Kiến trúc

Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường? 09. 10. 15 - 6:52 am

Đặng Thái

Lời mở đầu: Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc đang tiến hành dời thủ đô từ Seoul về một thành phố được xây mới hoàn toàn đặt tên là Sejong (Thế Tông) ở xa hơn về phía nam. Như đã nói ở bài trước, vị trí của Seoul quá nguy hiểm khi có chiến tranh nổ ra, vì vậy mục tiêu của thủ đô mới là quy hoạch lại một cách khoa học trụ sở các cơ quan đầu não (theo phong thủy), đảm bảo an toàn cho chính quyền trong mọi tình huống và giảm tải áp lực đô thị hóa khủng khiếp đang đè nặng lên Seoul. Nhưng chúng ta sẽ không tìm hiểu về Sejong trong bài này, thay vào đó sẽ tiếp tục nghiên cứu một số công trình quan trọng của Nhà nước đã và vẫn sẽ nằm lại Seoul.

Các di tích cổ quan trọng của triều đình kiêm điểm du lịch (từ trái qua theo chiều kim đồng hồ): Đàn Xã Tắc (Sajik), Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung), Xương Đức Cung (Changdeokgung), Xương Khánh Cung (Changgyeonggung), Tông Miếu (Jongmyo), Đức Thọ Cung (Deoksugung) và Khánh Hi Cung (Gyeonghuigung).

Xương Đúc Cung

Sau khi Cảnh Phúc Cung hết bị phá lại bị cháy, hoàng gia Triều Tiên đã chuyển sang sử dụng cung điện lớn thứ hai nằm cách cung điện lớn nhất một đoạn. Cung điện này nhỏ hơn, phong cách kiến trúc khiêm nhường hơn, trang trí bớt lòe loẹt hơn và quan trọng là tòa ngang dãy dọc phần nhiều là đồ thật. Đó là Xương Đức Cung, điểm đến thực sự cho ai muốn tìm hiểu kiến trúc và lối sống cung đình Hàn Quốc thuở trước. Cung điện này nhiều cây xanh hơn trong khuôn viên nhưng lại ít khách tham quan mà nhiều chỗ sân đất nện bụi bặm trông hơi xơ xác tiêu điều, mặc dù mình đánh giá là hài hòa hơn hẳn cung bê tông-đá tảng đằng kia.

Đôn Hóa Môn – Cổng chính vào Xương Đức Cung, nước sơn trên gỗ đã bạc màu. Trên tầng hai có cái chuông đồng cổ nặng tám tấn.

Xương Đức Cung thường được gọi là Đông Cung vì nó nằm phía Đông cung điện chính. Ai mê phim cổ trang thì hẳn đã quen tai cụm từ Đông cung Thái tử. Sở dĩ gọi như vậy vì Thái tử kế vị luôn sống trong cung điện nằm phía Đông cung điện của vua đang tại vị. Đây là một truyền thống của các triều đình Khổng giáo: người đàn ông được chọn để thừa kế ngôi Hoàng Đế sau lễ tấn phong Thái tử thì sẽ phải ra ở Đông cung. Hướng Đông là hướng mặt trời mọc, tức là đem lại sinh khí hàm ý thể hiện sự phát triển đi lên. Có một điều mà ta thấy nhiều phim cổ trang Hàn Quốc thường “ăn gian” đó là dùng cụm Đông cung Thái tử trong khi các vua Triều Tiên chỉ xưng Vương, nên thực tế chỉ sử dụng Đông cung Thế tử, giống như con của chúa Trịnh ở ta cũng gọi là Thế tử vậy.

Đông Cung Đồ – bản đồ toàn cảnh Xương Đức Cung (bên trái) và Xương Khánh Cung (bên phải), là quốc bảo số 249 của Hàn Quốc. Tranh vẽ trên lụa bồi giấy, ghép bởi 16 tấm gỗ. Tranh và bản đồ cổ của Hàn Quốc còn rất nhiều, vẽ cực đẹp, nét bút rất tinh xảo. Đặc biệt là tranh chân dung vua chúa, quan lại nhìn mà xuýt xoa cho họ và xót xa cho nước mình.

Cung điện này cũng được xây theo quan điểm bối sơn lâm thủy nghĩa là núi sau lưng, nước trước mặt. Phía sau dựa vào núi Bắc Nhạc, phía trước có dòng suối Câm Xuyên. Tuy nhiên các tòa nhà lại không hề được xây duy ý chí theo một trục như Cảnh Phúc Cung mà xoay, đặt đủ kiểu. Tưởng lộn xộn mà thực ra lại rất phù hợp, hòa lẫn với khung cảnh xung quanh. Có lẽ vì thế mà cung điện vẫn tồn tại sau bao lần binh lửa dù đã bị tàn phá khá nhiều.

Nội thất Nhân Chính Điện với ngai vàng, cửa kính (đồ cổ) và đèn điện! Những cái bóng đèn lủng lẳng này do chính công ty Edison sản xuất. Vua Triều Tiên cũng ăn chơi, đầu tư hẳn nhà máy điện với nhập khẩu bóng đèn nguyên chiếc từ Mỹ.

Phần đẹp nhất của cung điện lại nằm ở phía sau cùng, đó là hậu uyển. Và phần này có cổng riêng để… thu phí! Mình đã bực mình quay ra xong lại chép miệng móc túi mua vé và may là cũng thấy đáng đồng tiền bát gạo. Kết luận lại là muốn xem cung điện ở Seoul, chỉ cần đi Xương Đức Cung là đủ. 

Sau khi người Nhật chiếm Triều Tiên, vua Thuần Tông bị giam lỏng trong Xương Đức Cung, đến khi vua băng hà thì lầu các cũng bị Nhật tháo dỡ gần hết, còn Cảnh Phúc Cung thì bị đập đi xây Phủ Toàn Quyền. Công trình đồ sộ này cho thấy người Nhật cũng mê tín không kém. Phải chọn ngay giữa cung điện để xây nhằm trấn long mạch. Tòa nhà này xây đúng theo hình chữ nhật nằm ngang (日) tượng trưng cho Nhật Bản (日本), nằm chềnh ềnh ở đấy để Hàn Quốc không ngóc đầu lên được.

Ảnh chụp Triều Tiên Tổng Đốc Phủ từ trên cao, phía sau là những gì còn lại của Cảnh Phúc Cung. Vào thời điểm đó, Nhật muốn Tây hóa nên thuê rất nhiều kiến trúc sư Tây thiết kế các công trình trong nước và ở thuộc địa. Tòa nhà này của kiến trúc sư người Đức George de Lalande. Ông này chết trước cả khi khởi công nên người Nhật tiếp quản và mất 10 năm để hoàn thành.

Phủ được xây chắn trước mặt Cần Chính Điện, là một khối granite khổng lồ, vững chắc nằm ngang nhằm chặn đứng trục Bắc Nam của quy hoạch cung điện, được ghi lại trong phương án thiết kế bằng tiếng Nhật: “nhằm nhấn mạnh sự chiếm đóng của Nhật và ngăn chặn sự phản kháng của Hàn Quốc”. Cổng Quang Hóa Môn phía trước tòa nhà may mắn không bị phá (nhằm dọn quang phía trước, phô trương hết mặt tiền của Phủ Toàn Quyền) do có đề nghị của Hội nghề thủ công Nhật Bản cho dời đi chỗ khác để bảo tồn.

Sau khi người Hàn Quốc giành độc lập, họ lôi ngay cái cổng về dựng ở chỗ cũ. Tòa nhà thì tồn tại thêm 50 năm nữa rồi bị đập bỏ nhân dịp kỉ niệm 600 năm Cảnh Phúc Cung. Chính quyền đưa ra lập luận rằng đây là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Nhật, xây lên chủ đích làm “mất mặt” Cần Chính Điện, còn dân thì phản đối vì vừa tốn tiền, vừa phí mất một di sản kiến trúc trong khi ga Seoul (cũ) và tòa thị chính Seoul (cũ) thì được giữ lại. Thế rồi chính phủ vẫn quyết phá (cho nó thoáng) và mất cả một năm mới phá xong. Ngày nay cái mái vòm bằng đồng và một số mảnh vụn vẫn còn được giữ lại ở Bảo tàng Độc lập thành phố Cheonan.

 

Phải công nhận là rất hoành tráng, phong cách Tân cổ điển bề thế, quyền uy và… nặng nề. Kiến trúc của Nhật thời Đế quốc sau Minh Trị Duy Tân là sự chắp vá, lắp ghép của các loại kiến trúc phương Tây nên nhiều khi xấu khủng khiếp và thô kệch cục mịch. Cái tòa nhà quốc hội Nhật hay chiếu lên thời sự mới thật là kinh hoàng.

Quang Hóa Môn

Trong bức ảnh trên còn hai công trình biểu tượng cần nói đến. Đó là cổng Quang Hóa Môn phía trước và Nhà Xanh ở phía sau. Trước hết là Quang Hóa Môn, chỉ là cái cổng vào cung nhưng là biểu tượng được người Hàn Quốc trân trọng và tôn vinh. Cổng mang về chỗ cũ sau độc lập chưa ấm chỗ thì chiến tranh liên Triều đến phá tan tành. Sau này, cụ Park Chung Hee cho dựng lại bằng bê tông và còn “ngự bút” biển tên bằng chữ Hangul để thể hiện chủ trương sử dụng triệt để chữ Hàn, bài trừ chữ Hán trong giáo dục thế hệ hậu chiến.

Khánh thành Quang Hóa Môn bê tông-xi măng với biển tên chữ Hàn.

Đến năm 2006, cổng này lại được dỡ ra xây lại bằng gỗ. Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 60% người được hỏi muốn biển tên mới làm lại sẽ viết bằng chữ Hàn nhưng cuối cùng Nhà nước vẫn cho viết bằng chữ Hán theo truyền thống. Vật liệu làm cổng chọn toàn gỗ thông xịn từ khắp cả nước, mà cấm tuyệt đối dùng gỗ nhập khẩu. Thế mà mới khánh thành dịp Quang Phục Tiết năm 2010, đến tháng 11 biển tên đã bị nứt toác ngay chính giữa. Bộ Văn hóa đổ tại trời hanh khô, còn chuyên gia thì khẳng định rằng vì quyết tâm chính trị, muốn làm cho kịp ngày lễ nên gỗ phơi chưa đủ nắng.

Khu vực phía trước cổng, được cải tạo thành quảng trường Quang Hóa Môn – trung tâm chính trị của Đại Hàn Dân Quốc. Khu vực này được thiết kế như một nơi trình diễn văn hóa, một công viên cho khách du lịch và người dân đi bách bộ. Hằng năm đây còn là điểm xuất phát của cuộc thi Marathon Seoul rất lớn (có khi bác Candid nên đăng ký tham gia). Đó là những cách làm rất hay để tạo ra một không gian sinh hoạt cộng đồng thực sự sống động giữa lòng đô thị, không bị “chết” như Thiên An Môn. Thế nên để đảm bảo vui chơi lành mạnh, chính quyền kiên quyết cấm biểu tình chỗ này, vì vậy ai qua đây sẽ thấy biểu tình theo Quang Hóa Môn style, cảnh sát đứng vây kín mít thành vòng tròn, không thấy người biểu tình đâu cả, chỉ thấy tiếng loa phóng thanh vọng ra từ bên trong hàng rào cảnh sát.

Tượng vua Thế Tông trên quảng trường Quang Hóa Môn. Hàn Quốc sùng bái ông này hết mức, in lên tiền, làm phim, dựng tượng, viết tiểu thuyết và đặt tên cho các công trình và cả thủ đô mới. Tòa nhà bên tay trái Đại Vương phấp phới cờ hoa là Đại sứ quán Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Bên tay phải Đại Vương không nhìn thấy trong ảnh là Trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Ngay giữa trung tâm chính trị, Đại sứ quán Mỹ nằm một đống to uỵch, hiên ngang đối diện với Bộ Ngoại giao. Mà Đại sứ quán Mỹ thì các bác cũng biết rồi, đã nằm ở đâu thì như cái mụn ruồi vừa to vừa đen, lại có lông loăn xoăn (dây thép gai) điểm lên giữa mặt khu phố. Không có cái Đại sứ quán-Lãnh sự quán nào của Mỹ không trông như cái lô cốt hoặc nhà máy luyện kim.

Thế nhưng việc không chỉ đơn thuần là một Đại sứ quán nằm trên quảng trường trung tâm mà bởi vì nó còn nằm bên tay trái. Bên trái luôn được người phương Đông thời cổ coi trọng hơn bên phải. Quan văn bao giờ cũng đứng bên tay trái chỗ vua ngồi, bên phía tay trái ngay sát chủ nhà là vị trí trang trọng nhất cho khách. Đông Cung của Thái Tử nằm về hướng Đông là vì vua ngồi quay mặt hướng Nam thì hướng Đông ở bên tay trái. Nên phong thủy phương Đông trọng trước sau phải trái hơn là Đông Tây Nam Bắc. Cho đến khi văn hóa phương Tây trọng bên phải du nhập vào châu Á thì các nước mới dần thay đổi, sinh ra một loạt những thuật ngữ thiên vị bên phải: lẽ phải, sai trái, tay lái thuận, tay lái nghịch, cánh hữu, cánh tả, cánh tay phải (của)… Vì vậy Đại sứ quán Mỹ nằm bên tay trái đủ thấy sự tôn trọng của Chính phủ dành cho người Mỹ đến nhường nào. Ở Sài Gòn có hai tòa nhà tương tự, số 4 Lê Duẩn với 27 Nguyễn Thị Minh Khai cũng được ưu ái cho ngồi chễm chệ bên trái Dinh Độc Lập.

Thanh Ngõa Đài

Thanh Ngõa Đài – Tòa nhà có mái ngói màu xanh. Đây là nơi ở và làm việc của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc – người có quyền lực tối cao trong Chính phủ, nằm ngay phía sau Cảnh Phúc Cung (có thế thấy trong ảnh trên). Tên tiếng Anh là Blue House, nhiều người cho là nhái tên của White House.

Ngay sau khi lập quốc, các lãnh đạo Hàn Quốc đã không làm việc trong Phủ Toàn Quyền nữa mà chuyển về khu vực phía sau bởi thấy rằng vận mệnh của chế độ thuộc địa đó chỉ tồn tại có 35 năm ngắn ngủi. Các Tổng thống đã ở chỗ này từ lâu nhưng Tòa nhà mái xanh này mới được xây lại bằng bê tông năm 1991, mô phỏng theo kiến trúc cổ truyền. Thiên hạ đồn rằng lúc đào móng, người ta tìm thấy tấm bia đá khắc mấy chữ: “Thiên hạ đệ nhất phúc địa” (miếng đất đẹp nhất cả nước). Nhìn vào hình ta có thể thấy rõ ràng tòa nhà này khác với các công trình trong Cung ở chỗ nó dựa lưng chính xác vào núi Bắc Nhạc. Thiết kế phong thủy rất cẩn thận từ con đường dẫn vào (trong ảnh) được cố tình làm chéo đi để nhà không bị thế “đường đâm”. Nhà mà bị đường đâm trực diện mặt tiền thì rất khó làm ăn (như số 2, đường Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội chẳng hạn). Hai bên trồng hai hàng tùng vừa tạo cảnh quan vừa che bớt tòa nhà, không biết giống tùng gì mà rất đẹp (nhân lần đi này mới biết nhiều người vẫn tưởng tùng và thông là hai cây khác nhau).

Khác với các đời trước, kiến trúc sư thời hiện đại cho quay hướng Đông Nam, mà lệch hẳn khỏi trục cung điện để không bị chắn trước mặt. Chả biết các bác có ý đồ gì lại vẽ cái hình mũi tên trên sân quay đầu nhọn vào nhà.

Nhưng chẳng biết phong thủy ra sao, chỉ thấy chưa có đời Tổng thống nào từng hạ cánh an toàn cả: người bị ám sát, người bị lật đổ, người bị kiện ra tòa, người đi tù, người tự sát… nên dân Hàn Quốc mới đồn rằng cái miếng đất này không nhiều phúc như người ta tưởng, cứ nghĩ là long mạch ở đây mà cố bám trụ làm gì, nên họ tìm cách giải thích, nào là núi hình cánh cung bắn sau lưng, nào là cầu cống đâm tua tủa vào, và đặc biệt là thời Nhật chiếm đóng, quân đội đã cho đóng hàng trăm cái cọc bằng sắt, có cái dài đến chục mét trên khắp các ngọn núi quanh khu vực rồi. Hàn Quốc đã lôi lên bằng sạch nhưng “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”, các mạch khí trong núi đều đã đứt cả. Năm 2004, Tổng thống Roh Moo-hyun đệ trình Quốc hội kế hoạch dời đô đi Sejong, các lãnh đạo đối lập gồm có hai Tổng thống sau này là ông Lee Myung Bak và bà Park Geun Hye phản đối kịch liệt. Thế rồi năm 2009, ông Roh Moo-hyun nhảy xuống hẻm núi tự sát, thế là chẳng ai bảo ai, Quốc hội thông qua luôn, cho đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sejong.

Quốc hội Nghị sự đường

Quốc hội Nghị sự đường

Công trình cuối cùng cần nói đến chính là Quốc hội Nghị sự đường. Tòa nhà được hoàn thành năm 1975 sau 6 năm xây dựng dưới thời Park Chung Hee xây mãi bên kia sông, tách khỏi trung tâm chính trị. Trước đó Quốc hội vạ vật khắp nơi, mỗi năm họp một chỗ bởi dưới hàng loạt chính phủ độc tài, Quốc hội Hàn Quốc chỉ chắp tay rủ áo, đưa gì là kí mà thôi.

Quốc hội Hàn Quốc là cơ quan đứng đầu nhánh Lập pháp, có 300 thành viên nhưng phòng họp có đến 400 ghế để dự phòng khi thống nhất hai miền có… 100 ghế cho miền Bắc. Lại nhớ cuộc thi thiết kế Tòa nhà Quốc hội ở ta, các phương án đưa ra, cái nào cũng một cục vuông ở dưới, một cục tròn ở trên. Ở đây cũng vậy, phương án thiết kế cũng là trời tròn, đất vuông. Hai mặt trước sau có 8 cột, hai mặt hai bên có 4 cột, tổng cộng 24 cột tượng trưng cho 24 tiết khí trong một năm âm lịch. Thân cột là hình bát giác, ghép toàn bằng đá nhưng không thấy hàng cột tăng thêm phần uy nghi gì cả, khối nhà ở trong thì chi chít cửa số. Đã xấu lại còn đầu gấu, an ninh nghiêm ngặt lắm (không gần dân như bên mình), mấy anh bảo vệ mặc áo phản quang cứ xua gậy như đuổi gà nên càng không thấy đẹp.

Cận cảnh mặt tiền, trông cứ như trường phái kiến trúc – tượng đài của Triều Tiên!

Vậy là chúng ta đã tham quan một loạt những công trình ở Seoul trong suốt chiều dài cả trăm năm lịch sử. Qua đó lại nhấn mạnh thêm tư tưởng phong thủy Đông phương cùng những biểu tượng đạo Khổng gắn bó chặt chẽ với nhau trong hệ tư duy của người Hàn Quốc. Tuy nhiênnhững nền tảng vững chắc tưởng như không gì lay chuyển này của xã hội lại đang dần dần mờ nhạt khi Hàn Quốc bước vào một thời kì phát triển mới: kỉ nguyên công nghệ cao. Trong bài tới, chúng ta sẽ lướt qua một vòng Seoul đương đại, cực kỳ trẻ trung và hoàn toàn Tây phương.

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

9:05 Thursday,5.11.2015 Đăng bởi:  candid
Cám ơn bác Đặng Thái đã giải đáp.
...xem tiếp
9:05 Thursday,5.11.2015 Đăng bởi:  candid
Cám ơn bác Đặng Thái đã giải đáp. 
18:17 Wednesday,4.11.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Bác Candid, Đông Kinh là Kinh đô nằm ở phía đông thôi chứ cũng không có gì huyền bí ở đây cả. Nếu đặt lên bản đồ thì kinh đô này nằm phía đông của một cái kinh đô khác đang ở phía Tây, thường là cố đô hoặc kinh đô mới.

Ví dụ nước ta có thành Thăng Long từng tên Đông Đô, Đông Kinh, Đông Quan là do hai cụ Hồ Quý Ly và Lê Thái Tổ đều quê Thanh Hóa, gọi v
...xem tiếp
18:17 Wednesday,4.11.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Bác Candid, Đông Kinh là Kinh đô nằm ở phía đông thôi chứ cũng không có gì huyền bí ở đây cả. Nếu đặt lên bản đồ thì kinh đô này nằm phía đông của một cái kinh đô khác đang ở phía Tây, thường là cố đô hoặc kinh đô mới.

Ví dụ nước ta có thành Thăng Long từng tên Đông Đô, Đông Kinh, Đông Quan là do hai cụ Hồ Quý Ly và Lê Thái Tổ đều quê Thanh Hóa, gọi vùng ấy là Tây Đô, Tây Kinh. Có người lại hỏi sao không gọi Bắc Kinh, Nam Kinh? Bởi lẽ miền Bắc nước ta được chia làm hai nửa Đông-Tây theo hai phía phải-trái lấy sông Hồng làm ranh giới.
Như đã nói trong bài phương hướng, mặt nhìn hướng Bắc thì tay phải là Đông, tay trái là Tây nên Thanh Hóa là Tây, Hà Nội là Đông, mặc dù nằm ngay sát sông Hồng về nửa Tây nhưng văn hóa của nó đồng nhất với vùng bên kia sông nên vẫn được coi là Đông. Tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh, nằm bên Tây sông Sài Gòn nhưng vẫn được chia vào Đông Nam Bộ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả