Thị trường

Hãy mua ngay khi cơ hội đến 21. 07. 13 - 10:07 pm

Linh Cao

Cá vàng, sơn mài của Hoàng Tích Chù. Ảnh: Martin Muntz (từ trang dainamax tribune). Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé

Các nhà sưu tập tranh, dù âm thầm hay lộ liễu, chúng ta thấy rõ họ luôn chia ra làm hai kiểu. Kiểu tác giả và kiểu chất liệu. Sưu tập tác giả thì loanh quanh thế nào cũng săn lùng thu gom tác phẩm của vài ba người và đỉnh điểm của tôn thờ khao khát là cuối cùng chỉ còn lại duy nhất một danh họa của lòng mình mà thôi. Mặc cho thiên hạ có khen chê vùi dập, sóng gió đường đời có làm tan hợp hợp tan sến sẩm gay cấn như xem phim kinh dị Hồng Kông… thì chúng tớ vẫn có nhau (lý giải ca này sẽ cần nhiều bút mực về sau).

Sưu tập chất liệu thì tinh quái nhất là mấy bác chơi tranh giấy. Các bác mua thì ít (mà mua rất rẻ), chủ yếu là xin. Lượn lờ ở các buổi chấm bài hình họa để xin than chì của sinh viên tốp ten, dùng dằng ở xưởng vẽ và các triển lãm để xin họa sỹ phác thảo, etude, hoặc ký họa chân dung… Và hiện nay thì một số bác đã phải đóng những cái hòm bằng tôn hoa có khóa để cất tranh giấy các họa sỹ kháng chiến (toàn bộ đội, pháo binh, dân quân, bắn bùm…) và mỹ thuật Đông Dương (toàn phong cảnh và gái!), vì theo năm tháng, những thứ quý giá mỏng manh ấy đã muốn tan rã về với đất mẹ lắm rồi. Thế là xuýt xoa bò ra sàn để dán, bồi, cho vào khung hoặc trao đổi. Vừa đèo nhau ra bằng xe cúp Honda 67 đời cũ nhất, vừa chí chóe tôi tôi ông ông, ra đến quán bia mặt đã đỏ gay vì tức quá đổi ba bức nuy Lưu Công Nhân rách mà nó nhất định không đưa cái Sỹ Tốt thủng mất năm lỗ…

Một bức khỏa thân của Lưu Công Nhân

Sưu tập theo chất, xa xỉ và cao cấp nhất, có lẽ là chơi tranh sơn mài. Họa sỹ sơn ta đích thực không bao giờ có nhiều tranh hay thực tế đến nhà chỉ có đúng cái tranh đang làm và nhiều nhà sưu tập đang ngồi chồm hỗm ở ngay đấy, mê man trong hơi sơn nồng nặc, mũi phập phồng mấy tép bụi vàng bạc đang bay luẩn quẩn, lăng xăng hầu hạ rót nước pha trà đốt thuốc và gườm gườm những đứa có vẻ cũng muốn mua “tranh của tao”. Phần vì kỹ thuật sơn ta đòi hỏi thời gian ngâm nga và thời tiết phải ẩm ướt mới khô được tranh, phần vì họa sỹ sơn ta đều là người chín chắn, giỏi về hình, sâu sắc về mặt nhân sinh quan và vũ trụ quan… nên y thường thong thả đủng đỉnh trà dư tửu hậu, vẽ cái gì cũng ngẫm cho chín nẫu ra, tiêu pha hết tiền đặt của sưu tập mới xong được cái phác thảo. Đến khi làm còn trông trời nhìn đất chán chê, là để chờ bao nhiêu lớp sơn kia nó khô dần bám quện vào nhau, những thứ xà cừ hay vỏ trứng nó canxi hóa ăn chắc vào vóc, và cũng để chờ tay thợ vàng làm cho đúng những quỳ màu lạnh hay nóng, to hay nhỏ… đặng đem ra mà thếp lên những chỗ cần cháy sáng nhất, huyền bí nhất, lung linh nhất trong tấm tranh.

