Gẫm & Bình
Ghi chú của Hồng Hoang (phần 5):
Từ “tư tưởng” tới thói quen cảm thụ29. 04. 16 - 7:50 am
Nguyễn Hồng Hưng
(Tiếp theo bài 4)
“Kelly và ngựa Steele của sỹ quan”, tranh của Adam Cullen
“Hệ thống quan niệm” là “tư tưởng”
Trước tiên phải xem cái gì được gọi là tư tưởng, rồi soi chiếu với nghệ thuật xem tự thân nó có tư tưởng hay không.
Triết học xem tư tưởng là hệ thống lý thuyết của các mục đích được cô đọng thành hệ thống quan niệm. Có một “hệ thống quan niệm” được đồng nghĩa với có tư tưởng.
Khi áp dụng các quan niệm ấy vào thực tiễn, sẽ giúp điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh dự tính và điều chỉnh hành động.
Khi hành động theo hệ thống quan niệm để thể hiện một hình thức nghệ thuật nào đó, thì nghệ thuật đó có tư tưởng. Tất cả những điều đó đều để lại dấu vết trên tác phẩm. Đó là dấu vết của tư duy về cái đẹp, tư tưởng của cái đẹp.
Những chuyện như thế, được người Á Đông cô đọng ngắn thôi : Ý sinh KHÍ > Khí sinh LỰC > Lực sinh CÔNG.
Ý là tư tưởng hun đúc làm xuất hiện ham muốn là KHÍ. Khí là động lực hành động sinh ra LỰC. Kết quả của lực là CÔNG.
Công là hình thức nghệ thuật kết tinh trên tác phẩm vật chất cụ thể. Tác phẩm vật chất cụ thể luôn mang dấu vết của “ý” (tư tưởng).
Vậy là “hệ thống quan niện” của mỹ thuật luôn tự có trong ý của họa sĩ, đó chính là tác phẩm nghệ thuật mang tư tưởng của nghệ thuật lan truyền khoái cảm của cái đẹp. Giống như một bông hoa đẹp lan tỏa cái đẹp thuần khiết của hoa không đính kèm tôn giáo hay chủ nghĩa nào cả. Tư tưởng này là cái đẹp mỹ thuật dưới dạng cấu trúc hình thức, không phải những phạm trù cái đẹp mỹ học ở văn chương thi ca dưới dang cấu trúc văn tự và ngôn ngữ.
Những hệ tư tưởng khác với tư tưởng của cái đẹp
Xét đến các trường phái hội họa thì thấy mỗi trường phái đều có những tuyên ngôn, những hệ thống quan niệm thẩm mỹ khác nhau, vậy là mỗi trường phái đã có một tư tưởng nghệ thuật (vẽ như thế nào) khác nhau.
Điều này tương tự như các triết thuyết khác nhau hay các đảng phái chính trị khác nhau có những tư tưởng khác nhau vậy. Cũng cần nhấn mạnh và nói lại rằng tư tưởng tự thân của hội họa khác hẳn tư tưởng của các chủ nghĩa (…ism) hay đảng phái chính trị; cái này sẽ đề cập ở phần cuối bài.
Khởi đầu quan niệm “Vẽ như thế nào” là từ họa sĩ Edouard Manet (1832-1883) người Pháp. Ông đã nhiều năm đi đến bảo tàng Louvre và ngồi hàng giờ sao chép tranh của các bậc thầy thời Phục Hưng. Ông đã luyện đạt tới thuần thục những kỹ năng minh họa và mô phỏng của nghệ thuật cổ điển, để rồi kết quả ông đã vẽ khác hẳn các tiền bối mà ông từng kỳ công sao chép nhiều năm.
Edouard Manet đã tạo ra sự thay đổi thẩm mỹ. Thẩm mỹ mới của ông là cội nguồn nền tảng cho trường phái hội họa Ấn tượng ra đời 1874, nhưng chính ông không tự công nhận mình là họa sĩ “Ấn tượng” như đánh giá của thời đại ông. Những nhà viết sử nghệ thuật đã xếp Edouard Manet (1832-1883) ở vị trí cội nguồn của nghệ thuật hiện đại (Modernism) với nhiều trường phái ra đời sau này.
Hai tác phẩm tai tiếng và nổi tiếng nhất của Edouard Manet là “Bữa trưa trên cỏ” và “Olympia”. Phong cách vẽ của Edouard Manet dẫn tới sự phá bỏ bút pháp mô phỏng mô tả tỷ mỉ cực đỉnh của hiện thực cổ điển, biến thành bút pháp hiện rõ dấu vết và như thấy được cả tốc độ vệt bút bôi quyệt nét bút trên mặt tranh. Bút pháp này phối hợp với ánh sáng ngoài trời, về sau thành tư tưởng thẩm mỹ của trường phái Ấn Tượng (Impressionism). Hoàn toàn không phải là tư tưởng triết học nào cả.
Bữa trưa trên cỏ (Lunch on grass), Manet
Họa sĩ Claude Monet (1840 –1926) là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, người có tác phẩm mang tiêu đề được chọn làm tên gọi trường phái Ấn tượng. Năm 1872, Claude Monet vẽ một phong cảnh ở Havre: “Ấn tượng, mặt trời mọc” (Impression, soleil levant), hiện lưu tại bảo tàng Marmottan Paris. Bức tranh được giới thiệu với công chúng năm 1874. Tên gọi của họa phái Ấn tượng xuất phát từ tên của bức tranh “Ấn tượng, mặt trời mọc” này.
Claude Monet, 1872, Impression, soleil levant (Ấn tượng, mặt trời mọc)
Sau đó nữa, một trào lưu hội họa hiện đại xuất hiện nhiều trường phái như Biểu hiện, Lập thể, Dã thú. Đa đa, Trừu tượng ấn tượng, Trừu tượng biểu hiện, Trừu tượng hình học, Ngây thơ, Tối giản, Siêu thực v.v…do các họa sĩ tiền phong sáng lập. Khoảng 1950-1960 xuất hiện trường phái Kinetic Art – một trường phái đưa chuyển động vật lý và âm thanh vào tác phẩm, tín hiệu báo trước sự ra đời của nghệ thuật đương đại.
Thói quen cảm thụ nghệ thuật
Những công chúng quen với nghề thuật cổ điển thường xem tranh bằng so sánh tài khéo của đôi bàn tay vàng thể hiện tác phẩm của các thiên tài, đính kèm với kiến văn thuộc lòng các tích truyện thần thoại và tôn giáo. Nhắc lại một đoạn của phần mở đầu:
Có một thực tế mà không ít các họa sĩ hiện đại Việt Nam đều trải nghiệm, đó là những người nghiên cứu triết học và mỹ học uyên thâm có thể có tri thức cao, khá dễ dàng nhận thức và thưởng ngoạn các loại hình nghệ thuật minh họa. Xong sẽ rất khó khăn với mỹ thuật hiện đại và mỹ thuật hậu hiện đại.
Nghệ thuật hiện đại xuất hiện cũng cần một công chúng thưởng thức nó. Lớp công chúng mới làm quen với những cảm xúc đột biến mạnh mẽ hay tâm trạng u uất, không bằng những bố cục minh họa tích truyện, mà bằng hình thức kỳ lạ của họa sĩ bôi quệt trên bề mặt tranh. Mọi hân hoan hay hoan lạc của hội họa hiện đại không còn dựa vào tài khéo siêu phàm của đôi bàn tay, mà bằng những yếu tố cơ bản của hình và màu, còn gọi là ngôn ngữ hình tượng, được thể hiện theo chủ quan của họa sĩ.
Picasso một họa sĩ thuần thục lối vẽ mô phỏng hiện thực cổ điển từ 13 tuổi, vậy mà sau này suốt đời ông là một nhà tiên phong hàng đầu của nghệ thuật hiện đại, là một trong hai người sáng lập trường phái “lập thể”, đã nói về chân lý trong nghệ thuật như sau:
“Trong vô số tội lỗi mà người ta gán cho tôi, thì cái tội làm việc theo tinh thần tìm tòi nghiên cứu là vô lý nhất. Tôi vẽ là vẽ cái mình đã thấy rõ ràng, chứ không phải cái đang đi tìm. Trong nghệ thuật, ý định là chưa đủ. Dân Tây Ban Nha chúng tôi thường nói rằng tình yêu là phải thực chứng chứ không phải chỉ lý luận. Làm ra cái gì đó thì mới được, chứ có ý định thì chả đáng gì.
Tất cả chúng ta đều biết Nghệ thuật không phải là chân lý. Nghệ thuật là một sự dối trá khiến ta nhận ra chân lý, ít nhất thì cũng là thứ chân lý mà chúng ta hiểu được. Nghệ sỹ phải biết cách thuyết phục người khác thấy cái chân thực trong những dối trá của mình. Nếu tác phẩm chỉ cho thấy cái anh ta còn đang tìm kiếm, đang nghiên cứu, chỉ để che đậy những dối trá ấy, thì anh ta không bao giờ đạt được gì.“
(nguồn: Phỏng vấn với Marius de Zayas, đăng trên The Arts (New York), với nhan đề “Picasso Speaks”, tháng Năm, 1923. Dịch giả: Trịnh Lữ).
Đương nhiên những người thấm đẫm giáo dục thẩm mỹ cổ điển đã không chịu công nhận bước nhẩy đột phá của cái đẹp khi xuất hiện chủ nghĩa Ấn tượng. không chịu công nhận tư duy của họa sĩ hiện đại không minh họa cho văn tự và ngôn ngữ. Họa sĩ hiện đại triệt để tư duy bằng hình tượng phi hình và màu để tạo ra khoái cảm nguyên thủy của nghệ thuật.
Nhân loại phát triển ở tất cả mọi lĩnh vực không thể dừng lại mãi ở một giai đoạn đỉnh cao nào. Trong quá trình phát triển luôn có những bước nhảy vọt về phía trước, làm cho những tư duy không theo kịp phải mãi mãi ngỡ ngàng. Đó là bước nhảy từ nghệ thuật từ cổ điền đến hiện đại.
*
(Còn tiếp)