Nghệ sĩ thế giới

Kenny Scharf: Mình phá người thì người (khác) phá mình 20. 01. 11 - 12:23 pm

Judd Tully - Hồ Như Mai dịch

Kenny Scharf

NEW YORK – Lợi dụng tình hình bão tuyết vào kỳ nghỉ ở New York, một nhóm nghệ sĩ graffiti đã ra tay tấn công tàn bạo một tác phẩm của bậc đàn anh, ngay tại góc phố đông đúc giữa East Houston và Bowery – bức tranh tường bằng sơn xịt của Kenny Scharf, nghệ sĩ đường phố từng lảng vảng suốt ở East Village hồi những năm 80s.

Vụ fill-ins lần này – (fill-ins: từ của giới “trong nghề” dùng để chỉ chuyện xịt sơn vẽ chồng lên một tác phẩm có sẵn) xảy ra tại nơi được xem là một mảnh của lịch sử nghệ thuật trung tâm thành phố, kể từ khi nghệ sĩ quá cố Keith Haring vẽ bức tranh tường không được cho phép vào năm 1982. Năm sau đó, một nhóm các nghệ sĩ từ Fun Gallery (phòng trưng bày nổi tiếng vào đầu thập niên 80s, chuyên về nghệ thuật underground do diễn viên Patti Astor lập ra), gồm cả Haring, LA2, Crane, ON2 và Scharf quay về và ngang nhiên phủ đầy tường với những nhân vật như hoạt hình cùng nhiều thứ linh tinh khác.

Kể từ mùa hè năm 2008, Tony Goldman chủ nhân của bức tường, cũng là chủ công ty địa ốc sừng sỏ ở New York Goldman Properties phối hợp với Hole Gallery của Kathy Grayson tại Soho mời nhiều nghệ sĩ trong đó có hai anh em sinh đôi người Brazil Os Gemeous và Shepard Fairey, và Barry McGee đến vẽ tranh tường đương đại. Vậy là bức tường được hồi sinh vào tháng 12, sống sót đến tháng 3 thì đụng phải cuộc tấn công 5 ngày của Scharf – với 200 bình sơn xịt đi quyên góp, Scharf đã thêm vào bức tranh tường kia đủ kiểu đủ dạng màu mè liêu trai với phong cách tự do thoải mái, trống trải đến hoang mang quen thuộc của mình. Nghe đâu đối với Scharf , bức tường lúc đó thực sự là một mục tiêu hấp dẫn khó cưỡng lại được.

Tranh tường trước khi bị phá

Đau thật,” Scharf bình luận về cuộc tấn công gần đây trong lúc ngồi tại studio ở Los Angeles, chuẩn bị cho triển lãm Naturafutura and Three Dozen! sắp tới. “Mặc dù tôi cũng không quá ngạc nhiên. Ý tôi là mình đã từng vẽ chồng lên tường như thế thì cũng phải chấp nhận có ngày người khác vẽ chồng lên mình thôi. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi khoái vụ vừa rồi.”

Những kẻ ăn theo “chẳng biết tý gì và cũng chẳng quan tâm chút nào đến nghệ thuật.” Scharf nói. “Mấy người này chẳng sáng tạo nghệ thuật gì cả, chỉ đơn giản là ăn theo thôi.”  Giận dữ, Scharf tiếp tục nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa “sáng tạo nghệ thuật” và “ăn theo”. “Tôi chẳng phải là thằng từ trên trời rơi xuống, tranh của tôi chẳng phải graffiti thông thường, mặc dù tôi có vẽ bằng sơn xịt đi nữa và sử dụng ngôn ngữ của graffiti. Tôi không phải cái loại chỉ đi ăn theo hoặc giả vờ nghệ sĩ nọ kia kia nọ”.

Cơn giận của Scharf sôi sùng sục trên trang ANIMAL New York, tại đó ông vừa tương đầy trong phần comment dưới bài tường thuật vụ fill-in vừa blog chiến với những kẻ phá bĩnh và các nhà phê bình nghệ thuật đường phố, kể cả phe ủng hộ lẫn phe chống đối. “Khi phá ai thì cũng phải có một lý do tử tế, phải làm sao cải thiện được tác phẩm của người đi trước,” Scharf viết thêm. “Còn đây chỉ là một vụ bạo lực hung hăng không hơn không kém.”

Còn một trong những “kẻ ăn theo”, lấy tên là PETERPANPOSSE lại trả lời Scharf “Nôn mửa tứ tung lên tranh tường của bác thật là vui. Mấy năm sau chắc là em đây vẫn còn nhớ và kể lại vụ bão tuyết năm 2010. Mấy đứa tụi em phá tưng bừng thật là đã đời! Ở đời có cái gì còn mãi được đâu hả bác…” 

Một người để lại comment khác, tự xưng là Grimace thì viết rằng, “Nếu đang xài thuốc lắc chạy xe ở Coney Island thì bức tranh tường này đúng là HOÀN HẢO, nhưng tôi thích bức tường này là chỗ để người ta vẽ qua vẽ lại cho đẹp lên, hơn là phá.”

Một người comment khác, tên Ben cũng đồng ý “Những kẻ phá bĩnh đường phố điên rồ thì quan tâm gì đến tranh của ai. Họ chỉ cần có một chỗ và cứ vậy mà chiếm thôi. Đơn giản …Dù sao cũng đáng đời cái cha Kenny này, lúc nào cũng kiêu căng nghĩ rằng không ai phá mình được.”

Cùng một ý nghĩ, PETERPANPOSSE thêm vào, “MÀ BÁC KENNY THÔI ĐỪNG TỰ SƯỚNG NỮA, CHẢ AI GHÉT BÁC CẢ, CHẢ AI BIẾT BÁC LÀ AI CẢ

Cuộc đối thoại cứ thế tiếp diễn, lâu lâu lại có vài người lên tiếng ủng hộ Scharf. “Có rất nhiều người lên án tôi và những việc tôi làm. Có người ủng hộ, cũng có rất nhiều người ghét tôi.” Scharf bảo.

Kathy Grayson – đồng điều hành Hole Gallery cùng với đối tác Meghan Coleman mô tả hành động “du kích” này là một “tội ác cơ hội”, giải thích rằng “trận bão tuyết là nguyên cớ duy nhất của vụ việc này. Đêm đó là cơ hội thuận lợi nhất bởi vì xe cảnh sát không thể nào rượt theo được. Đúng là một buổi dã ngoại tuyệt vời đối với những người làm graffiti

Tranh tường sau khi bị phá

Hiện giờ, một người bạn của Scharf – xin được giấu tên để khỏi bị dính vào vụ lùm xùm này – vẫn đang tìm cách sửa lại bức tường, với sự đồng ý của Scharf. Anh này nói “Trông chẳng giống tôi sửa tí nào nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy vui”.

Tuy nhiên Scharf cũng có kế hoạch trở lại tự sửa bức tường. Và khi làm thế, nhân tiện ông cũng sẽ thực hiện mấy vụ fill-ins (trên graffiti của người khác).

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả