Soi học

Cyparissus: sự tích cây bách nhưng liên quan đến con hươu 07. 04. 13 - 6:58 am

Pha Lê

 

Hôm trước, bạn Nina có gửi link một bức tranh về tích Hy Lạp, nên hôm nay tôi tặng bạn một bài như đã hứa.

Tích này ít nổi hơn tích về Hyacinthus vì không lãng mạn bằng, nhưng cũng kiểu nhân vật chính đau buồn rồi biến thành cái gì đấy. Chắc mọi người đang tự hỏi sao tích Hy Lạp có lắm câu chuyện cùng motif này thế? Đó là vì chúng lấy thẳng từ chuyện dân gian của Hy Lạp để giải thích sự có mặt của một loài cây/hoa; Việt Nam mình cũng có sự tích cây vú sữa, sự tích quả dứa… đấy thôi! Những chuyện như vậy sau này Ovid là người tập hợp lại rồi kể trong cuốn Metamorphosis (có nghĩa là biến hình, biến hóa). Đây là những câu chuyện cổ xưa, gắn liền với cuộc sống của dân chúng thời đó. Mình ôn mấy bài này thì mình cũng hiểu thêm về cách suy nghĩ, trí tưởng tượng của người xưa, sau đó mình ôn mấy tích lớn với những cuộc phiêu lưu trường kỳ cho nó dễ thấm.

Cậu Cyparissus là một thiếu niên trẻ đẹp, sơ yếu lý lịch ít thấy nhắc đến. Virgil nói cậu là con của ông nào đấy tên Telephos; nhưng đã trẻ đẹp thì hay “được” mấy thần để ý, và cậu này may mắn lọt vào mắt xanh của Apollo (chứ ông râu ria Zeus mà ham rồi thì ổng hiếp hoặc quắp lên Olympia làm đầy tớ cho mình là hết chuyện).

Đây là tranh từ link của bạn Nina; tác phẩm “Apollo, Hyacinthus, và Cyparissus hát và chơi nhạc”, Alexander Ivanov, 1831-1834. Họa sĩ vẽ Apollo (giữa, đội vòng nguyệt quế) với hai thiếu niên mà vị thần yêu quý là Hyacinthus (trái, đang thổi sáo, sau này sẽ biến thành hoa lan dạ hương), và Cyparissus.

 

Thế con hươu trong bức tranh của Ivanov có ý nghĩa gì? Số cũng tại Apollo rộng lượng, cho Cyparissus nuôi một con hươu xịn. Nghe Ovid tả thì thấy con hươu này lóng lánh thật, đem bán có thể mua được chục căn biệt thự ở quận 2. Sừng của con hươu dát toàn vàng, mà sừng lại to và rộng đến nỗi  đứng ở dưới bóng râm của cặp sừng sẽ giống như đứng dưới bóng của tán cây lớn. Con hươu đeo một chiếc vòng nạm đá quý trên cổ, trên đầu có gắn đồ trang sức bằng bạc, tai thì gắn cặp khuyên bằng ngọc trai.

Được người nuôi nên con hươu này dần không sợ người, bất cứ ai cũng có thể vuốt ve nó. Cyparissus thì đặc biệt yêu con hươu, đều đặn dẫn nó đi ăn cỏ non, uống nước suối mát. Cậu còn có bộ dây cương màu tím để cưỡi trên lưng con hươu khi nổi hứng (hình như màu tím hồi xưa rất đắt vì màu nhuộm tím rất hiếm, nên đây là màu của vua, chẳng biết phải không, các bạn xem ở cuối bài có phần giải thích của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng nhé).

Bức khảm mosaic về Apollo, Cyparissus, và con hươu quý, được phát hiện năm 1670 (nhưng niên đại thì chắc khoảng thế kỷ thứ 3, thứ 4 chi đó). Chẳng biết phải tại hình chụp không mà thấy Apollo (cầm cung và đội nguyệt quế) trông hơi… lùn so với cậu thiếu niên cao to.

 

Vào một ngày hè oi ả, con hươu nằm nghỉ dưới một tán cây  to ở trong rừng, Cyparissus thì tập phóng lao ở gần đấy (nghe là biết rõ ngốc, mùa hè nóng lại đi tập phóng lao).

Táy máy kiểu gì, Cyparissus lỡ tay phóng trúng con hươu quý, làm nó chảy máu đến chết. Cậu cứu không kịp vật cưng nên ôm xác hươu gào khóc thảm thiết. Apollo thấy tội quá nên an ủi rằng thôi đừng buồn, nhưng Cyparissus cứ thế mà gào, riết rồi người cậu khô quắt queo lại, vài biến thành cây bách (tiếng Anh gọi là Cypress).

Tác phẩm “Cyparissus”, Jacopo Vignali, 1677. Cảnh cậu thiếu niên buồn ôm con hươu khóc xem tạm được, nhưng con hươu này trông hơi thường, không hoành tráng như trong truyện kể.

 

“Cyparissus khóc thương con hươu”, Jean Pierre Norblin de la Gourdaine, thế kỷ 18. Con hươu này thì bé xíu, nhìn mõm còn thấy giống con cún nữa.

 

Tượng Cyparissus và con hươu, Francesco Pozzi, 1822.

 

Chiếc dĩa thời thế kỷ 16, trên có vẽ lại tích của Cyparissus. Con hươu nằm chết ở phía bên phải, còn bên trái là Cyparissus trong giai đoạn biến thành cây bách, Trong tích Hy Lạp thì các anh hay biến thành hoa còn mấy cô chân dài thì thành cây, nhưng tích này khác chút, Cyparissus biến thành cây bách. Chắc do Hyacinthus đã biến thành hoa rồi, cậu người yêu thiếu niên còn lại của Apollo mà thành hoa nữa thì nghe hơi nhàm.

 

“Apollo và Cyparissus”, Claude Marie Dubufe, 1821. Tác phẩm “Cái chết của Hyacinth” do Alexander Kiselev vẽ năm 1884 (đã có trong bài về Hyacinthus) trông cực giống bức này. Claude vẽ trước Alexander, nên ta có quyền nghi ngờ Alexander chôm ý tưởng không nhỉ?

 

“Apollo và Cyparissus”, Jean Pierre Granger, 1816. Apollo đeo đàn lia, hình như vì là thần nên trông cũng trắng trẻo hơn. Cyparissus nhìn như đang xỉu chứ không phải khóc thương đến khô quắt queo rồi biến thành cây. Con hươu trong hình có đeo nhiều vàng bạc châu báu thật, nhưng kiểu màu mè lấp lánh này vẽ không khéo lắm nên trông hơi bị xanh đỏ.

 

Đúng kiểu Hy Lạp, yêu cái gì quá đến mức luỵ là thường có kết cục không tốt. Nhưng thế cũng hay, tưởng tượng xem, nếu thời nay mà cũng thất tình rồi biến thành cây thì nạn chặt phá rừng chắc sẽ không kịp với “nạn” mọc rừng.

*

Bổ sung của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng:

Tyrian puprle được chiết từ tuyến dãi trong ruột một loài ốc. Tên Tyrian có xuất xứ từ thành phố Tyre ở Đông Địa Trung Hải nay là Lebanon, nơi người ta chế ra thuốc nhuộm này vào thế kỷ IV trước CN. Nhưng người Phoenician có thể đã chế ra thuốc nhuộm này trước đó hơn 10 thế kỷ.

Dãi ốc này khi được chiết ra không có màu, nhưng sau khi tác dụng với ánh sáng, không khí và được đun lên, thì cho màu chàm. Dùng màu này để nhuộm sợi, được màu tím rất đẹp, có tên Tyrian purple. Thuốc nhuộm này là đồ xa xỉ thuộc hàng đắt nhất thời La Mã cổ đại mà nếu quy ra tiền ngày nay sẽ có giá 2000 USD / 1 gr. Sở dĩ giá cao như vậy vì phải cần 10 – 12 ngàn con ốc mới được 1.4 gr thuốc nhuộm, và quá trình chiết ra thuốc nhuộm được làm bằng tay, rất phức tạp, đòi hỏi tài nghệ cao. Tuy sau này công thức pha chế được mô tả  trong sách của Pliny (23 – 79), không phải cứ theo công thức đó là pha được thuốc nhuộm xịn.

Các hoàng đế Byzantine cho phép mình, nhưng cấm tất cả dân chúng mặc đồ nhuộm Tyrian purle. Ngoài màu sắc, vải nhuộm Tyrian puprle còn có mùi đặc biệt, còn được gọi là mùi đế vương. Hoàng tử nối ngôi hoàng đế Byzantine, khi sinh ra, được bọc trong vải nhuộm Tyrian purple, và được gọi là “sinh ra trong màu tím” (porphyrogenitos), tương tự như ta nói “sinh ra trong nhung luạ“.

Tới thế kỷ XX người ta tìm ra cấu trúc hoá học của Tyrian puprle và tổng hợp được màu này, rẻ hơn xưa rất nhiều. Năm 1998 John Edmonds tái phát hiện ra bí mật của phương pháp cổ truyền chế Tyrian puprle và đã thành công khi nhuộm tím gỗ bằng phương pháp này. Tyrian puprle hết thiêng.

Ý kiến - Thảo luận

13:18 Sunday,7.4.2013 Đăng bởi:  Candid
Có một loại cây cũng gọi là cypress nhưng sống ở đầm lầy, có nhiều ở Florida ở Mỹ, cây này ở Việt Nam bên cạnh nhà sàn của Chủ tịch HCM có trồng, được gọi là cây bụt mọc. Chắc là có họ với cây Bách Cypress.
...xem tiếp
13:18 Sunday,7.4.2013 Đăng bởi:  Candid
Có một loại cây cũng gọi là cypress nhưng sống ở đầm lầy, có nhiều ở Florida ở Mỹ, cây này ở Việt Nam bên cạnh nhà sàn của Chủ tịch HCM có trồng, được gọi là cây bụt mọc. Chắc là có họ với cây Bách Cypress. 
12:59 Sunday,7.4.2013 Đăng bởi:  admin

Anh Đăng ơi, Soi bỏ cmt của anh vào bài luôn nhé. Cảm ơn anh.


...xem tiếp
12:59 Sunday,7.4.2013 Đăng bởi:  admin

Anh Đăng ơi, Soi bỏ cmt của anh vào bài luôn nhé. Cảm ơn anh.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả