Gẫm & Bình

PHẠM HUY THÔNG đối thoại với
BÙI QUANG THẮNG 09. 08. 11 - 10:54 pm

Phạm Huy Thông và Bùi Quang Thắng

(SOI: Trong phần cmt của bài Dùng tranh chép hòng “tát lệch mặt” nền mỹ thuật Việt, bạn Bùi Quang Thắng và Phạm Huy Thông có trao đổi dài với nhau. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn tiện theo dõi.)

*

BÙI QUANG THẮNG:

Thân gửi Phạm Huy Thông!

Ai cũng biết là: Phê bình, nhất là phê bình thẳng thắn, trực diện là cái đang còn là của hiếm ở Việt Nam, vì thế tôi rất thích kiểu phê bình của Thông (như bài phê bình IM – Om).

Tuy nhiên, mấy hôm nay trên SOI mọi người tẩn cái anh Cactus gallery có vẻ hơi quá rộn ràng, đăc biệt Phạm Huy Thông tẩn đích danh sự “sao chép” của mấy chàng họa sỹ kia, mà lần này thì lại có vẻ như Thông đã thiếu đi sự điềm tĩnh và bao dung khiến một bài phê bình khác hơn (và cao hơn) một bài choảng nhau.

Thú thực, tôi đọc bài này của Phạm Huy Thông mà cứ tiếc cho Thông và lo rằng cái năng lực viết, phê phán đầy tiềm năng của Thông sẽ chẳng mấy chốc mà thui chột. Thời nay, có một số điều mà nếu bạn định “làm” nhà phê bình thì cần phải tham khảo:

– Đáng sợ nhất là kiểu nhận định đúng sai rạch ròi; Cuộc sống này không chỉ có đúng sai, mà còn có cái đúng trong cái sai, cái sai trong cái đúng, và thậm chí đúng sai là do anh nhìn bằng con mắt của ai. Ví dụ, bạn bảo họ chép của người khác thì cũng đã có người bảo tranh của bạn hao hao của người khác đấy thôi. Ở đời làm gì có tác phẩm nào là nguyên bản, duy nhất (chẳng học của người này thì cũng bị ảnh hưởng của người kia cả thôi, không học của các cụ xưa thì cũng học của người Tây cùng thời cả ấy mà… )

– Đáng sợ thứ nhì là kiểu quan niệm coi nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, riêng biệt. Ok, nó là một kiểu sản xuất tinh thần nhưng nó vẫn phải có những thứ khác mà một sản phẩm bình thường của đời sống như thuốc lá hay xà phòng cũng cần phải có: đó là những quá trình phân phối và tiêu thụ sản phẩm, những thể chế xã hội bao quanh chúng… Nói tóm lại, chả có một tác phẩm nào được gọi là nghệ thuật nếu nó bị bỏ xó. Vì vậy, nếu người ta dùng những yếu tố ngoại nghệ thuật một chút để làm PR cho sản phẩm của mình thì có cần phải gay gắt với họ hay không?

– Đáng sợ thứ 3 là lẫn lộn khái niệm: ví dụ “sao chép” khác với “học tập bút pháp” hay “phong cách”; Tôi không phải là một nghệ sỹ, cũng không phải là một nhà phê bình nghệ thuật, nhưng mạo muội nói với Thông vài lời vậy.

*

PHẠM HUY THÔNG:

Cám ơn ý kiến của bạn Bùi Quang Thắng. Dù bạn chê tôi nhưng phải nói rằng tôi thích nghe những ý kiến điềm đạm, có tự trọng của bạn hơn là những ý kiến cứ gào lên mà không có lý lẽ gì. Tôi không biết đối đáp lại với họ ra sao.

Xin đối thoại với bạn như sau: Tôi không có ý định làm nhà phê bình hay đi viết lách (dù khi xưa cũng có học qua Báo chí nhé), tôi chỉ xác định mình là một nghệ sĩ thị giác sống có chính kiến và có thái độ. Tất nhiên tôi luôn muốn giữ mình ở thế tỉnh táo và công bằng. Ở bài viết về TO, IM, OM, tôi đã phải nghĩ nhiều để viết cho thấu đáo và để các bạn ấy đừng giận tôi (nhưng mà các bạn ấy vẫn giận khiến tôi chạy re kèn).

Trong các comment về Cactus Gallery, bạn có thể thấy ban đầu quan điểm của tôi cũng không gắt gao lắm cái chuyện họ chỉ dùng tiếng Anh để kiếm tiền. Đó là quyết định trong đầu tư của họ, vì để vận hành một trang web song ngữ quả thật rất mệt. Tôi chỉ khuyên các gallery khi đã xử dụng tiếng Anh để làm ăn thì nên thuê người viết cho cẩn thận để khách hàng không coi thường mình.

Tuy nhiên khi kiểm tra lại các tác phẩm đăng trong trang web đấy thì tôi cảm thấy rất bực, vì thấy tranh của anh Doãn Hoàng Lâm bị sao chép một cách trơ trẽn. Và khi cáu giận thì tôi comment mắng mỏ Phương Quốc Trí để tỏ rõ thái độ của tôi. Một comment mắng mỏ bộc trực thì không thể nào điềm đạm được. Xin lỗi bạn Bùi Quang Thắng nếu chuyện này làm bạn phiền lòng.

1. Cái đáng sợ về sự rạch ròi mà bạn nêu ra tôi nghĩ thế này: Nghệ thuật không phải toán lý hóa, nó là thứ rất cảm tính nên luôn có những đường biên mờ. Vậy nên khi đánh giá một họa sĩ, tôi biết không bao giờ chỉ nhìn vào một tác phẩm mà phải nhìn cả quá trình đóng góp cho nghệ thuật của họa sĩ đấy. Khi xâu chuỗi các tác phẩm, bạn sẽ thấy quá trình vật lộn của họa sĩ trong cuộc đấu tranh đi tìm bản thân và đi tìm cái mới. Ngay cả anh Doãn Hoàng Lâm, khi quan sát một số tác gần đây nhất mà anh Lâm đăng trên blog cá nhân, tôi có thể thấy anh ấy đang muốn dần từ bỏ bộ tranh cũ. Trong những tác phẩm mới, nếu nhìn riêng, tôi có thấy sự va đập với người này người kia nhưng nhìn tổng thể sẽ thấy một nỗ lực của một người có tài đang muốn thay đổi mình.

Đỏ – Sơn dầu của Doãn Hoàng Lâm


Khỏa thân – tranh Doãn Hoàng Lâm


Khỏa thân xanh – Doãn Hoàng Lâm

Với Lê Quý Tông cũng vậy, hãy tạm chấp nhận tiền đề là anh Tông chịu ảnh hưởng từ Yan Pei Ming (nhất là ở các bức chân dung mà chả biết anh ấy vẽ ai). Nhưng anh Tông lại có những bứt phá thoát ra khỏi sự ảnh hưởng ở các loạt tranh vẽ lính duyệt binh vô nhân diện, những khí tài chiến tranh cũ nát gợi nhớ tới lịch sử đen tối hay các công trình xây dựng ngổn ngang đầy không khí đương đại của một nước mới thoát nghèo.

Tranh Lê Quý Tông


Tranh Lê Quý Tông

Như đã nói, trước đây tôi cũng đã có bài viết về sự giống và khác nhau này, có khen có chê, nhưng về sau lại thôi không đăng vì nó sẽ gây nhiều bất lợi cho anh Tông, nhất là trong cái làng nghệ thuật đầy những kẻ thiển cận, thầy bói mù vớ được một phần nào đó của con voi rồi gào lên chê bai.

Tranh Lê Quý Tông


Tranh Lê Quý Tông


Tự họa – tranh Yan Pei Ming


Tranh Yan Pei Ming

Về công việc của tôi, bạn nhìn cả quá trình cũng sẽ thấy tôi với cuộc vật lộn của riêng mình để đi tìm cái riêng biệt. Tôi không bao giờ phủ nhận việc tôi chịu ảnh hưởng của những họa sĩ đi trước (với cả những khách hàng tôi cũng thẳng thắn như thế). Tôi luôn phải đọc thêm rất nhiều, đi đây đi đó, trao đổi với nhiều người về cuộc sống để sự hiểu biết của tôi không bị nghèo túng. Tôi tìm các ý tưởng mới cho nghệ thuật của mình và cũng luôn hạnh phúc khi thấy tôi hôm nay khác tôi ngày hôm qua.

Đó là những họa sĩ có làm việc. Nhưng có những “họa sĩ” chẳng bao giờ trăn trở điều gì cả, bản thân họ cũng sống chằng có quan điểm gì, cứ ngồi đó nghe ngóng xem tranh ai dễ bán thì xào lại. Cái thói ăn sẵn, những thằng trộm cướp lưu manh đó tôi cực ghét và không bao giờ muốn nói chuyện điềm đạm bao dung hết. Nhìn lại Phương Quốc Trí (nguyên nhân của những tranh luận này), anh ta lúc thì chép nguyên Doãn Hoàng Lâm, lúc thì đu bám lấy Lê Quý Tông, Yan Pei Ming mà chưa bao giờ cho chúng ta thấy một chút cố gắng dù nhỏ nhoi nào để nêu lên tiếng nói cá nhân.

Tranh Phương Quốc Trí


Tranh Phương Quốc Trí

2. Cái đáng sợ của việc “Tháp Ngà Hóa” nghệ thuật mà bạn nhăc đến, quan điểm của tôi có phần ủng hộ bạn. Tôi rất coi trọng các công tác phụ trợ quanh công việc nghệ thuật, nhất là các phần viết lách, lưu trữ thông tin, quan hệ khách hàng (nói chung là PR). Tôi thấy nghệ sĩ Việt Nam thiệt thòi nhiều khi không ở trong trung tâm của văn hóa thế giới và không có hệ thống sưu tập gia nội địa hỗ trợ. Vậy nên để người khác biết đến, nghệ sĩ Việt Nam phải làm nhiều gấp đôi.

Tôi không phàn nàn khi một họa sĩ nào đó muốn PR cho mình (họ có làm quá lố thì cười khẩy với nhau vậy). Nhưng những kẻ vừa ăn cắp vừa muốn ngồi lên đầu người khác thì tôi không chấp nhận đâu. Thế hệ đàn anh những năm 1990 đã quá dễ dãi với nhau, hậu quả là một môi trường nghệ thuật bung bét và sự tẩy chay của khách hàng ở giai đoạn những năm đầu 2000. Tôi không muốn thế hệ tôi chịu những đen đủi tương tự.

3. Về sự lẫn lộn khái niệm “sao chép” hay “học tập”. Có lẽ tôi đã nói gộp trong mục 1 rồi.

Cám ơn bạn về những trao đổi.

 

*

Bài liên quan:

– Dùng tiếng Anh để… biến đổi /biến dạng cái mặt Mỹ thuật Việt Nam?!
– Nếu không biết xài dấu phẩy, có nên xài tiếng Anh (thay tiếng Việt)?

– Dùng tranh chép hòng “tát lệch mặt” nền mỹ thuật Việt

– PHẠM HUY THÔNG đối thoại với BÙI QUANG THẮNG

– Shit gửi Phạm Huy Thông: Nói ăn cắp có dễ thế?

– Tranh luận trên Soi: phong cách “người dưng lạc lối”?

– PHƯƠNG QUỐC TRÍ: Làm việc với tôi, các họa sĩ sẽ thấy nhiều cái khác

Ý kiến - Thảo luận

11:26 Tuesday,16.8.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sön gửi bạn Theo Tôi là
Tôi thích mở cửa đón khách và tiễn khách, bạn đóng cửa không tiếp khách là việc của bạn. Nếu như ai cũng như bạn không giao lưu thì cần gì đến công nghệ thông tin.
...xem tiếp
11:26 Tuesday,16.8.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sön gửi bạn Theo Tôi là
Tôi thích mở cửa đón khách và tiễn khách, bạn đóng cửa không tiếp khách là việc của bạn. Nếu như ai cũng như bạn không giao lưu thì cần gì đến công nghệ thông tin. 
23:48 Thursday,11.8.2011 Đăng bởi:  Theo tôi thì…
Tôi thì không thấy gì hay ho hết, hãy âm thầm mà làm việc sẽ thú vị hơn là bình luận soi xem có cá chép hay không vì điều này sẽ không thể tồn tại tự sẽ đào thải. Con người nhỏ bé không thu hoạch hết được đất trời mô, ngoảnh ra ngoảnh vô thì phễu rồi không minh mẫn mà cá chép được nữa, nói gì đến tìm tòi cái riêng.
...xem tiếp
23:48 Thursday,11.8.2011 Đăng bởi:  Theo tôi thì…
Tôi thì không thấy gì hay ho hết, hãy âm thầm mà làm việc sẽ thú vị hơn là bình luận soi xem có cá chép hay không vì điều này sẽ không thể tồn tại tự sẽ đào thải. Con người nhỏ bé không thu hoạch hết được đất trời mô, ngoảnh ra ngoảnh vô thì phễu rồi không minh mẫn mà cá chép được nữa, nói gì đến tìm tòi cái riêng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Quái vật và biển xanh

Trần Quang Thi

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả