Chính trị

Quan hệ Triều Tiên-Malaysia: cợt nhả “cho anh xin số nhà” 21. 02. 17 - 8:08 am

Sáng Ánh

Bài viết này tổng hợp thông tin và dựa trên blog (Malaysia) của bạn Uihua 

 *

Việc Kim Chính Nam bị sát hại tại Malaysia đặt ra câu hỏi là ông làm gì ở nơi này đến nỗi mất mạng?

Ta biết trước đây là ông ngụ tại Bắc Kinh và có vợ con tại đó. Ông cũng ngụ tại Macau, nơi ông lại cũng có vợ khác và con khác, và theo ông cho biết, tại vì ông thích thế. Là người lớn lên tại nước ngoài, đại tướng này (hàm của ông trong quân lực Triều Tiên) quen với lối sống tự do tại đặc khu hành chánh này của Trung quốc. Một bạn thân của ông ở đây cho biết là ông thích đi sauna (Macau rất nhiều sauna) tuy ông bạn này không biết là ông có đánh bài (Macau rất nhiều sòng bài). Các sòng bạc cũng viện cớ là tên ông không có trong danh sách các khách đánh lớn (trên 500.000 patacas, khoảng 75.000 USD).

Macau đêm. Hình từ trang này

Điều quan trọng thứ nhất là Macau thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và Chính Nam có thể sống yên lành tại đây mà không cần vệ sĩ, canh gác vì đó là nước bạn duy nhất của Triều Tiên. Vuốt mặt phải nể mũi, nó là thằng ăn hại, tao cũng chẳng thiết gì nhưng mày đừng có sang nhà tao mà làm bậy. Vì thế, Chính Nam có thể ở Trung quốc, Macau hay Hong Kong thư thái như một người ngụ cư thường mà Triều Tiên không làm phiền cho xin tí huyết.

Ta có thể lấy một trường hợp tương đương. Một lãnh đạo của phong trào Hamas là Khaled Meshal được Jordan cho dung thân. Năm 1997, tình báo Israel gửi người sang ám sát, xịt thuốc vào tai khiến ông mê man không hồi tỉnh. Jordan là quốc gia Ả Rạp thứ nhì công nhận Israel (sau Ai Cập, và chưa có nước thứ ba), sát nách và có quan hệ tốt, tại Jordan ta ngày nay có thể gặp khách Israel tắm biển ồn ào. Jordan bèn bảo, Meshal mà chết thì cắt đứt quan hệ và xóa bỏ hiệp ước 1994 với Israel. Vậy là giám đốc tình báo Israel đích thân chạy sang, mang theo thuốc giải độc. 1999, Meshal bị Jordan mời ra khỏi nước và sang Qatar. Nhưng còn ở Jordan họ thì họ phải bảo vệ, người Ả Rạp không đùa với an ninh của khách trong nhà.

Khaled Meshal, vẫy chào đám đông trong cuộc tuần hành kỷ niệm 25 năm thành lập phong trào Hamas. Ảnh chụp tại Gaza City, 8. 12. 2012, của Reuters

Nhân đây xin nhắc lại là năm 1968, tình báo Nam Hàn từng sang Tây Đức bắt cóc 17 người mang tội “thân Triều Tiên” và mang về Hán Thành, khiến Tây Đức phải dọa cắt quan hệ ngoại giao. Năm 1973, tình báo Hàn quốc lại bắt cóc lãnh tụ đối lập Kim Dae Jung tại Nhật Bản. Xui cho họ, mang ông này về, bỏ tù ông, lên án xử tử v.v. khiến 1997 ông trở thành…tổng thống, đoạt Nobel Hoà bình năm 2000. Phải chi cho một liều thuốc là xong.

Tổng thống Hàn Quốc Dae-jung gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il vào năm 2000. Ảnh từ trang này 

Điều quan trong thứ nhì là Macau là nơi rất sạch, nếu bạn có nhiều tiền và tiền bẩn. Các dịch vụ tài chính quốc tế của Triều Tiên một số lớn nhỏ gì đó qua lối cửa này. Chính Nam sống bằng cách nào? Ông phải có nguồn thu nhập, và đó từ các phần tài khoản của cha ông để lại hay để lại cho ông tại Macau. Tóm lại, đây là nơi l‎ý tưởng, cuộc sống phóng khoáng, có an ninh và ngay tại nguồn tiền, ATM nào cũng nhận ra được mã của Chính Nam.

Nhưng ở mãi cũng chán. Tháng 9. 2016 người ta ghi nhận Chính Nam có mặt tại Paris. Ông sang đó thăm con, đang học tại Viện Chính trị học Paris. Cậu này, trước đây theo học phổ thông tại Mostar, Bosnia. Sciences Po Paris là một đại học ưu, khỏi nói, nhưng tại sao cậu lại học ở Bosnia chết tiệt cấp phổ thông? United World College là một trường ưu hàng đầu quốc tế ở cấp phổ thông này, lập ra để đào tạo lãnh đạo tương lai yêu hòa bình trên thế giới (1962) và tại Bosnia có một chi nhánh. Chẳng lẽ họ từ chối cháu nội của Kim Chính Nhật, nhất là đã có máu lãnh đạo sẵn ở trong người. Cậu này lúc ở lớp 12 có phát biểu trên TV Norway là cậu sẽ hoạt động cho nhân quyền (nói chung chung, cậu không đề cập đến Triều Tiên). Tháng 9. 2016 có lẽ cậu tốt nghiệp Sciences Po và bố cậu sang đó dự lễ? Nay thì cậu đã về Macau cho vững bụng.

Trường United World College tại Mostar, Bosnia, nơi con trai ông Kim Chính Nam theo học. Ảnh từ Internet

Trở lại Malaysia, đây là nước có quan hệ rất tốt với Triều Tiên. Nước này gửi công nhân hầm mỏ sang đây lao động. 300 người (?) không phải là một con số lớn nhưng với Triều Tiên thì là một việc lạ. Trong thập niên 60-70, (Nam) Hàn Quốc từng gửi 8.000 thợ mỏ và 11.000 y tá sang Tây Đức lao động xuất khẩu, và có lẽ tiền lệ miền Nam này đã gợi ý cho chương trình thợ mỏ (Bắc) Triều tiên sang Malaysia. Thơ mộng thì ta có chuyện tình trong bộ phim “Ode to my father” (2014, JK Young), trong đó một cô y tá yêu một anh thợ mỏ tại Tây Đức. Kém thơ mộng thì thì bản thân người viết (xin lỗi bạn đọc, kể chuyện riêng), trong một buổi họp mặt của người Hàn Quốc tại Los Angeles, có một bà da đã nhăn nheo đến hỏi “Anh trông mặt thấy quen quá, phải oppa trước là công nhân thợ mỏ bên Đức? Em đây hồi đó làm y tá”!

Màu cờ Triều Tiên (trái) và cờ Malaysia. Minh họa từ trang này 

Malaysia là một nước hiếm hoi công dân Triều Tiên được nhập cảnh mà không cần visa và ngược lại. Xin nhắc lại, nếu chuyện này bình thường giữa nhiều quốc gia thì với Triều Tiên là một biệt lệ. Đại học tư (hạng tầm tầm) HELP của Malaysia cũng có sinh viên Triều Tiên theo học, chí ít là các con của cựu đại sứ Triều Tiên tại Malaysia, ông Jang Yong Chol, cùng vài ba cô chiêu cậu ấm khác. Ông Jang đại sứ này là cháu của ông Jang Sung Taek, dượng của Kim Chính Ân và “cha nuôi” của Kim Chính Nam. Lúc bé, mẹ ruột thì bị đày sang Moscow, bố thì đang vui duyên khác (với mẹ ruột của Chính Ân), Chính Nam được cô ruột và dượng chăm sóc cho. Mấy năm trước, Chính Nam cho biết là ông vẫn còn được dượng giúp đỡ. Dượng Sung Taek là người quyền thế nhất nước sau khi anh rể Kim Chính Nhật qua đời, hết lòng (?) phò Chính Ân lên ngôi và giữ ghế nhưng hay thề ẩu “nói láo bị chó cắn”. Ước sao được vậy nên (nghe đâu là) Chính Ân mang ông cho chó ngao ăn thịt. Khi ông này thất sủng, đại sứ Jang Yong Chol bị triệu hồi về nước, không rõ số phận ông ta ra sao.

Ông dượng Jang Sung Taek bị bắt ngay trong một hội nghị. Ảnh từ trang này 

Một liên hệ tốt khác là tại Bình Nhưỡng ta thấy taxi hiệu Proton (Made in Malaysia). Hình như có dự án thiết lập nhà máy sản xuất Proton tại Triều Tiên? Và khi Triều Tiên xâm nhập mạng của công ty Sony để trả thù bộ phim giễu nhại lãnh tụ của họ (“The Interview”, 2014) thì các hacker này dùng một cổng vào tại Malaysia.

Quan hệ Triều Tiên-Malaysia là một quan hệ tốt nhưng ở mức độ, và ở mức độ, có thể cợt nhả, kiểu sang bếp mượn cái chảo, mượn cái đầu của Chính Nam, mà không cần báo. Sau sự cố này, có thể là Malaysia nghiêm nét mặt lại hay vùng vằng kiểu “mới đi uống nước với nhau mà đặt tay lên vai, đâu phải là nhận lời đi xem hát!” Quan hệ xem hát hay quan hệ nhà nghỉ của Malaysia là với Saudi Arabia, chí ít là trong trường hợp của thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak.

Vua Salman Abdulaziz Al Saud của Ả Rập Saudi và Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ảnh từ trang này 

Khi bị phát hiện là có một tài khoản 681 triệu USD thì thủ tướng bảo, à, quên mất, đó là quà của hoàng gia Saudi. Họ cám ơn ông về việc ông chống ISIS đấy. Thế là quỹ để chống ISIS? Không, đó là quà riêng, họ thấy tôi quay giò lái đẹp giống Jean Claude Vandame, ISIS hoảng sợ bỏ chạy khỏi Malaysia, họ ngưỡng mộ quá, họ tặng tôi riêng và tôi nhận như là ca sĩ nhận hoa. Ngoại trưởng Saudi bèn xác nhận ngay chuyện này đúng thế! Mọi người còn tỏ ý ngờ vực “bác nói thế nào!”, khiến Razak bực mình. Thế thì tôi trả quà lại! Ông “trả” 620 triệu USD (“Anh không cần quà”), nhưng số lẻ là 61 triệu thì không thấy nói đến nữa, có lẽ 9-10% là tiền lệ phí lôi thôi chuyển qua chuyển lại mất cả thì giờ?

 

Ý kiến - Thảo luận

10:38 Thursday,4.1.2018 Đăng bởi:  Phạm Công Tráng
Các bác có hiểu biết về chuyện "hàng xóm" rành quá. hihi. 
Bao giờ ta mới được nói "chuyện nhà" rành rọt thế này nhỉ? 
chứ cứ kiểu "trong nhà chưa tỏ - ngoài ngõ đã tường" thế này chả biết tin ai. 
...xem tiếp
10:38 Thursday,4.1.2018 Đăng bởi:  Phạm Công Tráng
Các bác có hiểu biết về chuyện "hàng xóm" rành quá. hihi. 
Bao giờ ta mới được nói "chuyện nhà" rành rọt thế này nhỉ? 
chứ cứ kiểu "trong nhà chưa tỏ - ngoài ngõ đã tường" thế này chả biết tin ai.  
8:49 Thursday,23.2.2017 Đăng bởi:  Zenith Phuong

Trước đây Malay có Cộng sản thì thân Bình Nhưỡng em thấy cũng okie. Sau cách mạng họ đánh chính dân Cộng mà giờ vẫn có tình thân thì em cũng thấy lạ :)


...xem tiếp
8:49 Thursday,23.2.2017 Đăng bởi:  Zenith Phuong

Trước đây Malay có Cộng sản thì thân Bình Nhưỡng em thấy cũng okie. Sau cách mạng họ đánh chính dân Cộng mà giờ vẫn có tình thân thì em cũng thấy lạ :)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả