|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞTrời Bắc Kinh (phần 2): ô nhiễm hay sương mờ? 25. 08. 15 - 7:09 amOliver Wainwright – Minh Thảo dịch(Tiếp theo phần 1) Ngày tôi đến Bắc Kinh, chỉ số AQI đạt 460, chỉ thiếu 40 điểm nữa là đạt mức hủy diệt tối đa. Đó là thứ không khí dường như mang trong mình sự nặng nề u ám như khói đặc quánh trong phòng hút thuốc ở sân bay. Nó dinh dính nơi cuống họng, và nếu hỉ mũi vào cuối ngày bạn sẽ thấy một thứ có màu đen. Đạp xe vòng vòng thành phố (tôi là một trong những người đạp xe duy nhất đủ điên để chạy ngoài đường) là một trải nghiệm kì quái – không chỉ vì khung cảnh tiêu điều, mà còn vì những ánh đèn neon kì dị chiếu từ đỉnh những tòa nhà vô hình, như một phiên bản của Bắc cực quang có thể gây ung thư và phi tự nhiên. Mặt trời giữa trưa treo trên bầu trời ngó giống mặt trăng hơn, những tia nắng chói đã được màn sương mù lọc đi. Tán gẫu hàng ngày về AQI đã trở thành thú tiêu khiển quốc dân của cả người ngoại quốc lẫn dân địa phương. Các ứng dụng về chất lượng không khí là món bắt buộc phải có trong mỗi chiếc điện thoại thông minh. Các microblog và diễn đàn về nuôi dạy con cái ở Trung Quốc chỉ toàn những cuộc thảo luận về máy lọc không khí tốt nhất (doanh thu của các nhãn hiệu hàng đầu đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái) và bàn tán về việc du lịch tới những “địa điểm có không khí trong lành” như Phúc Kiến, Hải Nam và Tây Tạng. Trong cuộc đua marathon Bắc Kinh năm nay, tổ chức vào ngày vượt AQI quá mức 400, đã có rất nhiều người bỏ cuộc khi màng lọc khẩu trang của họ hóa xám chỉ sau vài cây số. Một số người bảo có cảm giác như đang chạy qua một đám khói đốt rác. Với tình trạng gây hại cho sức khỏe như thế diễn ra ngày càng thường xuyên, không ngạc nhiên là các công ty nước ngoài nay đang đối diện việc có thể phải trả thêm “phí chịu khổ” khoảng 20-30% cho những ai tình nguyện làm việc ở thủ đô của Trung Quốc. Thế nhưng vẫn có người phủ nhận được. Nhiều dân Bắc Kinh dùng chữ “wumai” (sương mờ) hơn là “wuran” (ô nhiễm) để miêu tả chất lượng không khí thấp – và không chỉ vì đó là thứ ngôn ngữ “tự chế và chính thức” của nhữn g bản tin thời tiết, mà một phần còn vì, như một người địa phương nói với tôi, “sẽ là quá sức chịu đựng nếu chúng tôi phải đối mặt với việc mình đang phá hủy môi trường và phá hủy cơ thể mình hàng ngày.” Một báo cáo gần đây của các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải miêu tả không khí Bắc Kinh là gần như “không thể sống nổi đối với con người” – đó thực sự không phải một điều bạn muốn nghe nhắc đi nhắc lại mỗi ngày. Khi tôi đến Bắc Kinh lần đầu vào năm 2003 trong vai trò một giáo viên tiếng Anh tình nguyện, học sinh của tôi nói rằng không khí ở thành phố này không tệ bằng ở London. “Tụi con biết về màn sương mù dày đặc vàng khè bên thầy,” tụi nó thường nói thế, tưởng tượng ra hình ảnh nước Anh cổ kính trong màn sương kiểu Dickens, vui vẻ bỏ qua màn sương mờ đục ngay ngoài cửa sổ lớp học (hồi đó thường do bão cát gây ra hơn là do các nhà máy điện đốt than đá). Mười năm sau, chính những học sinh ấy cũng đã ý thức quá rõ về vấn đề này. “Thường ngày trước chúng tôi chưa bao giờ có những ngày tệ đến thế này,” Li Yutong, người gần đây vừa trở về Bắc Kinh sau nhiều năm học ở Úc và làm việc tại Hong Kong. “Ngày trước tôi vẫn thường đá banh và chạy bộ ngoài trời, nhưng giờ thì không thể làm những chuyện ấy nữa. Học sinh có vẻ hay bị bệnh hơn – và tụi nó mập hơn vì không chơi ngoài trời.” Trường chúng tôi nằm đối diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Quốc gia – quả là một người hàng xóm náo loạn khi dịch SARS bùng nổ, và chúng tôi đã quan sát thấy hàng đoàn xe cứu thương liên tục đến rồi đi. Giờ đây Trung tâm này chuyển sự chú ý của nó vào một mối đe dọa qua đường không khí kiểu khác. Vào tháng Sáu, trung tâm công bố các số liệu cho thấy một người Bắc Kinh 18 tuổi bình thường sẽ phải dành 40% phần đời còn lại trong tình trạng sức khỏe xấu – có khả năng mắc các bệnh ung thư, tim mạch và hô hấp. Phá vỡ sự im lặng thông thường của chính phủ về vấn đề này, nguyên bộ trưởng bộ y tế Trung Quốc, Chen Zhu, đã phát biểu vào tháng Giêng và cho hay có khoảng 350.000 tới 500.000 người chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Đáp lại áp lực ngày càng tăng, chính phủ đã đưa ra một số luật lệ và quy định mới, tăng tiền phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, và cố gắng đóng cửa các nhà máy thải nhiều khí chứa carbon. Nhưng gần như chẳng có gì cho thấy những biện pháp của họ có tác dụng. “Để giám sát được các nhà máy này, các quan chức địa phương phải đích thân đến tận nơi,” Zhang Kai, trưởng ban vận động chống ô nhiễm môi trường của Greenpeace Đông Á nói. “Nhưng đơn giản là không có khả năng làm điều đó, và không có chính sách phạt tại chỗ các nhà máy gây ô nhiễm thật hiệu quả.” (Còn tiếp) Ý kiến - Thảo luận
12:00
Monday,9.11.2015
Đăng bởi:
Giang Cao
12:00
Monday,9.11.2015
Đăng bởi:
Giang Cao
Trời Hà Nội từ hôm đầu Thu đến giờ trông trắng đục, bảng lảng rất đẹp. Mà trong lòng thì khiếp, không hiểu ô nhiễm bao nhiêu đây?
11:02
Tuesday,25.8.2015
Đăng bởi:
candid
Ngày trước em có đọc 1 bài có anh chàng Mỹ lên kế hoạch đạp xe ở Trung Quốc, quen với việc đạp ở nơi trong lành nên lên kế hoạch ngày đạp hơn trăm km, ai ngờ sang đến Trung Quốc ngày đầu tiên đạp được mấy chục km thì phải dừng vì ô nhiễm quá.
Nhìn cảnh chạy marathon phải đeo khẩu trang mà bái phục. :D ...xem tiếp
11:02
Tuesday,25.8.2015
Đăng bởi:
candid
Ngày trước em có đọc 1 bài có anh chàng Mỹ lên kế hoạch đạp xe ở Trung Quốc, quen với việc đạp ở nơi trong lành nên lên kế hoạch ngày đạp hơn trăm km, ai ngờ sang đến Trung Quốc ngày đầu tiên đạp được mấy chục km thì phải dừng vì ô nhiễm quá.
Nhìn cảnh chạy marathon phải đeo khẩu trang mà bái phục. :D Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp