Điện ảnh

Bài 5 – Nhật ký (không) làm phim:
Chin Chin Gutierrez – gương tốt minh tinh20. 04. 18 - 10:56 am

Sáng Ánh

Tiếp theo bài trước)

Philippines cảnh đường phố làng mạc có gần với Việt Nam hơn là Thái, nói giống Sài Gòn 1975 thì chẳng phải nhưng tùy góc máy và tùy cất công thiết kế, cách ngụy trang.

Bên Philippines thì được cái tay lái thuận như là Việt Nam chứ không ngược như bên Thái, nên không cần đổi chiều di chuyển xe trên phố (và các bảng đường, tín hiệu). Taxi Renault 4 hai màu xanh và vàng thì ở đây không có nhưng ngược lại kiếm ra xe Mỹ cũ, Ford Falcon, Pinto của 25 năm về trước.

Một cảnh đường phố ở Manila, Philippines. Ảnh từ đây 

Lợi điểm của Philippines là tay nghề điện ảnh, mỗi năm nước này làm mấy trăm bộ phim bình dân và rất ít tốn kém, trong khi điện ảnh tại Thái Lan, tuy tầm cao hơn Việt Nam nhưng vẫn mang cái chất điệu đà, thế này thế kia vẽ vời và khệnh khạng nghệ sĩ đến sốt cả ruột.

Philippines làm phim là để phục vụ cho quần chúng ở trong nước trước hết, chứ không phải là để lên hàng quốc tế, ra biển lớn làm gì. Biển thì Philippines chẳng thiếu, vây quanh đây này, chỗ nào chẳng nhìn thấy và chán bỏ mẹ. Nữ diễn viên nào có mơ làm Chung Tử Di là một ngoại lệ, chứ trong ngành, chẳng thấy ai quan tâm đến liên hoan phim nước ngoài và tăm tiếng thế giới, họ làm phim cốt sao cho người trong nước xem và họ có lời. Nó hay thì ắt thế giới để ý đến, đó là phần thêm và phần phụ nhỏ nhặt chứ không phải là phần chính.

Poster của 1ST SEMESTER (Học kỳ 1), một phim hài Philippines của Dexter Hemedez và Allan Ibanez

Vì thế nên không khí trong nghề ở đây rất dễ mến, chẳng có ai vênh váo chuyện giải này giải kia toàn cầu, kinh phí vô địch này hay khủng long nọ. Họ lo chu toàn nhiệm vụ cách tốt nhất, nhanh nhất và rẻ nhất thôi chứ không so bì với ai hết. Các sao ở đây cũng không hàng hiệu mỹ miều, hay đó là chuyện không đáng nói đến. Việc họ quan tâm không phải là thảm đỏ Venice hay Berlin, Cannes mà là thảm đỏ quê nhà, liên hoan FAMAS (Filipino Academy of Movie Arts and Sciences Awards) hay giải “Luna”. Họ sống là nhờ người xem trong nước nuôi họ; thứ Bảy, Chủ nhật bồ bịch hay vợ chồng con cái dắt díu nhau đến rạp giải trí. Điện ảnh Philippines làm được một việc phi thường là chống chọi thành công với nền điện ảnh ngoại xâm, giữ được đất điện ảnh của 100 triệu người trước ồ ạt Hollywood, Bollywood hay Hán Thành, Hong Kong. Nó chẳng cần ra với thế giới, nó giữ được nhà là giỏi rồi. Một khi nó đã giỏi rồi, có cơ hội để tồn tại và sống, thì nó mới đến với thế giới như ta biết.

Tượng vàng giải FAMAS

Phần cô Chin-Chin Gutierrez, như đã nói ở cuối bài trước mà sản xuất phim của tôi đã gặp trong hành lang, có mang tham vọng là tài năng được biết đến bên ngoài 7614 hòn đảo của đất nước. Bạn này, năm 1998, có mặt một vai phụ, thứ 3 hay là 4, trong bộ phim Mỹ loại phiêu lưu hành động (“Legacy”) với diễn viên phim tập truyền hình “Baywatch” là David Hasselhof quay tại Philippines. Trong phim này David là dạng “một phóng viên chiến trường đi sang Philippines, đụng đầu với Mafia địa phương để cứu một cô gái lai Mỹ…”. Kể thế thì bạn đã biết phim này thuộc loại ra sao rồi. Tất nhiên là nó không được “sang cả” cho lắm và không có cơ hội đi liên hoan quốc tế để người ta còn để ý đến tài diễn xuất của cô. Vai nữ chánh trong phim này lại về tay diễn viên Mỹ có mẹ là người Philippines, cô Donita Rose. Tuy vậy, nó cũng là bước đầu quốc tế sau khi trong nước Chin-Chin đã đạt hàng siêu sao. Giờ, vị đại gia trên (đại gia trong một lãnh vực kinh doanh khác) lại thành lập cả một hãng phim để đỡ đầu cho sự nghiệp này của cô, như đã kể, vào lúc duyên đưa đẩy cô ở Cannes đến với sản xuát Pháp của “Sài Gòn Thứ Bảy”.

Áp phích bộ phim “Legacy” quay tại Philippines. Theo đây thì Chin-Chin Guttierrez vai thứ 4, ảnh ở đây

Chin-Chin là một cô gái xinh xắn thôi, nếu bạn gặp ở xe bò viên hủ tíu thì bạn không nhìn đến hai bận. Nhưng lên trên màn hình 8 mét thì cô lộng lẫy, chớp mi mắt là máy quay trên chân 3 càng run lảy bảy. Lông mi cô trên màn hình 8 mét rất dài, từ hàng ghế đầu đến hàng ghế chót xao xuyến cả rạp 300 chỗ ngồi. Vào lúc đó cô đang đình đám, làm đại sứ của nhãn L’Oreal tại Philippines, có mặt trên khắp các pa nô quảng cáo, mà chị Củng Lợi thì là đại sứ L’Oreal tại Trung Quốc. Cô còn này nọ tích cực hoạt động bảo vệ môi trường. Chin-Chin được tạp chí Time Magazine bình chọn làm 1 trong 10 nhân vật của châu Á và đưa lên bìa, điều mà các “công chúa” hay “nữ hoàng” Việt Nam có nằm mơ cũng không thấy. Như vậy là cô nổi tiếng, là người cưng của chủ hãng phim đầu tư cổ phần địa phương, tức là bà chủ nhỏ của đoàn; nhưng ở vị thế khác, cô lại là một diễn viên chuyên nghiệp, siêng năng, yêu nghề và rất là dễ mến.

 

 

Chin-Chin Guttierez, được Time bình chọn là 1 trong 10 “Nhân vật Châu Á”, ảnh ở đây

Trong quan hệ nghề nghiệp này, tôi là đạo diễn phim đầu tay chẳng ai biết đến, cái ống kính còn không biết đâu là đằng đầu đâu là đằng đuôi. Nhưng tôi được đoàn tin cậy, chỉ việc trầm ngâm và ôm trán là cả đoàn ngưng làm việc, đợi tôi suy nghĩ ra chuyện gì mới để sáng tạo điện ảnh. Vai đạo diễn là vai duy nhất trong đoàn hình dung được ra bộ phim đang làm, và bộ phim chưa làm này nó ở đâu? Thưa, nó ở trong nếp đang nhăn trên vầng trán của anh ta! Nên tôi nói gì thì Chin-Chin chăm chú nghe từng tiếng, mỗi bận tập diễn thử xong là cô trố mắt nhìn tôi chờ đợi hồi hộp như em bé cấp I đợi điểm xem có được bằng khen phần thưởng cuối năm. Cô phụ tá của tôi kể, đến rước nàng để ra phim trường, Chin-Chin trong phòng tắm bước ra tay còn cầm kịch bản mặc dầu chỉ có mấy vài câu thoại ngắn, trên xe dọc đường ngồi tập trung dợt đi dợt lại lầm bầm, nhắm mắt, thở khí công để thử thoại đủ tông và đổi từng nét mặt. Cô phụ tá của tôi là dân chuyên điện ảnh, lại là diễn viên nên không khỏi đánh giá cao Chin-Chin về đức hạnh nghề nghiệp.

Còn vòng eo của cô số bao nhiêu thì chẳng ai biết đến và quan tâm hết.

Chin-Chin

Quần chúng thì chỉ biết đến gương mặt cô, và Philippines là nước hết sức hâm mộ diễn viên điện ảnh và yêu mến họ thật tình, như là yêu láng giềng thân quen, có lẽ chỉ kém có khán giả Ấn Độ. Tình yêu này không hẳn là ngưỡng mộ chân dài, râu mép hay nhan sắc, mà vì diễn viên nổi tiếng đi chung với quần chúng trong những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời từng người “Em nhớ không, lần đầu mình đi ciné chung, trong rạp anh cầm tay em, vai chánh là Hilda Coronel. Còn Gina Pareno thì là khi được tin mẹ anh ốm nặng, phải chạy tiền gửi về quê như là trong phim Kubrador!”

Diễn viên Gina Pareno trong bộ phim “Kubrador”, phía góc phải, ảnh ở đây 

Mấy bận đi chung với đoàn, Chin-Chin ngồi xe riêng loại bình thường, Honda CVR, trong khi đoàn thì xe Ford Expedition, là loại ít thấy ở trong nước, ai ngồi trên vô danh thì cũng được liếc một cái, không phải liếc người thì cũng là liếc xe. Xe Chin-Chin thì không ai để ý, quay kính lên đen xì và không thấy cô đâu bên trong. Đoàn vào cửa hàng an tọa rồi thì xe của cô mới tấp đến ngay trước cửa. Chin-Chin vội vã bước xuống, tất nhiên là kính mát to đùng và một tay che mặt, hối hả chạy tuột thẳng vào bên trong. Chỗ ngồi đoàn chọn ở hàng quán thì bao giờ cũng là chọn chỗ khuất nẻo, ít người qua lại và chẳng thấy cảnh gì hết. Ban đầu, tôi cũng lạ, việc gì mà phải thế, cho là cô làm dáng. Ở nước mình, minh tinh phải đi xe khác người, xuống xe là vung vẩy túi đầm hàng hiệu, kêu to lên nó nhãn gì đó đấy, mua tại Paris chứ không phải là Sing đâu nhé, vừa đi lại vừa nhún nhảy bớ làng nước, là tôi đây, tôi đây!

Tôi bèn hỏi anh lái xe, thế cứ phải đưa nàng đến tận cửa à, anh đáp “Ông là người nước ngoài nên không biết, chứ ở đây Chin-Chin mà xuống xe đi bộ vài mươi mét, người ta nhận ra và kéo đến là tắc nghẽn giao thông luôn. Họ mà biết là đang ở bên trong, họ đứng ngoài chờ chật cả đường!”

Tôi những tưởng là anh nói quá, làm gì có những chuyện như vậy, cho đến khi tôi được dịp tận mắt chứng kiến là anh nói chẳng ngoa chút nào. Chuyện này, vấn đề này – “1 minh tinh bằng 1 sư đoàn” – tôi sẽ kể ở một kỳ khác của loạt bài.

*

(Còn tiếp)

*

Nhật ký (không) làm phim:

- Bài 1 – Nhật ký (không) làm phim: nhớ Non nhân xem Two Brothers

- Bài 2 – Nhật ký (không) làm phim: Niềm tự hào tại quán bar

- Bài 3 – Nhật ký (không) làm phim: Joey Luna tháo vát và ấm áp

- Bài 4 – Nhật ký (không) làm phim:
Từ Thái sang Phi tính đường làm phim Việt

- Bài 5 – Nhật ký (không) làm phim:
Chin Chin Gutierrez – gương tốt minh tinh

- Bài 6 – Nhật ký (không) làm phim:
Sản xuất già đời, đạo diễn tay mơ

- Bài 7 – Nhật ký (không) làm phim:
Để nhốt một đoàn diễn viên

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Bài 9 – Nhật ký (không) làm phim:
Mối tình bất thành quanh Sàigòn

- Bài 10 – Nhật ký (không) làm phim:
Gặp nhà phát hành đãi bôi. Xin được món tiền be bé

Ý kiến - Thảo luận

14:13 Sunday,29.4.2018 Đăng bởi:  SA
20 năm sau trở lại Philippines, từ 1998 đến 2018, điều ngạc nhiên là ngày hôm nay nếu dùng cảnh phố tại đây để 'giả' làm Sài Gòn 1975 vẫn khả thi như 20 năm về trước, có khi còn dễ hơn.
Hiện mức sống Philippines ( $8.300 PPP đầu người) vẫn còn cao hơn VN ($6.800) nhưng Philippines là 1 nước đi xuống từ mấy thập niên nay, xây dựng, hạ tầng, nhà cửa còn rất nhiều nét
...xem tiếp
14:13 Sunday,29.4.2018 Đăng bởi:  SA
20 năm sau trở lại Philippines, từ 1998 đến 2018, điều ngạc nhiên là ngày hôm nay nếu dùng cảnh phố tại đây để 'giả' làm Sài Gòn 1975 vẫn khả thi như 20 năm về trước, có khi còn dễ hơn.
Hiện mức sống Philippines ( $8.300 PPP đầu người) vẫn còn cao hơn VN ($6.800) nhưng Philippines là 1 nước đi xuống từ mấy thập niên nay, xây dựng, hạ tầng, nhà cửa còn rất nhiều nét 1960-1970  (1980, Philippines:$1886 và VN: $952, theo IMF).
Trung tâm Manila còn có 1 tòa rất giống sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, đã nhiều lần được sử dụng trên phim làn 'giả'.
Vả lại đây không nói chuyện kinh tế, mà nói chuyện cảnh  quay góc máy.
Tại Sài Gòn ngày nay phải tránh các bảng "Sim số đẹp"! 
2:38 Monday,23.4.2018 Đăng bởi:  Lex
Làm phim khó thật, nhất là không chi tiền của  mình. Phải tìm nhà sản xuất, mà nhà này cũng cố tiết kiệm nên bắt SA đi nhiều nước hòng tìm chỗ nào rẻ nhất.  Bác SA quay phim về VN, rốt cuộc phải qua Thái, rồi Phi...., mệt mỏi nhưng cũng học được nhiều điều hay. Hi vọng sẽ có một ngày, phim sẽ được quay chiếu, một loại hoài cổ đắt người xem. 
...xem tiếp
2:38 Monday,23.4.2018 Đăng bởi:  Lex
Làm phim khó thật, nhất là không chi tiền của  mình. Phải tìm nhà sản xuất, mà nhà này cũng cố tiết kiệm nên bắt SA đi nhiều nước hòng tìm chỗ nào rẻ nhất.  Bác SA quay phim về VN, rốt cuộc phải qua Thái, rồi Phi...., mệt mỏi nhưng cũng học được nhiều điều hay. Hi vọng sẽ có một ngày, phim sẽ được quay chiếu, một loại hoài cổ đắt người xem.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp