Gẫm & Bình

Hành khách chú ý! Người bay đã bỏ lái 31. 12. 12 - 10:57 am

Nhã Kỳ

Ảnh: Tịch Ru

 

Nói thẳng là tôi dị ứng ngay từ cái tên của triển lãm. Không phải vì có vẻ “ăn theo” câu chữ trong một câu thơ của Trần Dần (“Tôi khóc những chân trời không có người bay”), mà vì câu này đã nhai nhải khắp các bài báo hay diễn đàn văn chương nghệ thuật, ngang với mấy câu “Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. Nó gây cảm giác cho một người hơi có tí quan tâm đến nghệ thuật nước nhà như tôi rằng những người chủ trì dự án hơi bị lười nghĩ. Một cái tên phải là một sự xác lập cái gì mới, riêng, hoặc ít nhất cũng tái phát hiện một giá trị ít người biết, chẳng hạn như một câu thơ hay tuyên ngôn xếp ngăn kéo nhiều thập niên. Ở đây tôi không thấy toát lên điều đó khi mà tên triển lãm lại mang nghĩa khẳng định, dẫn đến cảm giác “sao mà tự cao thế?”

Thứ hai là hình ảnh trên Soi chụp giới thiệu dự án này lại quá… bắt mắt. Các triển lãm như Utopia hay Sân khấu mở, chụp lên khá là hấp dẫn. Tất cả series bài về dự án này liên tiếp gây cảm giác hoành tráng và hứa hẹn “đầy thứ để xem mệt nghỉ”.

Nhưng rồi mãi mới đến ngày nghỉ để tôi có thể đến khu vườn của Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản, tức là sau khi khai mạc 25 ngày và chỉ còn hơn 1 tuần là kết thúc.

Cảm giác đầu tiên là không gian hẹp hơn so với hình ảnh trên Soi, và có một số palet gỗ dựng ngả nghiêng không rõ là mới bị dỡ ra hay cứ để thế từ đầu đến giờ, nhất là khu vực ở sát tường tòa nhà chính. Trên Soi có thể thấy đây là vách cao lừng lững cơ mà! Khi tôi tới hôm qua thì đã có dấu hiệu tháo dỡ. Các dòng chữ chỉ dẫn dán trên các vách gỗ thanh này cũng gây hoang mang cho tôi là nó chỉ phạm vi chừng nào, vì các không gian cứ lẫn lộn vào nhau, ngoại trừ Đo thế giới nằm trọn trong một gian nhà phụ.

Có chiếc xe ba bánh chở hàng đậu trong sân trung tâm. (Ảnh: Nhã Kỳ)

Bốn gian nhà trong khu vực phụ phía sau, nơi có trưng bày tác phẩm của Tuấn Mami, gọi là phòng MAC và studio, thì tôi không hiểu đây là văn phòng hay triển lãm. Nó hơi làm tôi cảm giác như là khu tập thể công nhân, nhà của Tuấn Mami cạnh nhà bếp của Nguyễn Hồng Ngọc và tiếp đến là hiệu may của Lại Thị Diệu Hà. Những khu vực này thú thực tôi không hiểu có phải là nơi trưng ra những tác phẩm nghệ thuật không, nó phải hơn hình ảnh những lán trại thợ xẻ hay công nhân công trường chứ! Chẳng hạn studio nhiếp ảnh, có những đống gỗ xẻ mà khi đọc lại tờ rơi tôi mới biết là một phần của tác phẩm “Những mảnh vỡ”. Nguyên do là màn hình video đã không còn chạy hình bên cạnh, thay vào đó là vài tấm ảnh khổ lớn vứt rải rác trên sàn. Tôi thấy giống nhà kho thợ mộc hơn.

Bên cạnh phòng MAC và studio, có tấm đệm và các thứ bao tải vứt đi. (Ảnh: Nhã Kỳ)

 

Căn bếp thì thực là một cái kiểu “quán ăn bao cấp” nịnh mắt mà ngây ngô, với những hàng chữ kẻ vẽ bằng tay cho có tính hồi cố “chân chất”. Giá kể đừng cải lương như thế mà chắt lọc hơn ở những đồ vật không-có-không-thành-bếp thì còn dễ tha thứ hơn. Đến người thường như tôi cũng phải đặt câu hỏi, liệu nghệ sĩ có tư duy là cái lọ mắm nay cái quả khế kia đặt vào hay bớt ra thì có ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm của mình không? Ở đây cứ như là một cái kho đồ hàng của bé gái.

Studio “Bếp gia đình” của Hồng Ngọc (Ảnh: Hoàng Nguyên Vũ)

 

Phần sân khấu mini có tên Phụ Lục có vẻ bí hiểm hơn, và nhờ thế cũng có vẻ nghệ thuật hơn đối với một người đi xem như tôi. Tôi cũng “bám” vào những hình ảnh đồ vật trong đấy như bức hoành phi mộc và hòn đá “non bộ” trong vũng nước ở dưới, một cái chiếu cói đã thâm mà suy diễn ra thông điệp về cái nhìn vào văn hóa bản địa nước nhà. Nhưng ngoại trừ cái không gian hôi hôi, tôi tối quây kín bằng vải đen ra, thì tôi không thấy cảm xúc gì ngoài cảm giác “tự sướng” vì bóc mẽ các lớp lang ý tưởng của tác giả – mà có khi tôi sai bét cũng nên!

Bên trong studio của nhóm Phụ Lục rất tối nên ảnh chỉ mờ mờ, ở dưới là một hòn non bộ đặt trên một cái chiếu. (Ảnh chụp ngày khai mạc: Tịch Ru)

 

Sắp đặt của Nguyễn Trần Nam với màn hình đã bị bỏ đi và có dấu hiệu dỡ xuống. (Ảnh: Nhã Kỳ chụp vào sáng 31. 12. 2012).

Bỏ qua khu sắp đặt bên cạnh của Nguyễn Trần Nam mà màn hình đã không còn hoạt động, chỉ còn dòng chữ “no signal” và logo Sony ra, tôi vào triển lãm Lúa mọc mầm dưới kính mà trên Soi đã giới thiệu như cái đinh của dự án. Đúng là tác phẩm này có bắt mắt hơn những chỗ tôi vừa xem, nhưng tôi không nghĩ đây là một cái gì “oách” ngoại trừ lớp thóc nảy mầm như tấm thảm. Nhìn cũng thích mắt nhưng rồi sao nhỉ? À, hình như các đồ vật trưng bày phối hợp đã bị dẹp đi, và tôi thấy đã kê bàn ghế đọc sách cho thư viện (như chức năng ban đầu của phòng này).

… toàn bộ mặt sàn là kính trong suốt, nhìn xuyên xuống dưới là những hạt thóc mọc mầm trên một nền đất mỏng. (Ảnh: B&G)

 

No close days. Thông tin không hề nói là nghỉ ngày Tết dương lịch hay ít nhất, ngày 31.12. 2012. (Ảnh: Nhã Kỳ chụp sáng 31. 12. 2012)

 

Đến đây thì có vẻ thành ngữ “trâu chậm uống nước đục” của người Việt đã đúng. Nhẽ ra tôi phải đến xem vào buổi khai trương, lúc trống giong cờ mở, ánh sáng huy hoàng kích đại sự bóng bảy của các tác phẩm. Chứ giờ lúc “những người bay” có lẽ đã hạ cánh xuống đất hết cả rồi, làm cho một người xem như tôi thấy cũng nhạt. Tôi thấy mình như hành khách đi máy bay phát hiện ra phi công đã nhảy dù từ đời tám hoánh rồi. Tôi đọc lại tờ rơi và nghĩ, nếu các nghệ sĩ chủ trì đừng có ham hố đặt những cái tên kêu như chuông (mà nhàm) và chịu khó chăm chút triển lãm cho đến phút chót thì có khi tôi đỡ ấm ách hơn!

 

*

Những chân trời có người bay

Chuỗi triển lãm, dự án nghệ thuật đa phương tiện
Từ 4. 12. 2012 – Chủ nhật ngày 6. 1. 2013
Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội)
                   Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

 

Ý kiến - Thảo luận

1:24 Thursday,3.1.2013 Đăng bởi:  thanh
japan foundation nghỉ tết 6 ngày, 4.1 mở cửa trở lại. 7.1 dỡ xưởng, studio và triển lãm. mời mọi ng đến thăm.
...xem tiếp
1:24 Thursday,3.1.2013 Đăng bởi:  thanh
japan foundation nghỉ tết 6 ngày, 4.1 mở cửa trở lại. 7.1 dỡ xưởng, studio và triển lãm. mời mọi ng đến thăm. 
12:34 Wednesday,2.1.2013 Đăng bởi:  DUONG ĐẠI
Báo TTVH đã cho bài "nghệ thuật đương đại dễ vậy sao" lên online rồi đây. mới bà con xem và nhờ Bác Soi bóc ra thành bài thì càng đỡ cho làng ta phải trèo rào.
http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/nghe-thuat-duong-dai-de-vay-sao-n20121227133306852.htm
...xem tiếp
12:34 Wednesday,2.1.2013 Đăng bởi:  DUONG ĐẠI
Báo TTVH đã cho bài "nghệ thuật đương đại dễ vậy sao" lên online rồi đây. mới bà con xem và nhờ Bác Soi bóc ra thành bài thì càng đỡ cho làng ta phải trèo rào.
http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/nghe-thuat-duong-dai-de-vay-sao-n20121227133306852.htm 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả