Văn & Chữ

Hãy để Kiều được là chính mình 15. 03. 13 - 8:19 am

Pha Lê

Tranh Bùi Xuân Phái

 

BàiSao ông Vũ Khiêu lại nối giáo cho việc sửa Truyện Kiều vô lối” làm dấy lên nhiều tranh luận về chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ này nọ… Theo lời dẫn, ông Xuân có ý phổ biến truyện Kiều qua việc sửa chữa câu chữ cho nó hiện đại hơn, phổ cập hơn, và… trong sáng hơn. Thôi thì hành động của ông Xuân sau này được mọi người ca tụng hay bị lên án chi đó xin chưa vội bàn, và cái ý của ông Xuân thì cứ coi đó là ý tốt đi, xuất phát từ lòng yêu Kiều.

Nhưng với cương vị là người yêu những gì cổ xưa, tôi thấy rằng việc ‘mới hóa’ từ cổ để phổ biến một tác phẩm cổ có lẽ không được hay cho lắm.

Nếu tính về mặt phổ biến thì chương trình học của chúng ta cũng không đến nỗi quá tồi trong công tác này. Em học sinh nào cũng được đọc những đoạn tiêu biểu của Kiều, phần lớn dân Việt biết đến Kiều, biết về Nguyễn Du, về những nhân vật, ý nghĩa, diễn biến chung của câu chuyện. Dĩ nhiên, với cái tình trạng học thêm học nếm, làm văn mẫu, quá tải chương trình như hiện nay, trẻ con đâm ra ngán văn, ngán luôn Kiều, dẫn đến tình trạng ít tự đọc Kiều trọn bộ hơn; nhưng biết thì chúng vẫn biết, vẫn có đọc.

Sau quãng thời gian dài (ráng) đọc đủ thứ sách, tôi rút ra kinh nghiệm rằng: không ai có thể đọc trọn các sách hay của thế giới, nhưng không phải cái gì cũng nên hiện đại hóa, phổ cập hóa. Kiều cổ điển, khó đọc, thôi thì cứ để Kiều được là chính mình. Có lẽ hậu quả của việc “hãy là chính mình” này sẽ khiến ít người đọc được trọn vẹn Kiều; nhưng bất cứ ai chịu khó tra từ điển, tìm hiểu Kiều, sẽ nhận về nhiều niềm vui cho nỗ lực mình bỏ ra. Nói theo kiểu khoa học thì chữ cổ cũng như một bài toán khó, lúc đầu loay hoay tìm cách giải thì hơi cực, tuy nhiên lúc giải được sẽ cảm thấy rất khoái, rất tự hào.

Tôi sợ nhất là những ai đem lòng ham thích thứ gì đấy nhưng lại lười; nên tôi cho rằng cứ để văn phong từ ngữ của Kiều đúng với bản của cụ Nguyễn Du, không cần chỉnh sửa cho hiện đại. Có như vậy thì những ai yêu văn, hay bỏ công ra đọc Kiều mới tập được tính kiên nhẫn, biết chịu khó, và nhận được niềm vui khám phá chữ cổ, cách hành văn cổ của người xưa.

Lo rằng để Kiều cổ như thế thì ít người đọc trọn vẹn cũng là một mối lo đúng, nhưng không đọc hết Kiều thì cũng… không chết. Nếu bạn là một nhà hóa học hay một chị kế toán, bạn thấy mình không áp dụng được tí Kiều nào vào cuộc sống bươn chải đủ thứ, thì chỉ cần biết cốt truyện cơ bản của Kiều, biết về Nguyễn Du, biết những đoạn thơ, nhân vật tiêu biểu, là tốt rồi. Sau này có lúc rảnh rang, hay về hưu, bạn vẫn có thể tìm hiểu toàn bộ Truyện Kiều dựa trên những gì đã biết sẵn, phát hiện ra niềm vui của chữ cổ, lối nói cổ, thì tuyệt hơn là đọc bản hiện đại rồi chẳng thấy có gì hay như người xưa vẫn ca tụng, đúng không nào?

.

Trên tinh thần đó, tôi thấy rằng sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta làm những bản tóm tắt Kiều thật hay, trong đó sưu tập nhiều hình ảnh đẹp, trích những đoạn thơ tiêu biểu, phân tích Kiều theo nghĩa dễ đọc, gọn gàng, súc tích, nhằm nhẹ nhàng cung cấp kiến thức cho đại chúng. Như vậy ai cũng vui vẻ biết những cái cơ bản về Kiều, biết quý Kiều, dù họ không làm việc hay sống với văn chương. Đây là cách dễ nhất để phổ biến Kiều mà không cần đụng chạm tới từ ngữ xưa.

Tích Hy Lạp cũng thế thôi, đa số người ta đọc bản tóm tắt, phân tích nhẹ nhàng, thành thử ai cũng lờ mờ biết về Venus, về Zeus. Như tôi đây cũng viết theo kiểu tóm tắt cho mọi người dễ xơi, chứ người nào muốn tìm hiểu các bản tích gốc theo nghĩa hàn lâm hơn thì tôi cũng khuyên là nên đi tìm sách của Homer, của Ovid, hay Virgil về đọc. Thực tế thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng đọc trọn bộ Homer, tuy nhiên chẳng ai chỉnh câu chữ của Homer cho nó hiện đại, dễ đọc hơn. Biết là so sánh hơi khập khiễng vì chỉ chuyên gia mới đọc bản gốc từ chữ Hy Lạp cổ, nhưng ngay cả khi dịch Homer ra tiếng Anh chẳng hạn, họ vẫn dùng loại tiếng Anh cũ kỹ, rất khó nuốt. Không chỉ riêng về phần chữ tiếng Anh cổ (hiện giờ chỉ thấy trong từ điển bách khoa) mà phần ngữ pháp cũng cổ nốt. Phần xưng hô cũng cổ, ví dụ như “Thou cruel one, from thy lofty seat, behold my miserable end” (Ovid, Metamorphsis) thì dịch hiện đại cho dễ đọc sẽ là “You cruel one, from your lofty seat, look at my miserable ending“. Nhưng đa số chẳng ai dịch hiện đại để dễ đọc. Ngay cả người Anh, người Pháp bản xứ nếu đọc Homer bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cũng phải tra từ điển liên tục.

Cuối cùng, cụ Nguyễn Du là một danh nhân, một nghệ sĩ lớn của tổ quốc. Ông viết ra Truyện Kiều để con cháu mình bây giờ nhìn vào là có thể tự hào. Tôi nghĩ, nếu đã có ý muốn đọc trọn Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du có quyền ‘chảnh’ một tí, có quyền yêu cầu người đọc chịu khó tra điển tích điển cố để đọc theo bản cụ viết ra, để hiểu cách thành văn, cách người thời cụ dùng chữ.

Hãy để tác phẩm của cụ được là chính mình, chứ đừng chỉnh sửa theo ý chúng ta.

 

*

Bài liên quan:

– Sao ông Vũ Khiêu lại nối giáo cho việc sửa Truyện Kiều vô lối? 
– Hãy để Kiều được là chính mình
 
– Hãy kìm hãm niềm tự hào thái quá

 

Ý kiến - Thảo luận

11:53 Friday,2.5.2014 Đăng bởi:  TKĐ
Không riêng lĩnh vực văn chương mà cả trong các loại hình nghệ thuật khác, kiểu “làm mới” tác phẩm thì có nhiều vô kể. Sự lương thiện ở chỗ là người làm mới đường hoàng ký tên mình và nói rõ là làm mới từ tác phẩm của ai và ai chấp nhận th
...xem tiếp
11:53 Friday,2.5.2014 Đăng bởi:  TKĐ
Không riêng lĩnh vực văn chương mà cả trong các loại hình nghệ thuật khác, kiểu “làm mới” tác phẩm thì có nhiều vô kể. Sự lương thiện ở chỗ là người làm mới đường hoàng ký tên mình và nói rõ là làm mới từ tác phẩm của ai và ai chấp nhận thì xem không thì thôi.
Còn cái kiểu đi ngang nhà, thấy con người ta không vừa mắt mình, tự ý xách ra thẩm mỹ viện (chui) cắt mắt nâng mũi sửa cằm rồi đem về bảo bố mẹ chúng: con ông bà thế này mới đẹp nghe chưa thì quá xấc xược.
Tệ nhất là có cả một vị cao niên xúi giục. Hóa ra đây là sự tương lân khi chính vị này từng đề nghị hoa mào gà làm quốc hoa!
 
11:45 Wednesday,5.6.2013 Đăng bởi:  ruandengzai
Thật buồn cười khi ông Xuân nghĩ ra "kiểu" dịch tiếng Việt cổ trong thơ sang tiềng Việt hiện đại, thay điển tích trong thơ thành từ dễ hiểu. Hình như ông không hiểu gì về thơ, thơ cổ và văn chương bác học ngày xưa, nên cho rằng mình đã đưa Truyện Kiều lên tầm cao mới. Tôi cứ lo rằng, được &
...xem tiếp
11:45 Wednesday,5.6.2013 Đăng bởi:  ruandengzai
Thật buồn cười khi ông Xuân nghĩ ra "kiểu" dịch tiếng Việt cổ trong thơ sang tiềng Việt hiện đại, thay điển tích trong thơ thành từ dễ hiểu. Hình như ông không hiểu gì về thơ, thơ cổ và văn chương bác học ngày xưa, nên cho rằng mình đã đưa Truyện Kiều lên tầm cao mới. Tôi cứ lo rằng, được ông Vũ Khiêu khen thế, đến ngày nào đó ông Xuân lại đề nghị : thay đại từ nhân xưng Tiếng Việt, vốn rối rắm, thành kiểu tiềng Tây. Khi đó chỉ có "tao", còn cho cả một lô từ cha mẹ, ông bà , cụ, kỵ, thân bằng cố hữu vào "nó", "chúng nó" cho gọn . Thật là giản đơn và hiện đại. Lạy trời đừng có ngày đó. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả