|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞCon phượng hoàng máy 28. 12. 15 - 7:29 amPhó Đức TùngTừ vẻ ngoài lộng lẫy Phượng Hoàng cổ trấn nằm trong một thung lũng nhỏ, bốn phía đồi núi vây quanh. Đáy thung lũng có dòng Đà Giang uốn lượn. Cổ trấn chân tựa vào núi, bám sát mép nước. Nghe nói cổ trấn này có lịch sử 1300 năm. Những mái ngói âm dương đen xám, tường đá thâm trầm không để lộ tuổi thật dễ dàng. Từ trên cao nhìn xuống, mái ngói, đầu đao trùng điệp như mây. Những lớp ngói mỏng dính, xếp chồng lên nhau san sát mà không có gì gắn kết, làm tưởng nhớ tới những phim chưởng, các cao thủ đá một phát, cả ngàn viên ngói bay như lá. Đường lát sa thạch hồng phiến lớn, đi lâu bóng lừ nhưng vẫn có độ gồ ghề như đồ da lên nước. Cái chất đá thô cứng, được cân đối lại bởi màu hồng sẫm ấm áp và độ nhẵn mịn bề mặt, tạo ra một cảm giác thật hài hòa, vừa tinh tế, gần gũi mà lại chắc chắn thiên niên vạn đại. Gọi là sông, nhưng thực ra dòng Đà Giang nhỏ và nông, chỉ như con suối Yến chùa Hương. Dưới lòng sông cũng đầy loại rong dài như cỏ, xanh lướt thướt như suối Yến. Nghe nói dòng sông này có đặc sản là những loài tôm tép, khi rang, rán có màu đỏ sẫm rất đẹp. Khắp nơi trong thành cổ, người ta bày bán bánh tép rán, và tép khô. Mỗi hàng để một rổ tép nhỏ, trong veo, con nào con nấy óng ánh, bò lổm ngổm. Khách mua tới đâu thì cho một muỗng tép vào bột loãng, rồi chiên giòn như cái bánh tôm nhà ta, nhưng gần như không có bột, toàn tép. Bánh chín thì phết tương ớt lên ăn. Nếu quả là còn nhiều tép như vậy, thì chứng tỏ dòng nước phải còn rất sạch, vì tôm tép không thể sống trong nước ô nhiễm. Cũng có thể tép được mang từ đâu đó về đây bán, nhưng mà sáng sáng, cũng thấy người cầm vợt đi dọc sông hớt tép, chẳng biết được nhiều không. Thấy các nhà hàng đều mua về cá sông các loại, đa số còn tươi sống, chẳng biết có phải bắt từ Đà Giang không. Trên mạng thì nói ở đây, người dân hàng ngày vẫn ra sông tắm giặt, rửa rau quả, nhưng không thấy. Xung quanh trấn, các ngọn núi đều phủ rừng xanh biếc, tạo thành một cái nền thật thơ mộng cho thị trấn. Không ai phá cây, cũng không ai cho phép làm resort, hay biệt thự trên các núi. Chỉ có đỉnh núi là có tòa bảo tháp bát giác lấp loáng đỏ son trên nền cây xanh. Đêm đến, tòa tháp này chiếu đèn rực rỡ, như làm bằng vàng ròng. Nói chung, người Tàu đều tin tưởng là những ngọn núi, nhất là xung quanh các thành phố, thị tứ, đều là long mạch quan trọng. Ngoài chùa chiền, bảo tháp và những công trình công cộng quan trọng, còn thì người thường không thể được phép sử dụng. Làm nhà cửa thường dân trên đó, không những có thể hỏng long mạch, mà tính mạng cũng có thể nguy hiểm. Đường lên núi lát đá phiến lớn, chắc chắn thiên niên vạn đại. Lưng chừng núi, thi thoảng lại có những đình viện nho nhỏ. Người dân, chủ yếu là các cụ già, hay tụ tập ở đây. Có cụ mang đàn nhị ra kéo nỉ non. Có cụ lại cao hứng, hát lên ông ổng, phô ơi là phô. Trong cổ trấn, mật độ xây dựng rất cao, cộng thêm địa hình núi dốc, nên nhà cửa càng được bày ra san sát như bày hàng. Từ dưới nhìn lên trùng trùng điệp điệp, mà càng dãy nhà sau càng leo lên cao, nên cũng đều có tầm nhìn thoáng đãng, rộng rãi. Do có độ dốc lớn nên mặc dù mật độ cao, nhưng giữa các nhà ở các lớp khác nhau đều có những khoảng hở rất đa dạng, tạo ra các không gian thông thoáng, hấp dẫn. Tuy cùng một hình thức kiến trúc, nhưng vị trí, góc nhìn, độ lớn, chi tiết kiến trúc, nội thất, trang trí, biển hiệu của mỗi nhà một khác, không nhà nào giống nhà nào. Lại nhớ Francois Julien từng phân tích, rằng đơn nguyên cơ bản của xã hội Tàu Nho giáo là gia đình. Đơn nguyên này được tính theo chiều thời gian. Mỗi một người chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi thời gian đó, đóng vai trò cầu nối giữa vô vàn thế hệ tổ tiên với vô vàn thế hệ con cháu sau này. Mỗi một ngôi nhà cũng có thể coi như cái vỏ không gian của đơn nguyên này. Tuy nó có thể chỉ vài chục năm tuổi, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được rằng nó chỉ là một mắt xích trong một chuỗi lịch sử rất lâu đời của những gia đình sống trong đó, và là điểm tiếp nối với cả tương lai của dòng họ đó sau này. Không phải ngẫu nhiên mà người Tàu có khái niệm “trăm họ” khi nói về xã hội của một nước. Những họ này tạo nên các trục thời gian, nằm cạnh nhau cùng tạo nên cổ trấn. Mỗi ngôi nhà như một cái đầu đinh nhô lên bề mặt, trong khi thân đinh rất dài ngập sâu trong lòng đất, trong lịch sử ngàn năm. Cái tên Phượng Hoàng mô tả rất sát thực bản sắc trấn cổ này. Từ sơn thủy, tới nhà cửa, đền đài, phố xá, đều toát lên một vẻ lộng lẫy, đúng như chim công chim phượng, nhất là ban đêm, khi ánh đèn vàng bạc rực lên, soi bóng xuống dòng nước. Mỗi tòa nhà như một chiếc lông, bản thân cũng lại rất chi tiết, cầu kỳ, ghép bởi vô số những tơ, vảy nhỏ bé li ti. Có thể nói, việc tồn tại trăm họ cạnh nhau hàng ngàn năm, mà trăm hoa đua nở, để tạo ra được một tổng thể kỳ vĩ như vậy, là một bức tranh hoàn hảo về hệ thống xã hội Nho giáo. Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi Phượng Hoàng là một trong những cổ trấn đẹp nhất, đặc sắc nhất của Trung Quốc tiền hiện đại. Phía sau cái xác phượng hoàng Tuy nhiên, con phượng hoàng thực tế đã chết. Cái ta nhìn thấy chỉ còn là cái xác phượng nhồi bông trong bảo tàng, hay nói đúng hơn là một con phượng hoàng máy, một loại cương thi không biết mệt mỏi, được dùng vào mục đích du lịch. Những dòng họ không còn sống trong những căn nhà dòng tộc, truyền từ trăm năm nọ sang trăm năm kia. Bàn thờ tổ tiên không còn hương khói. Con cháu đời sau cũng không còn sống trong những căn nhà này nữa. Tất cả đã thành cửa hàng, khách sạn, quán bar. Nghe đồn toàn bộ cổ trấn đã được bán cho một đại gia duy nhất. Ngày nay, cả cổ trấn có thể coi là một khách sạn khổng lồ. Thực tế, những ngôi nhà cổ vài trăm năm gần như không còn. Đa số nhà có niên đại dưới 100 năm thôi. Có điều là về hình thức, kiểu dáng thì nhất loạt đều theo phong cách cổ truyền. Gỗ vẫn là gỗ thật, cửa hàng đa số vẫn là cửa gỗ xếp từng phiến. Mái ngói âm dương cũng là mái thật, chứ không phải bê tông dán ngói. Gần như không có một đồ nội thất nào cổ quá 20-30 năm, trừ một vài đồ lẻ tẻ được trưng bày trong mấy từ đường dòng họ lớn nhất cổ trấn mà nay đã thành điểm du lịch. Trong những cửa hàng, không phải là những người dân mang sản phẩm của họ ra bán, để đổi lấy những thứ họ cần thiết. Người ta chỉ bán những thứ lăng nhăng thừa mứa của một ngành công nghiệp rẻ tiền cho những khách du lịch cũng no xôi chán chè, chẳng biết mình cần cái gì nữa. Không có đồ gì thật, đồ gì đẹp trong số cơ man là lòe loẹt sản phẩm được bày bán ở đây, cho thấy rằng những chủ nhân tài hoa thực sự của tòa cổ trấn này, những người đã tạo nên cái không gian lộng lẫy tới từng chi tiết này, về cơ bản đã không còn nữa. Nếu còn nhìn thấy lác đác vài người Thổ, người Miêu, thì toàn là đang ngồi lê la ăn xin hoặc bán vài mẹt đồ cô hồn. Ở đây, trong cơ man là hàng lưu niệm, cũng không thấy bóng dáng những trò thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc đã từng lừng danh về độ tinh vi như ấm tử sa, lụa là gấm vóc, bùa tua bùa túi, hay chạm khắc tinh vi, nặn đất, vẽ tranh, tò he, con giống bằng giấy, bằng lá, bằng đường v.v. Cả cổ trấn này có đặc sản lớn nhất là loại kẹo kéo và kẹo lạc đập. Cứ vài ba nhà lại có một nhà làm kẹo. Tuy nhiên, độ tinh xảo thì còn thua xa Lệ Giang. Kẹo kéo lúc mới nấu có màu hổ phách, mềm dẻo. Càng kéo thì càng trắng, cứng lại và giòn. Kéo được càng nhiều lần, càng mỏng thì kẹo càng có nhiều bọt khí, nên càng xốp, giòn và thanh, ít ngọt. Ở Lệ Giang, kẹo kéo loại thường cũng được kéo cho tới khi trắng muốt, giòn tan. Nhưng ở Phượng Hoàng, kẹo chỉ dừng lại ở mức hơi trắng ngà, nên ăn không giòn bằng, và ngọt hơn. Đặc biệt, Lệ Giang có tuyệt chiêu kéo đường thành sợi mỏng như tơ tằm, trắng muốt, gọi là Long Tu. Viên kẹo bé bằng cái kén tằm, gồm vô số sợi nhỏ như tơ, cho vào miệng thì tan ra như tuyết. Kẹo đập của Lệ Giang làm bằng hạnh nhân. Rang thơm hạnh nhân nguyên hạt, trộn với mạch nha rồi cho lên súc gỗ lớn, dùng búa gỗ đập bẹp. Bẹp rồi lại gấp lại, đập bẹp tiếp. Cứ thế mãi cho tới khi hạnh nhân nát thành bột, mạch nha cũng cứng lại, không đập được nữa thì cắt thành viên vuông. Nhìn kỹ, mỗi viên gồm hàng trăm lớp mỏng như vỏ bánh mille-feuille của Pháp. Cho vào miệng nhai, vừa giòn, vừa bùi, lại thơm mùi hạnh nhân. Phượng Hoàng cũng làm tương tự, nhưng thay hạnh nhân bằng lạc. Lạc vốn không thơm, không bùi bằng, nên vị cũng kém hẳn. Đặc biệt dầu lạc khi bị đập nát quá nhiều lần sẽ ngả vị nồng như chảy dầu. Vì thế, kẹo này về độ giòn, nhiều lớp thì cũng kể là đặc biệt, nhưng lại có phần không được bằng kẹo lạc bình thường. Lại có những người đem chùm nho tím to cắt riêng từng quả, rồi bỏ công rửa sạch bóng từng quả, nhúng vào một loại nước có pha dầu loãng gì đó. Khi đổ ra mâm, quả nào quả nấy bóng lộn, trong vắt, óng ánh như ngọc, trông không nhận ra là quả nho nữa. Thế là họ bán quả này cho du khách đắt gấp 5 lần nho thường. Khó có ai đi qua mâm ngọc này lần đầu mà không giật mình vì sự đẹp mắt, hấp dẫn của nó, và rất nhiều người, trong đó có tôi, quyết định phải mua một ít ăn thử xem có khác quả nho không, và thấy rằng đó chính là quả nho. Thi thoảng lại gặp một người gánh một gánh nặng mật ong kết tinh rởm, vàng chóe, thơm sặc sụa như mấy viên tạo mùi trong toilet. Số là trên những vùng núi đá, có những bầy ong khoái làm tổ trong hang, mật nhiều chảy xuống các hốc đá, rồi kết tinh lại thành tảng như đường phèn. Loại mật ong này là cao cấp nhất trong các loại mật ong. Nhưng bây giờ, người Tàu đã làm rởm, trộn đường với ít mật ong, phấn hoa, hương liệu, rồi cho kết tinh thành tảng như đường phèn, mỗi tảng to như cái bánh xe. Xung quanh tảng đường dán rêu xanh như thật. Nhưng buồn cười nhất là tảng đường này được bổ thành từng miếng để bán, nhưng miếng nào cũng được dán một mảnh tổ ong, lại là tổ ong bò vẽ. Chỉ có tổ ong bò vẽ là thật. Hàng quán nào cũng bày những tổ ong bò vẽ to như cái đĩa, chồng chất trước cửa. Trong tổ, nhộng ong trắng vẫn còn ngo ngoe. Nhộng ong rang là đặc sản vùng này, quán nào cũng có. Họ rang với măng chua và ớt như ở vùng miền núi của ta, nhưng kỹ thuật cao thủ hơn, con ong vừa giòn, vừa vẫn mềm mọng, không bị như tóp mỡ. Càng hàng nhỏ, không tên tuổi, càng có cơ hội gọi được một đĩa toàn ong. Hàng nổi tiếng, lắm khách du lịch thì độn vào 2/3 là lạc rang. Bắt mắt đặc biệt là những cục đất tròn tròn to như mũ cối, nướng đen thui trên giàn lửa, trông như những cái tổ kiến vống trên cây. Hàng quán nào cũng có dăm bảy cục bày trước cửa. Đập ra, bên trong lớp đất là nhiều lớp giấy bản dày, cuối cùng đến một con gà bọc trong lá sen, bốc hương thơm nức. Cách chế biến thật là hay, tuy nhiên, chất lượng gà thì có hạn, cũng là gà công nghiệp thôi. Quán nào cũng bày trước cửa mấy con gà đen bản xứ, lông bóng như quạ, mào đỏ như son. Nhưng mà mấy ngày đi chơi, thấy con nào con nấy đều còn nguyên, trong khi mỗi quán bán có cả mấy chục con gà nướng mỗi ngày. Từ sáng tới tối khuya, cỗ máy du lịch vận hành trôi chảy. Khách đông nghìn nghịt, nối đuôi nhau đi vòng các phố, lượn vào những điểm du lịch, ghé qua các cửa hàng, mua kẹo, ăn gà nướng, chụp ảnh, tươi cười. Tất cả như một dòng phù du chảy trên mặt nước, hối hả, chẳng có điểm dừng, chẳng mấy chiều sâu. Chúng tôi theo dòng, lượn hết vòng này tới vòng khác quanh khu cổ trấn, khi sáng, khi tối, khi nắng, khi mưa. Ban đầu còn chú ý nhìn ngắm từng li từng tí, về sau cứ thế mà vòng, mụ mị đê mê như cõi mộng du. Mấy ngày sau, tự cảm thấy mình như tròn hơn, ít góc cạnh hơn, như những viên sỏi cuội đang được bào mòn dần trong dòng suối. * Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ. Vì khuôn khổ báo giấy nên phải biên tập lại chút. Trên SOI là bản chưa biên tập. Ý kiến - Thảo luận
11:53
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
Hùng
11:53
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
Hùng
Bài viết cho thấy cái đáng tiếc khi một di tích đẹp như Phượng Hoàng cổ trấn bị mất đi cái hồn của nó. Nhưng theo tôi nghĩ, cái gì cũng có cái giá của nó, có mặt tốt xấu, thử xét ngược lại nếu như Phương Hoàng trấn không bị thương mại hóa, không bị bán cho một cá nhân hoặc tổ chức quản lý thì sẽ ra sao.
10:36
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
Lý
Cũng là lẽ thường cho việc phục vụ sự ham hố của con người. Ai cũng thích làm vua nên có ngai vàng bán ở chợ. Của ngon vật quí chỉ cho bậc vua chúa thưởng thì ai cũng muốn xơi nên nem công chả phượng công nghiệp mới ra đời phục vụ quí vị. Mọi người không muốn mất nhiều thời gian tiền bạc, công sức thì được hưởng thế là tốt lắm rồi. Muốn có ngai vàng
10:36
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
Lý
Cũng là lẽ thường cho việc phục vụ sự ham hố của con người. Ai cũng thích làm vua nên có ngai vàng bán ở chợ. Của ngon vật quí chỉ cho bậc vua chúa thưởng thì ai cũng muốn xơi nên nem công chả phượng công nghiệp mới ra đời phục vụ quí vị. Mọi người không muốn mất nhiều thời gian tiền bạc, công sức thì được hưởng thế là tốt lắm rồi. Muốn có ngai vàng thực thì phải vượt qua rừng tên núi đạn mới thành ha ha. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Bài viết cho thấy cái đáng tiếc khi một di tích đẹp như Phượng Hoàng cổ trấn bị mất đi cái hồn của nó. Nhưng theo tôi nghĩ, cái gì cũng có cái giá của nó, có mặt tốt xấu, thử xét ngược lại nếu như Phương Hoàng trấn không bị thương mại hóa, không bị bán cho một cá nhân hoặc tổ chức quản lý thì sẽ ra sao.
Có thể phần hồn của trấn sẽ giữ được
...xem tiếp