Bàn luận

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?) 09. 11. 12 - 11:32 am

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

SOI: Đây là cmt mà cũng là phần tiếp nối của bài Trừu tượng = trừu cái tượng? hay tượng nó trừu? Soi xin được đưa thành bài riêng, nhưng bạn nào lần đầu đọc về chủ đề này thì nên xem cả bài trước nhé.

“Gathering” của Josh Dove

 

Ấy, đừng nói rằng bạn đồng ý với tôi.
Khi mọi người đồng ý với tôi, tôi luôn có cảm giác rằng chắc tôi phải sai rồi.
– Oscar Wilde

 

Hỏi một người Nhật hay người Tàu bình thường rằng hai chữ Hán 抽象có nghĩa là gì khi gắn cho một bức tranh, câu trả lời nhận được sẽ đại loại là: “Đó là bức tranh mà hình ảnh các vật như người, con mèo, ngôi nhà, cái cây, sông, núi đã bị loại ra.” Tôi vừa làm thí nghiệm này với một ông giáo sư Nhật khả kính về hưu đang ngồi ở phòng bên cạnh office của tôi.
 
*
 
Chữ tượng 象trong từ trừu tượng 抽象có nghĩa là hình ảnh như một vật (object) tương tự như trong các từ 对象 tức đối tượng, mục tiêu, vật, object, hay 印象 (ấn tượng) tức hình ảnh được in vào tâm trí. Ngược nghĩa với trừu tượng (抽象) là cụ tượng (具象) hay cụ thể đích đối tượng (具体的对象).
 
Như vậy, tranh trừu tượng là tranh trong đó hình ảnh các vật đã bị loại ra (An abstract painting is a painting where images of objects are excluded). Trong một bức tranh trừu tượng họa sĩ tạo nên một bố cục gồm các mảng màu, đường nét, hình khối, mà không nhằm diễn tả hay mô phỏng bất cứ một vật nào mắt ta nhìn thấy từ thế giới khách quan. Đây là cách hiểu thông thường. Làm thế nào để loại ra các hình ảnh của các vật không phải là điều tôi quan tâm ở đây, cũng tương tự như bàn tới khái niệm Duy Tâm trong Thiền chứ không phải là làm thế nào đạt được nó (bằng tiệm ngộ hay đốn ngộ).
 
Cách hiểu hội họa trừu tượng như thứ hội họa trình bày hình ảnh đã được chắt lọc là một suy diễn thú vị, khác tinh thần nêu trên, bởi một hình ảnh chắt lọc của một vật vẫn liên quan tới một vật. Một bức tranh vẽ essence (bản chất) của một con gà hay một hình ảnh chắt lọc của một con gà (an abstracted image of a chicken) không phải là một bức tranh trừu tượng bởi nó vẫn liên quan tới con gà. Khi họa sĩ khoanh một vòng tròn nhằm diễn tả mặt trăng thì đó không phải là một bức tranh trừu tượng. Đó có thể là hội họa tối giản, tuy rất gần với trừu tượng.
 
*

Tranh của Kadinsky

 
Người ta thường đồng ý với nhau rằng hội họa trừu tượng là sản phẩm của thế kỷ 20 mà cụ tổ là Wassily Kandinsky. Thực ra một trong bức họa trừu tượng đầu tiên, hay ít nhất là trước Kandinsky 7 thế kỷ, là bức vẽ huyền thọai của Giotto.
 
Tương truyền giáo hoàng Boniface muốn đặt vẽ một bức bích họa trên tường tu viện Thánh Peter. Ngài phái sứ giả đi khắp các vùng nước Ý để tìm họa sĩ giỏi nhất có thể vẽ bức bích họa này. Sứ giả yêu cầu mỗi họa sĩ gửi vài bức tranh để sứ giả đem về trình giáo hoàng. Khi sứ giả tới xưởng vẽ của Giotto và yêu cầu ông nộp tranh, Giotto lấy một tờ giấy, nhúng bút lông vào màu đỏ, và nhoằng một phát vẽ ngay một vòng tròn hoàn hảo lên giấy.
Đây, – Giotto nói.
Đó là tất cả ư? – Sứ giả bối rối.
Quá đủ. Ông hãy đem nó cùng với các bức tranh khác về trình đức giáo hoàng để xem ngài có hiểu không.

Đức giáo hoàng cuối cùng đã chọn Giotto làm họa sĩ vẽ bức bích họa của tu viện.
Vòng tròn của Giotto là một bức họa trừu tượng thực thụ bởi nó không nhằm diễn tả hay mô phỏng bất cứ một vật cụ thể hay một nội dung liên quan tới các vật cụ thể nào của thế giới quanh ta. Nó LÀ sự hoàn hảo, tựa như một bức Thiền  họa.
 
Trước đây đa số đều tin rằng Jan Van Eyck là người phát minh ra sơn dầu vào thế kỷ 15. Năm 2001 người ta tìm thấy các tranh sơn dầu vẽ trên vách 12 trong số 50 hang tại Bamiyan (Tây Afghanistan) từ thế kỷ 5 – 7 với một kỹ thuật vẽ nhiều lớp, có cả láng màu, tương tự như kỹ thuật vẽ sơn dầu của thời Trung Cổ sau này.
 
Mọi khái niệm định nghĩa đều có thể thay đổi như chính khái niệm về cái đẹp trong mỹ thuật.

 

Nguyễn Đình Đăng

Tranh của Hans Hartung


CÂU HỎI CỦA PHÓ ĐỨC TÙNG

Anh Đăng,

– anh nói là tranh abstract không bao giờ có liên quan đến hiện thực, chẳng hạn gà abstract không phải là abstract, vậy thì thứ nhất là chú Quân sai, khi trong bài dẫn ra một loạt tranh có xuất xứ hiện thực, từ phong cảnh của Van Gogh đến cây táo, hay như tranh con công mà Soi đưa vào.

– nếu abstract không được rút ra từ bất kỳ hiện thực nào, mà bản thân chủ đề đã không liên quan gì đến vật hữu hình thì việc rút hình là rút hình của cái gì? như thế thì việc rút hình chẳng phải vô nghĩa ư?

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

1. Tranh của Van Gogh chưa bao giờ là tranh trừu tượng. Tác giả Nguyễn Quân không bảo tranh Van Gogh là tranh trừu tượng mà là “những phát xuất sớm của kỹ thuật và cái đẹp trừu tượng,” tương tự như nói tranh của E. Manet là tiền thân của tranh ấn tượng chẳng hạn, cho dù bản thân Manet chưa bao giờ là một họa sĩ của trào lưu ấn tượng.
 
2. Hình như bạn vẫn không muốn hiểu nghĩa đen của từ trừu tượng 抽象 tức là loại hình ra hay hình đã bị loại ra. Theo đó, hội họa trừu tượng (抽象絵画) là cái còn lại sau khi hình đã bị loại ra (= sau khi ta loại hình đi), chứ không phải là hình ảnh chắt lọc của object (abstracted butter) như bạn đã suy diễn. Hình 象 ở đây được hiểu là vật cụ thể (object) từ thế giới khách quan như người, vật, cây cối, sông, núi v.v. chứ không phải an abstract image (một hình ảnh trừu tượng) do màu sắc và đường nét tạo nên. Còn cách dịch như vậy có đúng với abstract painting trong tiếng Anh không lại là chuyện khác. Theo tôi, nó không hoàn toàn đúng, nhưng nó đã truyền đạt được khá gần khái niệm về abstract painting.

 

“Black Aqure,” 1915 của Kazimir Malevich

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Anh Đăng

1. Tất nhiên em biết Van Gogh không phải họa sỹ trừu tượng. Nhưng nếu nói trong tranh phong cảnh và cây táo có cái đẹp và kỹ thuật trừu tượng, thì có nghĩa là bản thân khái niệm trừu tượng không hoàn toàn loại bỏ nguồn gốc vật định thể hiện là một thực thể.

2. Em hoàn toàn hiểu ý anh về chuyện loại bỏ hình, và cũng đã nói là đó không sai, cũng như khái niệm ngăn chặn hình của chú Quân không sai, nhưng không làm rõ cái cốt yếu. Em nói là đó là định nghĩa negative, tức là nói abstract có nghĩa là không phải là hình, giống như nói bơ là phần còn lại sau khi đã loại bỏ sữa (tượng). Thực ra ý chú Quân nói ngăn chặn lại hay anh nói rút hình ra là một, thể hiện rõ trong câu tiếng anh mà anh nói, là exclude image.

3. Điều em muốn tranh luận là: không phải cứ không có hình thì đã là abstract. Không có hình mới chỉ là nonfigurative thôi. Muốn là abstract phải có essence, bất kể là essence của sự vật, hay là của một tình cảm, quan điểm. Và chính vì chữ trừu tượng theo đúng chiết tự thì tự nó không làm rõ được điều này, nên em mới nói là nên theo gốc chữ abstract.

4. Nhưng thôi, mình tranh luận về chữ nhiều rồi. em chỉ hỏi anh một câu thôi, cuối cùng thì theo anh, tranh abstract có cần có một  essence nào không? cho dù là essence của bất kỳ cái gì, hay miễn là không có hình là được?

 

Mubin Orhon, Không đề, sơn dầu trên vải, 1963, 150 x 149.5 cm.

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Vấn để ở đây là bạn hiểu thế nào là essence (bản chất)? Đó là tinh thần của vật chất hay sự tối giản cùa vật thể? Tinh thần của vật chất là cái gì? Có phải nó hiện hữu trong mọi loại hình hội họa không? Một người mà vứt hết da thịt, xương cốt đi thì còn lại cái gì? Và nếu bạn vệt một nét bút rồi nói đấy là essence của người thì liệu có khác gì bạn viết một chữ tượng hình như chữ “nhân” 人 trong chữ Hán, mà gốc của nó vốn là hình vẽ một người có hai chân?
 
Theo Pablo Picasso, chặt chẽ mà nói thì không có cái gọi là hội họa trừu tượng. Họa sĩ bao giờ cũng phải bắt đầu từ một vật, một object nào đó, sau đó thì làm mọi cách để loại bỏ dấu vết của hiện thực đi (tức nôm na là lôi hình ra vứt đi). Nhưng làm cách gì đi chăng nữa họa sĩ cũng không thể xoá được cái ý tưởng của một vật thể trong tranh của mình, tựa như một vết nhơ không thể nào xóa đi được. Điều đó có nghĩa là không bao giờ ta đạt được khái niệm trừu tượng tuyệt đối trong hội họa.
 
Mặt khác mọi loại hình hội họa đều mang yếu tố trừu tượng, mà thiếu nó thì không thể có một bức tranh hay được.
 
Cuối cùng tặng các bạn câu nói của danh hài và họa sĩ biếm họa người Mỹ Al Capp:
 
Abstract art is a product of the untalented, sold by the unprincipled to the utterly bewildered.
Hội họa trừu tượng là sản phẩm của kẻ bất tài, được bán bởi kẻ bất lương cho kẻ hoàn toàn rối trí.
 
Al Capp là nghệ sĩ hài cho nên đừng hiểu câu nói của ông ta một cách quá nghiêm túc để rồi… tức điên.

Một tác phẩm của Ellsworth Kelly

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Anh Đăng,

Tới đây thì em gần như có thể đồng ý hoàn toàn với anh.

Anh nói: mọi hội họa đều có phần trừu tượng, vì không có nó thì không thể có tranh hay. Đó chính là vì trừu tượng là quá trình chắt lọc, tinh chế. Còn nếu trừu tượng chẳng qua là rứt hình một cách cơ giới thì ta không thể có sự khẳng định là nếu không có nó thì không thể có tranh hay.

Picasso nói, mọi hội họa đều phải có xuất phát từ vật thể, và quá trình làm hội họa là lược bớt hay rút bỏ hình tượng của vật thể đó – hoàn toàn đồng ý. Thực tế là người ta không thể hình dung ra bất kỳ một thứ gì không có xuất xứ thực thể. Và chắc chắn anh phải đồng ý với em là việc rút bỏ hình tượng của vật thể này phải nhằm tới việc tạo ra một thứ tinh khiết hơn, chứ không phải một loại công việc vô tri vô giác hay cơ học thuần túy kiểu như đơn giản là bỏ bớt vài bộ phận.

Không có hội họa trừu tượng thực sự, mà chỉ có các mức độ trừu tượng khác nhau, tương ứng với độ tinh chế của ý tưởng, đồng thời là mức độ xa với hình mẫu ban đầu. Và khi mức độ trừu tượng đạt tới mức mà không còn nhận ra hình mẫu ban đầu, hoặc dấu vết của hình mẫu đó không còn là trọng tâm của tác phẩm nữa, thì người ta gọi là hội họa trừu tượng.

Cái tinh chất của vật thể, sự kiện là gì là điều rất mơ hồ và rộng, bởi thế có rất nhiều tranh cãi về tranh trừu tượng. Mỗi người có thể diễn đạt, cảm nhận cái tinh chất đấy một khác. Từ một loài thực vật, ta có thể tinh chế thành rất nhiều sản phẩm khác nhau, bằng những phương pháp khác nhau, tùy vào việc ta coi cái gì là tinh chất của loài thực vật đó. Bột xương có thể coi là tinh chất của xương, cao nấu từ xương cũng có thể coi là tinh chất của xương, và hàng loạt sản phẩm khác có thể được tinh chế từ xương, nếu muốn.

Tuy nhiên việc nỗ lực tạo ra bất kỳ một loại tinh chất gì và tài năng làm việc đó cũng có thể gây ra một sự đồng cảm về độ đậm đặc của thông điệp, cho dù nội dung cụ thể của thông điệp đó là gì, và đó là điều khiến một bức abstract có được sự rung cảm của nhiều người, mặc dù mỗi người có thể giải thích nó một cách khác.

*

Bài liên quan:

– Hội họa Trừu tượng: người đẹp trăm tuổi 
– Trừu tượng = trừu cái tượng? hay tượng nó trừu ? (cập nhật 1)
 
– Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (cập nhật 2 và kết thúc)

– Bạn chọn lối nào: Không còn hình nữa là trừu tượng? Chắt được tinh chất là trừu tượng?

– Nếu không có “essence”, Pollock hơn hải cẩu Tuần Châu ở chỗ nào?

Ý kiến - Thảo luận

11:31 Tuesday,16.12.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Phương Thảo
ôi chùm tranh luận về nghệ thuật trừu tượng hay quá, dù ai đúng ai sai ai mạnh lý lẽ hơn ai thì cũng phải nói rằng có tranh luận mới làm sáng tỏ nhiều vẫn đề, và rằng kết luận cuối cùng là công sức của tất cả những người cùng tranh luận tạo nên. Mình/chắc là cháu thôi, còn hay đuối lý khi tranh luận một vấn đề lắm, còn phải học hỏi nhiều từ mọi người
...xem tiếp
11:31 Tuesday,16.12.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Phương Thảo
ôi chùm tranh luận về nghệ thuật trừu tượng hay quá, dù ai đúng ai sai ai mạnh lý lẽ hơn ai thì cũng phải nói rằng có tranh luận mới làm sáng tỏ nhiều vẫn đề, và rằng kết luận cuối cùng là công sức của tất cả những người cùng tranh luận tạo nên. Mình/chắc là cháu thôi, còn hay đuối lý khi tranh luận một vấn đề lắm, còn phải học hỏi nhiều từ mọi người 
17:06 Thursday,5.12.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng
Hưng mạc
Việc thực hiện những động tác rất thuần thục, tự nhiên, gần như ngẫu hứng và vấn đề ý thức được tại sao mình làm như vậy không mâu thuẫn với nhau. Pollock rải màu một cách có vẻ ngẫu hứng, nhưng rất có ý thức, có lý luận, cái này bạn có thể tham khảo các essa
...xem tiếp
17:06 Thursday,5.12.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng
Hưng mạc
Việc thực hiện những động tác rất thuần thục, tự nhiên, gần như ngẫu hứng và vấn đề ý thức được tại sao mình làm như vậy không mâu thuẫn với nhau. Pollock rải màu một cách có vẻ ngẫu hứng, nhưng rất có ý thức, có lý luận, cái này bạn có thể tham khảo các essays của Greenberg.
Có sự khác biệt giữa biểu tượng và trừu tượng, nhưng đó không phải là các khái niệm đối lập, và có nhiều mức độ trừu tượng khác nhau. Nhìn chung, càng cách xa việc bám vào một hình mẫu thì mức độ trừu tượng càng cao. việc tả thực một sự việc, một vật có thể coi là ít trừu tượng nhất. Việc diễn đạt sự việc hay sự vật đó bằng một biểu tượng đơn giản, nhiều khi đa nghĩa là mức độ trừu tượng cao hơn. Còn nếu không bám vào một hình thù gì thì mức trừu tượng cao hơn nữa.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Duỗi não

Vũ Lâm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả