|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhTranh phong cảnh của Per Kirkeby: chẳng có gì mới 26. 12. 11 - 8:21 amAdrian Searle - Pha Lê dịch
Các bức tranh phong cảnh lem luốc của Per Kirkeby hiện (2009) trưng bày tại bảo tàng Tate Modern nhìn na ná nhau, liệu ông họa sĩ người Đan Mạch này có đang tự học lại một kỹ thuật gì chăng? “Khi nhón lấy tuýp màu rồi cẩn thận nặn một ít sơn lên bảng pha, tôi cảm thấy một gánh nặng lịch sử lớn lao đang đè lên vai mình,” Kirkeby viết những dòng này vào năm 1977. Ôi! Chắc chắn Rembrandt cũng cảm thấy thế mỗi lần nhìn vào gương, chắc ông cũng càu nhàu “Lại gương mặt ngố này, cái mũi cũng vẫn thế, nhưng hình như mình mập ra thì phải. Bớt nhậu thôi. Hay là đi căng da mặt nhỉ?“ Nếu hội họa lúc nào cũng đem đến một gánh nặng như vậy thì sẽ chẳng ai muốn vẽ vời gì cả. Ngày ngày, gánh nặng lịch sử sẽ như một con đập đồ sộ sau lưng bạn; và trước mặt bạn chẳng có gì ngoài một bảng pha màu cáu bẩn, với những mảng màu vón lại từ hôm qua. Tranh của Kirkeby tối hù những màu như xanh quân đội, nâu, nâu đỏ, và màu xám xịt mà tôi thường thấy trong những ngày xấu trời; những mảng trắng, lam, và đỏ thì lâu lâu bỗng dưng xuất hiện. Phong cảnh thì mập mờ, lúc có lúc không.
Khi họa sĩ chuyển cảnh vật lên toan, thời tiết bên ngoài sẽ biến mất; nhưng cũng giống như lịch sử, ta nhất quyết kiểu gì cũng phải có được nó, như mưa bên khung cửa, hay gió lùa từ ống khói. Chán cái là, những tác phẩm của Kirkeby chỉ có mỗi đất đá, thác nước, túp lều, các lớp địa chất và đồi núi. Kirkeby từng học về địa chất, và cũng viết văn. Ông là tác giả của một số sách tham khảo, chủ yếu là về các nghệ sĩ mà ông ngưỡng mộ, gồm Munch, El Greco, Picasso và Gauguin. Ông còn là một nhà thơ nữa.
Nói chung, Kirkeby là một nhân vật thú vị thôi. Nhưng không hiểu tại sao ông được Bảo tàng Tate Britain ưu đãi cho một sô triển lãm lớn đến thế. Theo tôi thì còn có nhiều họa sĩ tài năng hơn. Những tác phẩm đầu tiên của Kirkeby vào những năm 60 có vẻ gì đó lộn xộn, bừa bãi, và mang tính chiết trung cùa dòng Pop art. Chất họa sĩ của ông chỉ được định hình một cách rõ nét vào những năm 70, cũng là lúc ông bắt đầu theo ngành điêu khắc. Tác phẩm của Kirkeby thiếu sự đa dạng, còn nét cọ thì thiếu sức hút, màu sắc cũng chẳng có gì gây bất ngờ. Màu này nối tiếp màu kia và kéo lê, cho dù lúc nhanh, lúc chậm; dù ít dù nhiều thế nào trông cũng như những mảng chắp vá bất cân đối, chẳng khác gì các vệt được bôi lem nhem.
Đôi lúc, Kirkeby cạo màu cũ đi, hoặc lia cọ lòng vòng để tiếp sức cho những vùng màu chết. Tôi bắt đầu thắc mắc ông có ý gì? Muốn thể hiện gì cho chính bản thân ông và cho người xem? Ông khám phá ra cái mới mỗi ngày chăng? Hoặc có lẽ Kirkeby muốn nhai lại bài học buồn chán, rằng “Nếu mọi thử nghiệm không cho ra kết quả gì thì cứ đi theo công thức có sẵn“? Sau một hồi ngắm nghía bộ tác phẩm, bạn chắn hẳn phải nói với chính mình “Những thứ này không được. Và cảm giác này chẳng vui chút nào.“
Nhưng cho dù có vẻ hệt như nhau, những bức tranh của Kirkeby thực sự lại rất dễ phân biệt. Cái này có một mảng màu cam được quệt ở giữa, cái kia thì đầy những bông hoa nửa xanh lá nửa xanh lơ. Tuy vậy, khi nhìn kỹ, đống màu đó chỉ đem đến đúng một loại cảm giác nhất định. Có những cuốn sách – thậm chí một số cuốn tôi còn thích chí đọc đi đọc lại – khá tương đồng với Kirkeby về mặt chất lượng và ý tưởng, với những câu từ vừa na ná nhau vừa không giống ai. Nhưng khác với mấy cuốn sách kia, tranh của Kirkeby không làm cho tôi muốn nấn ná lại. Tôi cảm thấy phát chán – chán vì những thứ được làm như kiểu học vẹt, rồi được tô điểm bằng một vài hiệu ứng lãng nhách; cho dù những tác phẩm này – theo cách nào đó – có những bóng gió về lịch sử, tôi vẫn chán. Bạn có thể vẽ về sự kiện đánh chiếm thành phố Constantinople (thuộc địa cũ của nước Hy Lạp cổ, bị La Mã và vô số đế chế khác chiếm), hoặc vẽ về cuộc trốn chạy sang Ai Cập (của Chúa Jesus), thậm chí có thể cầu khẩn cho linh hồn của họa sĩ Philipp Otta Runge hiện về giúp đỡ (Phillip là một họa sĩ người Đức, thuộc trường phái Lãng mạn), nhưng mấy hành động này chẳng giúp chúng ta tiến được đâu xa.
Nói gì thì nói, Kirbeby có một số tác phẩm điêu khắc: một cái ở ga xe điện tại quận Humlebaek, phía bắc Copenhagen, một cái tại công viên điêu khắc ở Middelheim, ngoại ô Antwerp. Chúng có chất u ám đặc trưng khiến tôi bị hấp dẫn. Hai tác phẩm làm bằng gạch thô này trông giống bức tường thành của những tòa lâu đài cổ, hoặc giống hầm chứa có mái vòm cung; chúng tạo cảm giác sợ hãi và có gì đó rất kỳ bí, giống như những tòa nhà hình vòm trong tranh của De Chirico. Đáng tiếc là những tác phẩm điêu khắc bằng đồng của Kirkeby tại Tate Modern không thú vị bằng hai cái kể trên.
Gần đây, Kirkeby đã trở thành một thứ nghệ sĩ chính thống: ông được ủy nhiệm phụ trách phần tu sửa nội thất cho Thư viện Hoàng gia của Copenhagen, và cho Bào tàng Địa lý của thành phố. Đây không hẳn là một việc sung sướng gì đối với một họa sĩ, mặc dù vẫn có người muốn nhận nhiệm vụ này. Tôi không cảm thấy được cái “gánh nặng lịch sử” khi nhìn vào tranh của Kirkeby; tôi chỉ thấy một sự tẻ nhạt u buồn. Nó như kéo dài vô tận. Một số người có thể nghĩ rằng “buồn tẻ” đồng nghĩa với “nghiêm nghị, đứng đắn”, nhưng tôi chẳng nằm trong số đó.
* Bài liên quan: – 1. 9: sinh nhật Per Kirkeby – địa chất + trừu tượng = lem nhem? Ý kiến - Thảo luận
8:30
Monday,26.12.2011
Đăng bởi:
Em-co-y-kien
8:30
Monday,26.12.2011
Đăng bởi:
Em-co-y-kien
Bài viết của Adrian Searle về 1 "tượng đài" sao thấy cứ nhẹ như không mà thật thâm thúy.
Đó là vì vốn kiến thức của người viết, hay nhờ cái bình tâm chỉ tin vào chính cảm nhận của mình - 1 người xem - trước 1 nhân vật bị/được cho là "đồ sộ"? Đọc lên, cũng lại thấy như tả về họa sĩ làng ta, nhề, hãi thế! Cám ơn chị Pha-Lê nhé! Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Đó là vì vốn kiến thức của người viết, hay nhờ cái bình tâm chỉ tin vào chính cảm nhận của mình - 1 người xem - trước 1 nhân vật bị/được cho là "đồ sộ"?
Đọc lên, cũng lại thấy như tả về họa sĩ làng ta, nhề, hãi thế!
Cám ơn chị Pha-Lê nhé!
...xem tiếp