Nhìn dáng họa sỹ cặm cụi bò nghêu ngao trên tấm vóc to nặng, thương lắm, hí hoáy tỉ mỉ, pha pha chế chế, bê bê vác vác, đến khi mài thì lúc đều đều giấy ráp, lúc lại lặng đi rồi hét ầm lên hay (vì bất chợt ra được hiệu quả lạ đẹp đúng ý), khi thì kêu hỏng rồi thở dài cho mấy chỉ vàng trôi xuống cống, phá phẳng đi để làm lại. Một bức tranh sơn mài là bao nhiêu công phu, đi nét ra sao, đặt mảng thế nào, phản ứng giữa các lớp chất liệu chồng lên nhau khi mài sẽ cho ra bề mặt thế nào, những sáng tạo về chất và hình có đạt giá trị thẩm mỹ không. Đến khi hoàn thành mỹ mãn tranh rồi, cái khung cũng phải tính toán đóng bằng gỗ thịt, sơn màu hay để mộc… nhằm tôn lên bức tranh đã hiện hình sáng bóng như ngọc, đạt được đến độ hoàn mỹ, chất lượng bền bỉ và ngày càng đẹp theo thời gian (chất sơn ta càng để lâu càng bay hết cánh gián sẽ trong ra như hạt đu đủ, hay là hổ phách).

Hội Xuân, sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Martin Muntz (từ trang dainamax tribune). Các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn.

Đấy là lý do tại sao người ta thích treo một bức sơn ta trong nhà, ăn theo cái cảm quan thẩm mỹ lộng lẫy vàng son của quá khứ các cụ nhà mình và hướng đến tương lai sung túc no đủ giàu sang. Không chỉ là trọc phú mới chơi những thứ cứ có tí vàng, mà quan trọng ở đây là chơi tác giả. Cùng là tranh 1 mét vuông nhưng có bức sơn ta giá chỉ 7 triệu đồng, và giá đỉnh điểm hiện nay của một tác giả đương đại vẫn size ấy, là 70 ngàn Euro. Tranh đắt không phải vì dát nhiều vàng, mà là vì họa sỹ vẽ đẹp, bức tranh nổi tiếng, được nhiều người công nhận là tác phẩm, kể cả người không có trình độ mỹ thuật.

Câu chuyện trên đã trở thành kinh điển. Ngày nay, tranh sơn mài cũng đã chạy bằng đôi chân đương đại để bắt kịp với các thay đổi chóng mặt của thế giới. Các workshop và trung tâm nghệ thuật không chỉ mời nghệ sỹ làm sắp đặt trình diễn, vẽ sơn dầu (như Tây), mà còn có các họa sỹ chuyên làm sơn mài. Tất nhiên chất liệu vẫn đứng ở hàng phương tiện, xe đạp hay xe buýt đều phải đến đích. Đặt lên hàng đầu vẫn là khả năng của từng tác giả, trong sơn mài thì kỹ thuật học mãi cũng sẽ được, chỉ có tạo hình và thẩm mỹ là không phải ai cũng có. Bề mặt tranh luôn đòi hỏi những đề tài và cách xử lý cách tân mới lạ. Đó có thể không thuần chất sơn ta làm theo phương pháp cổ truyền nữa mà bằng sơn Nhật hoặc sơn điều, phun PU bóng lộn như cánh cửa ô tô, hay để sần sùi không mài tạo chất như đá chẻ, tất cả cũng vẫn phải ngả mũ trước tranh sơn ta, người anh cả cổ hủ và chân chất, âm thầm và nhẫn nại, sang trọng và điềm đạm… đã bao năm qua nuôi sống tinh thần và vật chất một bô phận không nhỏ những người làm nghề vẽ vời, ở Việt Nam.

Hướng đến tương lai, việc thành lập các câu lạc bộ – hội nghề nghiệp là tín hiệu tốt của sự tôn vinh và phát triển chất liệu sơn ta. Giao lưu học hỏi giúp anh em tiếp cận các luồng thông tin, mỗi nhân cách có thêm điều kiện thể hiện bản lĩnh. Một người nghệ nhân chỉ cần ngộ ra được con đường, y có thể trọn vẹn sống đời nghệ sỹ tài hoa. Hà Nội vẫn có thể có được một Xuân Phái mới và sơn mài vẫn trông đợi một Gia Trí của ngày mai.

21. 7. 2013

*

Một số bài về sơn ta:

– 38 tác phẩm, 38 tác giả, tất cả đều yêu chất liệu đầy mê hoặc ấy 
– Nhóm họa sĩ sơn ta Việt Nam
– Viện đến chân tình và cháy lòng thì miễn bàn  
– Chui ra từ đống xà bần, Ngô Lực chống lại tất cả những gì KHÔNG là rác rưởi                 
– Tranh của nhóm Sơn Ta: thiếu tính đột phá, thiếu hồn tranh
– Có đúng là sơn ta có chất lượng cao nhất?
– Phùng Dzi Thuần: say với chất nhựa sơn ta
– Hãy mua ngay khi cơ hội đến 

 

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả