Tin tức

Tin-ảnh: Làm sao để hút người xem? 15. 04. 12 - 12:37 pm

Phạm Phong tổng hợp

PHILADELPHIA – Làm thế nào để kéo người xem tới bảo tàng là một thách thức ngày càng lớn đối với các cơ sở triển lãm. Câu trả lời là: Hãy nghĩ ra nhiều trò. Trong ảnh: Gail Harrity (trái), chủ tịch và nhà điều hành chính cùng Timothy Rub, tổng giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia đang cắt một chiếc bánh kem như một bông hoa hạnh cách điệu trong lễ kỷ niệm 159 năm ngày sinh danh họa Vincent van Gogh, hôm 30. 3. 2012. Mỗi khách tham dự sẽ được một miếng bánh, và đã có 180.000 vé được đặt trước cho triển lãm Van Gogh Close Up (Cận cảnh Van Gogh) tại bảo tàng này. Ảnh: Alex Brandon

 

PHILADELPHIA – Người ta đến tham dự những “event” của bảo tàng, ngoài việc yêu hội họa, có khi còn vì gắn với kỷ niệm rất cá nhân. Thí dụ như trong ảnh, ông David Berlin, 83 tuổi, đang được vợ là bà Helen Berlin cho thưởng thức một miếng bánh sinh nhật van Gogh. Cả hai ông bà đều từ xa đến để dự lễ kỷ niệm 159 năm ngày sinh Vincent van Gogh, tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, hôm 30. 3. 2012. Hôm ấy cũng là sinh nhật lần thứ 83 của ông David Berlin. Hai ông bà quyết định “quá giang” luôn sinh nhật của danh họa cho có ý nghĩa. Bảo tàng đã làm một cái bánh kem to hình hoa hạnh để người đến dự cùng ăn.

 

Cũng thế, ngày nay, đưa di sản văn hóa đi triển lãm xứ người cũng phải cạnh tranh trong việc hút người xem. Không phải cứ treo tranh lên, bày tượng lên là người ta ùn ùn kéo tới. Trong ảnh: các nhà sư của tu viện Shokokuji, Nhật Bản đang thực hiện một lễ cầu kinh trước ba mươi bức tranh cuộn có từ thế kỷ 18, vốn được coi là bảo vật của Nhật. Những bức này hiện mới được đưa sang treo tại National Gallery of Art tại Washington – lần đầu tiên xuất ngoại. Người ta vừa đến xem tranh, vừa đến xem những nghi lễ tôn giáo kèm theo. Ảnh: Jacquelyn Martin

 

Bảo tàng National Gallery of Art, Washington, vào cuối tháng Ba, 2012, đã có dịp được trưng bày những bức tranh Nhật vẽ hoa và chim có từ thế kỷ 18. Triển lãm này là để kỷ niệm 100 năm Nhật tặng Mỹ 3.000 cây anh đào để trồng tại thủ đô Washington. Sáng kiến của người tổ chức: không chỉ treo tranh, mà còn có thêm một đoàn các nhà sư để giới thiệu một số nghi thức tôn giáo Nhật. Xem tranh mà lại được xem cả những nghi thức trang trọng của một đất nước, còn gì bằng. Ảnh: Jacquelyn Martin

 

RUEGEN – Làm sao để các festival điêu khắc cát có nhiều người xem hơn, có ích hơn là những đụn-cát-có-hình-rồi-biến-mất? Gắn với một chủ đề thân quen với quần chúng là một sáng kiến. Trong ảnh: điêu khắc gia người Nga Vladimir Kurayev đang tạc một khối tượng cắt trong fesival điêu khắc cát diễn ra tại Binz thuộc vùng biển Baltic, hồi cuối tháng Ba vừa qua. Hơn 150 tác phẩm tạc dựa theo các cảnh, các nhân vật của 34 câu chuyện cổ tích châu Âu được trưng bày trong festival này. Ảnh: Jens Koehler.

 

RUEGEN – Đây là bức tượng của điêu khắc gia Vladimir Kurayev tạc hai anh em nhà Grimm: Jacob (trái) và Wilhelm (phải), trong liên hoan điêu khắc cát lần thứ ba tại Binz hồi cuối tháng Ba. Ai mà chẳng đọc truyện cổ Grimm, đúng không? Xem tượng và nhớ lại những kỷ niệm ấu thơ – một sáng kiến hay của người tổ chức. Ảnh: Jens Koehler

 

LONDON – Muốn thu hút người xem thì không thể để họ phải đến tận bảo tàng, gallery mới xem được các tác phẩm của mình, trang web chính thức của nghệ sĩ người Anh Damien Hirst đã ra mắt hồi cuối tháng Ba, 2012. Thăm trang damienhirst.com, bạn sẽ được xem 250 tác phẩm chủ chốt của Hirst, lọc từ những series quan trọng nhất của họa sĩ, trải dài suốt 31 năm và mỗi tháng nội dung sẽ được cập nhật thêm. Ngoài ra, khách vào trang có thể nắm được những dự án và triển lãm mới nhất của Hirst, đồng thời xem một số video quay từ studio, cho thấy rõ hơn việc thực hành nghệ thuật của Hirst (chứ không phải của các cộng sự ông, vốn nổi tiếng là làm thay ông rất nhiều?)

 

MALAGA – Bây giờ là tin triển lãm: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Málaga hiện đang trưng bày triển lãm Con razón o sin ella/ “Có và Không có Lý do” của nghệ sĩ người Canada Marcel Dzama (sinh năm 1974). Đây là triển lãm quan trọng nhất cho tới nay của Marcel Dzama, tại Tây Ban Nha, bày 50 tác phẩm mới nhất của anh.

 

Marcel Dzama chụp ảnh cạnh bức tranh của anh có tên “Bên bờ sông đỏ”, trong triển lãm riêng “Có và Không có Lý do” tại Tây Ban Nha. Triển lãm diễn ra từ 30. 3 đến 17. 6. 2012

 

Tác phẩm “Fearful Line Up” 2014 của Marcel Dzama (1974), sơn dầu, cắt dán, chất liệu tổng hợp trên canvas. Anh là điển hình cho một lớp nghệ sĩ “đa di năng”: làm việc trên nhiều loại chất liệu, thể loại, từ tranh, tới tượng, sắp đặt, và cả phim; làm việc tại các thành phố lớn trên thế giới, tác phẩm vừa có thể tham gia những triển lãm lớn tại bảo tàng, vừa có thể đủ nhỏ để làm bìa cho các album nhạc; có thể làm những tác phẩm rất lớn, lại cũng có thể thiết kế áo quần. Marcel Dzama nói, “Tôi thích khi mọi việc kết hợp với nhau để tạo ra thứ gì đó vừa bí ẩn vừa huyền hoặc”.

 

SYDNEY – Họa sĩ người Úc Tim Storrier cùng cún Smudge chụp hình bên cạnh tác phẩm tự họa của ông vừa đoạt giải Archibald năm nay (dành cho chân dung tự họa), có tên “The Histrionic Wayfarer” (Kẻ bộ hành giỏi đóng kịch?) tại Gallery Nghệ thuật New South Wales ở Sydney, Úc, hôm cuối tháng Ba. 2012. Vượt qua 800 ứng viên, Storrier đoạt giải nhất, ẵm luôn $75,000. Archibald là giải chân dung hàng năm quan trọng nhất của Úc, diễn ra lần đầu tiên năm 1921 sau chúc thư của J. F. Archibald (mất năm 1919), tổng biên tập tờ The Bulletin. Ban giám khảo là các thành viên của Art Gallery vùng New South Wales.

 

LUGANO – Một trong những “tay tổ của điêu khắc đồ vật” – điêu khắc gia người Anh Athony Cragg, hiện sống tại Đức và là giám đốc một cơ sở nghệ thuật ở Đức, đang chụp ảnh cạnh bức tượng Secretions (Bài tiết?) tại triển lãm của ông tại Villa Ciani, vùng Lugano, Thụy Sĩ. Triển lãm bày tượng, tranh vẽ, tranh khắc của ông, vừa mới kết thúc hôm 12. 4. 2012. Athony Cragg làm tượng có vẻ càng ngày càng to và mượt mà. Ảnh: Karl Mathis.

 

Để đọc thêm về Athony Cragg, các bạn có thể xem ở:

– Cuối bài “Những tay tổ của điêu khắc đồ vật (phần 2)
– Những tác phẩm rất to của ông ở phần giữa của bài “Tin-ảnh: Chuyện cũ và tin mới
– Một tác phẩm bằng đá trong “Tin-ảnh: Từ nghệ sĩ đường phố tới nghệ sĩ thượng lưu

 

 

Ý kiến - Thảo luận

18:01 Monday,28.5.2012 Đăng bởi:  admin
@ Hồ Thu Ba: Đã sửa rồi :-). Cảm ơn bạn nhiều.
...xem tiếp
18:01 Monday,28.5.2012 Đăng bởi:  admin
@ Hồ Thu Ba: Đã sửa rồi :-). Cảm ơn bạn nhiều. 
17:34 Monday,28.5.2012 Đăng bởi:  hồ thu ba
Bắt lỗi Soi 1 chút:
"... đã có dịp được trưng bày những bức tranh Nhật vẽ hoa và chim có từ thế kỷ 1716"
...xem tiếp
17:34 Monday,28.5.2012 Đăng bởi:  hồ thu ba
Bắt lỗi Soi 1 chút:
"... đã có dịp được trưng bày những bức tranh Nhật vẽ hoa và chim có từ thế kỷ 1716" 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả