Đi & Ở

Người Phi ở Harlem: ta có cái giống họ mà thua (xa) họ 28. 07. 15 - 8:43 am

Phó Đức Tùng

New York, ngày 25. 04. 2015

Harlem là khu phía bắc Manhattan, trước kia tập trung nhiều dân da đen. Ngày trước, khu này nổi tiếng là xập xệ, lộn xộn, với đủ loại tệ nạn cướp giết hiếp ma túy mại dâm. Lần trước đến NYC, tôi đã ngại không đi qua khu này, vì nghe đồn nếu đi qua đây mà có quá ít tiền trong túi thì khi bị cướp vẫn còn bị đánh vì tội để bọn nó mất công. Về sau nghe đồn khu này còn tàn tạ hơn rất nhiều cách đây gần chục năm.
 

Phố 125 ở Đông Harlem, giữa Park Avenue và Madison Avenue, 2006. Ảnh của Petri Krohn

Lần này sang Manhattan, tôi hẹn Kim, một bà buôn đồ dân tộc châu Phi đưa đi chơi. Nghe tên Kim, hình dung là một bà Hàn Quốc. Lúc gặp mới biết là một người Mỹ đen lai ¼ máu Mali, ¼ Congo, ¼ Đức và ¼ Do Thái. Bà Kim mặc một bộ lính mỹ hầm hố, đầu gần như trọc, đội chiếc mũ lưỡi trai của lính, dáng đi khệnh khạng, hùng hục, trông không thể nhận ra là một người đàn bà. Bà đi một chiếc xe bán tải, chở đồ ngập tới nóc. Đầu tiên, bà lái xe chở chúng tôi một vòng khắp phố phường Harlem. Phố xá trang hoàng, sạch sẽ và sang trọng gần như Boston khiến tôi ngạc nhiên. Kim bảo 4 năm gần đây, người ta tập trung chỉnh đốn khu Harlem. Bây giờ Harlem đã trở thành một trong những khu đắt giá loại nhất Manhattan. Giá nhà đất tăng chóng mặt trong mấy năm qua, có chỗ gấp hàng chục lần. Giá thuê nhà cũng tăng lên vòn vọt, một căn hộ có thể phải trả tới 4000-5000 USD/tháng. Nếu có hộ dân nào chuyển đi, căn hộ lập tức được nâng cấp và tăng giá thuê, người nghèo một khi đã đi thì không thể quay về Harlem được.
 

Một đường phố ở Harlem, 2007. Ảnh của Momos

Tầng nhà Kim ở trước kia toàn da đen, bây giờ chỉ còn nhà Kim và một bà cụ da đen hàng xóm gần 90 tuổi. Bà mang cho chúng tôi miếng bánh ngọt bà tự nướng, nhân dứa và nho khô, rất ngon. 5 căn hộ khác cùng tầng, có đủ loại sắc tộc, một nhà Đức, một nhà Do Thái, một nhà Tàu, Hàn Quốc, Ý v.v… Kim rất hài lòng với hàng xóm sặc sỡ này và bảo đó mới là hình dung của bà về Mỹ. Tuy nhiên, nói đến dân Mỹ đen, bà vẫn ngậm ngùi: họ bị đẩy đi khắp nơi, vì sau hàng trăm năm, dân đen vẫn không thể có nổi sở hữu bất động sản, và vì thế, họ vẫn chỉ là kẻ tha hương trên đất Mỹ. Tôi hỏi thế những người da đen nghèo và nghiện hút, tệ nạn ngày xưa bây giờ đi đâu. Kim nói: vào tù hết rồi, hàng trăm ngàn người vào tù. Nhà tù bây giờ là một dây chuyền kinh doanh mới, rất béo bở, dùng tiền ngân sách. Từ xây nhà tù, nuôi tù, trang bị, đến dịch vụ các loại cho tù, đều rất ra tiền. Tôi thấy bà có lý khi nghĩ lại ở giữa trung tâm Chicago, người ta vừa xây một cao ốc cực đẹp để làm trại cải tạo. Cả tòa cao ốc bằng bê tông trần, sạch sẽ và hiện đại như tác phẩm của Ando Tadao. Nếu không biết là trại cải tạo, chắc không ai để ý những khe cửa sổ của nó hẹp một cách đáng ngờ.
 

Trung tâm Cải huấn Metropolitan ở Chicago. Ảnh từ trang này

Rồi Kim đưa chúng tôi sang khu Bronx, chỉ cho khu nhà tù mà theo bà là lớn thuộc loại nhất nước Mỹ. Khu Bronx trông cũng sạch sẽ, thanh bình, nhưng xe cảnh sát đậu nhiều hơn cả xe thường dân. Kim nói: mày nhìn từng kia cái xe cảnh sát thì biết chế độ này nó mục từ trong ra. Rồi thêm: mày đừng tưởng nhiều cảnh sát thế là an toàn, đêm đến đừng nên đi vào khu này. Cái bọn vô tích sự ấy sẽ chỉ tìm ra xác mày khi đã bốc mùi thôi. Nhưng mà nếu bây giờ mày có tiền đầu tư thì tao khuyên mày nên mua nhà đất ở Bronx, còn nhiều khu đẹp lắm, mà chỉ cách một cây cầu là sang tới Manhattan. Giá bất động sản ở Bronx bây giờ chỉ bằng một phần nhỏ bên Harlem. Nhưng mà mày cứ tin tao, vài năm nữa, khi Harlem chính thức là khu nhà giàu rồi thì sẽ đến lượt Bronx. Dân Do Thái đã chuyển hết về Bronx, mà mày biết đấy, bọn Do Thái đầu tư vào đâu thì sau một thời gian thiên hạ mới biết chỗ đó là vàng.
  

Ở River Avenue bên ngoài sân vận động Yankee Stadium, thuộc khu Bronx, 2013. Ảnh từ trang này

Chúng tôi vào quán Jacob ở gần đầu đường 129 để mua đồ ăn. Đây là một quán bán buffet chuyên cho dân Mỹ đen. Đồ ăn đủ loại, ngon lành sang trọng như buffet của một khách sạn 5 sao. Nào là sườn bò nướng, đuôi bò hầm, cừu sốt vang, gà nướng mật ong, nào là măng tây xào cả cây, nấm nướng, hoa artichoke, salad các loại v.v.,. toàn thứ tôi thích. Bạn chọn đủ thứ vào hộp rồi cân cả hộp tính tiền, mỗi người hết khoảng 10 USD, chỉ bằng cái bánh kẹp ngoài phố.

Mua đồ ăn xong, chúng tôi mang ra công viên bờ sông Hudson ngồi ăn. Kim đỗ xe ở một bãi đỗ lớn dưới gầm đường. Vừa xuống xe, có một ông bảo vệ da đen chạy ra nhắc rằng bãi đỗ này là dành cho khách hàng của một siêu thị lớn thuộc loại đắt tiền cạnh đó. Kim hùng hục đi vào siêu thị, mua một quả chuối rồi chạy ra, lăm lăm cầm quả chuối, chỉ thẳng vào mặt ông bảo vệ, chửi toáng lên: thằng kia, đây tao mua quả chuối ở siêu thị đây, hóa đơn đầy đủ đây, tao không ăn cắp nhé. Tao cũng định mua nhiều nhưng tìm khắp chỉ thấy quả chuối này có xuất xứ châu Phi để mua. Đấy, cả châu Phi chỉ còn giá trị được cái quả chuối. Mà cả dân Mỹ đen bao đời không ngẩng mặt lên được cũng vì những quân đê tiện như mày. Mày xem lại xem, mày còn đen tuyền hơn tao cả trăm lần, thế mà mày dám nhìn tao như một con ăn cắp, chỉ vì da tao không được trắng tinh như các chủ của mày. Ông kia xin lỗi rối rít, bảo tôi chỉ nhắc thế thôi, chứ có ý gì đâu. Kim lại gầm lên: mày đừng bịp tao, tao ngửi thấy được mùi hèn hạ từ mày. Tao để ý rồi, bao nhiêu xe đỗ mà mày chỉ nhắc mình tao. Rồi không để cho ông ta kịp phản ứng, bà kéo chúng tôi ra bờ sông ngồi ăn. Vừa đi, Kim vừa giải thích: không phải là tao ghê gớm, nhưng mà ở đất nước này, nhất là người da đen, phải luôn luôn thức tỉnh và bảo vệ quyền của mình.
 

Người Phi ở Harlem, 1974. Ảnh: Göran Hugo Olsson

Tôi tự hỏi nếu lão bảo vệ kia không phải da đen mà là người da trắng thì không biết có bị bà Kim mắng tơi tả thế không. Nhớ lại một chuyện ngày xưa, vợ chồng ông chủ nhà xuất bản Berlin, nơi tôi làm việc, kể chuyện họ đến Harlem. Khi đi xe ngang phố phường, họ thấy một người da trắng và một người da đen đánh nhau. Với tinh thần tiên tiến phải đối phân biệt chủng tộc, họ lập tức xuống xe, ra giữ người da trắng lại, thế là anh ta bị anh da đen đấm thêm cho mấy quả. Sau hỏi ra mới biết anh da trắng đang bị tay da đen bắt nạt. Tôi hỏi Kim xem ở một khu nhiều da đen như Harlem, liệu có hiện tượng kỳ thị ngược không. Bà nói: tất nhiên là có rồi, thậm chí rõ nét hơn cả người da trắng kỳ thị da đen. Nhưng đó là phản ứng cực đoan của kẻ yếu. Còn kẻ thắng cuộc bao giờ chẳng dễ khoan dung. Nhưng mà bà cũng cho rằng khó chấp nhận sự phân biệt thái quá. Bà kể là không còn đi nhà thờ nữa, từ khi nghe ông cha cố da đen ở nhà thờ mà bà vẫn đi thuyết giảng bài xích dân đồng tính, chủ yếu da trắng đang gia tăng ở Harlem. Ông này nói bọn ấy đến đây chẳng qua muốn tìm thịt đen. Bà bảo mày thấy đấy, đến như bọn có học nhất là bọn cha cố cũng chỉ nhìn thấy giá trị bản thân của dân da đen là khúc thịt đen ấy, rồi còn đỏng đảnh õng ẹo, thì còn mở mày mở mặt thế nào được với đời.
  

Những bậc cấp ở Harlem. Ảnh của in8vision

Bờ sông Hudson là cả một công viên chạy dài rất đẹp. Chỗ chúng tôi ngồi ăn ngay gần đường dạo skyline nổi tiếng của New York. Kim bảo trước đây, khu này vô cùng xuống cấp, toàn ma túy mại dâm và các loại tệ nạn. Bây giờ ở đây thành bộ mặt đẹp của thành phố rồi. Nếu thành phố muốn, mọi sự có thể thay đổi vô cùng nhanh chóng. Nhìn những thùng rác sạch sẽ, ngay ngắn, chia thành nhiều loại cho từng loại rác, tôi buột miệng khen sự ngăn nắp, ý thức công cộng ở Mỹ. Kim phá lên cười: mày đừng tin quá vào những gì mắt thấy, và càng không nên tin những gì chính quyền rao giảng. Tất cả chúng nó, mở mồm là nói bảo vệ môi trường, đi đâu cũng làm công viên sạch sẽ, trưng biển môi trường, thùng rác phân loại v.v… Nhưng mà mày xem chúng nó đốt bao nhiêu xăng, bật bao nhiêu điện cả ngày lẫn đêm, xem mỗi lần ăn nó vứt bao nhiêu rác, mỗi lần ỉa dùng bao nhiêu giấy và nước thì biết đều là quân lừa đảo cả. Tao ngờ rằng chỗ rác này rồi đến nơi khuất mắt khôn coi chúng nó sẽ trộn hết vào nhau cho mà xem.
  

Công viên giải trí ở bờ sông Hudson. Ảnh của Jag9889

Ăn xong, Kim dẫn chúng tôi đi xem đồ châu Phi. Trước tiên là đến một kho chứa ở Bronx. Đây là một tòa nhà xây gạch cũ, như một nhà kho công nghiệp. Bên trong có rất nhiều tầng. Mỗi tầng lại chia thành nhiều kho nhỏ bằng sắt, những két sắt lớn cao tận trần như kiểu lô hàng trong chợ Đồng Xuân. Kim bảo bây giờ giá thuê nhà ngày càng đắt, dân tình ngày càng phải thuê nhà nhỏ hơn, trong khi đó thị trường thì cứ tung ra vô số đồ tiêu dùng mới. Vì thế, bao nhiêu nhà mua quá nhiều đồ, không còn chỗ chứa. Từ đó sinh ra dịch vụ làm kho cho thuê để đồ, rất phát đạt. Chúng tôi xuống tầng hầm. Có một kho đã mở. Mấy người da đen mặc nguyên trang phục truyền thống châu Phi, mở cửa kho hàng, bầy đồ ra la liệt như một gallery lớn, với đủ loại bàn ghế, cửa cũ, tượng, mặt nạ và những loại hàng thủ công giả cổ châu Phi. Nói chung toàn đồ giả cổ nhiều, ít đồ thật. Những bức tượng, mặt nạ tuy đã được bôi trát be bét cho ra vẻ cổ kính vẫn khó dấu nổi sự vội vã, vụ lợi, vô hồn. Cuối cùng tôi cũng chọn được một ngẫu tượng Boli hình bò rất ấn tượng. Gọi là bò nhưng thực ra là một khối chẳng ra hình thù gì. Tôi đoán đây không phải ngẫu tượng xịn, là loại được thờ nhiều đời, bôi các loại máu me, cứt đái lên để làm phép. Nhưng mà thế cũng hay, coi như một bức tượng đương đại để bày cũng đẹp mà đỡ sợ.
 

Ảnh của Damon Winter chụp tại Concourse Village, Bronx, với Sylvester Donkor (trái) và Ataa Serwaa, là dân nhập cư từ Ghana, đang đợi taxi để đi nhà thờ.

Rồi chúng tôi lại ra khu chợ châu Phi. Bước vào chợ, ta hình dung ra ngay cảnh những khu chợ châu Phi giữa vùng hoang mạc. Chợ họp trên một bãi đất rộng, với những lều trại dựng khá tạm bợ. Những người da đen ở đây ăn mặc toàn đồ truyền thống sặc sỡ. Họ bán các loại vải vóc, túi da, đồ trang sức châu Phi. Quầy bán vải nào cũng đồng thời có thợ may, vừa bán cả quần áo truyền thống và may đo luôn. Nhưng mà nhìn chung, chất lượng đồ ở đây cũng thô thô và quê mùa như những quầy souvenir của Việt Nam, chẳng còn được mạnh mẽ, thẩm mỹ như đồ châu Phi cổ mà tôi vẫn thích sưu tầm. Đồ da thì mẫu mã đẹp, hình vẽ cũng quái dị, nhưng chất da mỏng tanh, bóng lộn như đồ hàng mã. Vải vóc mới, kể cả làm theo mẫu mã cổ truyền, trông vẫn rởm rít và lòe loẹt quá mức, do làm bằng đồ công nghiệp và thuốc nhuộm hóa học. Cuối cùng Kim tặng tôi một tấm vải chàm cổ đã bạc màu, nhuộm kiểu batik chỗ xanh chỗ trắng, rồi thuê thợ may lấy số đo, may cho tôi một cái áo. Kim sẽ gửi áo sang Việt Nam cho tôi sau, hy vọng là đẹp.

Có lẽ, cũng giống như Việt Nam, một đặc điểm của những văn hóa lạc hậu, chậm tiến là không biết làm gì khác ngoài việc làm giả quá khứ một cách điêu ngoa để làm quà souvenir kiếm vài ba đồng lẻ. Nhưng sự thức tỉnh và sống động của Kim khiến tôi cảm giác là dù sao dân da đen vẫn có nhiều sức sống hơn chúng ta, và không phải ngẫu nhiên một anh da đen ngoi được lên làm tổng thống Mỹ.

Ý kiến - Thảo luận

17:08 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  Trường. Trần Thị
Có lẽ bạn Bàn- Văn- Lùi muốn "cụ Phó" phải kể rằng, cụ lên "phây" tìm người buôn bán đồ cổ of Phi, thì cụ thấy Kim... (hoặc ... gì gì đó nếu không thì sẽ bị coi là nhân vật Kim bước ra từ fiction). Bạn không biết mấy về "cụ Phó" rồi, tôi thì cho rằng cụ ấy là kẻ "khùng" nhất thiên hạ, giời có khi còn không lập dị bằng. "Cụ" ấy đã thích cái gì thì không
...xem tiếp
17:08 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  Trường. Trần Thị
Có lẽ bạn Bàn- Văn- Lùi muốn "cụ Phó" phải kể rằng, cụ lên "phây" tìm người buôn bán đồ cổ of Phi, thì cụ thấy Kim... (hoặc ... gì gì đó nếu không thì sẽ bị coi là nhân vật Kim bước ra từ fiction). Bạn không biết mấy về "cụ Phó" rồi, tôi thì cho rằng cụ ấy là kẻ "khùng" nhất thiên hạ, giời có khi còn không lập dị bằng. "Cụ" ấy đã thích cái gì thì không kể tốn kém, mà không thích cái gì thì có đắt mấy ai cho cũng... không cầm... tôi không biết cụ ấy giờ đã dùng điện thoại di động chưa? Vì tôi chứng kiến người ta tặng cụ ấy mà cụ ấy không nhận, trước khi đi Mỹ chuyến vừa rồi, vì không có điện thoại, mà cụ ấy suýt nhỡ visa khẩn... Và cũng không biết cụ ấy đã mua lại cái quần Mông cụ ấy bán ở Mỹ chưa? Chứ tôi đã gặp, cụ ấy ăn mặc kỳ dị, nhưng thứ kỳ dị ấy lại được người... kỳ dị nào đó ở Mỹ trông thấy và hỏi mua, và nghe nói cụ ấy bán luôn...
Tôi có lẽ giống như bạn Bàn Văn Lùi, là người bình thường, không thể suy luận được cái logic của người kỳ dị đâu. Có một thứ mà chúng ta hiểu được, đấy là chùm bài viết chuyến đi Mỹ vừa rồi thì đáng... like... 
19:09 Tuesday,28.7.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
nhân vật 'bà Kim' của cụ Phó như hiện ra từ tiểu thuyết siêu tưởng hay cổ tích ("... tôi hẹn Kim, một bà buôn đồ dân tộc châu Phi đưa đi chơi. Nghe tên Kim, hình dung là một bà Hàn Quốc. Lúc gặp mới biết là một người Mỹ đen lai..."):

- chưa gặp bao giờ;
- đồng nghiệp không;
- đồng hương không;
- đồng họ càng không;
- nợ nần ... có lẽ không ?!
- đồng chí
...xem tiếp
19:09 Tuesday,28.7.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
nhân vật 'bà Kim' của cụ Phó như hiện ra từ tiểu thuyết siêu tưởng hay cổ tích ("... tôi hẹn Kim, một bà buôn đồ dân tộc châu Phi đưa đi chơi. Nghe tên Kim, hình dung là một bà Hàn Quốc. Lúc gặp mới biết là một người Mỹ đen lai..."):

- chưa gặp bao giờ;
- đồng nghiệp không;
- đồng hương không;
- đồng họ càng không;
- nợ nần ... có lẽ không ?!
- đồng chí chăng?

mà sao bỗng dưng hào hứng bỏ thời gian quý xăng cộ hao chở cụ Phó annam đi chơi tưng bừng rực rỡ ???

chung ý toa rập mưu một phi vụ tày đình sắp sửa ???

ôi thôi! toát mồ hôi với bà Kim bí hiểm đùng phát yêu ngừoi annam mọi nhẽ !!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả