Gẫm & Bình

Đi xem “Nghệ thuật và hậu loài người” (phần 3): “El fin del Mundo” cứu cả triển lãm 02. 08. 16 - 5:50 am

Hoa Gruber

(Tiếp theo phần 2)

Trước khi bước vào tác phẩm “El fin del Mundo”, xin dừng lại đôi chút như một chặng nghỉ ngắn trước hai bức tranh in “phong cảnh” của nghệ sĩ Hàn Quốc Sanghyun Lee.

Sanghyun Lee, “Tình yêu hay Bố tôi” 2011, in màu kỹ thuật số. Hình lấy từ trang này

 

Shanghyun Lee, “Biểu diễn của Lady Gaga – Tình hữu nghị Hoa Kỳ bên bờ sông Taedong, Bắc Triều Tiên” 2011, in màu kỹ thuật số. Hình lấy từ trang này

Điều bất ngờ thú vị là thoạt nhìn, hai bức tranh hiện ra với hình núi non trải dài như tranh sơn thuỷ truyền thống Triều Tiên, nhưng khi đến gần, lại thấy trong đó là các hình búp bê Barbie, các nhân vật của trò chơi điện tử, ngôi sao nhạc Pop và biểu tượng của các thương hiệu lớn đại diện là Louis Vuiton.

Trong bức “Buổi Biểu diễn của Lady Gaga-Tình hữu nghị Hoa Kỳ bên bờ sông Taedong, Bắc Triều tiên” chẳng hạn, nghệ sĩ cũng chỉ giữ lại nền núi non đằng sau, không gian còn lại lấp bằng đội quân nữ giới mặc đồng phục thổi kèn, nhảy múa trên những chiếc thuyền hướng về Lady Gaga khỏa thân cầm micro. Louis Vuiton và Lady Gaga ở vị trí tôn thờ, hình ảnh tương lai của “thiên đường” Bắc Triều tiên hiện ra đầy hài hước dưới tay Sanghyun Lee.

Chi tiết trong “Biểu diễn của Lady Gaga”

Nghệ sĩ đã biến đổi bằng kỹ thuật số hai bức tranh phong cảnh Hàn Quốc từ thời Joseon (1392-1897) để miêu tả châm biếm phong cảnh Bắc Triều Tiên. Trong bức bên trái mang tên “Tình yêu hay Bố tôi?”, nghệ sĩ giữ phông núi non đằng sau, ở giữa thêm vào một bán cầu trong suốt. Bên ngoài bán cầu có vẻ như đang diễn ra chiến tranh giữa các vì sao. Trong khi đó, bên trong lại là cuộc diễu hành long trọng. Những cô gái sexy nhỏ li ti xếp thành mảng chữ nhật đều tăm tắp, những người mặc áo váy truyền thống đang múa. Ở trung tâm, vị trí thường dành cho lãnh tụ là biểu tượng Louis Vuiton. Một Bắc Triều tiên cô lập với cả thế giới bên ngoài, một xã hội tiêu thụ tôn thờ hàng hiệu?

Chi tiết trong “Tình yêu hay bố tôi”

*
Hai bức tranh in phong cảnh Bắc Triều Tiên trên dẫn thẳng vào một “hộp đen” (black box), người đã quen với các triển lãm đương đại đều biết đó là nơi chiếu phim. Trong “hộp đen” khá rộng đó nổi lên hai màn ảnh lớn đặt cạnh nhau.

Màn ảnh bên trái là câu chuyện về một người đàn ông, màn ảnh bên phải là câu chuyện về một người đàn bà. Khung cảnh, nhà cửa, áo quần, đồ dùng cho thấy họ sống vào hai thời khác nhau.

.

Người đàn ông là một nghệ sĩ sống những thời khắc cuối cùng trước tận thế, người đàn bà là hậu loài người, sống được sau tận thế nhờ trình độ khoa học kỹ thuật cực kỳ cao. Studio của nghệ sĩ ngổn ngang đồ đạc sinh hoạt hàng ngày của thế kỷ chúng ta: bàn, ghế, máy vi sóng, xe mua hàng ở siêu thị, tranh ảnh dán kín tường. Một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ sơn nhiều màu dựng đứng, một “tác phẩm” khác được ghép bằng các phế liệu. Anh mở vòi lấy nước uống, không một giọt chảy ra, chi tiết ấy cho thấy trái đất đã đến thời điểm cạn nước. Đồng thời lúc đó, ở màn ảnh bên phải, cô gái uống một viên thuốc cung cấp đủ nước cho một ngày, đeo chiếc vòng dưỡng khí vào cổ, mặc áo quần đặc biệt bảo vệ cơ thể.

Những lời dặn của Tempus, tên một cộng đồng bảo đảm cuộc sống của cô gái, cho thấy cô được Tempus gửi đến trái đất để nghiên cứu các mẫu lưu trữ. Phòng làm việc của cô thênh thang, sạch bong như một phòng thí nghiệm với các trang thiết bị kỹ thuật cao cấp.

.

 

Nhiều mẫu vật như vỏ cây, rễ cây, cành lá khô, các chai lọ đựng dung dịch và những đĩa thủy tinh nhỏ trong suốt được đặt trên chiếc bàn rộng.

 

Cô gái làm việc

Hai màn ảnh tưởng như chiếu hai câu chuyện riêng biệt, nhưng thực ra chúng liên quan chặt chẽ với nhau. Có cảm giác người bên này nghe thấy, cảm thấy những gì người bên kia đang làm. Khi nghệ sĩ bần thần, băn khoăn tìm phương thức thể hiện thì cô gái lặng lẽ, nhẫn nại gắp các mẩu cỏ cây khô, nhỏ dung dịch vào các đĩa và xem xét chúng.

Khi cảm xúc mãnh liệt đẩy nghệ sĩ hùng hục lao vào các thao tác thì cô gái bất giác quay đầu về phía anh, như nghe thấy các tiếng động hay như vừa nhận được cảm hứng dâng trào trong anh.

.

Thần giao cách cảm âm thầm, sâu lắng, các chi tiết ăn khớp nhịp nhàng đến mức ta bỗng quên rằng họ sống vào hai thời rất cách xa nhau. Niềm giao cảm vượt thời gian làm cả hai dù một mình, lặng lẽ mà không cô đơn. Người nghệ sĩ âm thầm, mê mải. Nước cạn kiệt, cây cối chết khô, điện sắp tắt, sự sống đang rút dần mà anh vẫn bình thản, miệt mài. Đẩy về một xe mua hàng siêu thị chất đầy phế liệu, bao đựng gạo, đồng hồ quả lắc, đèn dây, cả một xác con chó, anh dỡ từng “chất liệu” ra xem xét, lựa chọn, ngồi thừ suy nghĩ, rồi bỗng vùng dậy sơn một khung gỗ, xịt lửa rồi rót lên đó lớp nhựa gì đó giống như mật ong. Anh liên tục làm các việc khác nhau, dường như bất cứ thứ gì trong tay anh cũng có thể biến thành tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ sì tìm tòi

Trong khi đó cô gái chỉ nhẹ nhàng, từ tốn làm một số động tác lặp lại, gắp mẫu vào đĩa, nhỏ dung dịch, chui đầu vào một chiếc máy tối tân để quan sát. Kết quả của việc phân tích được gửi thẳng cho Tempus, mỗi mẫu vật cũng tự bay và đậu lên một cái móc trên tường. Có cảm giác như công việc nghiên cứu khoa học của cô cứ đều đều theo trình tự, chẳng có gì bất ngờ xẩy ra. Vậy mà cô bỗng phát hiện ra một vật lạ trong số các mẫu vật trên bàn, chùm đèn dây nhấp nháy mà anh ta đã dùng cho một “tác phẩm”.

.

“Tác phẩm” ấy có vẻ như được tạo nên khá tình cờ. Nghệ sĩ đặt một chậu hoa đã khô cứng lên chiếc xe đẩy trẻ con, chèn vào đó bộ tóc giả và một cán chổi lau nhà, rồi phủ lên dây đèn nhấp nháy. Cuộn dây đèn nhấp nháy là nút gặp của hai nhân vật, là chìa khóa mang tải ý nghĩa của bộ phim. Cô gái miêu tả “mẫu vật” này như một vật lạ có các quả cứng, nhỏ, cách nhau khoảng đều đặn và nối với nhau bởi loại dây vẫn chưa xác định được thành phần. Cô tiếp tục trộn các dung dịch, không để ý gì đến chùm đèn nữa, thì bỗng nhiên các bóng đèn bật sáng. Không biết vì lý do gì. Chỉ biết rằng đó là khoảnh khắc mầu nhiệm. Cô gái ngỡ ngàng, xúc động sâu xa. Đúng lúc đó, ở màn hình bên kia, nghệ sĩ đang cắt mài một miếng gỗ cũng bất giác ngừng tay vì đèn nhấp nháy trên “tác phẩm” của anh ta tắt. Hai việc xảy ra đồng thời, một bên đèn nhấp nháy bật sáng và bên kia, nó tắt. Nghệ sĩ hiểu rằng điện mất, tận thế đang gần kề. Ở bên kia, cô gái bất giác choàng chùm dây đèn nhấp nháy đang toả sáng sáng lên đầu, tự biến thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.

.

Niềm xúc cảm mãnh liệt dâng lên làm mắt cô ứa lệ. Nghệ sĩ trầm ngâm đi về phía cửa sổ, hé rèm nhìn ra cảnh chết chóc bên ngoài, nhưng dường như những gì anh thấy là hình ảnh tuyệt đẹp của cô gái choàng chùm đèn nhấp nháy trên đầu. Anh quay trở lại, ngồi xuống ghế, nhắm mắt, chìm sâu vào niềm hạnh phúc mênh mang. Hai nhân vật đều nhắm mắt. Họ đang nhận được nhau trọn vẹn. Họ đã làm cùng một việc với chùm đèn nhấp nháy. Trước đây, anh phủ nó lên một kết cấu để biến tất cả thành tác phẩm nghệ thuật, giờ đây, cô cũng choàng nó lên đầu, tự biến thành một bức điêu khắc sống. Từ khoảnh khắc đó, cô là nghệ sĩ.

.

Chùm đèn nhấp nháy sáng lại và vào cuối phim, con chó lững thững, ve vẩy đuôi đi vào studio. Mầu nhiệm. Nghệ thuật phục sinh và cùng với nó là sự sống. Niềm say mê và tình yêu nghệ thuật của anh được sống dậy trong cô. Cô gái hoàn toàn thay đổi. Dây đèn nhấp nháy cho cô khám phá ra mảng cảm xúc con người, những rung động mà trước đây cô chưa từng biết đến. Đam mê nghệ thuật của nghệ sĩ biến cô gái từ một hậu loài người lạnh lẽo thành con người cảm xúc. Và như thế, phải chăng nghệ thuật làm loài người phục sinh. 

Cuộc tìm kiếm lâu dài, công phu của Moon Kyungwon và Jeon Jooho về ý nghĩa và vai trò của nghệ thuật đã được thể hiện cực kỳ tinh tế qua tác phẩm sắp đặt video này. “El fin del Mundo” là một phần trong cả dự án mang tên “Tin từ miền Vô định”, mà hai nghệ sĩ mang đi tham dự triển lãm quốc tế dOCUMENTA 13. Dự án này mang cùng tên với cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn Anh cuối thế kỷ 19, Morris William mà Moon Kyungwon và Jeon Jooho đã lấy cảm hứng. Trong tiểu thuyết này, William Morris minh họa đời sống của London vào cuối thế kỷ thứ 21 như trong một giấc mơ của ông. Nhân đó ông phê phán xã hội phân chia giai cấp ở Anh lúc bấy giờ. Cũng như giấc mơ của Morris, Moon và Jeon phác họa cuộc sống của trái đất sau 100 năm nữa, và từ nhãn quan của những người trong tương lai nhìn lại nghệ thuật và xã hội hiện giờ.

.

Để thực hiện dự án này, hai nghệ sĩ đã cộng tác với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau để cùng phác họa ra thức ăn, áo quần, đồ dùng, nhà ở của con người mới sau khi trái đất đã diệt vong. Nhiều trang trí, đạo cụ và trang phục trong “El fin del Mundo” được tạo ra trong quá trình cộng tác với các kiến trúc sư, các nhà thiết kế thời trang và các nhà khoa học.

Bộ phim cuốn hút từ đầu đến cuối. Chỉ trong 20 phút, hai màn ảnh kể câu chuyện đầy ý nghĩa về kết thúc và bắt đầu, về tận thế và con người tương lai, về chuyển tiếp và kế thừa tình yêu nghệ thuật. Nghệ thuật với quyền năng mầu nhiệm, vượt thời gian, trong giao cảm sâu xa, nối liền những tâm hồn, làm phục sinh sáng tạo và rung động con người.

Hạnh phúc lâng lâng, như mỗi khi thưởng thức một tuyệt tác. Nếu không có tác phẩm này thì có lẽ bước ra khỏi triển lãm lòng tan hoang lắm. Ngồi lại miên man trước hai màn ảnh của “El fin del Mundo”, trong đầu ngân lên câu này của Nietzche: “Chúng ta có nghệ thuật để không bị sự thật tiêu diệt.” Quả là như thế, Nghệ thuật ơi, xin hãy nhiệm mầu!

 

 

Ý kiến - Thảo luận

10:41 Tuesday,23.8.2016 Đăng bởi:  Lê Quân
Tư tưởng Hàn quốc :nghèo nàn,nông cạn ,chuộng hình thức, ưa đố kỵ. Lấy cái sự "chảnh "làm giá trị!
...xem tiếp
10:41 Tuesday,23.8.2016 Đăng bởi:  Lê Quân
Tư tưởng Hàn quốc :nghèo nàn,nông cạn ,chuộng hình thức, ưa đố kỵ. Lấy cái sự "chảnh "làm giá trị! 
15:23 Friday,5.8.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Thị Lan Hương

Một cảm nhận trực diện, sát thực như đang đứng trước tác phẩm! Sự ngột ngạt, bế tắc hoang mang, sợ hãi trước Ngày Tận Thế và Hậu Loài Người...Phải chăng trí tưởng tượng không giới hạn của nghệ sĩ đã dự đoán tương lai của nhân loại? Và thật bất ngờ, sợi dây liên kết cảm thức của con người ở hai thời khắc khác nhau lại lóe lên vào giây phút chót
...xem tiếp

15:23 Friday,5.8.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Thị Lan Hương

Một cảm nhận trực diện, sát thực như đang đứng trước tác phẩm! Sự ngột ngạt, bế tắc hoang mang, sợ hãi trước Ngày Tận Thế và Hậu Loài Người...Phải chăng trí tưởng tượng không giới hạn của nghệ sĩ đã dự đoán tương lai của nhân loại? Và thật bất ngờ, sợi dây liên kết cảm thức của con người ở hai thời khắc khác nhau lại lóe lên vào giây phút chót, mong manh yếu ớt nhưng rung động và đầy xúc cảm. Giá trị con người đã nảy mầm ở tương lai lạnh lẽo và vô cảm. Người nghệ sĩ đã đón nhận phút cuối cùng của sự sống một cách bình thản bởi anh được chìm đắm trong phép màu nhiệm của nghệ thuật. Và cô gái ở tương lai, trong chốc lát linh cảm được nhịp đập thổn thức của mầm sống còn lại đã bất giác thăng hoa và tự biến mình thành một tác phẩm đẹp tuyệt vời. Tác phẩm mà người nghệ sĩ chưa kịp hoàn thành.
Cảm ơn tác giả bài viết thật nhiều về tài năng và tri thức của chị. Chỉ có một trái tim nóng bỏng dạt dào và một tri thức phong phú mới lột tả được cảm xúc này.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả