Gẫm & Bình

Cái cây của Linh:
SOI HN lại thấy khác 26. 06. 10 - 10:54 am

Bài và ảnh: SOI HN

(SOI: Chưa có triển lãm nào khiến nội bộ SOI bất đồng đến thế. Quan điểm của Soi A khác hẳn Soi HN, lại thêm Soi B có tiếng nói khác… Tôn trọng người ngoài không bằng tôn trọng người nhà, xin được đưa hết những tiếng nói tuy cùng thuộc BBT SOI nhưng lại khác nhau.)

 

Trong không gian Nhà Sàn

Một buổi tối oi bức tháng Sáu ở Hà Nội. Giữa hai tầng Nhà Sàn lơ lửng một… (à mà không biết phải gọi đó là một hay là hai) cây sữa, cũng không chắc như thế có được gọi là cây hay không: không gốc không rễ, hai phần ngọn được ghép ngược với nhau rồi dựng thẳng; cũng không biết là cây đang sống, sẽ sống hay là đã chết / sắp chết. Thôi thì cứ gọi nó là “cái cây” vậy.

Ánh sáng xanh từ trên hắt xuống những tán lá xanh ở hai đầu, phản chiếu xuống dưới nền cũng phủ một lớp sơn xanh. Có một cảm giác gì đó u ám. Ở giữa là hai bóng đèn sợi phát ra ánh sáng vàng, và quả thật là rất chói mắt, rất gây mất tập trung – dưới góc nhìn của một người chụp ảnh như tôi.

Hãy tạm rời xa “cái cây” một chút, dù cho đây là nhân vật chính của buổi khai mạc triển lãm nghệ thuật sắp đặt. Dù sao thì quí vị cũng đã xem quá kỹ về nó qua chùm ảnh mà SOI A đã chụp rồi còn gì.

Biết nói thế nào nhỉ… Đi xem triển lãm nói chung và nghệ thuật sắp đặt nói riêng, tôi không chỉ xem những nhân vật chính là tác phẩm. Đối với tôi, những thứ đồ lặt vặt, những góc nhỏ lẩn khuất, cả những người đi xem và những khoảnh khắc riêng tư, tất cả những thứ đó đều là một phần của tác phẩm – sống động và đầy cuốn hút.

Ở Nhà Sàn hôm nay tôi may mắn gặp được nhiều thứ như vậy. Có thể là mọi khi nó vẫn như vậy, hoặc cũng có thể hôm nay mới thế – quả thực là tôi không biết… Một bà già đi xem cây với vẻ mặt kinh ngạc và tò mò như của một đứa trẻ. Trong khi đó, những em bé cứ chạy, cứ ăn, rồi khóc rồi cười như thể cái cây kia vốn sinh ra đã thế. Thấp thoáng những bức tượng Phật trầm tư. Một cây mít với những quả xanh như sắp rơi lên đầu những vị khách. Một góc bếp với những thứ nửa như tự nhiên nửa sắp đặt nằm lung linh dưới ánh sáng nhân tạo. Một vài thứ vớ vẩn không đáng kể tên nằm lăn lóc các xó xỉnh. Vài bông sen lẫn trong bia, đồ nhắm và những bóng người Ta Tây chen chúc.

 

Một bà cụ đang chăm chú xem cây

 

Khách đến xem cây

 

Các nghệ sỹ đang bình “cái cây”

 

Một vị khách và bức tượng trong không gian Nhà Sàn

 

Dưới tán mít - cũng là một cái cây

 

Một góc bếp của Nhà Sàn

 

Căn phòng bên cạnh - tổng hành dinh của Nhà Sàn, với các nghệ sĩ đang tụ tập

“Cái cây” như bị quên đi; quên đi cả những giọt mồ hôi liên tục chảy trên khắp người, còn lại là một cảm giác kì cục, pha trộn của nhiều thứ không tên… Không phải “tả” mà như là “gợi”.

Cái “gợi” đó lại khiến tôi muốn quay về với “cái cây” kia. Nếu chỉ là một thứ nghệ thuật thị giác thuần túy thì khó có thể coi “cái cây” kia là một tác phẩm nghệ thuật chứ chưa nói đến trầm trồ, xuýt xoa khen ngợi. Nhưng về nhà rồi, xa triển lãm rồi,  trong đầu người xem như tôi nảy ra một loạt băn khoăn, thắc mắc, từ những thứ đậm chất “kỹ thuật” như làm thế nào để ghép chúng lại, rồi liệu chúng có sống được không, sống như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta ghép hai bộ rễ lại?…..; Cho đến những liên tưởng kì cục khác: nếu ví “cái cây” như một người, một cuộc sống, một dân tộc? Sống như nào được gọi là sống? Nếu thiếu “nguồn cội”, “gốc rễ” thì có sống được không? Nếu tự nhiên mọc ra hai đầu như thế thì sẽ như thế nào?

Đứng từ bên ngoài ta có thể phán xét, thương xót cho cuộc sống (có thể là) ngắn ngủi của hai cái cây ghép lại. Nhưng từ bên trong của một “cái cây” (có vẻ như là) quái dị đó, rất có thể đó lại là cuộc sống nó mong muốn, một cuộc sống riêng, đích thực. Không ai biết…

Những câu hỏi cứ thế nối nhau xuất hiện trong đầu… Làm được điều đó, thiết tưởng công sức, ý tưởng của tác giả bỏ ra cũng đáng!

 

*

 

Bài liên quan:

 

 

Ý kiến - Thảo luận

9:19 Monday,28.6.2010 Đăng bởi:  admin
Bạn Nam ơi, không hiểu sao bạn lại tìm thấy ở đây lời lẽ mỉa mai nhỉ? Nhưng thôi, thấy hay không thấy là quyền của người đọc bài, SOI không can thiệp hay thanh minh hộ SOI HN. Có điều, xem rồi bình luận tác phẩm cũng có quyền có nhiều mức độ, nhiều trường phái bạn ạ. Trường phái nào cũng có lý do tồn tại của nó. Trường phái của SOI có lẽ không phải loại t
...xem tiếp
9:19 Monday,28.6.2010 Đăng bởi:  admin
Bạn Nam ơi, không hiểu sao bạn lại tìm thấy ở đây lời lẽ mỉa mai nhỉ? Nhưng thôi, thấy hay không thấy là quyền của người đọc bài, SOI không can thiệp hay thanh minh hộ SOI HN. Có điều, xem rồi bình luận tác phẩm cũng có quyền có nhiều mức độ, nhiều trường phái bạn ạ. Trường phái nào cũng có lý do tồn tại của nó. Trường phái của SOI có lẽ không phải loại tắm rửa sạch, đốt trầm rồi mới xem tác phẩm và trầm ngâm nhúng bút vào nghiên mà bình luận như bạn yêu cầu. Có lẽ do trình độ giới hạn của SOI chăng? 
9:16 Monday,28.6.2010 Đăng bởi:  Nam
Đã là nghệ thuật thì sẽ có ý kiến khen chê khác nhau, nhưng nếu đã mang tính chất phê bình nghệ thuật thì bài viết này có (những )câu văn lời lẽ mỉa mai, không xứng đáng là một người đi xem và bình phẩm về nghệ thuật
...xem tiếp
9:16 Monday,28.6.2010 Đăng bởi:  Nam
Đã là nghệ thuật thì sẽ có ý kiến khen chê khác nhau, nhưng nếu đã mang tính chất phê bình nghệ thuật thì bài viết này có (những )câu văn lời lẽ mỉa mai, không xứng đáng là một người đi xem và bình phẩm về nghệ thuật 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả