Đi & Ở

Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn 13. 04. 17 - 2:36 pm

Đặng Thái

Khách du lịch đi Thành phố Hồ Chí Minh thường chủ yếu “ăn quận Năm, nằm quận Ba, la cà quận Nhất”, có chăng là tham quan thêm Củ Chi. Nếu cùng người địa phương, đi lang thang mới thấy thành phố này rộng mênh mông như thế nào. Nhiều người chê rằng tên Thành phố Hồ Chí Minh quá dài, nhưng nếu gọi đúng ra theo địa danh thì phải là thành phố Sài Gòn-Gia Định hay thành phố Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn còn dài nữa. Rời trung tâm Sài Gòn, đi về phía đông tức tỉnh Gia Định cũ, ta vẫn còn tìm thấy nhiều giá trị văn hóa lịch sử.

Quận 9 được thành lập lại từ năm 1997, tách ra từ Huyện Thủ Đức, phía Đông Bắc giáp Biên Hòa, Dĩ An, “đô thị hóa” đến nay đã 20 năm nhưng vẫn còn rất nhiều phong vị của một vùng nông thôn ngoại ô. Mình đi qua một con đường tên là đường “Đình Phong Phú” thì thấy rất thú vị vì bên quận 8 cũng có một chỗ tên là “đường Phong Phú”, trên đường có Đình Phong Phú. Thì ra ở quận 9 này cũng có một Đình Phong Phú và do trùng tên nên đường phải đặt thành “Đường đình Phong Phú”.

Đình làng là một biểu hiện rõ rệt của văn hóa người Kinh và mô hình làng xã ấy đã được mang theo trong những cuộc di cư suốt chiều dài đất nước này. Dĩ nhiên hình thức và tập quán thờ cúng trong đình đã biến đổi rất nhiều từ địa đầu Móng Cái cho đến vùng Đông Nam Bộ này, nhưng nó vẫn sừng sững như một minh chứng cho dấu ấn của giống người Việt. Cả thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn chỉ có 25 di tích lịch sử cấp quốc gia (cộng thêm 30 di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia), có điều tất cả các di tích này đều là từ thời hiện đại (cách mạng). Chỉ có 2/25 di tích là hai ngôi đình, ngoài liên quan đến cách mạng ra thì còn có thêm chút xíu giá trị cổ xưa.

Lần này tình cờ lại được xem một ngôi đình có nhiều điều đặc biệt thích thú. Khuôn viên của đình Phong Phú rất rộng, rộng nhất trong các đình mình từng đi đến giờ. Đình không phải kiểu cổ vì ngày trước tiêu thổ kháng chiến đã kéo sập rồi, mới xây lại năm 1975. Phía trước thì xây bê tông nhưng trong gian chính điện vẫn dựng bằng cột gỗ.

Biển ở giữa ghi “Đình-Phong-Phú, Tương-lân-quí-tế-hội” hai bên là “Phong-điều-võ-thuận” và “Quốc-thới-dân-an”. (Ảnh toàn bài của Đặng Thái, trừ hình nào có chú thích khác)

Ở ngay trên sân, sau cổng tam quan có ban thờ Thần Nông (Tắc Thần), một bên thờ Ngũ hành nương nương. Hai điều này rất đặc trưng của đình Nam Bộ, cầu xin trực tiếp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; nhiều đình có luôn cả ban thờ Thổ công (Xã Thần). Ở đình miền Bắc không thờ Thần Nông, chỉ có vua mới tế thần ở đàn Xã Tắc mà thôi. Ngũ hành nương nương không có sự tích rõ ràng nhưng được thờ khắp hang cùng ngõ hẻm ở miền Nam, tương trưng cho năm yếu tố vật chất căn bản. Người ta hình tượng hóa thành các bà – nữ tính, theo mình chính là một sự biến đổi của tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ.

Ngũ hành nương nương. Ảnh từ internet

Nhiều người theo đạo Mẫu ngoài Bắc cho rằng trong Nam không có thờ Mẫu thì không đúng. Chỉ là hình thức hầu đồng, lễ nghi quy tắc, quan niệm về Tứ Phủ không giống, còn về bản chất vẫn là một. Chẳng qua là các Mẫu ở đây đã chuyển thành các Bà chúa mà thôi. Vào ngày vía các bà cũng có lễ múa bóng rỗi, do những người đồng tính nam (tiếng miền Nam gọi là pê-đê hay bóng) múa hát và biểu diễn tạp kỹ, những người này cũng phải có căn, rất giống với thanh đồng ngoài Bắc. Vào kỳ vía bà, người đi lễ đông không kém gì ngày chính hội Thành hoàng. Các Bà cũng được thờ ở hậu điện của chùa, hệt như các Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hình thức tôn giáo Shaman đặc trưng bản địa, thể hiện rằng dân tộc ta vẫn thuộc về Đông Nam Á, thuộc về mẫu hệ, nay càng được cổ vũ trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc được nâng cao, thoát Trung và chứng mình mình khác Trung Quốc. Thờ mẫu Tam Phủ đồng bóng đã từng bị cấm đoán nghiêm ngặt, đến mức hát chầu văn gần như thất truyền. Nay được tôn vinh để trở thành di sản văn hóa phi vật thể UNESCO nhưng hát văn thì đã mai một, giờ nghe na ná chèo và cải lương.

(Tương tự như vậy, ở Hàn Quốc người ta cũng đã từng tiêu diệt tận gốc tín ngưỡng bản địa trong phong trào Mê tín đả phá vận động do Tổng thống Park Chung Hee đề xướng. Đạo Mu (Mugyo/Singyo) là tín ngưỡng shaman bản địa của Triều Tiên/Hàn Quốc (Mu tiếng Hán là “Vu” nghĩa là đồng cốt chứ không phải Mu theo tiếng Nôm nhà ta). Trên thực tế, chính quyền của ông Park cho đập phá miếu mạo, cổng làng bao nhiêu thì đau đớn thay con gái ông (và có lẽ cả chính ông) lại tín bấy nhiêu. Một trong các cố vấn của Park Chung Hee là Choi Tae Min. Ông này đã từng xuất gia làm sư, nhưng dưới thời họ Park dẹp các tôn giáo bản địa và với ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ thì cải sang Thiên chúa giáo là con đường ngụy trang duy nhất cho các ông đồng bà cốt. Ông Choi Tea Min gặp bà Park Geun Hye sau khi mẹ bà bị ám sát để nói rằng mẹ bà đã báo mộng cho ông, và rằng ông có thể gọi hồn bà về nói chuyện. Tiểu thư Hye mới 23 tuổi đã mất mẹ, lại nghe thầy bói Choi tiên đoán rằng sẽ mất cả cha nên theo điện của thầy từ đấy.

Trong bức ảnh này, chụp năm 1979, bà Choi Soon-sil (áo trắng), con gái thầybói Choi Tea Min tháp tùng bà Park Geun-hye, khi ấy là Đệ nhất Phu nhân của Hàn quốc (thay cho mẹ), trong một sự kiện ở Seoul. Ảnh từ bài này 

Thầy chết năm 1994, con gái thầy cũng ra trình đồng, tức là bà Choi Soon Sil, tiếp tục giúp bà Park thăng quan tiến chức đến Tổng thổng Đại Hàn Dân Quốc. Nhưng không rõ bố con họ Thôi quên chưa giải hạn năm nay cho bà Park hay tại không rành phong thủy mà 65 tuổi đầu rồi vẫn còn dính phải chữ “phạm”. Chuyện bà Park mê tín với bọn Tây thì khó hiểu chứ với dân ta lại rất dễ cảm thông. Giờ thì đạo Mu lại thịnh hành ở Hàn Quốc và người ta cũng nườm nượp đi chùa trở lại.)

Quay lại bài chính, ở miền Nam không có nhiều Thành hoàng có thần tích, tên tuổi đàng hoàng, hầu hết chỉ thờ một tấm bài vị có viết chữ THẦN (神) rất to, coi như Thần bản cảnh thành hoàng vô danh mà thôi. Điều này càng làm cho ngôi đình này đặc biệt, đó là trong đình ngoài tấm bài vị nói trên còn có tượng thờ dưới dạng tượng tròn. Một số ban đều có tượng gỗ sơn, có thể nói đây là hiếm có, nếu không muốn nói là ngôi đình duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh có tượng thờ trong chính điện.

Tượng thần ngồi trong ban, che chắn kín đáo nên mình cũng… ngại không dám chụp.Hoành phi “Thần ân thánh đức” chữ không thếp vàng?!

Phần nóc của gian chính điện được nâng lên một tầng lầu thấp, làm kính bốn mặt để dẫn ánh sáng tự nhiên vào khá hiện đại. Ánh nắng đi vào trong nhà thành các tia rất đẹp mà không làm mất vẻ uy nghi, khác hẳn với nhiều đền chùa tối mò mò. Tất cả kèo và xà trên trần nhà đều được sơn đỏ, rất vui tươi, màu mè.

Hoành phi ghi “Hộ quốc tý dân” (護國庇民) tức là “Bảo vệ đất nước, che chở nhân dân. Đây là điều mà triều đình luôn mong các thần phải làm, vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà.

Sắc phong cho Thành hoàng làng Phong Phú, có đóng dấu Sắc mệnh chi bảo theo đúng quy cách từ chữ niên trở xuống.

Mặc dù sắc phong này sản xuất theo lối công nghiệp (làng nào cũng giống làng nào, chỉ khác tên địa danh, mấy làng gần nhau có khi các thần còn giống nhau mỹ tự được phong) nhưng có sắc phong vẫn là một điều đáng tự hào: nó là sự công nhận chính thức của Nhà nước. Nhiều ngôi đình hàng trăm năm tuổi, sự tích thêu dệt nọ kia rất nhiều nhưng sắc phong thì không còn giữ được hoặc không được cấp. Thần đình Phong Phú là thổ thần, bậc thứ ba là hạ đẳng, theo quy định thời Tự Đức thì tên phong phải có chữ “Đôn Ngưng”. Nguyên văn sắc phong cấp cho thần đình Phong Phú (theo mẫu chung cấp cho vùng Biên Hòa, Thủ Đức, Thủ Dầu Một) như sau:

“Sắc bản cảnh thành hoàng chi thần. Nguyên tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả gia tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần.
Chuẩn Gia Định tỉnh, Tân Bình phủ, Tân Long huyện, Tân Phong Hạ tổng, Phong Phú thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật.” (Trong đợt sắc phong này, toàn quốc cấp tất cả là 13.069 sắc phong, riêng Quảng Nam trở vào là 2749 sắc nên không viết tay nữa mà in mộc bản cho nhanh).

Ban quản lý đình rất cẩn thận, có ngay bản dịch cho bà con cùng đọc hiểu được.

Tổ chức quản lý công việc và tế tự ở đình làng Nam Bộ thường gọi là Ban quí tế.Như ở đình Phong Phú này gọi là Tương lân quí tế hội hay Hội đình. Ban hội đình chỉ chọn đàn ông, vợ con đầy đủ, luật lệ không nghiêm ngặt như ngoài Bắc. Lễ quan trọng nhất trong năm ở mỗi đình gọi là Lễ Kỳ Yên tức là lễ tế Thành Hoàng. Trong dịp này sẽ có mời đoàn ca múa nhạc về để hát chầu (hát cho thần nghe) và hát bội (hát cho dân nghe).

Gian nhà để biểu diễn nghệ thuật phía trước chính điện gọi là Võ ca.

Đình được xếp hạng là di tích lịch sử-cách mạng vì ở góc vườn, cạnh nhà vệ sinh có một cái hầm bí mật để giấu cán bộ cách mạng. Thời chiến tranh, Ngụy triều từng cho cảnh sát đến lục soát, bắt giam cả Ban quí tế để tra khảo nhưng các cụ nhất quyết không khai. Trong số nghĩa quân được Thành hoàng làng Phong Phú che chở, Ban quí tế cưu mang khi ấy, sau có người làm đến chức Thái Sư bản triều.

Ảnh chụp Thủ tướng Võ Văn Kiệt thắp hương tại đình.

Sở dĩ quyết định viết thành một bài cũng chỉ vì thấy những chi tiết dễ thương khi vào đình thăm thú. Mỗi khi có người vào làm lễ, quỳ xuống khấn xin, bất kể có bỏ tiền công đức hay không, bất kể người quen hay khách lạ, là có một người trông đình, chống nạng đi ra, ngồi cạnh cái chuông bát, gõ đều đều đến khi người khách khấn xong đứng dậy. Khi vào thì thấy có dòng chữ lớn trên tường: “Hân hoan chào mừng quý khách”, khi ra thì trên cổng có đắp dòng chữ: “Chúc quý khách thượng lộ bình an”, rất chân chất, rất thân thiện. Bao bọc lấy đình là cả một khu rừng cao su mát mẻ. Tự nhiên giữa phố có một mảng rừng, rất hay!

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

12:55 Wednesday,11.8.2021 Đăng bởi:  Đặng Thái
Cảm ơn anh Tuấn đã đọc bài và chia sẻ những cảm nghĩ rất xúc động. Cho tôi xin phép được gửi lời chia buồn tới gia đình anh và cầu mong cho Cậu Năm được yên nghỉ. Khuôn mặt Cậu Năm luôn toát lên vẻ nhẫn nại mà thanh thản. Thật buồn khó tả khi thấy một phần ký ức của ngôi đình và mảnh đất Phong Phú đã đột ngột rời đi như thế.Khi nào bệnh dịch trôi qu
...xem tiếp
12:55 Wednesday,11.8.2021 Đăng bởi:  Đặng Thái
Cảm ơn anh Tuấn đã đọc bài và chia sẻ những cảm nghĩ rất xúc động. Cho tôi xin phép được gửi lời chia buồn tới gia đình anh và cầu mong cho Cậu Năm được yên nghỉ. Khuôn mặt Cậu Năm luôn toát lên vẻ nhẫn nại mà thanh thản. Thật buồn khó tả khi thấy một phần ký ức của ngôi đình và mảnh đất Phong Phú đã đột ngột rời đi như thế.Khi nào bệnh dịch trôi qua, đi lại bình thường, nhất định tôi sẽ về lại ghé đình. Mong anh và cả đại gia đình gắng giữ gìn sức khỏe. 
22:19 Tuesday,10.8.2021 Đăng bởi:  Trần Thanh Tuấn
Cám ơn Tác Giả về bài viết,tôi là người sinh ra,lớn lên và gắn bó với vùng đất Phong Phú này,các chi tiết viết về ngôi đình Phong Phú ở vùng Thủ Đức này rất hay, chi tiết người chống nạng đi ra gõ chuông cho khách hành hương cũng có thực, và người đàn ông chống nạng đó chính là cậu ruột của tôi, cậu đã gắn bó hầu như cả cuộc đời của cậu dành cho ngôi
...xem tiếp
22:19 Tuesday,10.8.2021 Đăng bởi:  Trần Thanh Tuấn
Cám ơn Tác Giả về bài viết,tôi là người sinh ra,lớn lên và gắn bó với vùng đất Phong Phú này,các chi tiết viết về ngôi đình Phong Phú ở vùng Thủ Đức này rất hay, chi tiết người chống nạng đi ra gõ chuông cho khách hành hương cũng có thực, và người đàn ông chống nạng đó chính là cậu ruột của tôi, cậu đã gắn bó hầu như cả cuộc đời của cậu dành cho ngôi đình này. Cậu Năm của tôi vừa qua đời cách đây 4 ngày, cậu không có vợ con, chỉ có anh chị em và những người cháu kề cận với cậu đến những giây phút cuối cùng của đời người,tôi vô tình đọc được bài viết này của tác giả và khi đọc đến phần viết về cậu tôi,tôi đã khóc....

Tôi cầu mong tác giả của bài viết luôn khoẻ mạnh,và nếu có dịp hãy trở lại thăm ngôi đình Phong Phú ở Thủ đức này,và dành chút thời gian để tưởng nhớ về người chống nạng gõ chuông tại Đình Phong Phú, xin cám ơn !!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả