Gẫm & Bình

Con đường tới sự hoàn hảo 08. 10. 12 - 8:38 am

Nguyễn Đình Đăng

Ai đã từng thấy nàng, cho dù quá muộn
Thấy nàng còn sống, cũng sẽ nói: Thế là đủ để chúng ta
Hiểu thế nào là Tạo hóa, thế nào là Nghệ thuật.
Bernardo Bellincioni (1452 – 1492)

 

.

Được mời đọc lecture tại hội thảo vật lý hạt nhân tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay tại Zakopane (Ba Lan), tôi đồng ý ngay. Bên cạnh khoa học, một lý do khác đã khiến chuyến đi này trở nên thật đặc biệt. Zakopane cách Cracow hai giờ xe hơi. Lâu đài Wawel tại Cracow là nơi hiện trưng bày một kiệt tác hội họa của mọi thời đại – bức “Người đàn bà với con chồn” (Lady with an ermine) của Leonardo Da Vinci.

*

Xuất phát từ hotel lúc 9 giờ sáng ngày Chủ nhật duy nhất tại Cracow, 26. 8, tôi tản bộ tới lâu đài Hoàng gia nằm trên đồi Wawel bên bờ sông Vistula phía nam khu trung tâm. Bức họa của Leonardo được bày trong một phòng riêng ở tầng hai cánh phía Tây lâu đài, nhưng tôi chưa vào đó ngay mà còn dạo quanh xem các kho vũ khí, áo giáp, cung điện, các bộ sưu tập tranh, tượng, thảm, đồ sứ, vàng bạc châu báu, để kéo dài giây phút hồi hộp được tiếp cận kiệt tác.

Cuối cùng tôi cũng bước vào nơi bày bức “Người đàn bà với con chồn” của Leonardo, gồm hai phòng lớn. Phòng ngoài treo các panneau in phiên bản phóng to của bức họa kèm lời bằng tiếng Anh và tiếng Ba Lan giới thiệu lịch sử bức họa. Để vào phòng trong, nơi bày bức họa, người xem phải đi qua một cửa cao với hai cánh bằng gỗ nặng có một nhóm người bảo vệ đứng bên. Bức họa của Leonardo được lồng khung mạ vàng rộng bản có họa tiết trang trí, treo ở chính giữa bức tường bên trái cửa vào, được bảo vệ bởi một lớp kính dày và một hàng dây chắn đằng trước, cách bức họa khoảng 1.5m, để ngăn người xem đứng quá gần. Một cảnh sát đứng canh chừng ở cuối hàng dây, phía bức tường đối diện cửa ra vào. Ba bức tường còn lại để trống.

Trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của mình, Leonardo Da Vinci (1452 – 1519) chỉ vẽ rất ít, tới mức ngày nay, ngoài sưu tập tại lâu đài Wawel, chỉ có vài bảo tàng trên thế giới như Louvre ở Paris, Bảo tàng Quốc gia (National Gallery) ở London, Uffizi ở Florence, Bảo tàng Vatican ở Vatican, Pinacoteca Ambrosiana ở Milan, Alte Pinakothek ở Munich, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia (National Art Gallery) ở Washinton D.C., và Hermitage ở Saint Petersburg là có thể tự hào vì sở hữu tranh sơn dầu giá vẽ của ông. Bức “Người đàn bà với con chồn” là một trong bốn bức chân dung phụ nữ do Leonardo vẽ1 và là bức họa duy nhất của Leonardo tại Ba Lan. Trong thời gian làm đại sứ của Sa hoàng Pavel Đệ Nhất tại Ý, hoàng tử Ba Lan Adam Jerzy Czartoryski (1770 – 1861) đã mua bức họa này cùng bức Chân dung một thanh niên” của Raphael vào khoảng năm 1800 để tặng mẹ mình, công chúa Izabela Czartoryska, người đã sáng lập bảo tàng mỹ thuật đầu tiên của Ba Lan năm 1796. Tại đây bức họa đã ra mắt công chúng Ba Lan vào năm 1809.

Hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski (do nhà nhiếp ảnh Felix Nadar chụp vào khoảng 1861)

 

 Lúc đầu công chúa Czartoryska đặt tên bức họa là “Chân dung người đàn bà vô danh“, sau đó bà đã đổi tên bức họa thành “Người đẹp đội ferronnière” (La Belle Ferronnière)2 vì thấy giống bức chân dung cùng tên, trưng bày tại Louvre, trong đó Leonardo vẽ tình nhân của vua Pháp François Đệ Nhất. Vào khoảng những năm 1830-1870, bức họa đã được phục chế lại: Một lớp sơn dầu mỏng màu đen được phủ lên nền vốn có màu xám ngả xanh da trời. Nghe đồn chính danh họa Eugène Delacroix đã làm việc này. Màu đen còn được dùng để nhấn lại một số chỗ trên tay áo. Dòng chữ LA BELE FERONIERE/LEONARD D’AWINCI cũng đã được viết thêm vào góc trái phía trên của bức họa (với tên Vinci được viết bằng chữ cái Ba Lan và tên tranh sai chính tả).

Hai nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Ba Lan là Jerzy Mycielsky và Jan Bołoz-Antoniewicz trong thế kỷ 19 là những người đầu tiên khẳng định đó là chân dung Cecilia Gallerani – người tình của công tước Milan Ludovico Sforza (1452 – 1508). Con chồn trong tiếng Hy Lạp cổ là γαλή (đọc là ga-lê), giống tên Gallerani. Con chồn còn liên quan tới công tước Ludovico Sforza, người có biệt hiệu Ermellino, tức ermine (chồn tuyết), sau khi ông được vua xứ Naples tặng huân chương Chồn Tuyết vào năm 1488.

Công tước Ludovico Sforza il Moro trong bích họa năm 1494 của một họa sĩ khuyết danh vẽ gia đình công tước Milan

Chồn tuyết còn là biểu tượng của sự thuần khiết. Theo lời của chính Leonardo, chồn tuyết chỉ ăn một lần trong ngày và thà để cho thợ săn bắt chứ quyết không chịu trốn trong những xó xỉnh có thể làm bẩn bộ lông của nó. Leonardo vẽ bức họa này vào khoảng năm 1490, khi ông 38 tuổi và Cecilia 17 tuổi. Vào thời gian này Leonardo đang phụng sự Ludovico Sforza sau khi được Lorenzo di Medici từ Florence tiến cử vào năm 1482. Bức họa được vẽ bằng sơn dầu và tempera (các hạt màu nghiền trong lòng đỏ trứng gà) lên ván gỗ cây óc chó (walnut) kích thước 54.8 x 40.3 cm, dày 4–5mm, có phủ gesso và một lớp imprimatura (sơn lót) nâu. Sơn dầu được họa sĩ Antonello da Messina du nhập từ Hà Lan vào Venice (Ý) khoảng năm 1475 khi Leonardo mới khoảng 23 tuổi. Trong vòng 15 năm, Leonardo đã trở thành bậc thầy của một chất liệu còn rất mới mẻ đối với một đất nước mà kỹ thuật hội họa truyền thống vẫn còn là bích họa fresco vẽ lên tường và tempera vẽ lên ván gỗ.

Cecilia Gallerani sinh năm 1473 trong một gia đình gốc Siena tại Milan. Nổi danh tài sắc, năm 15 tuổi nàng đã được tiến cử ra mắt triều đình công tước Ludovico Sforza. Nhờ đa tài, đặc biệt trong văn chương và âm nhạc, nàng được tung hô là “Thi thần” (Musa) và “Nàng Bác học” (Donna Docta). Được người đương thời coi sánh ngang với các bậc nữ lưu tài danh trong lịch sử Cổ Đại như nàng Aspasia xứ Miletus (khoảng 470-400 tr CN) – người tình của triết gia kiêm lãnh tụ Hy Lạp Pericles, và nàng Axiothea – nữ môn đồ giả trai trong Hàn lâm viện (Academia) Plato (khoảng 424–348 tr CN), Cecilia tỏa sáng tại các cuộc tranh luận triết học và các hoạt động khác tại triều đình công tước Ludovico Sforza ở Milan. Chẳng bao lâu nàng đã trở thành người tình chính thức của công tước. Khi nàng có mang, công tước Ludovico Sforza đã lần lữa hoãn đám cưới của mình với Beatrice d’Este – con gái út của công tước xứ Ferrara Ercole I d’Este từ 1490 sang tháng 1 năm 1491. Bốn tháng sau khi Ludovico Sforza cưới vợ, Cecilia sinh cho công tước một bé trai, đặt tên là Cesare. Năm đó nàng 18 tuổi. Công tước Ludovico Sforza đã tặng một tòa lâu đài cho đứa con mới ra đời, song dưới áp lực của gia đình vợ, ông đã buộc phải gả Cecilia cho bá tước xứ Bergamino là Ludovico Carminati de Brambilla. Cecilia dọn về sống trong tòa lâu đài của con trai mới sinh của mình. Nàng mất năm 1536, thọ 63 tuổi, được vinh danh như một thi sĩ tiếng Ý và Latin, và là một trong những ngôi sao sáng nhất trên văn đàn tiếng Ý. Tiếc thay chúng ta chưa kiểm chứng được danh hiệu này vì còn chưa tìm được bất kỳ bài thơ nào của nàng sót lại đến ngày nay.

Ngồi làm mẫu cho Leonardo, nàng chải tóc và mặc đồ bình dân theo phong cách Tây Ban Nha (alla spagnuola) pha những yếu tố truyền thống người Moor (người Hồi giáo gốc Ả-rập – Bắc Phi, từng tràn sang Tây Ban Nha và miền Nam nước Ý từ thế kỷ 8). Y phục này cho thấy Cecilia không thuộc giới thượng lưu quý phái. Tóc nàng rẽ ngôi chính giữa đầu, chải thẳng sang hai phía và kết lại thành bím dài phía sau lưng. Nàng buộc một dải lụa đen chạy ngang qua trán để giữ tóc. Kiểu tóc Tây Ban Nha tranzado này được phủ dưới một tấm voan trong suốt, viền bằng chỉ vàng kim ngay phía trên đôi lông mày. Nàng vận áo chẽn đỏ tay đính nơ, và áo choàng màu xanh dương có khoét lỗ dài để chui tay ra. Cổ nàng đeo một chuỗi hạt huyền đắt tiền như một sự nhắc nhở về người tình đầy quyền lực – công tước Ludovico Sforza mà nước da ngăm đen đã khiến người đời gọi ông là Ludovico il Moro (Ludovico người Moor).

Con vật nàng bế trên tay đã gây nhiều tranh cãi. Nó không giống con chồn tuyết (ermine). Công chúa Czartoryska cho rằng đó là con chồn đá (marten), trong khi một số người khác lại khẳng định đó là chồn sương (ferret), chồn hương (weasel), hoặc chồn nâu bạch tạng (white polecat). Chồn gì thì cũng là chồn, và sự hiện diện của nó trong bức họa rõ ràng là một biểu tượng ám chỉ Ludovico và người tình Cecilia của ông.

Leonardo Da Vinci,
“Người đàn bà với con chồn”,
khoảng 1490, sơn dầu và tempera trên gỗ, 54.8 x 40.3 cm

Vươn mình qua hàng dây chắn để nhìn được gần hơn, tôi im lặng chiêm ngưỡng kiệt tác khởi đầu cho toàn bộ nghệ thuật chân dung hiện đại. Đằng sau tôi có tiếng xuýt xoa của mấy người Ý: “Que bella! Que perfezione!” (Đẹp làm sao! Hoàn hảo làm sao!)

Trong bức thư tự giới thiệu gửi công tước Ludovico Sforza khi tới Milan, Leonardo đã xếp hội họa vào vị trí cuối cùng trong các tài nghệ của mình. Là nhà khoa học và sáng chế xuất sắc, nhà nghiên cứu kỹ lưỡng thế giới tự nhiên, người hiểu thấu đáo các hiệu quả ánh sáng, tinh thông giải phẫu sinh lý cũng như tâm lý người và động vật, Leonardo coi hội họa như một khoa học. Bằng bức họa này, Leonardo đã làm một cuộc cách mạng trong nghệ thuật hội họa chân dung.

Từ bỏ lối vẽ chân dung nhìn nghiêng truyền thống, Leonardo đã chọn cho Cecilia thế ngồi 3/4 trong bố cục hình tháp, khiến ta nhìn thấy phần lớn thân hình nàng. Khác với tất cả các chân dung trước đó, lần đầu tiên Leonardo vẽ người mẫu quay đầu nhìn về phía ngược hướng với thân. Toàn bộ bố cục bỗng trở nên động. Leonardo đã “nặn” thân hình Cecilia nổi lên nhờ một luồng ánh sáng từ phía trên chiếu vào trán nàng, theo quan sát của chính ông: “Hình được chiếu bởi luồng sáng tập trung có hiệu quả phù điêu và sức mạnh lớn hơn nhiều so với hình dưới ánh sáng tán xạ”. Nhờ đó, phần cơ thể của người mẫu gần với nguồn sáng trông dày và nổi hẳn lên so với những phần xa hơn, và vì thế mà tối và mỏng hơn nhiều. Bằng cách này Leonardo đã tạo ra một hình ảnh nổi 3 chiều trong một không gian rỗng bao quanh. Bàn tay phải của Cecilia đặt lên con chồn trở thành điểm nhấn của ảo giác đó, như vượt ra khỏi bề mặt bức họa. Vậy là 5 thế kỷ trước khi công nghệ phim ảnh nổi 3D và ảnh giao thoa laser (holography) ra đời, hiệu quả của chúng đã được tiên tri trong bức họa của thiên tài thời Phục Hưng.

Bàn tay phải trong bức “Người đàn bà với con chồn”

 

và ký họa của Leonardo được cho là phác thảo bàn tay trong bức chân dung này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cảm giác “sống” của người trong tranh tiếp tục dâng lên nhờ cách xử lý hình giải phẫu cơ thể người tài tình, sự huyền ảo của da thịt được tạo bởi kỹ thuật chiaroscuro (sáng tối) – kỹ thuật sau này đã trở thành phong cách làm nên tên tuổi Caravaggio và Rembrandt – hai bậc thầy hội họa Baroque, hai đốm sáng được vẽ bằng hai chấm sơn trắng từ đầu bút lông chồn khiến lòng đen mắt trở nên long lanh và trong veo, cấu trúc dịu dàng tinh tế của xương mặt, các ngón tay ấn nhẹ lún vào bộ lông mềm mại của con chồn, từng móng tay, nếp nhăn trên đốt ngón tay và gân tay cũng được vẽ kỹ, và vầng trán thông minh sáng rực càng trở nên nổi bật nhờ sự tương phản với dải băng đen giữ tóc. Khác bức “Mona Lisa” được vẽ hơn 10 năm sau đó, “Người đàn bà với con chồn” không hề có một lớp láng (glazing) nào.

Một trong những tiêu chuẩn lý tưởng của kỹ thuật hội họa Phục Hưng là mặt tranh phải nhẵn, không để lại vệt bút lông, bởi hiện thực không có đường nét và tì vết. Trừ những nét bút vụng về do các thợ phục chế vẽ thêm vào như làn tóc buộc dưới cằm, bóng tối dưới các ngón tay, ngón nhẫn và ngón út của bàn tay phải, các vết tô lại màu xanh nước biển sẫm (ultramarine) trên áo choàng, bức họa “Người đàn bà với con chồn” hầu như không có một vệt bút kể cả khi các chuyên gia soi nó bằng kính lúp hay chụp lại bằng máy ảnh có độ phân giải cao! Người ta đã tìm thấy dấu tay của Leonardo trên bề mặt bức họa, chứng tỏ ông đã dùng ngón tay để xoa nhẵn các vệt bút. Trước mắt người xem trong căn phòng nửa sáng nửa tối đó hiện lên một người đẹp điềm tĩnh, mắt nhìn chăm chú như đang lắng nghe một người đối thoại vô hình. Sống trước chúng ta hàng trăm năm nhưng nàng như vẫn còn đây, khẽ thở sau lớp kính kia, đương đại, chưa bao giờ chết. Cái “thần” của nàng dường như thoát khỏi lớp vỏ bọc bằng sơn dầu mỏng manh, để tự bộc lộ lung linh không phải bằng màu, cũng chẳng phải bằng xương bằng thịt, mà bằng chính bản chất của Tạo hóa.

Lần đầu tiên trong đời, tôi như chợt hiểu thế nào là sự hoàn hảo trong hội họa. Nếu dùng từ của Phật giáo, tôi thấy mình quả như đã “ngộ”!

*

Sau khi Cecilia Gallerani qua đời, bức họa bỗng biệt tăm vài thế kỷ cho tới ngày được hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski mua đem về Ba Lan trưng bày cùng các kiệt tác của Raphael và Rembrandt tại bảo tàng trong cung điện Gothic ở Puławy. Trong cuộc nổi dậy tháng 11 năm 1830 chống sự đô hộ của Đế quốc Nga Sa hoàng, hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski được bầu làm người đứng đầu chính phủ lâm thời. Trước khi quân Nga tiến vào Puławy, bức họa cùng bộ sưu tập của bảo tàng đã được sơ tán đi nơi khác. Cuộc nổi dậy đã bị quân đội Sa hoàng đàn áp. Hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng được đổi thành trục xuất ra nước ngoài. Bức họa đã theo gia đình Czartoryski di tản sang Pháp, được bày trong Hôtel Lambert tại đảo Saint Louis trên sông Seine ở trung tâm Paris, chỗ ở của gia đình Czartoryski đồng thời là nơi giới quý tộc và trí thức văn nghệ sĩ Ba Lan lưu vong sau cuộc nổi dậy 1830 thường xuyên lui tới3 . Đến thời Công Xã Paris (1871) bức họa được đưa về Ba Lan và treo tại bảo tàng Czartoryski ở Cracow từ năm 1876.

Hoàng tử Adam Karol Czartoryski và vợ – công chúa Josette Czartoryski bên bức “Người đàn bà và con chồn” bày tại Bode Museum ở Berlin năm 2011.

 Khi Đệ Nhị thế chiến nổ ra, bức họa bị quân đội Quốc Xã tịch thu cùng các tác phẩm của Raphael, Rembrandt và hàng trăm nghệ phẩm khác từ bộ sưu tập của bảo tàng Czartoryski. Sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội Mỹ đã tìm lại được bức họa “Người đàn bà với con chồn” cùng một phần bộ sưu tập và trả lại cho Ba Lan. Riêng “Chân dung một thanh niên” của Raphael và 843 nghệ phẩm khác thì đến nay vẫn bị thất lạc. Từ năm 1950 bức họa “Người đàn bà với con chồn” lại được bày trong Bảo tàng Czartoryski, song đã bị nhà nước Cộng hòa Nhân Dân Ba Lan quốc hữu hóa. Sở dĩ trong giai đoạn 1952 – 1990 bộ sưu tập tại Bảo tàng này sống sót được nguyên vẹn, không bị phân chia, hay thậm chí bị bán đổi lấy ngoại tệ (như đã từng xảy ra với một số sưu tập nổi tiếng tại Liên Xô) là nhờ công lao của giáo sư Marek Rostworowski (1921 – 1996), người đã hiến trọn đời mình để bảo vệ bộ sưu tập. Năm 1991, sau khi hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ, giáo sư Marek Rostworowski được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa Ba Lan. Cùng năm đó, Tòa án Tối cao Ba Lan đã ra quyết định trả Bảo tàng Czartoryski cùng toàn bộ sưu tập về cho người thừa kế hợp pháp của nó là hoàng tử Adam Karol Czartoryski – nhà bảo trợ nghệ thuật và chút của hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski. Gần đây, bảo tàng Czartoryski tạm đóng cửa để trùng tu trong 2 năm (2010 – 2012) nên bức họa được chuyển về trưng bày tại lâu đài Wawel.

Giáo sư Marek Rostworowski (1921 – 1996)

Kiệt tác “Người đàn bà với con chồn” đã được các chuyên gia phục chế nghiên cứu tỉ mỉ trong vòng hơn 50 năm từ 1952 tới 2007. Kết quả các nghiên cứu đã khẳng định bức họa do chính tay Leonardo Da Vinci vẽ. Ngoài phần nền bị tô đè lên, tấm voan trong suốt hầu như đã biến mất, và một số chi tiết được tô lại sau này, đây là tác phẩm được cho là ở dạng nguyên trạng tốt nhất của Leonardo với các phần chính như mặt Cecilia và con chồn hoàn toàn không bị ảnh hưởng do phục chế. Mới biết, nếu không nhờ vào kỹ thuật vẽ sơn dầu tuyệt hảo của Leonardo, tác phẩm của ông đã khó mà trường tồn hàng thế kỷ. Vậy nên, nếu Warsaw tự hào là quê hương của Fryderyk Chopin thì Cracow cũng không thua kém bởi đó là nơi cư ngụ của nàng Cecilia Gallerani mà Leonardo Da Vinci đã làm cho bất tử, bao giờ cũng 17 tuổi, trẻ mãi không già.

*

Nghệ sĩ dương cầm kiệt xuất Vladimir Horowitz (1903 – 1989) từng phải nghỉ biểu diễn trước công chúng 12 năm trời vì trầm cảm. Trong thời gian đó, bà Wanda Toscanini vợ ông đã luôn ở bên cạnh chăm sóc chồng, kể cả những lúc ông tuyệt vọng, không hề sờ vào phím đàn và luôn mồm lảm nhảm: “Tôi sẽ không bao giờ chơi đàn nữa!” Sau khi hồi phục, ông ra mắt tại Carnegie Hall ở New York. Dân chúng xếp hàng dài suốt đêm để mua vé vào nghe. Trong giờ nghỉ tập ở buổi diễn thử tại phòng hòa nhạc, ông cùng vợ ra phố ăn trưa. Trông thấy họ, đám đông đang xếp hàng chờ mua vé reo ầm lên. Một thanh niên nói: “Sư phụ, tôi đã chờ suốt 12 tiếng đồng hồ với hy vọng được nghe ngài chơi đàn!” Bà Wanda bèn trả lời: “Anh đã chờ 12 tiếng đồng hồ, còn tôi thì đã chờ 12 năm!

Bay từ Tokyo tới Cracow mất khoảng 14 tiếng. Từ hotel tôi ở tới lâu đài Wawel, nơi bày bức “Người đàn bà với con chồn”, đi bộ chỉ mất 20 phút, song con đường đưa tôi đến với kiệt tác của Leonardo đã kéo dài 25 năm. Đối với một đời người, 25 năm có thể là một khoảng thời gian dài. Song đối với khoa học, khoảng thời gian đó đôi khi chỉ vừa đủ cho một chân lý vượt qua mọi sự chê cười, chống đối, để cuối cùng trở thành sự thật hiển nhiên. Còn trong nghệ thuật, có khi người ta cần đợi một phần tư thế kỷ để được dịp nhìn thấy và ngộ ra cho mình thế nào là sự hoàn hảo.

Viết xong ngày 1/10/2012

*

Phụ lục

Bernardo Bellicioni (1452 – 1492) là thi sĩ khởi nghiệp tại triều đình của Lorenzo di Medici tại Florence. Năm 1485 ông chuyển tới Milan làm thi sĩ cho triều đình công tước Ludovico Sforza. Dưới đây là bài sonnet (thơ 14 câu) ông sáng tác năm 1492 để ngợi ca Leonardo và bức họa “Người đàn bà với con chồn”. Theo Bellicioni, tài năng của Leonardo đã khiến Tạo hóa phải ghen tức.

Hỡi Tạo hóa, vì sao mi tức giận, ai đã làm mi nổi cơn ghen?
Đó là Vinci, người đã vẽ một vì sao của mi,
Nàng Cecilia, ngày nay đẹp tuyệt vời
Đến nỗi so với đôi mắt nàng mặt trời cũng sầm tối.
Vinh quang thay cho mi, ngay cả khi trong tranh nàng chỉ lắng nghe mà không nói,
Hãy biết rằng nàng càng sống động và càng đẹp
Thì vinh quang của mi sẽ càng lớn hơn trong tương lai.
Và hãy biết ơn Ludovico, cùng
Tài năng và bàn tay của Leonardo
Mà nhờ đó mi sẽ trở thành một phần của hậu thế.
Ai đã từng thấy nàng, cho dù quá trễ
Thấy nàng còn sống, cũng sẽ nói: Thế là đủ để chúng ta
Hiểu thế nào là Tạo hóa, thế nào là Nghệ thuật.

(Nguyễn Đình Đăng dịch nghĩa từ nguyên văn tiếng Ý bên dưới)

Di che ti adiri? A chi invidia hai Natura
Al Vinci che ha ritratto una tua stella,
Cecilia! sì bellissima oggi è quella
Che a suoi begli occhi el sol par ombra oscura.
L’onore è tuo, sebben con sua pittura
La fa che par che ascolti e non favela,
Pensa quanto sarà più viva e bella,
Più a te fia gloria in ogni età futura.
Ringraziar dunque Ludovico or puoi
E l’ingegno e la man di Leonardo,
Che a’ posteri di te voglia far parte.
Chi lei vedrà cosi, benché sia tardo,
Vederla viva, dirà: Basti a noi
Comprender or quel che è Natura et Arte.

*

Chú thích

1. Ba bức kia là Mona Lisa (Louvre), La Belle Ferronnière (Louvre), và Ginevra di Benci (National Gallery of Art, Washington D.C.).

2. Ferronnière: tên một loại đồ trang sức giống vòng đội đầu có gắn một viên kim cương, đá quý, hay ngọc trai trước trán.

3. Sự thất bại của cuộc nổi dậy đã đẩy không chỉ gia đình hoàng tử Czartoryski, mà còn nhiều người con ưu tú khác của Ba Lan lưu vong sang Pháp trong Cuộc Di tản Vĩ đại 1831 – 1870. Trong số họ có nhà soạn nhạc Fryderyk Chopin, thi sĩ Adam Mickiewicz, văn hào Joseph Conrad, thi hào Guillaume Apollinaire, nhà vật lý và hóa học Marie Skłodowska (Curie).

 

Ý kiến - Thảo luận

18:45 Thursday,28.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
Nguyễn Đình Đăng là người thầy chưa gặp mặt của tôi
những bài viết của thầy rất bổ ích
...xem tiếp
18:45 Thursday,28.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
Nguyễn Đình Đăng là người thầy chưa gặp mặt của tôi
những bài viết của thầy rất bổ ích 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả