Văn & Chữ

Học và Đọc – phần 3: Đọc thế nào? 07. 04. 14 - 10:38 pm

Phạm Tuấn Anh

Tiếp theo phần 1 2

Balthus, “Katia đọc”, 1974

Khả năng đọc là một trong những khả năng tuyệt vời của con người, là phát kiến thần kỳ và quan trọng có lẽ chỉ sau việc tìm ra lửa. Việc tìm ra lửa giúp biến thủy tổ của chúng ta từ loài vật thành loài người, việc phát kiến ra chữ viết và từ đó thiết lập nên một hoạt động mới của con người là đọc giúp biến con người “vớ vẩn” thành con người thông minh. Khác với suy nghĩ là một hoạt động có sẵn, đọc là một hoạt động cố ý và phải được huấn luyện, được đúc kết từ khả năng quan sát và nhận biết thông tin. Nhờ có hoạt động đọc mà hiểu biết của chúng ta tăng lên và nhờ đó mà suy nghĩ của chúng ta được đẩy lên những tầm cao mới. Nói thế cũng có nghĩa là nếu không đọc thì suy nghĩ của chúng ta chỉ đứng yên ở những tầm cao… cũ.

Có lẽ chính vì đọc là một hoạt động phải được rèn luyện và thực hành một cách cố tình nên nó cũng là một hoạt động mang tính lựa chọn. Người ta không trốn tránh được việc suy nghĩ nhưng có thể lựa chọn đọc hay không đọc. Người ta có thể không đọc vì không biết chữ hay không có gì để đọc nhưng phần nhiều những người còn lại không đọc chỉ vì không thích đọc, nói ngắn gọn là vì lười hoặc vì không nhìn thấy lợi ích thiết thực trong việc đọc. Nếu vì đọc làm ảnh hưởng đến việc mưu cầu sự sống thì có thể tha thứ được nhưng nếu không đọc chỉ vì lười thì là một điều rất đáng trách. Nếu bạn là một người như vậy thì khả năng suy nghĩ của bạn chắc chắn là sút kém và bạn đang tiến hóa lùi.

Franz Eybl (1806-1880), “Lesendes Mädchen” (Cô gái đọc sách), 1850, sơn dầu trên canvas.

Khi có một cái ô tô thì bạn đã có phương tiện để đi xa. Nếu thay vì dùng ô tô để đi những khoảng cách hàng ngàn km bạn lại quyết định đi bộ thì bạn đang để phí những nguồn lực quan trọng. Khả năng đọc cũng là một phương tiện tương tự như ô tô có thể đưa bạn đến những nơi bạn chưa đến, làm những việc thú vị mà bạn chưa làm, gặp gỡ những người có thể làm thay đổi lộ trình của cuộc đời bạn. Không có lý do nào có thể biện minh cho việc bạn không sử dụng phương tiện này cả. Như hoạt động nhìn, hoạt động nghe, hoạt động đọc phải được coi là một hoạt động quan trọng mà bạn thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Tại sao việc đọc lại quan trọng đến như vậy? Bạn thử hình dung lại khi chưa có chữ viết thì thông tin được truyền đạt từ đời này sang đời khác như thế nào. Thuần túy là bằng trí nhớ kiểu cha truyền con nối. Không chỉ nói đến văn học dân gian hay những thần thoại mang tính sử thi, những kiến thức mang tính sống còn với con người ví như loại quả loại cây nào ăn được cũng chỉ được truyền đạt lại cho người sau bằng cách này. Lời nói gió bay, độ chính xác của những thông tin truyền lại thường bị sai lệch đi nhiều. Chữ viết đã ra đời để giúp nâng cao độ tin cậy của thông tin đồng thời trở thành một phương tiện lưu trữ hết sức hiệu quả các thành tựu bất kể lớn bé của con người. Đa phần những kiến thức quan trọng ngày hôm nay đều đã được ghi chép lại dưói một dạng chữ viết này hay chữ viết khác. Thay vào việc tìm tòi và nghiên cứu lại từ đầu, người đời sau có thể sử dụng kiến thức của đời trước để phát triển hơn nữa. Để có thể làm được như vậy chỉ có một cách duy nhất là đọc.

Đọc vì thế có các chức năng thông tin và học. Đọc cũng có chức năng giải trí nhưng với bạn là người theo đuổi học vấn có mục đích thì chức năng này phải được coi như chức năng phụ. Việc bạn sử dụng chức năng nào của đọc phụ thuộc vào hai điềm sau: thứ nhất, bạn đọc như thế nào; và thứ hai, bạn đọc cái gì.

Nikolay Bogdanov-Belsky, “Inspiration”


1. Đọc như thế nào?

Khi mới bắt đầu học đọc tôi thường chỉ đọc mà không ghi chép. Lúc còn trẻ con và sau này nữa trí nhớ còn tốt, đọc mà không ghi chép tôi vẫn có thể nhớ được nhiều và nhiều năm về sau vẫn có thể nhớ lại những thông tin đã đọc. Nhưng những thông tin quan trọng mà không nhớ được cũng rất nhiều. Chính vì để khỏi mất mát những thông tin quan trọng đã đọc được, tôi bây giờ ủng hộ việc đọc có ghi chép. Tuổi càng cao lên, trí nhớ của bạn càng sút giảm và lợi ích của việc ghi chép sẽ ngày càng tăng. Lời khuyên đầu tiên của tôi về việc đọc là nên ghi chép lại ngắn gọn những thứ bạn đọc. Cũng nên ghi chép chi tiết những thứ mà vào thời điểm đọc bạn coi là quan trọng.

Như vậy đọc để học và đọc để giải trí khác nhau ở một điểm đầu tiên này là tầm quan trọng của thông tin thu thập được. Khi đọc với chủ định học và ghi nhớ, bạn nên ghi chép; nếu đọc chỉ để chơi cho vui, đỡ buồn thì thôi.

Lord Frederic Leighton,” Học ở bàn đọc”, 1877

Đọc bằng ngoại ngữ tuy thế lại có chức năng học kép, bạn vừa học ngoại ngữ lại vừa học kiến thức. Kể cả khi mà tài liệu bạn đọc không có gì quan trọng về nội dung, bạn vẫn có thể học được ngoại ngữ. Chính vì thế, nên ghi chép bất kỳ khi nào bạn đọc bằng ngoại ngữ.

Trái với quan niệm cổ truyền lạc hậu của chúng ta là đọc nhiều quá làm cho người ta bị bệnh về tinh thần, tôi đảm bảo với bạn là tôi đã gặp nhiều người cả đời chỉ có đọc và học mà trí tuệ hoàn toàn minh mẫn. Việc đọc và suy nghĩ không làm người ta lao lực mà ngược lại làm phát triển khả năng tư duy và góp nhặt tài sản tri thức. Chính hai thứ sau này khiến dân gian không được vừa lòng lắm với những tay “mọt sách.” Để tránh bị phê bình là odd-ball hay bookworm bạn chỉ cần để ý chút ít về các kỹ năng giao tiếp xã hội thông thường, nên tránh việc phô bày kiến thức ở những nơi mà bạn nghĩ nó sẽ không được đề cao lắm. Khiêm tốn bao giờ cũng là một đức tính đáng quý. Nếu bạn chưa là bạn của mọi người nhờ kiến thức thì lý do đầu tiên là kiến thức của bạn chưa đủ.

Chính vì đọc để học không có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn như dân gian vẫn quan niệm, tôi khuyên bạn nên đọc bất kỳ khi nào có thể và bất kỳ cái gì có thể phục vụ cho mục đích học của bạn. Hãy đọc để học và đọc cả để nghỉ ngơi.

Theodore Roussel, “Cô gái đọc sách”

Rèn luyện được thói quen đọc nhiều, mọi nơi và đọc có ghi chép là tất cả những gì bạn cần để đọc thành công trong môi trường học ở Mỹ. Khác với học ở Việt Nam, việc đọc không được chú trọng lắm, một hai quyển sách giáo khoa đã là đủ thì ở Mỹ mỗi buổi học giáo sư có thể giao cho bạn đọc từ vài chục đến hàng trăm trang sách. Sự khác biệt này là hệ quả của một trong những nhược điểm của việc học ở Việt Nam và Trung Quốc tôi đã nói ở phần trên. Ở Việt Nam, quan niệm cho rằng kiến thức trong quyển sách giáo khoa kia đã là sự thật không thể thật hơn được nữa và để giỏi bạn chỉ cần biết đến thế. Ở Mỹ, cho sinh viên tiếp thụ thông tin trái ngược nhau là để sinh viên tự tìm lấy câu trả lời cho riêng mình đồng thời rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy chọn lọc (không tin ngay những gì bạn đọc, luôn đặt câu hỏi với thông tin, không hài lòng với những kiến thức có sẵn.) Học ở ta như thế sẽ khó tránh được việc phát triển cái cũ hay chỉ đơn thuần là hạn chế tư duy phá lệ thì ở Mỹ, sự va chạm của các nguồn thông tin trái ngược nhau hay sản sinh ra những cái mới, mở ra những chân trời học vấn mới.

Với lượng thông tin lớn như vậy phải nắm kịp trong một thời gian ngắn trước bài giảng, bạn sẽ cần những kỹ năng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Phải thú thực là ít có người, kể cả và đặc biệt là sinh viên Mỹ, có thể đọc hết tất cả những thứ thầy giao cho đọc trước. Sinh viên nước ngoài thông thường do đọc tiếng Anh như ngoại ngữ nên lại đọc càng ít hơn. Nói thế không có nghĩa là bạn cũng sẽ như vậy. Có nhiều lợi ích trong việc đọc hết được các assigned readings. Nếu bạn làm được thì bạn sẽ học được rất nhiều nhưng để làm được thế bạn cần phải làm gì?

Nikolay Bogdanov-Belsky, “Buổi đọc sách Chủ nhật ở trường làng”, 1895

*

(Còn tiếp. Kỳ sau sẽ nói cần phải làm gì, và đọc gì…)

Ý kiến - Thảo luận

18:23 Tuesday,8.4.2014 Đăng bởi:  U60 vẫn chưa tri thiên mệnh
Hừm. Tôi có một ước mơ là đủ ăn để có thê ngổi đọc sách văn học classic tiếng Nga - điều đã không kịp làm khi còn trẻ. Tôi cũng ham đọc cả các tiểu luận về văn hóa bằng tiếng Nga (kiểu như có thật người Nga tâm hồn phóng khoáng, không ki bo v.v của các tác giả Nga; hay v&
...xem tiếp
18:23 Tuesday,8.4.2014 Đăng bởi:  U60 vẫn chưa tri thiên mệnh
Hừm. Tôi có một ước mơ là đủ ăn để có thê ngổi đọc sách văn học classic tiếng Nga - điều đã không kịp làm khi còn trẻ. Tôi cũng ham đọc cả các tiểu luận về văn hóa bằng tiếng Nga (kiểu như có thật người Nga tâm hồn phóng khoáng, không ki bo v.v của các tác giả Nga; hay vì sao chủ nghĩa Marx sống khỏe re một thời ở Nga, vì sao người Liên Xô hiện vẫn tồn tại ở Nga, và ngoài nước Nga...). Các sách về chiến tranh Việt Nam bằng tiếng Anh cũng là một thú nữa, Cộng với một hậm hực là không thể đọc được các sách tiếng Pháp về vân hóa Việt.
Những điều trên không phải để khoe. mà chỉ để nói rằng khoảng 10 năm trước có những cụ tóc bạc phơ đên mượn sách thư viện Nhà văn hóa Nga, cứ 2 tuần nghiền xong một cuốn dày cộp. Các cụ này đã biến đi... Tôi thấy phòng đọc ở thư viện hiện nay trống ngoác vì thiếu các cụ này. Có rất nhiêu vị trẻ đến đó để đọc, đúng hơn là để làm dự án, đồ án, xong là vĩnh biệt sách và thư viện, xong sớm, nghỉ sớm. Các đề tài của các vị ấy, ta liếc qua thôi, quả là kinh hồn - hoặc dành cho thế kỷ 19 (khi có một số ông rậm râu ngồi trong buồng viết tràng giang đại hải cho bọn khác đoán và nắn theo ý mình để trục lợi quyền - tiền) hoặc cho cung trăng. Khủng khiếp.
Thời bao cấp có một trò dành cho bọn lười là... làm ra bộ đọc sách. Cả ở Việt Nam, cả ở Liên Xô (tô chứng kiến), cứ nằm dài ra đọc, rồi hường tứ khoái... chấm hết. Con muộn của tôi nay cũng lười. Nó bám chặt lấy cái máy tình với Internet, rồi phây búc này kia. Tôi ước ao với vợ: mình lẽ ra đẻ nó sớm hơn, để đứa đại lãn như nó giả vờ đọc sách còn hơn, chứ ngồi trong môi trường điện từ của máy tính chỉ tổ mang bệnh vào người. Cảm ơn.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả