chuyện này, Lê nên nhịn cũng phải.

“Nguyệt tốt nghiệp đại học, khi nào tìm được việc thì tự cán đáng chi tiêu. Má không nhận đồng nào phần phụ gia đình hết”, má không giận hờn gì, chỉ là không muốn gánh nặng cho con. Đằng nào thì má cũng phải lo cho Lê học xong đại học, nên phải tính chuyện làm ăn chứ không thể nào dùng tiền ba để lại, gửi ngân hàng rồi xài mãi thì cũng cạn.

Thời buổi khó khăn, một đồng bỏ ra cũng ngại, má tính kỹ rồi, mở tiệm internet là chắc ăn nhất.

.

4.

Người tính không bằng trời tính, ngay năm khủng hoảng trầm trọng, người bị thảy ra khỏi những công ty, xí nghiệp nhiều như rác, Nguyệt không còn cách nào khác là ở nhà giữ chân quản lý tiệm net. Má khỏi thuê người.

Kể ra thì chán. Nguyệt từng mơ được mặc một cái váy, đi đến một công ty trong một tòa nhà cao tầng nào đó, chứ không phải mặc đồ bộ ngồi trong khoảng không hai chục mét vuông này. Nguyệt thích được giao tiếp với những người cùng hoặc hơn trình độ học vấn, chuyên môn chứ không phải là lũ nhãi ranh vào nhà mình chơi điện tử, hẹn hò… Và cuối cùng, hy vọng đi làm lấy kinh nghiệm để học lên thạc sĩ sau đó coi như tắt ngấm. Kỹ sư công nghệ thông tin loại giỏi, bây giờ ngồi đây quản lý, thu tiền lẻ tại một cái tiệm internet có mười cái máy, nhìn toàn lũ hỉ mũi chưa sạch ngồi hẹn hò, ảo tưởng trên mạng. Nguyệt nghĩ, cái này mới là chữ đời đầu tiên học được đây.

Nó cũng không ngờ như chuyện má không dưng đem rước thằng Gạo về. Lại còn bày ra cái chuyện “Ba mày báo mộng nói đó là ổng đầu thai”. Hết chỗ nói…

Không gian dành cho kinh doanh khiến chỗ sinh hoạt của ba mẹ con cũng bị thu hẹp lại. Lê dọn qua ở với Nguyệt, phòng còn lại của má và Gạo. Đêm nằm nghe Gạo oe oe, tức tốc Lê chạy ào qua bồng bế, hát hò, đút sữa, để má nghỉ lưng. Nguyệt đút headphone vào lỗ tai, không chịu nổi cảnh mình vô tình đóng một vai ác trong cái nhà vốn êm đềm thảo thuận từ trước đến nay.

5.

Thỉnh thoảng tâm sự với chị Hà, cũng giúp Nguyệt giải khuây. Chị Hà lớn hơn Nguyệt một tuổi, năm nay hai bốn, nhưng cùng tốt nghiệp khóa công nghệ thông tin, giờ cũng chịu chung cảnh ở nhà… chờ thời. Việc của chị không gì khác hơn là lang thang trên mạng. Đó có lẽ là nơi để giải tỏa những muộn phiền, để thấy rằng mình còn tương tác, giao lưu với cuộc sống này. “Chứ nếu chấm dứt mọi mối quan hệ thì tốt hơn hết là về quê cho xong”, chị hay thở dài với Nguyệt như vậy.

Bọn Mỹ, chắc có lúc cũng không nằm ngoài hoàn cảnh thất nghiệp hay chán nản khốn nạn này, nghĩ ra lắm trò: nhật ký, tâm sự, kết bạn, bói toán…, rồi đến cả nuôi thú vật trên mạng. Nghĩ đến chuyện bọn nó hả hê nhắm đến, gom tiền từ lũ vô công rồi nghề như mình, chị cũng bực, cảm giác như bị người ta cho một miếng ăn nhưng khinh ra mặt. Nhưng miễn cưỡng mà sống, nghĩ rằng đằng nào mình cũng có được cái lợi thế là tùy nghi lựa chọn, sử dụng nó cho mục đích cá nhân, ít ra là qua những ngày tháng nằm dài ở nhà thế này.

Chị nuôi một con chó, đặt tên nó là con Mèo. Cứ sủa ba tiếng chó lại chen một tiếng mèo. Đêm đến hay lúc đói lại được nhân cách hóa cho “oe oe oe” như một em bé. Thỉnh thoảng còn biết hát giọng của những ca sĩ nổi tiếng bậc nhất thế giới để chị giải khuây. Thậm chí, đôi lúc, con Mèo này còn biết an ủi: “Life is pink” (Cuộc đời màu hồng) bằng một cái ngả đầu lưng lửng và con mắt hình trái tim, nổ ra những ngôi sao lúc thì hình một chàng trai lực lưỡng, khi là rượu cao cấp hay điếu xì gà. Tùy chị chọn để giải khuây. Nó nịnh tới mức đang dắt đi ngoài phố, lâu lâu lại trố mắt nhìn, khen: “You are so beautiful” (Cô thiệt là đẹp)…

Điều kiện ngược lại là chị phải cho nó ăn ngày ba lần theo những thực đơn khác nhau. Tắm ngày bốn lần bằng năm loại sữa tắm, giữa lần cuối cùng phải biết thay đổi mùi, vì nó được lập trình là một con chó mang dòng máu ngựa, không thích sự lặp lại.

Điểm đặc biệt hơn, con này toàn thích ăn thịt đồng loại, dùng mỹ phẩm cao cấp và mặc đồ hiệu, nên chị phải bỏ thời gian ra để sưu tầm và đáp ứng nhu cầu của nó. Tiền muốn kiếm được trên mạng thì người ta đã lập trình cho một trò chơi buôn bán nữa, muốn bán cái gì cũng được, kể cả “bán thân” cho Mỹ. Nhưng nếu chó sụt cân, chị sẽ bị kiện ra tòa án mang tên “Vì quyền lợi của chó”. Trường hợp để nó gầy đến mức chỉ còn một hòn máu trong người, lâm bệnh, rất có thể chị sẽ vĩnh viễn bị tước quyền làm chủ. Không được léo hánh đến trò chơi này nữa vì ý thức trách nhiệm với vật nuôi không cao.

Thời gian của chị đủ đáp ứng cho việc ăn uống của con Mèo vào lúc tám giờ sáng, mười hai giờ trưa và năm giờ chiều. Nó ngày càng béo ị và trở thành niềm tự hào của chị giữa cộng đồng mạng khá xôm tụ, toàn những người dành thời gian nuôi chó, nuôi gà, nuôi mèo…

6.

Sự cố xảy ra vào một hôm chị đang tắm cho Mèo. Nó phát hiện ra mùi sữa trên người thuộc một nhãn hiệu chỉ có hai mươi đô một chai, thế là ngún nguẩy chạy ra đường, qua hàng xóm ăn cắp vặt. Chị bị mắng vốn và truy tố ra tòa án của quận “Chó mèo gà”. Sau cùng là bị con Mèo kiện ra tòa và kết tội “không biết dạy con”. Kiên quyết đấu tranh: “Nó không phải con tôi”. Quan tòa nhoẻn miệng cười rộng cả cái màn hình máy tính, dùng cây búa đập chị bẹp dí, cái tội “phân biệt người và thú”. “Không phải, nhưng nó không phải được đẻ ra ở nhà tôi. Tôi mua về thôi”. Lần thứ hai, quan tòa tung cái chân ngắn ngủn bằng một đốt tay người thường đá chị văng qua một ngọn đồi cao một ngàn hai trăm mét, cái tội: “Thiếu ý thức trách nhiệm”. Ông quan tòa râu dài gấp đôi thân cho chị thời gian thử thách một tuần, coi như hưởng án treo. Trong thời gian này mà còn vi phạm bất kỳ một điều luật nào của tòa án “Vì quyền lợi của chó” là coi như bị tước vĩnh viễn quyền của người chơi.

Chị bỗng lo cái ngày đó. Chị sợ mỗi buổi sáng mình sẽ ngủ vùi đến mười một giờ, thức dậy thấy nửa ngày sẽ trôi qua nếu không có tiếng “gâu gâu gâu meo” phát ra từ cái loa máy tính. Chị sợ cái cảm giác chẳng biết đi đâu làm gì mỗi tối nếu không ngồi tâm sự với Mèo. Cái kiểu đối đáp của loại “chó đẻ” này, được lập trình thông minh y chang như trong phim hài của Mỹ làm chị cười ra nước mắt. Chị không muốn né tránh cái thú vị xoa cái bông tắm lên mình Mèo, nó lắc một cái, nước bắn tứ tung, cả thành phố ngập xà bông. Hình như chị đã ghiền luôn việc đút nó ăn một cách có học thuật, sành điệu. Có nghĩa là cái khăn quàng cổ của chó phải trùng màu với dĩa thức ăn. Chỉ đút nửa muỗng mỗi lần, trong đó phải có đủ dinh dưỡng như thịt chó, đậu xanh và bơ (Mỹ không biết ăn với lá mơ và mắm tôm)…

Bởi vậy, một ngày, chị cấp tốc gọi qua Nguyệt: “Em à! Má chị bệnh, nhắn phải về quê gấp. Em thay chị chăm sóc con Mèo nhe”.

Nguyệt vui vẻ: “Dạ, chị cứ đem nó qua đi”.

– Đi đâu? Nó nằm trên mạng mà. Đây là nickname, đây là password của chị.

– Hả? Chị có khùng không?

– Không. Nó mà chết là coi như chị chết theo.

– Không. Em không tham gia vào cái trò trẻ con này đâu. Chị đem mà nhờ người khác đi.

– Ai? Ở cái thành phố này, chị có quen ai đâu? Em nghĩ lại coi? Chị năn nỉ…

Bốn năm trời, hai chị em quấn quít với nhau trên giảng đường, không thèm dòm đến chứ đừng nói là nói chuyện với đám con gái nhiều chuyện, đám con trai khô như ngói của khoa công nghệ thông tin. Chị Hà, chắc cũng như Nguyệt thôi, sáng lên giảng đường và chiều về nhà, trốn trong bốn bức tường. Nguyệt còn có má và Lê, chứ chị thì chỉ có một mình.

– Thì chị bỏ đi. Mai mốt mua lại con mới mà chơi.

– Trời ơi! Chị nuôi nó được bốn mươi kí rồi, mai mốt bán là mua được cái nhà (trên mạng) đó em à… Mà bị tòa kêu án trong tuần này vì cái tội “ngược đãi vật nuôi” là coi như mất quyền léo hánh đến cái thành phố “Chó mèo gà” hai tháng. Em hiểu không? Chị xin em.

– Em không hiểu gì hết.

– Không hiểu thì mày nuôi đi để mà hiểu.

Chị Hà vội vàng về quê thăm má, nghe nói là đang cấp cứu. Không còn cách nào khác, Nguyệt trở thành người nuôi con Mèo. Thôi thì cũng sẵn tiện cái phòng máy có sẵn, lại rảnh rang tay chân. Tiết kiệm thời gian làm gì với một con chó?

.

7.

Sáng sớm, má đút Gạo ăn bột thì cũng là lúc Nguyệt len lén leo lên mạng đút con Mèo sủa inh ỏi: “Gâu gâu gâu meo”. Giữa một rừng thức ăn chạy ngang qua màn hình, Nguyệt chọn “thịt bò và trứng ốp la”, nó đá văng cái dĩa, sủa bằng chữ hẳn hoi: “Muốn tôi kiện không? Thịt chó. Nhanh”.

Thiệt là ngạo mạn hết chỗ nói. Nguyệt dùng gậy đập vô mông, nó la ẳng ẳng, khóc bù lu bù loa, ngập cả thành phố. Đúng là cái đồ “chó đẻ”, chơi với nó chỉ tổ tức thêm. Nguyệt xích nó lại trong một cái góc màn hình… Tắt máy tính.

Giữa trưa, đang ngồi coi tụi nhỏ chơi game, nghe tiếng khóc của Gạo bật lên từ nhà sau, Nguyệt bỗng dưng nhớ ra con Mèo chưa được cho ăn gì cả buổi. Thế là mở máy, lần này phải cặm cụi đi mua hoa về trang trí khắp ngôi nhà của chị Hà, nhằm làm cho nó vui lòng trở lại, may ra mới chịu ăn. Nguyệt khổ sở suốt cả buổi tìm cách làm thế nào để lấy tiền đi mua hoa trên mạng, cắm vào những cái bình thật “xuỵt tông” với tường nhà cho vừa ý con Mèo, chọn phân nửa muỗng cơm để đút cho nó…

Con quỉ sứ này đúng là đồ đỏm dáng, sản phẩm của cái bọn lập trình lắm trò, chẳng chịu ăn uống gì, đến tối, mở máy ra thì nó đã sụt mười ký.

“Đã thế, tao làm thịt mày luôn, cho mẹ của của mày khi quay về khỏi vướng bận cái thứ bá láp thế này”, Nguyệt lầm bầm. Nhưng tìm mãi chẳng thấy con dao trong ngôi nhà màu tím được chị Hà. Đã thế thì cho mày nhịn đến khi nào còn lại một mớ xí quách thì thôi. Đem ra trưng cho cái tòa án “Vì quyền lợi của chó”. Nguyệt sẽ dùng tiếng Anh chửi thẳng: “Một lũ chó”.

8.

Đêm ngồi làm việc trên mạng – để tránh quên những thứ đã học, Nguyệt muốn điên lên vì con Mèo cứ nhào ra ẳng ẳng, trong tình trạng cấp cứu.

Oe Oe Oe…

Má chạy vội vào phòng Nguyệt: “Bữa nay mày chịu ẵm thằng Gạo rồi sao?”

– Đâu có má, là con chó của chị Hà, sắp chết trên mạng, la làng vì bị bỏ đói thôi.

– Mày rảnh vậy đó hả Nguyệt, nuôi chó trên mạng nữa hả?

Lê đang học bài, góp lời phụ má: “Cái thân lo chưa xong, bày đặt mấy trò bá láp”. Nguyệt chúa ghét cái kiểu ăn hôi này của nó, chỉ giỏi hùa theo má.

Má lắc đầu: “Con người ở đây không chịu lo mà đi lo cho con chó, cái thời gì mà tao không hiểu nổi”.

– Vậy rồi thằng Gạo đâu? Má hốt hoảng. Má mới để nó trên cái nôi trước nhà đây mà.

Cả Lê và má hớt hải tìm khắp nhà, không thấy dấu tích của thằng nhỏ. Những bộ đồ của nó còn ở đây, một chiếc vớ nó đá văng ra trong nôi vẫn còn đó . Má chỉ ngủ gục độ 5 phút thôi.

Lúc cả nhà định chạy đi báo công an, thì Nguyệt phát hiện ra trên cái nôi của Gạo có một mảnh giấy. Trong đó viết: “Con cảm ơn bác, cảm ơn cả nhà đã nuôi con của con ba tháng nay. Con đã tìm được công ăn chuyện làm và chỗ ở đàng hoàng, xin phép được đón thằng nhỏ về. Xấu hổ không dám gặp mặt bác và hai chị, mong cả nhà thứ lỗi. Một ngày nào đó, mẹ con sẽ ẵm nó về”. Trên mảnh giấy là một cái bao thư gói năm trăm ngàn đồng.

Nguyệt la làng: “Báo công an, báo công an ngay. Thằng nhỏ bị bắt cóc rồi. Chắc gì đó là mẹ của nó”.

Má nhìn Nguyệt trân trối, lúc đó bà như một người mất trí, rối rắm, chẳng biết làm thế nào cho đúng…

9.

Mười ngày kể từ khi thằng Gạo không còn trong nhà, má ra vào thẫn thờ với đống đồ của nó còn lại, quần áo, cái nôi, ba bình sữa… Má nghĩ: “Mẹ con nó phải chi có được mớ này thì cũng đỡ tiền”.

Má biểu Nguyệt lên nói với công an, khi nào điều tra được chuyện này, nếu là người lạ thì mang Gạo trả về dùm, má sẽ làm thủ tục nhận con hợp pháp đàng hoàng, rồi xin nuôi nó tiếp. Còn nếu người ta xác nhận được đó là mẹ của Gạo thì cứ âm thầm, đừng làm rùm beng lên, để mẹ con đoàn tụ trong êm ấm, thiên hạ đỡ dị nghị.

Má trả lời hàng xóm rằng lỡ làm mất thằng Gạo, chấp nhận người ta chia buồn với nhà mình như có một đám tang, vì bạn hàng khắp chợ, người ta ai cũng hiểu má đã nâng niu nó như thế nào.

Lo cho Gạo một, Nguyệt lo tình trạng của con Mèo của chị Hà mười. Nó đã chết rục xương, tòa án “Vì quyền lợi chó mèo” đã kêu tội chị là “mất nhân tính”, xử tội lưu đày vĩnh viễn, mãi mãi không bao giờ được léo hánh đến cộng đồng “Chó mèo gà” này nữa.

Nguyệt, thật tình, lúc bỏ đói con Mèo, không nghĩ đến chuyện tào lao này. Bây giờ thì phát sốt.

Thấy Nguyệt ra vào không yên, đang như tình trạng rầu rầu của má, Lê quát thẳng: “Cái đồ chó đó mà cũng lo. Dẹp đi cho tôi nhờ. Chị có bị điên không?”.

10.

Nửa tháng sau, khi Nguyệt đã quên chuyện con Mèo, chị Hà nhắn tin hồ hởi từ quê: “Mừng quá Nguyệt ơi! Má chị không sao hết. Chị tưởng đã vĩnh viễn mất bà. Chắc ở lại quê thêm vài tuần nữa”.

Mấy hôm sau lại làm một cuộc gọi, giọng như trúng số: “Chị không biết có trở lại Sài Gòn không nữa. Dưới này, người ta đang thiếu kỹ sư Công nghệ thông tin như tụi mình quá trời. Người ta rước mình về mà không thử thách chi hết, lương năm triệu một tháng”.

Nguyệt chia vui với chị xong rồi, đã bấm tin “Con Mèo của chị…”. Lúc chuẩn bị bấm nút send mới nghĩ lại, mình có bị điên không?

*

.

MỘT TỐI Ở NHÀ 

Chị chưa bao giờ đặt tên cho con chó này. Khi cần, chị gọi “tặc tặc”, nó sủa lại “gâu gâu”. Sáng nó thức cùng chị, lên đồi chè. Chị hái chè, nó loanh quanh đâu đó rồi canh đến giờ chị về nó chạy lại nơi hai đứa chia tay buổi sáng. Hôm nào lỡ hẹn nó cũng tự biết đường về nhà. Những khoảng thời gian còn lại trong ngày, đời ai nấy sống, cơm ai nấy ăn. Về nhà, không ai có nhu cầu tâm sự hay chửi rủa nhau, không cần nhìn nhau trước lúc đi ngủ cũng chẳng sao, dễ chịu như hai người bạn già sống chung lâu năm.

Một tối, hôm con trai chị về, chị cũng ngồi ở thềm nhà này, ngoài kia con chó đang chơi với cái bóng của nó dưới trăng rằm. Nó chạy đi chạy lại quẩn quanh, rồi dừng lại đằng xa, nhìn chị một lúc. Chị đang mãi nghĩ vẩn vơ nên không để ý cho đến khi hai cặp mắt chạm nhau. Chị nhìn sâu vào mắt con chó, nó bối rối quay đi. Chị cũng thấy mình bối rối.

Lại còn có trò này nữa, chị cười, cải lương quá!

Cái bóng đèn trước nhà nhà lắc lư. Con chó lăn lộn một chút với cái bóng của mình rồi sủa inh ỏi, như để cho đậy sự bối rối. Một cơn gió lạnh đi qua… Chị cầm cái máy trên tay. Và trong giây phút, chị thấy mình cũng muốn như họ, gõ một dòng gì đó về tâm trạng của mình bây giờ… Mảnh sân này, ruộng chè trước mặt, rồi cả cái bóng dài của chị đổ về phía con chó nằm, những tiếng sủa ba hồi ngắt một của nó… Mọi thứ quá đỗi quen thuộc đến mức chị chẳng suy nghĩ gì về chúng, mà bây giờ bỗng trở thành làm cho chị thấy bối rối, xa xôi…

 *

Chiều nay, con trai chị ở Sài Gòn về. Anh đá vô bụng con chó đang nằm ở cửa một cái, bảo “gầy nhom”, rồi quay qua cười cười, bảo mẹ: “cũng gầy nhom”…

Anh mang về một gói quà là một cái máy hình chữ nhật, bé bằng hai bàn tay cộng lại, bảo sắp tới anh sẽ đi xa hơn, lâu hơn, chị cần phải có cái này để thấy mặt anh hàng ngày. Chị pha một ấm chè tươi lá non, hỏi: lần này, rồi bao giờ con về? Anh con trai đang ngồi ở một góc giường, tay ôm một cái máy hình chữ nhật khác, cười cười, không thấy trả lời.

Chị được chỉ dẫn cặn kẽ, làm thế nào để bất kỳ lúc nào cũng có thể biết anh đang ở đâu, quen biết những người bạn nào, yêu ai, một ngày của anh diễn ra với những câu chuyện gì … “Nhưng mẹ đừng tin cả nhé, có những cái chỉ là đùa thôi”, anh cười.

Đêm nay thèm có ai đó để nói chuyện”, một dòng chữ trên facebook của con vừa viết, làm chị bối rối. Con chị nằm trong chăn với cái máy trong tay, thi thoảng chui đầu ra hớp một ngụm trà, bảo “sao mẹ ngủ trễ thế?”, “con nghĩ bình thường vào giờ này mẹ phải đi ngủ rồi”…

Đúng là đêm nay không phải là một đêm như những đêm bình thường của chị. Hôm qua, nghe tin con về, chị đã nghĩ tối nay hai mẹ con sẽ ngồi ngoài sân này. Chị có biết bao nhiêu câu chuyện để nói với con, chuyện về những rẫy chè mới nhận, về kế hoạch lúc nào đó sẽ xây lại nhà, với một cái phòng cho chị, cho con… Chị đâu biết có một lúc, gặp mặt nhau rồi, ngay cả những câu chuyện mẹ con muốn nói với nhau cũng trở nên e dè, khó nhọc thế này…

Chị bỏ cái máy xuống, mang ra sân một cái ấm trà.

Đồi chè đêm nay được dát ánh sáng của trăng rằm, như phủ một dải voan mờ êm ả. Con chó nhảy múa một chút thì ngại ngùng chui vào một tấm mền cũ chị để bên hè. Chị bước lại, xoa đầu, rồi ôm nó vào lòng. Chị nhớ ra mình chưa bao giờ làm thế này với con vật nhỏ bé hàng ngày vẫn thức cùng chị, rồi lẽo đẽo theo chị ra những rẫy chè mỗi sáng.

 

*

Các ảnh còn lại trong bài: từ FB của Đỗ Duy

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả