Valie Export: Ai là “bà” của nghệ thuật trình diễn?
05. 01. 11 - 8:46 pm
Hồ Như Mai lược dịch
Marina Abramovich tự nhận là bà ngoại của nghệ thuật trình diễn. Trong khi đó nhiều người lại cho rằng VALIE EXPORT mới là “oách” hơn vì những chủ đề các tác phẩm của bà vươn tới những vấn đề lớn lao hơn. Ôi, ai cũng đáng khâm phục cả. Mà bà thì sẵn có hai họ nội, ngoại mà…
VALIE EXPORT được coi là một trong những người tiên phong của nghệ thuật truyền thông. Trong vòng 4 thập kỷ, bà đã có được một khối lượng lớn và ổn định các tác phẩm, bao gồm trình diễn, action, nhiếp ảnh, phim, “điện ảnh mở rộng”, điêu khắc, viết lách và cả sắp đặt truyền thông. Để bày tỏ lòng ngưỡng mộ bà, bảo tàng Belvedere và Lentos sẽ tổ chức hai show đơn tại hai địa điểm: Vienna, nơi Export làm việc, sinh sống; và Linz, quê hương của bà.
Valie Export (thường viết bằng chữ hoa là VALIE EXPORT) sinh ngày 17 tháng Năm, năm 1940 tại Linz, Áo. Tên khai sinh của bà là Waltraud Lehner, sau đổi thành Waltraud Hollinger. Năm 1967, bà chính thức đổi tên lần nữa thành VALIE EXPORT (viết chữ in hoa, như một logo nghệ thuật, cắt đi họ của cha và chồng mình để nhận một họ mới là tên một nhãn thuốc lá rất phổ biến, phổ thông). Bằng động tác kiên quyết này, Export đã khẳng định cá tính của mình trong bối cảnh nghệ thuật ở Vienna, khi đó đầy rẫy các màn nghệ thuật trình diễn phạm đến những thứ cấm kỵ với các tên tuổi như Hermann Nitsch, Günter Brus, Otto Mühl, và Rudolf Schwarzkogler.
Theo học ở một tu viện cho đến năm 14 tuổi, Valie Export sau đó học mỹ thuật và thiết kế tại Học Viện Công nghiệp Dệt Quốc gia ở Vienna và có một thời gian ngắn tham gia làm phim, viết kịch bản, biên tập và nhiều thứ khác. Cũng như các nam nghệ sĩ cùng thời, bà dùng thân thể mình trong những hành động đau đớn và nguy hiểm, qua đó thể hiện sự đối đầu với thái độ tự mãn và thỏa hiệp trong văn hóa Áo thời hậu chiến. Trong ảnh là một tác phẩm có tên Encirclement (Bao quanh) trong series ảnh nổi tiếng "Body Configurations", ở đó nghệ sĩ uốn mình theo các yếu tố kiến trúc đô thị. “Việc làm này biến cơ thể người phụ nữ sang một trạng thái chỉ còn là một yếu tố cấu thành của không gian, chẳng qua chỉ là một yếu tố trong một kiến trúc vô hồn – một yếu tố giấu đi những vết thương của nó.” Nhưng dĩ nhiên tính nữ quyền trong nghệ thuật của Export rất rõ (là thứ mà tác phẩm của các ông đàn ông không có, dĩ nhiên). Các màn trình diễn ‘nổi loạn” thời kỳ đầu của Valie Export đã trở thành những biểu tượng trong lịch sử nghệ thuật nữ quyền.
Tác phẩm Tapp-und Tast-Kino ("Xi-nê gõ và chạm") được biểu diễn tại mười thành phố ở châu Âu từ năm 1968 đến năm 1971. Trong tác phẩm có tính cách mạng này, Valie Export mặc một chiếc 'rạp chiếu phim’ bé tí teo ở phần trên cơ thể để trần. Bên ngoài, người ta không thấy được cơ thể bà nhưng nếu dùng tay vén màn của “rạp” thì có thể đưa tay vào đụng chạm. Bà cứ vậy đi ra đường phố và mời mọc đàn ông, đàn bà và trẻ con đến đụng vào mình.
Trong tác phẩm trình diễn năm 1968 có tên Aktionshose: Genitalpanik (Mặc quần hành động: Hoang mang sinh dục), Valie Export bước vào một rạp chiếu phim ở Munich, mặc quần thủng đáy và đi vòng quanh khán giả với bộ phận sinh dục của mình ở ngay tầm ngắm của họ. Các bức ảnh của tác phẩm được chụp ở Vienna, năm 1969 do nhiếp ảnh gia Peter Hassman thực hiện. Có giai thoại kể lại rằng tác phẩm Aktionshose: Genitalpanik được thực hiện trong một rạp chiếu phim “con heo”, lại còn có đoạn Valie Export vung vẩy súng máy nhắm vào khán giả, như in trên poster năm 1969, tuy nhiên Valie Export nói vụ này chưa từng xảy ra. Màn trình diễn ở rạp chiếu phim và những bức ảnh năm 1969 đều nhằm khơi gợi suy nghĩ về vai trò bị động của phụ nữ trong điện ảnh. Sự mời mọc đông đảo công chúng tham gia vào những màn trình diễn của bà là để thể hiện sự đối đầu với bản chất riêng tư của tình dục.
Sự tương phản với cái gọi là ‘điện ảnh’ thông thường là quá rõ ràng và đóng vai trò chủ chốt trong thông điệp của Valie Export. Trong các màn trình diễn của bà, cơ thể người phụ nữ không bị các đạo diễn và nhà sản xuất nam giới đóng gói mang bán nhưng lại được kiểm soát và chào hàng một cách tự do từ bản thân người phụ nữ, quyết chối bỏ các nguyên tắc và luật lệ của xã hội. Đồng thời, trong khi nền điện ảnh thông thường đem đến một trải nghiệm chủ yếu là thị giác, thì ở màn trình diễn của Valie Export, khán giả không chỉ có được sự tiếp xúc trực tiếp, xúc giác với một người khác mà còn làm điều đó ngay trong tầm ngắm của chính Valie Export và những người chung quanh. Trong ảnh là một tác phẩm trình diễn của Valie Export có tên Eros-Ion.
Tác phẩm video có tính đột phá của Valie Export, “Đối mặt với một gia đình” (“Facing a Family”) là một trong những tác phẩm video art đầu tiên có sự can thiệp của truyền hình. Đoạn băng được phát trên chương trình truyền hình Áo “Kontakte” quay cảnh một gia đình tư sản Áo vừa ăn tối vừa xem tivi. Trong khi các gia đình trung lưu khác xem chương trình này trên TV, thì chiếc tivi ấy đã trở thành một tấm gương phản chiếu trải nghiệm của chính họ và làm “rối rắm hơn” mối liên hệ giữa chủ thể, khán giả và truyền hình.
Kể từ năm 1995 – 1996, Valie Export giữ cương vị giáo sư dạy môn trình diễn đa phương tiện tại trường Kunsthochschule für Medien, Cologne, Đức.
Chúng em có cảm tưởng là các nữ nghệ sĩ bên Tây trình diễn mạnh quá, cương quá, cương hơn cả các nam nghệ sĩ Ta.
Em vẫn thích vở diễn của chị Diệu Hà ở Nhà Sàn chú Đức, giàu chất thơ, đậm đà Á đông, mà thông điệp không kém các bà nội bà ngoại Tây mấy ạ. ...xem tiếp
12:31Thursday,6.1.2011Đăng bởi: EM-CO-Y-KIEN
Chúng em có cảm tưởng là các nữ nghệ sĩ bên Tây trình diễn mạnh quá, cương quá, cương hơn cả các nam nghệ sĩ Ta.
Em vẫn thích vở diễn của chị Diệu Hà ở Nhà Sàn chú Đức, giàu chất thơ, đậm đà Á đông, mà thông điệp không kém các bà nội bà ngoại Tây mấy ạ.
Em vẫn thích vở diễn của chị Diệu Hà ở Nhà Sàn chú Đức, giàu chất thơ, đậm đà Á đông, mà thông điệp không kém các bà nội bà ngoại Tây mấy ạ.
...xem tiếp