Nghệ sĩ thế giới

Jacques-Louis David (bài 1):
Quyền lực nghệ thuật và nghệ thuật quyền lực 14. 01. 16 - 10:58 am

Trịnh Lữ

Đây là bức tranh “Lời thề của nhà Horatii”, do danh họa Pháp Jacques-Louis David (1748-1825) vẽ năm 1784 – cao 3,3 mét, rộng 4,25 mét, theo lệnh chỉ đặt hàng của vua Louis XVI.

Jacques-Louis David, “The Oath of the Horatii”, 1784. Sơn dầu trên toan. 330 x 425 cm. Bảo tàng Louvre, Paris

Người cha đang trao gươm cho ba con trai ruột của mình. Người anh cả quàng tay ôm chặt sườn một người em. Những hình ảnh biểu tượng của lời thề “quyết tử”. Câu chuyện được truyền tụng từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Lúc đó, hai thành bang Rome (La Mã) và Alba đang lún sâu vào một cuộc chiến đối đầu kéo dài, và cùng thỏa thuận sẽ phải kết thúc với một giải pháp đặc biệt. Mỗi bên sẽ chọn ra ba công dân vô địch của mình cho một cuộc tỉ thí một mất một còn. Người cuối cùng sống sót sẽ mang lại chiến thắng cho thành bang của mình.

Rome chọn ba anh em nhà Horatii. Alba chọn ba anh em nhà Curatii. Bi kịch là ở chỗ: một cô con gái của nhà Curatii đang làm dâu trong gia đình Horatii, đã sinh hai con trai trong gia đình này; và cô gái út của nhà Horatii thì đã hứa hôn và sắp về làm dâu trong nhà Curatii. Bi kịch kiểu này thì người Việt Nam mình đã biết quá rõ trong những cuộc nồi da nấu thịt từ thời Trịnh-Nguyễn đến thời Cộng sản-Quốc gia vừa rồi.

Bartolomeo Pinelli, “Battle of the Horatii and the Curatii Under the Reign of Tullo Ostilio” (Trận chiến giữa nhà Horatii và nhà Curatii dưới triều Tullo Ostilio), thế kỷ 19, 34.4 x 44.8 cm

Trong những phác thảo của David, có một bố cục diễn tả một thời khắc muộn hơn của câu chuyện giao đấu này. Đó là khi người con chiến thắng của nhà Horatii trở về, thấy em gái mình khóc than vì cái chết của hôn phu bên gia đình Curatii, thì kết tội em là “phản quốc” vì đã dám thương xót kẻ thù, và rút gươm chém chết em gái mình ngay lúc ấy. Thành La Mã coi đó là hành động sát nhân dã man, đưa anh con trai ra tòa định xử trảm, thì người cha lại đứng ra bảo vệ con với một bài diễn văn hùng hồn về lòng yêu nước và nghĩa vụ tối thượng của công dân; khiến cho người con được miễn tội. Bức phác thảo vẽ xác cô em gái nằm dưới đất, và người cha đứng diễn thuyết, che chắn cho con trai. Không biết vua Louis XVI có can thiệp vào quá trình sáng tác này hay không, mà David cuối cùng lại chọn cảnh bố trao gươm cho các con đi “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Trong bức tranh, ông bố tay trần nắm các lưỡi gươm cũng để trần, khoác áo choàng màu máu. Ba người con trai gân guốc căng tràn khí thế vươn tay đón nhận nhiệm vụ công dân.

Bố và các con trai. Chi tiết tranh

Người đàn bà ngồi trên ghế phủ vải màu máu phai là Sabina, con dâu trưởng nhà Horatii, biết rằng mình sẽ mất chồng, hoặc mất anh ruột. Cô gái mặc đồ trắng là Camilla, con gái út trong nhà, biết rằng mình có thể mất hết các anh, hoặc mất người chồng sắp cưới.

Sabina và Camilla. Chi tiết tranh

Phía sau, bà mẹ đang vỗ về hai đứa cháu nội, một đứa rõ ra là con trai, thì đang nhìn cảnh tượng bố và hai chú đón nhận lời thề của gia đình. Người xem biết chuyện chắc sẽ phải nghĩ: sau này rồi đứa con trai ấy có thể sẽ lại hăng hái hiến mạng sống của nó cho tổ quốc.

Bà và cháu nội. Chi tiết tranh

Lịch sử hội họa coi đây là tác phẩm mở đầu cho trường phái tân cổ điển, là bức tranh mang ý nghĩa “đạo đức xã hội” đầu tiên, vượt ra khỏi hội họa tuyên truyền cải đạo của nhà thờ, để sang giai đoạn hội họa tuyên truyền của nhà nước. Có lẽ Louis XVI muốn David khởi sự đưa hội họa thoát khỏi vũng lầy lạc thú đang thống lãnh châu Âu lúc bấy giờ, với hy vọng giáo dục lòng trung thành và lý tưởng hy sinh anh hùng cho cả triều đình và thần dân của mình. Nhà vua có biết đâu rằng chỉ 5 năm sau đó, cuộc cách mạng Pháp đã thay thế khái niệm “thần dân” bằng khái niệm “công dân” vốn là nền tảng của tấn bi kịch Horatii, để rồi cuối cùng bị những “công dân” của nước Cộng hòa Pháp lôi ra chặt đầu ngay giữa Paris.

“Lời thề của nhà Horatii”, hiện ở bảo tàng Louvre. Ảnh của Steven Zucker

Chắc chắn là vợ chồng nhà vua và rất nhiều người khác từng bảo trợ cho David cũng không ngờ rằng nhà họa sỹ này sẽ trở thành một thành viên Jacobin đắc lực của cách mạng, ký tên mình vào những lệnh chỉ hành quyết hàng ngàn người bị cách mạng liệt vào loại “phản động”, trong đó có cả nhà vua, hoàng hậu, và nhà hóa học danh tiếng Antoine-Lauent Lavoisier, những người đã từng bảo trợ cho David, đã tạo điều kiện để một đứa trẻ mồ côi cha có thể trở thành một họa sỹ danh tiếng. Lavoisier còn như một người bạn, đã cho cả vợ mình đến học vẽ với David, và trả những 7000 livres, một cái giá cực kỳ cao, để David vẽ bức chân dung hai vợ chồng mình trong năm 1788, nghĩa là chỉ một năm sau là nổ ra cách mạng. Chắc vì vợ từng là học trò yêu, nên David thuyết phục ủy ban cách mạng chỉ chém đầu chồng thôi, còn tha cho vợ.

Bức tranh David vẽ vợ chồng Lavoisier (cao gần 2,6 mét) nay được lưu giữ ở Metropolitan Museum of Art, New York.

Còn khi hoàng hậu Marie-Antoinette bị dẫn ra máy chém, David còn đứng nhìn và ký họa hình ảnh người đàn bà từng là ân nhân của mình. Ai đã sống qua thời cách mạng thì chắc chả lạ gì những chuyện như thế này.

Còn ký họa bút mực vẽ hoàng hậu bị dẫn ra pháp trường năm 1793 thì nay vẫn còn trong Thư viện Quốc gia ở Paris:

David tận tụy phục vụ Cách mạng, từ vẽ kiểu phù hiệu cho đến vẽ tranh tuyên truyền. Khi Michel Lepelletier, một phần tử bạo lực cực đoạn nhất của cách mạng, người đã cương quyết đòi phải xử trảm nhà vua, bị một cựu sỹ quan bảo hoàng giết chết khi đang uống cà phê trong hoàng cung, David có nhiệm vụ tạo dựng hình ảnh tử vì đạo cho nhân vật khát máu nhưng lại xuất thân quý tộc này. Nhà họa sỹ đã biến con người có hình thức cũng như tâm tính xấu xí nổi tiếng ấy thành một thần tượng cổ điển đẹp đẽ trong tranh, nằm dưới lưỡi gươm treo bằng một sợi tóc trong điển tích Damocles, khiến cho Lepelletier trở thành biểu tượng của quyền lực chính nghĩa chấp nhận mọi hiểm nguy trong nghĩa vụ của mình. Bức tranh gốc đã không còn, nhưng ta vẫn có thể thấy vẻ đẹp cao trọng của nó qua một bức họa đi nét của Anatole Desvoges, vẽ bức tranh gốc năm 1793, bây giờ lưu giữ ở bảo tàng mỹ thuật Dijon:

.

Nhưng có lẽ đỉnh điểm phục vụ cách mạng của David phải là bức tranh vẽ năm 1793 – ngay giữa thời kỳ tàn bạo nhất của cách mạng Pháp, khi phái cực tả do Robespiere và Marat cầm đầu “kéo lê máy chém” đi khắp nơi để chặt đầu những người không theo đường lối cực đoan của mình.

Marat lúc ấy nắm việc tuyên truyền, làm chủ bút một tờ báo, và có chân trong ủy ban an ninh của cách mạng, ký lệnh bắt, giết hàng ngày. Sự tàn bạo của Marat khiến cho chính quyền cách mạng cũng phải hoảng.

Lucien-Etienne Melingue, “Marat”, 1879, sơn dầu. Hiện ở bảo tàng Cách mạng

Ngay khi không thể đi ra ngoài được vì căn bệnh da khủng khiếp buộc anh ta phải ngâm mình suốt ngày trong một bồn dung dịch thuốc, Marat vẫn viết báo và ký lệnh hành quyết, với an ninh nghiêm ngặt không cho người lạ nào ra vào nhà. Rồi Marat bị một cô gái giết chết ngay trong bồn thuốc của mình, bằng một nhát dao thấu tim. Cô gái ấy bị chính quyền cách mạng chém đầu, để rồi sau này được vinh danh là một nữ thần ám sát đã cứu nước Pháp khỏi thảm họa tàn bạo của cách mạng. Chuyện ấy chắc phải kể riêng. David trở thành bạn thân của Marat trong cách mạng. Một ngày trước khi Marat bị ám sát, David còn đến thăm tận nhà. Ngay sau Marat bị giết, David được chính quyền cách mạng trao nhiệm vụ phải tạo một hình tượng Marat như một thánh tích của chính thể Cộng hòa mà cách mạng vừa khai sinh.

*

(Trong bài sau, ta hãy xem bức tranh, rồi xem nó đã được một giáo sư lịch sử mỹ thuật đại học Columbia nhận xét như thế nào…)

 

Ý kiến - Thảo luận

20:54 Tuesday,19.4.2016 Đăng bởi:  Hải
Thanh Thị Thùy Hương hỏi như bố người ta ấy nhỉ? Học ở đâu ra cái thói hạch sách thế hả bà chị? Đọc mà không biết là đã đầy đủ chưa à?
...xem tiếp
20:54 Tuesday,19.4.2016 Đăng bởi:  Hải
Thanh Thị Thùy Hương hỏi như bố người ta ấy nhỉ? Học ở đâu ra cái thói hạch sách thế hả bà chị? Đọc mà không biết là đã đầy đủ chưa à? 
20:23 Tuesday,19.4.2016 Đăng bởi:  thanh thị thùy hương
Bài này phân tích đã đầy đủ chưa? Còn có những bài phân tích nào nữa hay không?
...xem tiếp
20:23 Tuesday,19.4.2016 Đăng bởi:  thanh thị thùy hương
Bài này phân tích đã đầy đủ chưa? Còn có những bài phân tích nào nữa hay không? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả