Gẫm & Bình

Bất ngờ lớn (hay hoang mang tợn) với CAMAMOTO 24. 07. 10 - 11:35 pm

SOI A

ON EACH MILESTONE  – TRÊN TỪNG CÂY SỐ

18:00, ngày  23. 7. 2010
Phòng triển lãm Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Vào cửa tự do

Về triển lãm này, Soi xin giới thiệu phóng sự ảnh sau, trước khi có bài viết dài và cực kỳ nghiêm túc:

Trước triển lãm, giấy mời dài vài trang được gửi đến mọi người. Thông tin nghiêm túc, chu đáo. Chiều khai mạc, mọi người đến khá đúng giờ, nhận tài liệu và đứng chuyện phiếm cùng nhau, trong một khuôn viên quá đẹp để làm triển lãm và trình diễn.


Nhiều nghệ sĩ tới xem. Nguyễn Mạnh Hùng đang dẫn xe vào khu triển lãm. Bãi giữ xe ngoài cổng chật xe rồi chăng? Không phải, rồi bạn sẽ biết…


Trong lúc đó ngoài sân, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Nhật Bản vui vẻ trò chuyện cùng nghệ sĩ Phương Vũ Mạnh, áo đen và râu tết…


Trong này, Đào Mai Trang áo tím… Cô vừa làm được một việc lớn trong năm nay: ra cuốn sách về 12 nghệ sĩ đương đại Việt Nam, song ngữ


Họa sĩ Phạm Ngọc Dương áo carô…


Nguyễn Phương Linh tóc ngắn, váy hoa xem đội quay phim. Triển lãm này, vì được giới thiệu quan trọng, nên đặc biệt rất nhiều phóng viên báo, đài.


Phải đến cả trăm người tụ tập chờ đợi màn trình diễn của CAMAMOTO như tờ giới thiệu đã báo trước


Sau lời giới thiệu trân trọng của giám đốc Trung tâm (Phó giám đốc đang phải chỉnh ampli trục trặc)…


… CAMAMOTO xuất hiện: hai họa sĩ Nhật (Yamamoto) và Việt (Hoàng Dương Cầm, áo sậm). Phần âm thanh vẫn trục trặc, khổ thân vị PGĐ vẫn phải sửa.


Đều sinh năm 1974, cả hai gặp nhau tại Nhật. Hai nền văn hóa khác, hai lối sống khác, nhưng họ quyết định nhập lại làm một (CAM + YAMAMTO = CAMAMOTO), vừa rong ruổi “trên từng cây số”, vừa soi vào người kia để thấy mình…


Nhiều khán giả cứ ngỡ sẽ xem trình diễn ngoài sân, nhưng không, tất cả được mời vào phòng. Ở một đầu phòng, hai mảng tường chiếu song song những đoạn phim CAMAMOTO đã quay khi rong ruổi, khám phá…


Được sắp xếp “lệch” một cách cố tình (cảnh toàn vs cảnh cận, thiên nhiên vs con người, sắc này vs sắc kia…)…


… thoạt tiên làm người xem chăm chú theo dõi…


Thế rồi cứ thế, cứ thế mãi, những đàn tơ-rưng, phong cảnh trên đường… chiếu đi chiếu lại trên tường…


Mọi người bắt đầu quay sang nhìn nhau: màn trình diễn mà brochure nói sao chưa diễn ra nhỉ?


Nhưng thực ra, màn trình diễn đã có mặt từ phút đầu, khi mọi người bước chân vào phòng triển lãm: một đầu phòng dựng những chiếc xe máy đáng lẽ ra phải gửi ngoài bãi giữ xe.


Những chiếc xe này do chính CAMAMOTO dong vào. “Chúng tôi muốn làm không gian phòng triển lãm khác đi, chúng tôi cũng muốn thử xem phản ứng của người xem thế nào,” Hoàng Dương Cầm nói.


Cụ thể, màn trình diễn sẽ là: 1 – CAMAMOTO dẫn xe vào phòng triển lãm


2. Khi vào phòng sẽ yêu cầu khách dạt ra để xếp xe. Dựng xe ngay ngắn trong phòng triển lãm.


3. Dựng xong có thể đứng trong phòng cùng xem video với khán giả


4. Khi khán giả lấy xe thì CAMAMOTO dẫn xe xuống sân…


5. Trả xe cho khách…


6. Tiễn khách về. Khách đưa lại thẻ gửi xe. Những cái thẻ đó nghe nói sau đó sẽ được làm thành một bức tranh, khung đã sẵn sàng… Hết


Sau khoảng 40 phút xem video với màn trình diễn dựng xe, khán giả ra sân đứng. Tiệc đứng ở bên hông tòa nhà, chắc ít ai nhận ra nên cũng ít ai dùng. Mọi người thử cố tìm ra ý nghĩa cho màn trình diễn, nhiếp ảnh gia Dino (áo nâu, cạnh Sơn X áo trắng) suy đoán, có thể những chiếc xe cho cảm giác “trên đường đi và đang dịch chuyển. Hình ảnh so le cũng như mắt nhìn của hai người khác nhau…” Soi thấy ý này rất hay.


Lách qua một phụ nữ nước ngoài, Soi nghe lén được, “It’s very special. I really love it”. Lách qua một đám khác, Soi nghe một người đang gân cổ cãi, “Thế ông bảo có khác gì mấy tay trông xe nào?”

 

Quả là như thế. Với thẩm mỹ của Soi, màn trình diễn của CAMAMOTO đang được diễn ra đồng loạt hàng ngày trên hàng trăm ngàn bãi giữ xe của cả nước ta. Khác chăng là hai anh này ân cần hơn, bãi giữ xe đẹp hơn, và thẻ giữ xe có thể làm thành tranh. Chấm hết. Như một trò đùa con trẻ.

Dù họa sĩ Hoàng Dương Cầm đã giải thích rất nhiều về mục đích của màn trình diễn: tạo không gian mới, theo dõi phản ứng khán giả… Soi A và Soi Mít tập hợp trí não lại vẫn không hiểu được vì sao những gì diễn ra trong buổi chiều này lại được gọi là nghệ thuật, vì sao được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu trang trọng thế… Bạn nào hiểu được xin chỉ giùm. Trân trọng cảm ơn.

 

Ý kiến - Thảo luận

18:40 Friday,30.7.2010 Đăng bởi:  admin
Hồng Anh ơi, hay quá, bạn nhắc Soi mới nhớ ra là phòng triển lãm hôm ấy rất giống bối cảnh phố Tràng Tiền không cho để xe máy!!! Nhưng câu hỏi sau của bạn thì Soi lại không hiểu lắm :-)
...xem tiếp
18:40 Friday,30.7.2010 Đăng bởi:  admin
Hồng Anh ơi, hay quá, bạn nhắc Soi mới nhớ ra là phòng triển lãm hôm ấy rất giống bối cảnh phố Tràng Tiền không cho để xe máy!!! Nhưng câu hỏi sau của bạn thì Soi lại không hiểu lắm :-) 
18:39 Friday,30.7.2010 Đăng bởi:  admin
Vu Lien Phuong oi, bọn mình có gửi cho Nhã bên Trung tâm hết số hình bọn mình chụp hôm đi xem Tadioto. Phuong có thể lấy bên Nhã nhé. Nếu không tiện thì email về soihouse@yahoo.com để bọn mình gửi ảnh lại cho.
...xem tiếp
18:39 Friday,30.7.2010 Đăng bởi:  admin
Vu Lien Phuong oi, bọn mình có gửi cho Nhã bên Trung tâm hết số hình bọn mình chụp hôm đi xem Tadioto. Phuong có thể lấy bên Nhã nhé. Nếu không tiện thì email về soihouse@yahoo.com để bọn mình gửi ảnh lại cho. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả