|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & Bình“Giá thánh” (bài 2): … bởi Cô thương nên lửa khói vàng son lẫm liệt 06. 04. 17 - 6:27 amVũ Lâm(Tiếp theo bài 1) Bàn thêm từ hai bình luận của người thật và nick ảo Trong nghệ thuật tạo hình thời này, việc bình luận chẳng phải độc quyền của ai. Triển lãm Giá thánh của Trần Tuấn Long đã hết ngày, và từng bức sơn mài sẽ chia tay tác giả “thăng” về một vài bộ sưu tập. Nên cũng thật tiếc cho ai thích mà không đến sờ tận tay, xem tận mắt. Một triển lãm như thế được coi là thành công về mọi mặt, và tác giả tự hào với công phu bỏ ra, nhận về những khoản nhuận thù lao thỏa đáng lương tâm mà không phải đeo mặt nạ lĩnh giải như kiểu trúng số Vietlott. Để rồi lại tiếp tục cái nghiệp đan thanh, mua vàng, son, vóc, mầu về rồi gù lưng ra mà đập vỏ trứng. Bạn bè họa sĩ sẽ thật tâm chúc mừng anh và một vài người sẽ thật lòng thầm ghen tị. Nhân đây, tôi muốn bàn thêm về hai bình luận mà tôi cho là đáng kể về triển lãm, cũng “một thực một ảo”. Nhận xét đầu tiên của họa sĩ Lý Trực Sơn, một đồng nghiệp đàn anh của tác giả thì lại khá ảo (bởi vì nó chính danh), đại ý: Người họa sĩ nói được điều mình muốn với sơn mài thì đấy là một khả năng lớn. Nhưng rồi khi làm được điều đó, sẽ nhận ra rằng để muốn một điều gì đó trong nghệ thuật thì là điều rất khó. Nhận xét thứ hai thì rõ ràng và khắc nghiệt hơn (bởi vì đó là nick ảo trên Soi), tôi trích nguyên văn: “Người vẽ đẹp không phải vì có được một chất liệu vàng son quý giá và sang trọng như sơn mài… Trần Tuấn Long vẫn thiếu một cái cốt yếu của người vẽ đẹp. Anh rất chi tiết, rất cẩn thận, từng góc tranh được chăm chút. Nhưng không thoát được hiện thực ảnh và tạo hình vẫn bị dài dại, dặt dặt…” Cần nói ngay rằng tôi không có gì phản biện hai ý kiến trên, thậm chí còn tán đồng. Ý của họa sĩ Lý Trực Sơn là lời cảnh tỉnh và hy vọng cho đàn em, đúc kết từ sự nhận thức trong nghệ thuật của chính ông (đã dành cho mình). Nhưng mà mỗi tạng mỗi cách, nhìn lại chính mình thì từ khi mình lớn, đến bố mẹ mình mình còn cãi văng xích chó, sùi bọt mép ra cơ mà, rồi đến khi mình thành phụ huynh, mới biết thông cảm ngược. Phụ huynh, hay thầy cô, cứ sau nhiều năm dạy dỗ, sẽ nhận thấy, là cứ đứa nào hay làm trái ý mình nhất, thường lại là đứa thành công hoặc kế thừa được ý chí mình nhất. Thế nên những người trẻ đang tập bước hành quân trên con đường nghệ thuật, hay nhất là nên bước theo trái tim mình. Nhưng cũng đừng vì thế mà chẳng coi ai ra gì, không khoanh tay khiêm tốn lắng nghe người đi trước (nghe người đi trước thì hầu hết chỉ có lợi, chí ít là lúc túng dễ được cho tiền). Còn ý kiến của nick ảo thứ hai, thì tôi muốn đàm luận thêm. Sơn mài có cái ngược hẳn với sơn dầu, đó là vì sơn dầu là dùng mầu tạo chất, còn sơn mài dùng chất thật để tạo mầu. Thế nên việc người đeo đuổi sơn mài bỏ tiền tấn ra mua chất liệu quý giá và sang trọng để vẽ, dù họ có vẽ xấu chăng nữa, cũng đã là một sự… tạm gọi là dũng cảm (khi tranh chưa bán được thì là ngu ngốc hay liều lĩnh rất khó phân biệt). Trần Tuấn Long có đai có đẳng trong nghề làm tranh sơn mài, nên vấn đề “kỹ thuật” không cần phải bàn nữa. Nhưng cần biết là muốn diễn “hiện thực ảnh” thì làm sơn mài mất công, thời gian và khó hơn sơn dầu nhiều lần. Tôi cũng phỏng chừng các thanh đồng được mô tả “hiện thực ảnh” trong tranh Long ấy không phải được ký họa dựng hình theo kiểu trường lớp mà anh phải dùng tư liệu ảnh. Nhưng đó là việc bếp núc nghề họa, cũng chẳng quan trọng bằng hiệu quả sẽ thế nào. Hình họa A cộng, ghi chép ký họa, mầu sắc ngon nghẻ nhanh như lắc chảo đâu chắc đã vẽ được tranh hay, thành họa sĩ lớn. Việc bức tranh của Long xấu hay đẹp, cũng không phải việc tôi quan tâm. Điều tôi quan tâm những chân dung “người mẫu bí mật” của Long. Cùng một chân dung, anh vẽ ra được (không phải năm mươi, mà) vài sắc thái, khi thì ngây thơ đờ đẫn, khi thì trầm tư, khi tươi tỉnh, lúc thì gian ngoan, lúc lại nghiêm ngắn như vai tuồng chính diện. Ấy là phải yêu và quan sát người được vẽ ấy lắm, mới lột tả được, cho chúng ta xem. Và cuối cùng điều cốt yếu, xấu đẹp, chân dung chân diếc… kỹ thuật kỹ thiếc không phải việc đáng lưu tâm, mà cái chính là những bức tranh của Long, chúng gợi ra được một không khí vừa kinh kinh rờn rợn, vừa trang nghiêm thần thánh, vừa tưng bừng tớn tác ở các phủ điện, đền Mẫu, mà ai đã từng chứng kiến, mới thấm. Cái cách “tạo hình dài dại, dặt dặt” (nick kia tìm được chữ rất hay), thì ngược lại, tôi cho rằng đấy là một ý khen vô tình (của “địch”). Bởi chính cái “dài dại, dặt dặt” ấy là chất xương hầm ngọt nhất để gây nên cái không khí vừa kể trên kia. Và vậy mới làm chúng tớ hiểu ra tại sao người ta say mê cái món hầu đồng đến thế. Người buôn bán, kẻ quan chức thì trông mong điều may rủi, lợi lộc buôn một bán mười; người quan tâm đến văn hóa thì thích cái chất nghệ thuật thú vị; dân thường thì khoái chá cái tính sân khấu giải trí kỳ khôi. Còn người nghiêm túc, duy lý khô khan quá như các nhà chính trị nhiều thời thì cũng say mê… chống kịch liệt! Trần Tuấn Long đã tìm được con đường sơn mài của mình để đưa hội họa chạm vào một nghệ thuật trình diễn thuộc loại kỳ lạ nhất của truyền thống văn hóa Việt nằm dưới vô số lớp lượt áo lịch sử thăng trầm từ tín ngưỡng thuộc loại lâu năm nhất còn tồn tại. Nên nhớ rằng phủ điện thờ Mẫu và lên đồng có lịch sử thành văn được ghi lại từ thời Lý (trong huyền sử thì chắc còn xưa nữa), và nó cũng đã bị chính quyền phong kiến trấn áp ngay tự bấy giờ. Tướng quân bách thắng Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt từng ra lệnh dẹp nhiều phủ điện (phải chăng như vậy nên không có giá hầu “Tôn quân Lý triều” mà chỉ có giá “Tôn quân Trần triều” ) Và tấu lạy Cô, được Cô thương, nên đây lộc thánh văng như châu chấu, tiền ròng lượn tựa bướm bay, trong lửa khói vàng son lẫm liệt ạ…! Điều cuối cùng tôi muốn “á a a, á à à a” là, tôi phỏng đoán vui rằng từ “tâm lý truyền thống mới của dân tộc” sau thành công của “anh Long dô”, sẽ có thể có người lẹ chân nhảy vào con đường ấy. Nhưng hãy lưu ý là cái trò này người ta gọi là “phải có căn” mới làm được đấy. Cô thương, Cậu rủ lòng thì ăn nên làm ra, nếu chẳng thương thì Cô, Cậu sẽ vật cho sặc tiết. Không phải như đạo Phật, trong các tín ngưỡng đa thần nguyên thủy (chưa tiến hóa thành các tôn giáo độc thần với giáo lý – quy – điều đầy đủ đang chiếm số tín đồ đông nhất thế giới) thì thần thánh cũng như con người, có oán ân, tỵ hiềm, hớn hở, thất tình lục dục thất thường đủ cả. Hay nói một cách khác, họ chính là hình chiếu lung linh của chính mỗi con người vừa tầm thường, vừa vĩ đại, là chúng ta đó mà thôi. Nên chăng, hẵng coi chừng từ ngay chính cái bản thân chúng ta đi cái đã. Nên chăng? Ý kiến - Thảo luận
20:16
Thursday,6.4.2017
Đăng bởi:
giang hoa
20:16
Thursday,6.4.2017
Đăng bởi:
giang hoa
Anh Long vẽ đẹp thêm bài viết lại càng thấy chiều sâu
10:55
Thursday,6.4.2017
Đăng bởi:
Candid
Tranh cắt nhỏ ra thì được nhiều tranh hay và ấn tượng.
...xem tiếp
10:55
Thursday,6.4.2017
Đăng bởi:
Candid
Tranh cắt nhỏ ra thì được nhiều tranh hay và ấn tượng.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp