Gẫm & Bình

Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc 16. 06. 11 - 6:16 am

Bài: Phong Vân - Ảnh và chú thích ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Họa sĩ Lê Quảng Hà phát biểu. Anh chủ yếu nói về thái độ nghệ thuật và tính cách của các nghệ sĩ cần mạnh mẽ hơn và chủ động hơn trong việc tự tạo điều kiện sáng tác và sinh sống cho bản thân.

 

Chủ đề: ĐIÊU KHẮC CẦN HÍT THỞ !

Thời gian: 10h30 – 12h30, sáng thứ Bảy ngày 4. 6. 2011 (tức cách đây hơn 10 ngày)
Địa điểm: Bar Factory, 11A ngõ Bảo Khánh, Hà Nội (một cơ sở của họa sĩ Lê Quảng Hà)
Diễn giả: Nguyễn Quân, Đào Châu Hải, Trần Lương, Lê Thị Hiền,…
Dẫn chương trình: Phạm Long (anh chuyên về Vật lý nhưng rất quan tâm đến mỹ thuật, đặc biệt là điêu khắc. Đặc biệt, anh Phạm Long rất có công trong việc dịch những tài liệu tham khảo về điêu khắc ra tiếng Việt.)

*

Có lẽ thật lâu rồi mới lại có một buổi nói chuyện về điêu khắc Việt Nam hiện nay với nhiều câu hỏi đề dẫn đến thế:

1. Chất liệu nào cho giao diện sống mới?
2. Làm sao nhận ra tác giả?
3. Có cần sự chà xát qua cuộc sống?
4. Hiện thực lịch sử và xã hội quan trọng như thế nào?
5. Mối liên hệ nào giữa tác phẩm điêu khắc với hình thức, tinh thần và lý lịch nơi bày?

Theo lời giới thiệu, chương trình này là sáng kiến của họa sĩ Trần Lương, các nhà điêu khắc, FX cùng quý thân hữu quan tâm tới nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt.Quang cảnh đầu buổi tọa đàm, họa sĩ Trần Lương đang chuẩn bị cho phần trình chiếu của anh.

Các thính giả bên trong phòng tọa đàm chính: nhà điêu khắc Lê Thị Hiền, Mai Thu Vân, tiến sĩ Phạm Long, một khán giả nước ngoài, nhà báo Đào Mai Trang, tiến sĩ Natasha.

Năm câu hỏi đề dẫn đều rất hay và cũng là những câu hỏi lớn với giới điêu khắc Việt Nam hiện nay, mặc dù chúng không đề cập đến những gì mới nảy sinh trong lĩnh vực nghệ thuật này. Hai tiếng đồng hồ có lẽ chỉ đủ để lướt qua năm câu hỏi ấy.
Trước nay vẫn thế, giới điêu khắc ở Hà Nội không đông đảo bằng giới hội họa và đội ngũ những người tham gia thực hành các môn nghệ thuật đương đại khác. Tuy vậy, một số nghệ sĩ không phải thuộc bộ môn điêu khắc cũng tích cực tham gia art talk này.

Sau một vòng phát biểu của những diễn giả, tựu chung là nhẹ nhàng, ý vị, vui vẻ, nhưng không có gì mới, tôi nhận ra một điều: 5 câu hỏi kia đều khá “đụng chạm” nếu ai đó “dám” trả lời chúng một cách rành mạch, chân thực và đầy đủ.

Nhóm các nhà điêu khắc trẻ và nghệ sĩ tham dự tọa đàm ngồi ngoài phòng chính. Gồm có: nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, họa sĩ Hà Trí Hiếu, nhà điêu khắc Giang (xin lỗi không nhớ tên đầy đủ của anh), nhà điêu khắc Lương Văn Việt, nhà điêu khắc Trần Trọng Tri và hai nghệ sĩ trẻ không nhớ tên.

Thử phân tích và dẫn giải một chút: câu hỏi thứ nhất: “Chất liệu nào cho giao diện cuộc sống mới?”: câu hỏi này đòi hỏi người trả lời (nếu là nghệ sĩ điêu khắc) phải thực sự am hiểu các chất liệu truyền thống của điêu khắc hiện đại, đồng thời phải có kinh nghiệm làm việc cùng nó như một nghệ sĩ thuần thục về kỹ thuật cơ khí lẫn thủ công… Nói như nữ nghệ sĩ điêu khắc Lê Thị Hiền, đại ý: nghệ sĩ phải tự mình làm việc với chất liệu để hiểu được nó, có cảm hứng với nó và cùng nó tạo nên một tác phẩm hoàn thiện. Tuy nhiên, ngay trong tọa đàm này, có sự hiện diện của một (vài?) nghệ sĩ điêu khắc mà người trong giới đều âm thầm biết rằng người đó lâu nay không đụng tay đến chất liệu, chỉ trỏ tay năm ngón cho thợ thực hiện. Vậy làm thế nào có thể rốt ráo với câu hỏi đầu tiên này được, khi anh ngồi đó, tôi ngồi đó, chúng ta còn gặp nhau ngoài đời?

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền phát biểu

Bên cạnh đó, khái niệm “giao diện sống” cũng khá trừu tượng, người nghĩ ra câu hỏi này cũng chỉ giải thích chung chung là những cách tương tác mới giữa các yếu tố khác nhau trong cuộc sống xã hội đương đại… Đó cũng là một cản trở trong câu hỏi này.

Câu hỏi thứ hai: “Làm sao nhận ra tác giả?” Từ “tác giả” trong trường hợp này nên được hiểu là phong cách của nghệ sĩ, thể hiện qua xu hướng chọn chất liệu, ngôn ngữ tạo hình, nội dung tác phẩm… Câu hỏi này đụng chạm toàn phần đến tài năng và tự ái cá nhân của nghệ sĩ; chẳng ai dám phê phán hay khen ngợi ai một cách trực diện trước đám đông trong bối cảnh “nghiêm túc” như thế này, ngoại trừ những cuộc trà dư tửu hậu hay bia bọt của một nhóm nhất định. Chỉ có nữ điêu khắc Mai Thu Vân và nghệ sĩ điêu khắc trẻ Trần Trọng Tri (sinh năm 1978) là khá tương đồng với nhau khi đề cập đến câu hỏi này, đại ý: mình cứ lặng lẽ và kiên định làm việc của mình, mặc nhân gian xôn xao…

Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri phát biểu. Bên cạnh anh là nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền

Câu hỏi thứ ba và bốn: “Có cần chà xát qua cuộc sống? Hiện thực lịch sử và xã hội quan trọng như thế nào?”. Hai câu hỏi này hoặc không cần phải trả lời vì tự chúng đã chứa đựng câu trả lời, hoặc mỗi một cá nhân nghệ sĩ có câu trả lời riêng, phụ thuộc vào cách nhìn và tầm nhìn của họ về lịch sử, xã hội, ai đang sống mà chẳng “chà xát” qua cuộc sống, chẳng gắn bó với hiện thực lịch sử, xã hội để rồi mới có được nghệ thuật. Một liên hệ khéo léo đã được nảy sinh từ đây: câu chuyện đã được đẩy qua khía cạnh tài trợ cho nghệ thuật, kiếm tìm curator và dự án cho điêu khắc đương đại, để nghệ thuật có điều kiện được sinh ra, tồn tại. Nghệ sĩ Đào Châu Hải nhắc đến vai trò của Hội Mỹ thuật Việt Nam với cách nói đầy tâm trạng, mặc dù ông đang là một trong những thành viên có trách nhiệm ở Hội này, nhưng ông khảng khái nói ông cảm thấy xấu hổ về cách hoạt động và tác động đến đời sống nghệ sĩ của Hội. Câu nói như một sự thừa nhận bất lực của cá nhân ông, tuy nhiên, điều này chẳng có gì mới mẻ vì nó từng được ông đề cập đến trong không ít cuộc art talk hay tọa đàm trước đó và ông vẫn không vì thế mà rút ra khỏi BCH của Hội này hay có một động thái gì mạnh hơn, mà vị thế của ông trong giới điêu khắc có thể cho phép ông làm được.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải phát biểu

Câu hỏi cuối cùng: “Mối liên hệ nào giữa tác phẩm điêu khắc với hình thức, tinh thần và lý lịch nơi bày?”. Tiếc là với câu hỏi này đã không có những thảo luận cụ thể đến một vài ví dụ cụ thể cùng không gian trưng bày chúng đã từng gây dư luận, để nghệ sĩ và người nghe khác cùng phân tích, tìm giải pháp tối ưu; nếu được thế có lẽ thảo luận sẽ thú vị, hữu ích hơn là nói chung chung những lời nguyên tắc. Nghệ sĩ điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm (sinh năm 1977) nói đại ý: sáng tác điêu khắc muốn thở được thì phải có được một môi trường tồn tại sạch, một bầu không khí sạch, và tinh thần sáng tác của nghệ sĩ cũng phải sạch… Đây có lẽ là ý kiến duy nhất trực tiếp đề cập đến chủ đề của buổi art talk hôm nay: điêu khắc cần hít thở. Nhưng phải nói, anh đang nói đến một điều không tưởng, dù câu nói của anh mang nhiều ẩn ý mà mỗi người đều có thể tự nhận ra dễ dàng.

Thính giả trong phòng tọa đàm

Bà Natalia Kraevskaia, chủ nhân salon Natasha, sau khi nghe rất nhiều ý kiến khác nhau, đã thực sự muốn nêu ý kiến. Bà mở đầu bằng câu nói của Francois de la Rochefoucauld: People always complain about their memories, never about their minds (Con người luôn phàn nàn về trí nhớ chứ không phải về trí tuệ của mình). Liên hệ đến buổi nói chuyện này, bà cho rằng, từ đầu đến giờ, bàn đến nghệ thuật điêu khắc cần hít thở mà chưa thấy ai nhắc đến vấn đề chủ chốt trong sáng tạo nghệ thuật nói chung cũng như nghệ thuật điêu khắc nói riêng: tài năng nghệ sĩ cũng như sự thiếu vắng tài năng (nếu đó là một khía cạnh thực tiễn). Thay vào đó, tất cả đều đề cập đến ngoại cảnh, từ chất liệu, giao diện sống, đến tài trợ, không gian trưng bày… Nhưng lấy gì để chứng thực cho nghệ thuật nếu không phải chính là tài năng của nghệ sĩ.

Phát biểu của tiến sĩ Natasha, qua phiên dịch của nhà báo Đào Mai Trang

Nhân tiện, bà Natasha cũng nói đến lòng khoan dung, từ này giờ đây hiện diện ở khắp các diễn đàn và lĩnh vực cuộc sống, từ chính trị đến tôn giáo, văn chương và nghệ thuật, trong đó không loại trừ việc người ta khoan dung với cả những sáng tác nghệ thuật tồi. Và bà đề nghị giới phê bình nghệ thuật Việt Nam hiện nay, ở đây có đại diện là nhà phê bình Nguyễn Quân, phải từ chối sự khoan dung không đáng đó nữa, bằng cách hãy phân tích thẳng thắn xem các tác phẩm tốt ở đâu, tồi ở điểm gì, như một cách đóng góp thiết thực cho sự phát triển nghệ thuật và sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Natasha cũng nhận bà ở Việt Nam quá lâu, đã được/bị Việt Nam hóa, nên nhiều khi cũng viết bài về nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam theo kiểu của người Việt Nam, nhưng nay, bà sẽ thay đổi, bắt đầu bằng việc lên tiếng về một tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ Huy An (đang được trên màn hình trong khán phòng) với cái bàn rất giống với một tác phẩm của một nghệ sĩ châu Âu mà bà từng trực tiếp xem, thậm chí từng chui qua cái bàn đó nữa, tất nhiên cái bàn ở châu Âu lớn hơn cái bàn mà nghệ sĩ Huy An sử dụng nhiều. Bà không nhớ rõ tác phẩm đó từng được tình diễn ở Documenta hay ở một bảo tàng ở New York, nhưng chắc chắn bà sẽ tìm lại được hình ảnh của nó trong một cuốn catalogue trên giá sách gia đình. Vì vậy, bà khẳng định, tác phẩm của Huy An không phải là sáng tạo nguyên bản. Những điều đại loại như thế cần phải có người lên tiếng để gạn lọc dần những sự lừa phỉnh, ru ngủ trong đời sống nghệ thuật Việt Nam…

Phần trình chiếu tác phẩm của họa sĩ Huy An với chiếc bàn học sinh phóng đại, tác phẩm này sau đó đã nhận sự chỉ trích của Tiến sĩ Natasha là một tác phẩm không nguyên bản.

(Bình luận sau đó, bên cốc trà đá của một nghệ sĩ tham dự artalk này: ý kiến của Natasha chẳng khác nào một cái tát vào các ý kiến của nhiều người đã nói trước đó (!). Tất nhiên, chỉ là bình luận trà đá vỉa hè mà thôi...)

Sau ý kiến của Natasha, câu chuyện tiếp tục nhưng được nghệ sĩ Trần Lương chuyển hướng, như một cách làm quen thuộc để không khí chung không bị nóng rẫy lên hoặc ngược lại, nguội ngắt đi…

Họa sĩ Trần Lương phát biểu sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà điêu khắc. Anh gợi ý một số hướng tổ chức hoạt động điêu khắc thời gian tới để đem các sáng tác đến được gần với công chúng hơn nữa, bằng cách đặt để tượng ở những không gian dân dụng như Café Factory, tiến hành triển lãm điêu khắc theo hình thức dự án nghệ thuật…

Không ai thay đổi được ngoại cảnh, chỉ có vượt qua nó để sáng tạo nghệ thuật và bằng sáng tạo nghệ thuật mà thôi. Để được như vậy, người nghệ sĩ phải thực sự độc lập trong công việc của mình, trong tư duy sáng tạo của mình. Nghĩa là người đó trước tiên phải có tài năng rồi kế đến là một chút may mắn nữa. Chủ đề này liệu trước tiên có hấp dẫn chính các nghệ sĩ Việt Nam mình không nhỉ?

*

(SOI: Cảm ơn bạn Nguyễn Anh Tuấn đã cho mượn ảnh. Lưu ý các bạn: nguồn ảnh bài này hoàn toàn độc lập với phần bài viết về mặt thực hiện.)

 

*

Bài liên quan:

– Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc
– Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia

– Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An

– Thư gửi bà Natalia Kraevskaia của Nguyễn Huy An

– Hít vào ắt phải thở ra…

– Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình

– Giống và/mà không giống

– Tiếp câu chuyện Thở ra hít vào…

Ý kiến - Thảo luận

17:10 Thursday,8.9.2011 Đăng bởi:  Trần Tuấn
Không chỉ là một cái bàn to


Trước hết , tôi cho rằng tất cả chúng ta phải biết ơn những ý kiến phê bình và các dẫn chứng cụ thể của Natalia. Những thông tin và hình ảnh chị mang tới đã trình bày một cái nhìn đa chiều dưới ý thức hệ của các nghệ sĩ thế giới. Đó là một việc làm đáng hoan nghênh và có ích cho các nghệ sĩ Việt Nam nói riêng và cho nghệ thu
...xem tiếp
17:10 Thursday,8.9.2011 Đăng bởi:  Trần Tuấn
Không chỉ là một cái bàn to


Trước hết , tôi cho rằng tất cả chúng ta phải biết ơn những ý kiến phê bình và các dẫn chứng cụ thể của Natalia. Những thông tin và hình ảnh chị mang tới đã trình bày một cái nhìn đa chiều dưới ý thức hệ của các nghệ sĩ thế giới. Đó là một việc làm đáng hoan nghênh và có ích cho các nghệ sĩ Việt Nam nói riêng và cho nghệ thuật nói chung.
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của Huy An và Therrien mà chúng ta đang bàn tới, tôi cho rằng kết luận của chị chưa đủ cơ sở. Tôi có lý do để khẳng định điều này khi thấy chị vội vã quy kết tác phẩm của Huy An là “không nguyên bản” và coi tác phẩm của anh ta là một sự “lừa phỉnh”. Thứ nhất, tôi tin chắc chị không nhớ được thông điệp của Therrien ở tác phẩm đó vì chị thậm chí không nhớ được tên triển lãm và địa điểm. Trong trường hợp này tôi cũng chắc chắn chị chưa quan tâm đến thông điệp của Huy An qua tác phẩm của anh ấy. Tất cả những ký ức của chị là cảm giác khi đi xuyên qua bên dưới cái bàn của Therrien (không rõ chị đã cảm nhận thế nào khi làm việc này?).
Tôi đã đọc tài liệu trong link của trang nationalgalleries.org về Therrien mà chị gửi kèm bài viết của mình, trong đó có một nội dung tôi tạm dịch ra như thế này: “Nghệ sĩ người Mỹ Robert Therrien trình bày một thế giới bất ngờ với các cả hai đối tượng quen thuộc và xa lạ. Những điều dường như bình thường được chuyển đổi thông qua quy mô, màu sắc, vật liệu hoặc gạch nối giữa chúng với nhau. Những tác phẩm của Therrien khám phá không gian giữa thực tại và thế giới của những giấc mơ, thu hút người xem vào thế giới của truyện ngụ ngôn và câu chuyện cổ tích, trò chơi thời thơ ấu và những câu chuyện kể dang dở.” Thông qua lời giới thiệu này cũng như hững hình ảnh của các tác phẩm, chúng ta có thể thấy chủ ý của Therrien là sao chép nguyên bản và phóng lớn vật thể với mục đích mang đến những cảm giác khác thường cho người thưởng ngoạn mà theo ông là “khám phá không gian giữa thực tại và thế giới của những giấc mơ, thu hút người xem vào thế giới của truyện ngụ ngôn và câu chuyện cổ tích, trò chơi thời thơ ấu và những câu chuyện kể dang dở”. Nếu xét về lập luận thì ông ấy có cơ sở vững chắc cho các tác phẩm của mình nhưng xét về mặt “nguyên bản” theo quan niệm của Natalia thì chúng ta cần phải xem xét lại. Liệu ông ấy có phải nhà điêu khắc tiên phong trong việc phóng lớn các vật thể? Tất cả chúng ta đều biết người ta đã làm việc này từ rất lâu trong cả hội họa điêu khắc nguyên thủy. Bản thân ý tưởng sao chép bằng cách phóng lớn hay thu nhỏ vật thể cho đến thời điểm này không còn là một tư duy độc đáo bởi vì không ai trong chúng ta chưa từng tưởng tượng ra chúng khi đọc Alice in wonder land hay những truyện thần thoại. Lập luận về “nguyên bản” của Natalia vô hình chung đã kết tội Therrien y hệt như cách chị kết tội Huy An.
Trong trường hợp chị cho rằng kết luận của chị dựa vào bản thân khái niệm vật thể là “cái bàn”. Cái bàn ở đây là trung tâm không thể chối cãi của cuộc tranh luận này, nhưng tôi không chắc nếu đối tượng của Huy An là một vật thể khác chưa được Therrien khai thác thì liệu chị có thay đổi được cách nhìn với anh ấy? Nếu Huy An là một tay lì lợm hẳn anh ấy sẽ phóng to tất cả những thứ mà Therrien chưa đụng đến để cho chị thấy “nguyên bản”. Nhưng tôi tin Huy An không làm vậy bởi vì đó không phải là chân lý cho tác phẩm của anh ấy. Chân lý và logic thực ra nằm ở dưới chân cái bàn – điểm mà chị có thể đã chưa quan sát tới. Nếu cái sự lớn thực sự ám ảnh anh ta thì chúng đã thấy không chỉ một cái bàn mà sẽ có nhiều thứ khổng lồ khác, hoặc đơn giản anh ta chẳng dại gì chọn cái bàn. Cái bàn của Huy vũ thực tế được đặt trong một tổng thể có logic, đó là sự cường điệu các bóng đổ. Tôi dám chắc Huy Vũ sẽ không làm vậy vì chân lý của anh ta, một lần nữa không chỉ là một cái bàn to. Chính kỳ vọng về chuyện cường điệu những cái bóng đã khiến anh ấy đẩy kích thước cái bàn lên mức độ mà chúng ta thấy.
Tất cả những trình bày dông dài của tôi chỉ mong tất cả chúng ta có một cái nhìn đa chiều và lập luận logic trong quá trình sáng tác và phê bình. Đó chính là sự trân trọng mà mỗi chúng ta dành cho nghệ thuật và các nghệ sĩ cũng như sự trân trọng tôi dành cho chị, cho Therrien và Huy Vũ.
Một lần nữa, tôi cám ơn những ý kiến đóng góp của chị cho nghệ thuật và các nghệ sĩ Việt Nam và tôi hi vọng trong tương lai sẽ còn được đọc những ý kiến phê bình của chị.

Trần Tuấn 
20:02 Thursday,23.6.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ô, anh/chị Phong Vân sao dễ dàng đầu hàng thế, em tưởng nếu hít thở không vào thì ta phải:
1- Sửa chữa bộ phận hít thở (tức là thông tắc bộ hít) chứ ạ.
2- Nếu thông bộ hít rùi mà vẫn hổng hít/thở được, tức là không khí nó đặc xịt, nó lắm bụi, nó gây ngạt, đúng không ạ, thế là phải xử lý tiếp môi trường, đúng không ạ?
...xem tiếp
20:02 Thursday,23.6.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ô, anh/chị Phong Vân sao dễ dàng đầu hàng thế, em tưởng nếu hít thở không vào thì ta phải:
1- Sửa chữa bộ phận hít thở (tức là thông tắc bộ hít) chứ ạ.
2- Nếu thông bộ hít rùi mà vẫn hổng hít/thở được, tức là không khí nó đặc xịt, nó lắm bụi, nó gây ngạt, đúng không ạ, thế là phải xử lý tiếp môi trường, đúng không ạ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả