Gẫm & Bình

Tư vấn: Có nên yêu một họa sĩ vẽ xấu? 28. 05. 11 - 9:12 am

Pha Lê dịch

(Soi: Nhà phê bình nghệ thuật Ben Davis của trang web Artinfo hiện đang mở một chuyên mục tư vấn tình yêu cho người đọc. Chẳng biết Artinfo có mục đích gì, nhưng đây là một chiêu câu khách khá hiệu quả; bởi nghệ thuật, cũng như tình cảm, tuy rất hấp dẫn nhưng cũng có lắm mánh khóe để trêu chọc cho cuộc sống thêm rắc rối. Và để gỡ rối cũng cần tới “chuyên gia”. Sau đây là đoạn trích một trong số những câu hỏi và câu trả lời của Ben Davis.)

Nhà phê bình kiêm tư vấn Ben Davis

Hỏi: Bạn bè giới thiệu cho tôi một anh chàng chuyên vẽ tranh biếm họa. Sau buổi hẹn, tôi lên mạng xem tác phẩm của anh ấy. Kết quả không sáng sủa cho lắm. Anh ta vẽ phụ nữ khỏa thân rất xấu, vẽ chó mèo cũng xấu nốt. Tôi không biết có nên tiếp tục mối quan hệ này không? Tôi thích tính cách của anh ta, nhưng tranh thì tôi chẳng thích tẹo nào.

Ký tên: Gu khó tính

Tác phẩm “Kẻ bợ đít” của Martin Eder

Trả lời: Chào bạn Gu khó tính,

Câu trả lời theo công thức là: Tranh của chàng không quan trọng bằng tình yêu. Tình yêu là tất cả, tình yêu sẽ chiến thắng những cái méo mó trong tranh của chàng.

Nhưng cuộc sống thực không phải toán đại số để làm theo công thức, câu mà bạn phải hỏi chính mình là: Tranh vẽ chó mèo của chàng xấu đến cỡ nào? Đối với trường phái biếm họa thì có đúng là nó xấu không? Có giống Martin Eder không? (Nếu bạn không biết Martin Eder là ai thì hãy tìm trên google).

Tác phẩm “Sự im lặng” của Martin Eder

Có một thuyết cho tình trạng khó xử này. Hai triết gia Benedetto Croce và R.G. Collingwood đã lý luận rằng, gu thẩm mỹ là một thứ “bán tự phát”. “Bán tự phát” ở đây có nghĩa: riêng biệt, nhưng liên kết.

Nói như trên, thì nhìn tranh qua con mắt của người thân – trong đó có người họa sĩ bạn yêu – cũng là một cách đánh giá nghệ thuật. Ngắn ngọn thì: bạn có thể thích một tác phẩm nhất định vì bạn thích người làm ra tác phẩm ấy; và đây không hẳn là lý do xấu, nó vừa riêng biệt, vừa liên quan tới gu thẩm mỹ của bạn. Tờ báo New York Times phản ánh rằng các buổi triển lãm tranh thiếu nhi đang lấn át tranh người lớn trên đất Mỹ. Đơn giản vì bố mẹ nào chẳng yêu con, nên họ yêu luôn tranh con mình vẽ (mặc dù con vẽ xấu, vẽ bò thành mèo, nhưng họ vẫn yêu).

Tác phẩm “Căn phòng tối” của Martin Eder

Rắc rối của bạn không hẳn là rắc rối nghệ thuật, mà là rắc rối tình cảm. Hoặc mối quan hệ giữa chàng và bạn kết thúc, hoặc cái sự khó chịu bạn dành cho tranh của chàng kết thúc. Hãy thử yêu tác phẩm của chàng qua việc yêu chàng, cố gắng nhìn tranh theo cách chàng nhìn, theo những lý do, những đánh giá của chàng; biết đâu bạn có thể chuyển từ “không thích” sang “thích vừa vừa” mấy cái tranh biếm họa chó mèo đó. Dĩ nhiên, khi đào sâu vào thế giới của chàng thì không loại trừ khả năng bạn sẽ “khám phá” ra những thứ khó ưa hơn, hoặc nhận ra rằng cái méo mó trong tác phẩm của chàng đi đôi với cái méo mó trong tính cách của chàng, và thế là bạn sẽ ghét hết cả hai. (Trừ khi bạn cũng vô tình khám phá ra rằng tài nghệ làm tình của chàng vượt xa tài vẽ tranh).

(Từ Artinfo)

*

Bài liên quan:

– Tư vấn: Có nên yêu một họa sĩ vẽ xấu?
– Tư vấn: Làm gì khi cãi nhau về tranh treo tường?

– Tư vấn: Họa sĩ phóng túng có nên cưới vợ?

Ý kiến - Thảo luận

10:23 Sunday,29.5.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chúng em nghe câu chuyện này thấy cũng hơi lo lo cho đường tình duyên tương lai, vì chắc chắn là chúng em vẽ đẹp rùi (sinh viên Yết Kiêu cơ mà :-)), nhưng lo là lo cái "gu bán tự phát" của các nàng nên rất khó có phương án tinh thần đối phó ạ :-(.

Nhưng họa sĩ còn may chán so với các bạn văn thơ. Em có thằng bạn thi sĩ (sẽ kiêm họa sĩ) kể: cụ Bảo Sinh truyền đời câ
...xem tiếp
10:23 Sunday,29.5.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chúng em nghe câu chuyện này thấy cũng hơi lo lo cho đường tình duyên tương lai, vì chắc chắn là chúng em vẽ đẹp rùi (sinh viên Yết Kiêu cơ mà :-)), nhưng lo là lo cái "gu bán tự phát" của các nàng nên rất khó có phương án tinh thần đối phó ạ :-(.

Nhưng họa sĩ còn may chán so với các bạn văn thơ. Em có thằng bạn thi sĩ (sẽ kiêm họa sĩ) kể: cụ Bảo Sinh truyền đời câu này rất chi là "khủng bố":

"Vợ tôi nửa dại nửa khôn,
Hăng lên là lại dí thơ vào... lò"

Thế là đi đời tác phẩm :-< 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả