Nghệ sĩ Việt Nam

Giống và/mà không giống 27. 06. 11 - 6:21 am

Lê Anh Hoài

 

.

Sau đây là một vài ý nghĩ có phần tản mạn của tôi sau khi xem bài Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An của bạn Người Làm Hà Nội.

Điều đầu tiên là tôi giật mình khi nhìn vài cặp tác phẩm được dẫn ra. Thị giác của tôi báo hiệu trước những tác phẩm nghệ thuật thị giác này: Giống, thậm chí có cặp quá giống! Tiếp theo cái đầu của tôi xuất hiện ý nghĩ: Giống như thế thì ai làm trước ai làm sau nhỉ? Liệu có sự copy?… Nhưng rồi tôi tiếp tục nghĩ và thấy phía sau sự giống này, có thể ẩn chứa những điều khác.

Bạn Người Làm Hà Nội chỉ đưa hình ảnh, và nhận xét vài lời có phần ngắn gọn và thậm chí xuề xòa, với những “tôi nghĩ rằng”, “tôi tin rằng”, có những chi tiết liên quan bạn không biết nên cũng không nói (tôi thích thái độ này). Nên sau khi đọc bài của bạn, tôi không biết được gì nhiều về những vấn đề xung quanh các tác phẩm “Việt” và “ngoại” kia.

Tuy nhiên tôi đặc biệt chú ý đến ví dụ đầu tiên, trong đó có hình ảnh hai tác phẩm trình diễn của Như Huy và Ai Wei Wei. Với hai tác phẩm này, bạn Người Làm Hà Nội nói, chính Như Huy thừa nhận tác phẩm của anh giống tác phẩm của Ai Wei Wei (Như Huy nói cụ thể ra sao, tôi lên mạng tìm không được), và bạn cũng bỏ công phân tích để dẫn đến kết luận đúng là chúng giống nhau, nguyên văn: “Hai tác phẩm giống nhau bởi nó được tạo bởi hai nghệ sĩ có phông văn hóa tương đồng, sống trong điều kiện chính trị xã hội tương đồng. Hình ảnh ba con khỉ, vì muốn sống yên ổn nên phải tự bịt mắt, bịt mồm, bịt tai, là hình ảnh tương đối phổ biến trong điêu khắc cổ ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Với loài hiếu động như khỉ, cam chịu như vậy chắc là khổ tâm lắm. Hai nghệ sĩ trên vì muốn bộc lộ khổ tâm của mình với thế cuộc nên cùng liên hệ tới chuyện của ba con khỉ”.

Tôi thì thấy lập luận này có phần đúng, nhưng chưa đủ.

Tác phẩm của Ai Wei Wei tên là gì, tôi không được biết, nhưng chắc chắn nó không tên là Ông Thiện, Ông Ác và cũng không đề cập đến cặp phạm trù Thiện–Ác. Trong khi tác phẩm của Như Huy thì lại bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này (tôi cũng không biết tác phẩm của Như Huy tên là gì luôn, nhưng nhìn chú thích ngay từng ảnh, tôi có thể đoán biết Như Huy hướng tới điều gì).

Ông Thiện, Ông Ác là hai hộ pháp, hình ảnh của họ rất phổ biến tại các chùa, như hai mặt của Đời cũng như của Đạo. Hai hiện thân này, dưới mắt Như Huy, biến thành hai hình ảnh có phần hài hước và biếm nhại. Ông Thiện – là không nói gì nữa. Còn Ông Ác, là không cần nhìn gì – đó là dưới thế chủ động. Dưới thế bị động, có thể thấy Ông Thiện – là không được nói gì, và Ông Ác, là không được nhìn gì. Có thể còn những kiểu diễn giải khác, nhưng tôi xin không đi thêm, dễ trở thành ngớ ngẩn lắm.

Tác phẩm của Như Huy

Trong khi đó, tác phẩm của Ai Wei Wei thì về hình thức trình diễn, hầu như không khác gì hành động của mấy em học sinh và mấy con khỉ được trích dẫn hình ảnh trong bài (đầy đủ 3 trạng thái, 3 bộ vị). Có thể nghĩ Ai Wei Wei ngớ ngẩn thiếu sáng tạo không? Chắc là không rồi. Điều này khiến ta phải nghi vấn những điều sau: nghệ sĩ đã trình diễn tác phẩm này ở đâu? Lúc nào? Sau, hay trước, hay trong một diễn biến có tính chính trị-xã hội rộng lớn nào ở Trung Quốc không? Nếu ở trước Thiên An Môn, tất nhiên tác phẩm sẽ rất khác với trong phòng. Sau một động thái nào đó của nhà cầm quyền Trung Quốc (chế độ mà nghệ sĩ này đánh giá là phi nhân) sẽ khác hẳn với lúc thiên hạ thái bình, chẳng có biến cố nào xảy ra. Tác phẩm có thể không tên, nhưng nếu nó có tên, thì đây cũng là một điều quan trọng nói lên ý niệm nghệ thuật của nghệ sĩ. Tôi nói những điều này, vì phần nào có biết về tính cách nghệ thuật của Ai Wei Wei – đặc biệt trong nghệ thuật trình diễn.

Trên đây là vài dòng nôm na mách qué, chứ hoàn toàn không phải là bài phân tích hay phê bình gì, được nêu ra chỉ nhằm để mọi người thấy tôi đã nghĩ thế nào, trước khi tôi đưa ra kết luận: tác phẩm của Như Huy không hề giống tác phẩm của Ai Wei Wei. Có chăng, cái giống là họ cùng sử dụng một motif đã quá phổ biến, để truyền tải ý niệm của mình.

Tác phẩm của Ai Wei Wei

Cũng nhân đây, xin các nhà phê bình, khảo cứu, đặc biệt là những người đọc được tiếng Trung, tìm tòi những điều xung quanh tác phẩm của Ai Wei Wei, bổ cứu giúp sự lỗ mỗ của tôi. Bạn Như Huy cũng nên nói thêm xung quanh chuyện này.

Bắt chước bạn Người Làm Hà Nội, sau khi nói luyên thuyên những chuyện đâu đâu, thì quay về câu chuyện Huy An – Natasha, tôi cũng làm vậy. Tôi thấy tác phẩm của Huy An khác với tác phẩm của Robert Therrien, cần lưu tâm là anh thực hiện chuỗi tác phẩm với việc tri nghiệm những cái bóng và bàn chỉ là một trong những thứ tạo ra bóng. Trong số tác phẩm với bàn và bóng này, chỉ có một tác phẩm có chiếc bàn được khuếch đại kích thước, dẫn đến sự nghi hoặc. Huy An khẳng định anh làm tác phẩm mà không biết đến tác phẩm của Robert Therrien. Nhưng cứ giả sử anh có biết, thì anh không được làm một cái bàn to tướng để nó đổ bóng xuống chăng? Nghệ sĩ thế giới từ sau Robert Therrien, sẽ không ai được làm cái bàn to nữa, bất kể trong dự án nghệ thuật nào? Nhưng Robert Therrien liệu có phải là người đầu tiên có ý tưởng này? Trước Robert Therrien, đã có ý tưởng từ cuốn truyện thiếu nhi rất nổi tiếng mang tên Gulliver du ký, khi nhà văn Swift cho nhân vật lạc vào thế giới của những người khổng lồ, nơi đó tất cả các vật dụng, dĩ nhiên là có cái bàn, đều to tướng. Liệu có thể kết tội Robert Therrien ăn cắp? Sau khi đã có những tượng và phù điêu cổ với ba con khỉ bịt mắt, mũi, tai, thì không ai được trình diễn bịt mắt, mũi, tai?

Hình ảnh ba con khỉ trong điêu khắc kiến trúc cổ

Nhưng, tôi cũng không ngần ngại mà nói rằng, nếu Huy An không làm tác phẩm với những cái bóng và chất liệu than, mà đơn thuần chỉ chạy theo những cái to đùng, và anh lại còn làm cái bàn to sau Robert Therrien, thì tác phẩm kiểu đó, với tôi chỉ là con số không! Quên, con số âm.

Tác phẩm nghệ thuật thị giác đương đại, thường rất gắn với số phận nghệ sĩ, gắn với trí não, tình cảm… của anh/ chị ta. Rộng hơn, là bối cảnh xã hội, cộng đồng mà nghệ sĩ ấy sinh sống – nơi phát xuất những ký ức, kinh nghiệm… của nghệ sĩ, nơi tác động nhiều chiều, lâu dài vào nghệ sĩ và nghệ sĩ cũng mong muốn tác động trở lại. Để hiểu một tác phẩm loại này, không thể chỉ căn cứ vào một vài yếu tố bề mặt và nhanh chóng đưa ra kết luận.

Thôi, dài quá rồi, có lẽ sắp rơi vào nguy cơ luyên thuyên, tôi xin dừng. Trân trọng cảm ơn bạn Người Làm Hà Nội đã cung cấp những tư liệu hay, cảm ơn mọi người đã đọc.

*

Bài liên quan:

– Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc
– Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia

– Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An

– Thư gửi bà Natalia Kraevskaia của Nguyễn Huy An

– Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình

– Hít vào ắt phải thở ra…

– Giống và/mà không giống

– Tiếp câu chuyện Thở ra hít vào…

Ý kiến - Thảo luận

15:17 Wednesday,6.7.2011 Đăng bởi:  Nl
Đây là kiểu nói "hear no evil, see no evil, speak no evil". Bộ 3 này luôn đi chung với nhau. Nó hầu như là 1 câu nói mà ai cũng nói diocese, và rất nhiều nghệ sĩ trình bày thông qua nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc và cả trình diễn. Nhưng Như Huy chỉ có 2 ảnh và thực hiện khá yếu.
...xem tiếp
15:17 Wednesday,6.7.2011 Đăng bởi:  Nl
Đây là kiểu nói "hear no evil, see no evil, speak no evil". Bộ 3 này luôn đi chung với nhau. Nó hầu như là 1 câu nói mà ai cũng nói diocese, và rất nhiều nghệ sĩ trình bày thông qua nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc và cả trình diễn. Nhưng Như Huy chỉ có 2 ảnh và thực hiện khá yếu. 
9:15 Wednesday,29.6.2011 Đăng bởi:  N Linh
Bác Lê Anh Hoài thân mến. Em không có ý nói là bác nhầm hai ông đó là người thật, ai lại ngây thơ như vậy, hihi  Ý em là bác bị nhầm Thiện - Ác là tính cách của hai ông Hộ pháp, nhưng đúng thì Thiện - Ác là đối tượng trong hành động của hai ngài Security đó cơ ạ. Như hồi bé em cứ nghĩ ông Thiện là ông Hộ pháp rất thiện, ông Ác là ông Hộ pháp rất ác…

C
...xem tiếp
9:15 Wednesday,29.6.2011 Đăng bởi:  N Linh
Bác Lê Anh Hoài thân mến. Em không có ý nói là bác nhầm hai ông đó là người thật, ai lại ngây thơ như vậy, hihi  Ý em là bác bị nhầm Thiện - Ác là tính cách của hai ông Hộ pháp, nhưng đúng thì Thiện - Ác là đối tượng trong hành động của hai ngài Security đó cơ ạ. Như hồi bé em cứ nghĩ ông Thiện là ông Hộ pháp rất thiện, ông Ác là ông Hộ pháp rất ác…

Còn vụ kia, hihi con người ta chả phải luôn thấy thiếu cái mình đang không có sao bác. Khi ở nhà có thể đến hơn một tuần em không sờ vào PC hay vào mạng. Lúc ấy cứ luôn thấy thiếu cái gì đó. Nhưng khi đã có… cái gì đó ở bên, thì em lại phải khổ sở chạy xuống xin dùng ké cái PC để gửi mail giúp cô bạn “cưỡng cơn gió bấc“, hihi, và trong khi chờ mail cô ấy thì em ngồi lướt mạng cho đỡ sốt ruột… và em vào Soi… 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả