Thiết kế

Guo Pei (phần 2): “Tôi không bao giờ quên những khách hàng như thế” 27. 10. 15 - 9:46 pm

Tổng hợp và dịch. Phần lớn là từ bài của John Sudworth

(Tiếp theo phần 1)

Một thiết kế của Guo Pei

Rực rỡ sinh ra từ màu xám

Guo Pei sinh năm 1967 tại Bắc Kinh – nơi có lẽ đã mang lại cho bà cảm hứng về màu sắc, sự lịch lãm và cả ngông cuồng để dệt nên chiếc canary vàng mà Rihanna mặc.

Guo Pei nhớ lại hồi còn bé, người lớn không cho bà mặc váy vàng.

“Tôi nhớ như in hồi bé có lần tôi muốn mặc một cái váy vàng, nhưng bà tôi bảo người thường không được phép mặc màu vàng.”

“Bắc Kinh trong trí nhớ trẻ thơ của tôi rất khác ngày nay. Căn bản là xám. Quần áo mọi người mặc hầu hết là xam xám, chẳng có mấy màu sắc đâu.”

Thời khó khăn khi ấy dường như đã làm nảy nở trong Guo Pei một ước muốn được đẹp.

Một thiết kế của Guo Pei

Bà kể: “Khi trẻ tôi thích vẽ, vẽ người, vẽ quần áo, nhưng bố mẹ tôi không bao giờ ủng hộ ước muốn này vì thấy chẳng có tương lai chẳng có tiềm năng gì.”

Cha của Guo là một quan chức, một Đảng viên, mẹ bà là giáo viên mầm non. Bà mô tả không khí gia đình mình hồi ấy thật đáng yêu nhưng nghiêm khắc.

“Tôi nhớ cha tôi từng xé một bức tranh của tôi vì tôi chưa làm bài xong. Ông nói: ‘Con có sống được bằng tranh không? Tranh có nuôi nổi đời con không? “

Nhưng chính không khí khắc khổ đó đã nuôi dưỡng một đam mê khác trong Guo, được sinh ra từ nhu cầu của cuộc sống.

Guo kể: “Mẹ tôi thị lực không được tốt. Áo mùa đông chúng tôi mặc và chăn màn là mẹ may, nhưng vì mắt kém nên mẹ không xỏ kim được. Tôi nhớ mình giúp mẹ, từ hồi mới hai tuổi, và dần dần, việc giúp mẹ may vá thành một sở thích của tôi.”

Một thiết kế của Guo Pei

Tô màu những yêu thích mới

Năm 1982, Guo Pei chọn theo học thiết kế quần áo và trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của khoa này, trong một nước Trung Quốc khi ấy đang thay đổi nhanh vù vù.

“Khi tốt nghiệp năm 1986, giai đoạn đổi mới và mở cửa mới chỉ bắt đầu. Trung Quốc trở thành rất khác và người ta cũng bắt đầu có những niềm yêu thích mới. Họ bắt đầu tìm những thứ đẹp mắt, họ bắt đầu chấp nhận thay đổi. Nghề thiết kế khi ấy thật thức thời.”

Guo tại Rose Studio của bà. Hình từ trang này

Và Guo trở thành nhà thiết kế chính của một trong những công ty may mặc độc lập đầu tiên của Trung Quốc. Thông qua công việc, Guo bắt đầu vẽ lại, bằng những màu sắc đã bị thiếu trong tuổi thơ.

“Tôi nhớ có năm mọi người đều mặc váy đỏ. Họ thích hỏi hiện màu được ưa chuộng là màu gì, và thế là cứ thế cùng mặc. Trên xe bus đi làm về, mỗi ngày tôi thấy ít nhất mười người mặc thiết kế của tôi. “

Tại Rose Studio. Hình từ Internet

 

Những khách hàng thực sự

Đến 1997, Guo lập doanh nghiệp thời trang cao cấp đầu tiên ở Bắc Kinh – một động thái rất trùng hợp với sự giàu lên nhanh ở Trung Quốc. Thời ấy, Guo thường dành hàng giờ chỉ để làm ra những chiếc váy không thôi cho đám nhà giàu, người nổi tiếng, và người có quan hệ tốt với giới làm chính trị ở nước này.

Diễn viên điện ảnh Phạm Băng Băng trong một thiết kế của Guo Pei

Ngày nay, Guo đã có một đội ngũ 500 nhân viên, gồm các nhà thiết kế, thợ thêu, thợ may, thợ làm họa tiết, và một danh sách toàn những khách hàng là những ngôi sao hàng đầu trên toàn thế giới.

Những chiếc váy do Guo làm ra có thể phải mất hàng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới hoàn tất. Nhưng chúng mang lại lợi nhuận tốt cho chủ nhân, vì giá cao ngất, có khi đến 800,000 USD một cái.

Nhưng không phải món nào Guo làm cũng đắt thế. Bà còn thiết kết những chiếc áo cưới truyền thống Trung Quốc, giá chừng… 8.000USD, và rất lắm người đặt mua.

Những thiết kế trong bộ “Cô dâu Trung Quốc” của Guo

 

.

Nói đến những chiếc váy cưới này. Guo lại mủi lòng cảm động…

“Một hôm, có một bà mẹ đến gặp tôi, mang theo số tiền dành dụm là 8.000USD, nhờ tôi may một chiếc váy cưới cho con gái bà. Tôi nói bà số tiền ấy không nhỏ đâu, thay vì thế lấy tiền mà cho con gái đi.”

“Nhưng bà nói, nếu làm thế, nó sẽ chỉ là 8.000USD, còn nếu dành tiền ấy để may áo cưới, nó sẽ lớn hơn vì đó là tình yêu của người mẹ, nó sẽ mang theo lời chúc phúc của bà, và tình yêu của bà dành cho con. “

“Tôi sẽ không bao giờ quên những khách hàng như thế,” Guo nói, cố kìm nước mắt.

Hiện tại, Guo đang phát triển những thiết kế vừa túi tiền hơn, sản xuất nhanh hơn, thuộc bộ sưu tập hàng may sẵn, giá bán lẻ đâu đó chừng 800 USD – 1.000USD.

Diễn viên Lý Băng Băng trong một thiết kế của Guo

Guo Pei nói: “Nhiều người hỏi tôi về kinh nghiệm thiết kế cho người nổi tiếng, nhưng họ không biết về khách hàng thực sự của tôi. Khách hàng của tôi là những người thực sự làm tôi xúc động.”

“Tôi muốn thiết kế những chiếc váy đẹp nhất cho những người phụ nữ đẹp nhất trên đời. Nhiều nhà khoa học nói rằng mỗi người phụ nữ đều có một khoảnh khắc đẹp nhất trong đời và tôi tin khoảnh khắc ấy là khi được làm cô dâu. Mỗi khi có thể chia sể khoảnh khắc ấy với các khách hàng, tôi đều cảm thấy hạnh phúc….”

Một mẫu váy cưới của Guoi Pei

 

.

 

.

 

Cả thiết kế này nữa, cũng thuộc bộ váy cưới.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả