Gẫm & Bình

Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào?
Bài 1: Quan điểm ta như đứa trẻ sơ sinh 25. 04. 12 - 1:49 pm

Phó Đức Tùng

SOI: Đây là một bài viết dài, về nhiều vấn đề nhỏ, nhưng tựu chung hướng về một vấn đề lớn là hướng đi nào cho nghệ thuật Việt Nam. Soi xin cắt thành nhiều bài nhỏ để các bạn dễ theo dõi và thảo luận. Cuối cùng sẽ gộp thành một bản đầy đủ, không hình ảnh minh họa. Hình trong từng bài do Soi nhặt nhạnh trên mạng và đưa vào thêm. Tên mỗi bài nhỏ do Soi đặt thêm.

Hí họa của Ben Heine

 

Bài viết của ông Colin có lẽ là một trong số ít bài đánh giá tổng quan hiện trạng nghệ thuật Việt Nam có giá trị. Thứ nhất là bài viết đánh giá một cách tương đối chính xác, sắc sảo và thẳng thắn về hiện trạng sáng tác và tác phẩm của rất nhiều nghệ sỹ thành danh, đang là những tấm gương sáng cho lớp trẻ hướng theo. Thứ hai là đã nhìn nhận những hạn chế cũng như ảnh hưởng phản tác dụng của cơ chế thị trường cũng như những hoạt động hỗ trợ nghệ thuật của nhà nước, các tổ chức quốc tế và các gallery cũng như tình trạng thiếu vắng của phê bình nghệ thuật ở Việt Nam. Một bài viết thẳng thắn như vậy chắc chắn là rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh văn hóa làng xã dĩ hòa vi quý ở Việt Nam hiện nay, khi mà ai cũng ngại phê bình, chỉ trích các cây đa cây đề. Tất nhiên có rất nhiều điều bài viết chưa nói đến, nhưng cũng không ai có thể đòi hỏi một bài viết ngắn phải giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, theo tôi thì nhân cớ của bài viết này cũng có một số vấn đề nên tranh luận cho sáng tỏ hơn.

Theo tôi, tình trạng bế tắc trong sáng tác và tác phẩm của các nghệ sỹ thành danh hiện nay tuy ít ai muốn và dám nói thẳng như ông Colin, nhưng không phải mọi người không biết. Bản thân các nghệ sỹ hẳn biết rõ nhất, sau đó là các gallery, các đồng nghiệp có đẳng cấp, các tổ chức văn hóa, các nhà sưu tập sắc sảo, cũng như những lớp trẻ tài năng. Có chăng là một số đại gia mới giàu muốn đánh bóng bản thân bằng collection nghệ thuật có thể không biết, nhưng họ không thực sự quan tâm, vì cái họ cần là một số tên tuổi và giá tranh cao thể hiện đẳng cấp giàu của họ. Còn người sưu tầm nước ngoài thì tất nhiên phải bằng lòng với sản phẩm sao chép ý tưởng, khi họ không có duyên mua được những tác phẩm đầu tay của các họa sỹ. Nhưng chỉ cần so sánh mức giá tranh Việt Nam với các tác phẩm nghệ thuật đương đại quốc tế được bày ở các triển lãm và phòng đấu giá chuyên nghiệp thì đủ thấy họ xếp các tác phẩm của ta như những souvenir cao cấp mà thôi. Như vậy thì việc thẳng thắn phê bình từng người, từng tác phẩm thực tế ít có tác dụng chừng nào chưa thực sự nêu được lý do vì sao, nên làm thế nào. Sự bế tắc chung của toàn ngành không thể giải thích bằng sự tham tiền hay dễ dãi của từng cá nhân . Tương tự, tình trạng thiếu concept của các gallery và tổ chức quốc tế từng đóng vai trò quan trọng cũng phải có nguyên nhân, lý giải của nó. Cảm nhận của tôi thì việc dễ dãi, tự copy mình của các nghệ sỹ, sự thiếu concept của gallery v.v… đều là hệ quả của việc bế tắc chứ không phải nguyên nhân. Vì thế nên tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân ở đâu và hướng đi thế nào.

Trong phạm vi chủ đề này, có hai điểm theo tôi nên bàn kỹ:

1- Quan điểm thứ nhất: Chúng ta là trẻ sơ sinh

Hiện trạng toàn thể nước ta đang đứng gần bét thế giới, đại khái thứ 130/150 gì đó. Và như vậy có nghĩa là nhìn chung, tất cả mọi lĩnh vực của chúng ta đều như vậy, từ văn hóa, nghệ thuật, chính trị, khoa học, triết học, kinh tế v.v… Không một lĩnh vực nào chúng ta có thể so sánh với các nước đi đầu, trừ một số tài năng, ý tưởng đột xuất nào đó. Cả nước chúng ta như một đứa trẻ sơ sinh. Vậy đòi hỏi riêng các nghệ sỹ phải sánh ngang với quốc tế thì khác gì đòi hỏi đứa trẻ sơ sinh này phải có quả tim, hay quả thận của người lớn, chẳng phải quái thai sao. Một đòi hỏi như vậy sẽ đặt các nghệ sỹ ngay từ đầu vào một thang tiêu chuẩn mà họ không cách nào leo được lên trên và sẽ phủ nhận những nỗ lực, tài năng của nhiều người.

Nói như thế không có nghĩa là nghệ thuật Việt Nam không có giá trị gì, vì nói vậy khác gì bảo chỉ người lớn mới tốt đẹp, còn trẻ con không có giá trị gì. Người tinh tường thậm chí còn phải nhận ra được là ở đứa trẻ còn tiềm ẩn những giá trị nghệ thuật cao hơn, nguyên vẹn hơn người lớn. Tuy nhiên phải nhận thấy rõ là bản chất trẻ con có một số đặc điểm: Thứ nhất hay bắt chước, thứ hai không cắt nghĩa được tại sao, thứ ba không ổn định, thứ tư hay lặp đi lặp lại. Nếu coi đó là những nhược điểm cơ bản thì cũng giống như coi cơ bắp là tiêu chí đánh giá duy nhất, trẻ con tất nhiên không thể bằng người lớn, vậy không cần bàn nữa. Nhưng nếu nhận ra rằng thiên nhiên luôn hoàn thiện, đứa trẻ sơ sinh cũng hoàn thiện như người trưởng thành, giống như cái cây từ hạt nảy mầm, đến khi ra hoa kết quả, tuy mỗi thời kỳ một khác nhưng lúc nào cũng đẹp, cũng hoàn hảo, thì phải nhìn ra được đằng sau những bất cập nói trên sẽ có những sự độc đáo, trong sáng, vô tư, sức sống và ham sống mạnh mẽ mà chỉ có giai đoạn non trẻ mới có.

Vì vậy, muốn thấy được cái đẹp của trẻ con, cần phải bỏ qua hệ giá trị của người lớn, không so sánh với người lớn, mới nhìn ra cái đẹp mà người lớn không có. Có điều là trẻ con thì sẽ không thể nhận ra điều này, chúng không biết chúng hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, mà đơn giản tồn tại là trẻ con. Do đó, nghệ thuật Việt Nam không thể có phê bình, cũng như các nghệ sỹ Việt nam không thể phê bình, hay phân tích. Vì thế, câu cửa miệng ở Việt nam mà chúng ta gặp ở mọi lĩnh vực là: Tây nó thế, nhưng ở ta nó khác. Đối với đứa trẻ và những giá trị riêng của nó, việc phân tích, mổ xẻ của người lớn nếu đúng thì đa số cũng vô tác dụng, vì đứa trẻ bản thân là như vậy, không cần comments. Ngược lại, những phân tích của người lớn thông thường là có hại khi chúng không xuất phát từ việc thấu hiểu trẻ con. Vì vậy, những nỗ lực của các chuyên gia nước ngoài, dù là người yêu nghệ thuật, hay bảo trợ, sưu tầm, giảng dạy nghệ thuật v.v… đa số đều mang lại nhiều tác hại đối với nghệ thuật Việt Nam hơn là cái lợi.

Những nghệ sỹ tài năng tiên phong của Việt Nam được phát hiện như những em bé hồn nhiên đáng yêu ở một làng quê nghèo xa thành thị. Ai cũng yêu chúng và chào đón chúng, vì chúng có những thứ mà người lớn không có. Đó là không khí chung thời kỳ mới mở cửa. Sau đó người ta mong đợi chúng sẽ khôn lớn, thành những người hùng của thời đại. Và để chuẩn bị cho điều ấy, người ta cho chúng tiếp xúc, xem tác phẩm và tiếp cận những giá trị đánh giá những người hùng hiện nay. Nhưng họ quên mất rằng dù cá nhân người nghệ sỹ có già đi thì đất nước này vẫn còn là sơ sinh, vấn đề của đất nước này vẫn là những vấn đề của đứa trẻ còn đóng bỉm. Vậy người nghệ sỹ chỉ có hai lựa chọn, một là giữ nguyên tình trạng trẻ thơ của mình, thì sẽ là người Việt Nam. Còn nếu tự ý lớn lên, thì sẽ mất cái tính Việt Nam. Không thể có một nghệ sỹ Việt Nam trưởng thành. Tình trạng bế tắc hiện nay nằm ở mâu thuẫn nội tại này. Các nghệ sỹ đã được du nhập, trao đổi để biết thế nào là nghệ thuật trưởng thành nên không còn giữ được độ thơ ngây thuở đầu. Họ cũng được mong đợi phải trưởng thành. Nhưng họ còn đang phải nằm nôi, đóng bỉm, ăn bột và xung quanh họ đa số là trẻ em như vậy. Vì vậy, đầu tiên là hãy bỏ đi nhu cầu và mong đợi sự trưởng thành ở nghệ thuật Việt Nam và hãy đi tìm sự ngây thơ của đứa trẻ. Phải bỏ qua những bác nghệ già không còn giữ được sự thơ ngây và luôn phát hiện những đứa trẻ mới. Phải để cho những đứa trẻ được tự do và không khuyến khích chúng phải giống người lớn. Cần làm rõ những giá trị trẻ thơ trong tác phẩm và phê bình những thứ cóp nhặt, bắt chước người lớn. Làm được như vậy, nghệ thuật Việt Nam mới có cơ hội mở mang trong một thời kỳ tới, ít ra là thoát khỏi bế tắc hôm nay.

*
Bài tiếp theo: “Quan điểm thứ hai: Trẻ sơ sinh cần phải lớn lên”

 

*

Bài liên quan:

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 1: Quan điểm ta như đứa trẻ sơ sinh
– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 2: Lớn lên để thành quân tử phương Đông

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 3: Làm nghệ sĩ là làm tấm gương trong

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 4: Rẽ một chút sang Kinh Dịch nhé

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 5: Đường đi không có gì là khó. Khó vì không chọn đường nào.

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? (Bản tổng hợp, không hình ảnh)


Ý kiến - Thảo luận

8:17 Tuesday,29.12.2015 Đăng bởi:  2sozo
Có lẽ chính xác hơn nên là : như trẻ sơ sinh trong một gia đình nghèo :)
...xem tiếp
8:17 Tuesday,29.12.2015 Đăng bởi:  2sozo
Có lẽ chính xác hơn nên là : như trẻ sơ sinh trong một gia đình nghèo :) 
0:20 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  Learning Animal
Chèng đéc! Phải chi mình chọn cái nick tựa như "Vũ Hải", "Vân Sơn", "Phong Thủy", v.v. cho nó ... thuần Việt!

Dân chủ - Tự Do là giá trị phổ quát (tương tự như sơn dầu là chất liệu phổ quát trong hội họa). Chẳng những Âu - Mỹ họ xài, mà Nhật, Hàn, Ấn Độ, Thái Lan, v.v. cũng xài tuốt luốt, nhờ vậy mà khoa học nghệ thuật của họ nhiều nước láng giềng theo không
...xem tiếp
0:20 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  Learning Animal
Chèng đéc! Phải chi mình chọn cái nick tựa như "Vũ Hải", "Vân Sơn", "Phong Thủy", v.v. cho nó ... thuần Việt!

Dân chủ - Tự Do là giá trị phổ quát (tương tự như sơn dầu là chất liệu phổ quát trong hội họa). Chẳng những Âu - Mỹ họ xài, mà Nhật, Hàn, Ấn Độ, Thái Lan, v.v. cũng xài tuốt luốt, nhờ vậy mà khoa học nghệ thuật của họ nhiều nước láng giềng theo không kịp. Đơn giản là vì Tự Do là điều kiện cần để tạo nên những gì thực sự có giá trị. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả