|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcNew York, thành phố không bao giờ ngủ 02. 07. 15 - 6:03 amPhó Đức TùngNew York 23. 04. 2015 Gần nửa đêm 22. 04 hạ cánh sân bay JFK New York. Máy bay như một chú ruồi bay lòng vòng vì lóa mắt trước tấm thảm vàng rực rỡ, không biết đậu xuống đâu. Sân bay JFK nửa đêm vẫn đông nghìn nghịt. Xe buýt đi từ sân bay về Manhattan mất hơn một tiếng vì đường vẫn tắc. Chuyển sang taxi từ ga trung tâm về khu phố Tàu. Xe chạy dọc đại lộ sổ 5 rồi chuyển vào đường Bowery, tốc độ như rùa bò. Cả trên đường lẫn trên vỉa hè, người xe như trẩy hội; dọc đường, chốc chốc lại cỏ biển quảng cáo với slogan “New York, thành phố không bao giờ ngủ”. Đến khi vào nhận phòng thì buồn cười quá. Cả tầng nhà được chia thành những cabin nhỏ, vách bằng ván mỏng, xếp san sát với nhau, tạo thành những mê cung lắt léo, tối om om, giống hệt như vào mấy cái sex shop. Mỗi cabin chỉ khoảng 2m2, vừa đủ một chiếc giường nhỏ. Vách cabin chỉ để lửng khoảng 2m, lại mỏng, nên bất kỳ ai ho một tiếng là mọi người đều nghe thấy. Vì thế trên mỗi giường có để sẵn hai viên mút bịt tai. Có 2 tầng apartment, mà tôi đếm trên bản đồ được tới gần 100 cái cabin. Vừa từ Hyatt Regency bên Chicago sang trọng lịch sự, chuyển ngay sang khung cảnh này, cũng hơi giật mình. Nhưng mà một cái cabin này còn đắt gấp rưỡi phòng khách sạn 4 sao rưỡi mà chúng tôi vừa ở tại Chicago. Tuy nhiên giường đệm sạch sẽ, khăn tắm trắng tinh, thơm tho, lại có sẵn bản đồ và hướng dẫn cụ thể quanh vùng. Từ cái mê cung tăm tối đó, vào đến phòng tắm chung thì lại khác hẳn, rộng rãi, trắng tinh, thơm lừng, sàn có sưởi vừa khô vừa ấm. Leo lên tầng trên mái lại có một cái vườn trên mái rất xinh xắn, có thể ngắm xuống đại lộ rất đẹp. Tiếc là trời lạnh quá nên không ngồi chơi được. Suốt cả đêm, tiếng người ra vào các phòng lạch cạch, gần như không lúc nào yên. Đúng là nếu không nhét hai cục mút vào tai thì thật khó mà ngủ được. Sau gần 20 năm bây giờ mới quay lại New York, tôi cũng hồi hộp không biết thành phố này thay đổi thế nào. Chương trình cho mấy ngày là lượn một vòng các khu vực ở Manhattan xem thế nào. Trước hết là khu downtown, khu trung tâm tài chính, thương mại và World Trade Center. Cả khu này vẫn đang là công trường, be bịt lung tung, nhưng vẫn đông du khách nườm nượp. Tòa tháp World Trade mới cao vút, sáng quắc và nhọn hoắt như một mũi tên lửa đầy thách thức. Đối diện bên kia đường là trung tâm tài chính thế giới, to nặng chưa từng thấy. Dưới chân tháp World Trade là nhà ga với kiến trúc đặc trưng của Calatrava trông vừa giống con chim vùng dậy chuẩn bị cất cánh, hoặc cũng có cảm giác như một con ve sầu đang hết sức cong lưng để lột xác. Nếu nhìn cả tòa tháp và phần nhà ga thì tưởng tượng như một con bọ cạp hay bọ kìm khổng lồ đang chĩa đuôi lên trời rất dữ tợn. Không hiểu sao, trong bối cảnh này, xung quanh toàn là cao ốc san sát, và với cái ấn tượng khó quên 11/9, hai hàng xương trắng tua tủa của công trình này không tạo được cảm giác lãng mạn, bay bổng như ở các nơi khác, mà cứ ma quái thế nào. Nhìn cả tòa tháp và phần giữa quảng trường, nơi xưa kia là hai tòa tháp đôi, nay là hai cái hố vừa sâu vừa đen, giữa mỗi hố lại có một hố nhỏ sâu hoắm, nước chảy ào ào từ bốn phía miệng hố, thu vào cái lỗ ở giữa như bị hút vào lỗ đen. Ấn tượng thì có ấn tượng, nhưng vẫn thấy rờn rợn. Lại nhớ lời ví von của kiến trúc sư Đào Minh Ngọc: hai cái hố ấy giống như hai lỗ chân răng sâu, răng nhổ đi rồi, còn lỗ toang hoác không bịt lại được. Ghê quá. Nói chung, cách giải quyết toàn bộ khu này có vẻ hơi khiên cưỡng, hơi chính trị quá, khiến cho không khí, cảnh quan không còn được hài hòa như xưa. Thế mới thấy một sự kiện như 9/11 khó có thể không để lại vết thương lâu dài. Mặt khác, cũng có thể cảm thấy sức sống và khả năng hồi phục phi thường của thành phố này, bắt chấp sự kiện đó và những khủng hoảng kinh tế vừa qua. Giữa quảng trường thị chính New York, có một bức tượng một ông béo đang ngửa mặt lên trời. Tượng đề: “Think big”. Khu phố Tàu vẫn sầm uất như xưa, thậm chí có vẻ còn lan rộng hơn. Người Tàu đông nghịt, và đa số vẫn nói tiếng Tàu, không dùng tiếng Anh. Đi 4 thành phố Mỹ, đều tạt qua phố Tàu, nhưng chỉ có phố tàu New York là thực sự giữa được bản sắc Tàu, còn những thành phố khác chẳng qua là một tụ điểm dân cư Tàu nho nhỏ, đã gần như tiêu biến trong khung tổng thể chung. Phố Tàu NYC thậm chí đậm đặc chất Tàu hơn đa số trung tâm đô thị ở Trung Quốc hiện nay, do các loại hàng hóa, dịch vụ đặc trưng Tàu được tập trung lại trong một vùng nhỏ. Ở đây, bạn có thể ăn được vịt Bắc Kinh, bánh bao Tiểu Long, hải sản và các đồ “dim sum” đúng như chất lượng của Hồng Kông, Thượng Hải. Ngay ở Trung Quốc cũng khó tìm được hàng bán bánh bao Tiểu Long ngon như thế. Một nhà hàng dim sum nổi tiếng, số 48 Bowery, bên ngoài tường gạch bẩn thỉu, cửa kính cáu bẩn, dán mấy tờ giấy đề “dim sum”. Nếu không được GS Trịnh Hữu Tuệ giới thiệu, chắc chẳng bao giờ nghĩ vào. Bên trong thì rộng mênh mông, mới sáng sớm mà người đã ngồi kín, ăn rào rào như tằm ăn rỗi. Bàn ghế thì đơn sơ, chẳng bày biện gì, nhưng mà món ăn thì thật là ngon, đúng kiểu mấy nhà hàng dim sum lớn ở Hồng Kông. Hai người ăn nhòe hết có 20 USD. Mấy hôm sau, cũng lại vào toàn nhà hàng nổi tiếng của phố Tàu, phải chờ khá lâu mới đến lượt. Ăn rất ngon mà rẻ. Nhớ nhất con vịt Bắc Kinh, cả con vịt to vàng rộm mang ra, ông đầu bếp cầm dao xẻo xẻo da thịt vào một đĩa, còn nguyên bộ xương, đầu cổ cánh và cái phao câu béo núc vứt đi, toàn chỗ mình thích, tiếc quá mà không dám xin, sợ nó khinh cho. Nhưng mà ăn xong mới thấy nó tính khôn, mình mà ăn thêm chỗ phao câu kia nữa chắc lăn ra chết vì no và ngấy. Cô Lan Anh cứ thắc mắc: chúng nó nhặt từng đồng thế này thì bao giờ giàu, khách đông xếp hàng chờ thế mà chẳng tăng giá lên nhỉ. Nhưng mà Tàu nó khác Việt nam ở chỗ ấy đấy. Little Italy thì gần như chỉ còn một phố Murray, và cũng lác đác nhiều hàng bán đồ Tàu. Nhưng mà nhìn chung, không khí ở đây, nhất là buổi tối không khác gì ở Venice. Quán tấp nập, ấm cúng, ngồi hết ra vỉa hè, nói toàn tiếng Ý líu lô. Trên phố thỉnh thoảng có những boutique bán đồ design, đẹp mà rất đắt. Có một cửa hàng bán toàn đồ design bằng composite trong suốt như thủy tinh, nhưng kết hợp với màu acrylic rực rỡ, để làm đèn, tượng, chân nến v.v. rất bắt mắt. Mình đứng xem mê mẩn nhưng chẳng đủ tiền mua. Thế nào bà chủ cửa hàng lại cứ ngắm cái quần Hmong mình đang mặc, tới sờ soạng từng tí rồi cứ lăn ra bảo tao thích quá, làm thế nào bây giờ. Cuối cùng phải về nhà nghỉ lấy cho bà ấy một cái quần khác, đổi lấy một cái chân nến, thế là có kỷ niệm xịn made in NYC mang về. Nghĩ mình ngày trước mua cái quần Hmong đó cũng tương tự, thấy ông Mông đi chợ có quần đẹp, lăn ra đòi mua, may ông ta mặc hai quần, tụt ra bán một cái. Nghĩ cũng vui, ở cái xứ NYC sành sỏi, không có thứ gì là mới lạ, thế mà rất nhiều người trầm trồ cái quần Hmông của mình mặc. Có quả quần ấy, đi dọc Greenwich, Soho, hội nghệ cứ là nhìn chằm chằm, cũng vênh đáo để. Tiếc là không tìm được cái áo nào cho thật xứng. mua áo bên Mỹ, mới mặc thử thấy hợp, sau một thời gian ngắn đã thấy nó chưa xứng tầm với cái quần, vẫn ra chất công nghiệp rẻ tiền. Thế mới biết dân Mông cũng gớm. Ý kiến - Thảo luận
11:48
Thursday,2.7.2015
Đăng bởi:
candid
11:48
Thursday,2.7.2015
Đăng bởi:
candid
Nghệ sĩ trẻ (trẻ theo định nghĩa của bạn Thông :D) đi du lịch cũng nên ở hostel. Ở hostel cũng có cái thú của nó, thứ nhất là rẻ, thứ hai là ở rất gần khu trung tâm nên không tốn tiền đi lại, thứ ba là ở các khu sinh hoạt chung rất dễ giao tiếp, làm quen... Đói khổ tí nó mới có nhu cầu làm nghệ thuật chứ hưởng thụ 5 sao có khi lại bí. :D
10:32
Thursday,2.7.2015
Đăng bởi:
vinhnguyen
Hihi, bài viết hay quá ạ :v
...xem tiếp
10:32
Thursday,2.7.2015
Đăng bởi:
vinhnguyen
Hihi, bài viết hay quá ạ :v
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp