Điện ảnh

Greenwich (phần 2): Quốc hội của thế giới này và cung điện của thế giới khác 14. 07. 14 - 2:58 am

Pha Lê

(Tiếp theo phần 1)

Greenwich luôn là địa điểm quay thú vị của rất nhiều phim, cùng nhau điểm tiếp nào:

Gulliver du ký

Bản phim hiện đại dựa trên cuốn tiểu thuyết để đời của Jonathan Swift gần như “đần hóa” hết những chi tiết trong sách, thành thử ai mà xem vì thích Gulliver sẽ cố gắng bỏ phim ra khỏi trí nhớ. Thế nhưng những người làm việc/học tập tại Geenwich lại thông cảm với bộ phim vì nó quay rất nhiều cảnh ở đây, và đoàn làm phim rất dễ thương với mọi người.
 

Diễn viên Jack Black (vai Gulliver) trong một cảnh quay ở Greenwich

Trường Hải quân Hoàng gia trở thành cung điện của xứ Lilliputian trong phim, do Greenwich nhìn cổ cổ mà cũng là lạ nên các đạo diễn hay thích đến đây khi phải quay “một thế giới khác nhưng không khác lắm so với thế giới này.” Phim Gulliver cũng tận dụng ngoại cảnh xanh rờn rộng rãi ở Greenwich chứ không chỉ ru rú mãi bên trong các căn phòng, giáo sư Allchin của trường Hải quân mách rằng giữa mỗi cảnh quay các diễn viên thích ra bãi cỏ ngồi phơi nắng, rất thân thiện với các fan khi họ đến chào hỏi, không trốn biệt như mấy ngôi sao khác khi đến Greenwich làm phim.

The Golden Compass (Chiếc la bàn vàng)

Bộ phim (dựa trên cuốn tiểu thuyết của Phillip Pullman) kể về cô bé Lyra sống ở thế giới song song với thế giới loài người này vấp phải nhiều phản đối vì nó đả phá Thiên Chúa giáo, để rồi phim không ra được phần 2. Quả là tiếc vì hình ảnh trong phim rất đẹp. Đặc biệt, trường Jordan nơi bé Lyra sống thực chất chính là Sảnh Tranh vẽ (Painted Hall) ở Greenwich.
 

Lyra tại trường Jordan – cũng là Sảnh Tranh vẽ.

Đoàn làm phim dùng kỹ xảo để nới rộng Sảnh Tranh vẽ cho rộng hơn cũng như nâng cao trần lên, sau đó họ chỉnh ánh sáng hơi tối lại hòng che các bức tranh màu sắc trên tường, tạo vẻ “đẹp nhưng nham hiểm” cho trường Jordan.
 

Nicole Kidman trong một cảnh quay ở Sảnh Tranh vẽ. Trong phim Golden Compass thì đây cũng là cảnh nhân vật của Nicole xuất hiện, cũng vừa đẹp vừa nham hiểm như những thứ xung quanh.

The King’s Speech (Bài diễn văn của nhà vua)

Khi muốn quay một cảnh độ vài phút trước cung điện, nhưng không hơi đâu chạy giấy tờ để quay tại cung điện (thật,) các nhà làm phim thường mông má, treo cờ treo hình cho Greenwich và giả nó thành nơi vua ở.
 

Cảnh trong The King’s Speech – “cung điện” Greenwich nơi vua Colin Firth ở

Và trong The King’s Speech, Greenwich không chỉ ngụy trang kiểu Anh thành cung điện, mà còn đóng vai tòa nhà nghị viện. Nếu để ý, trong vai cung điện thì Greenwich trang điểm lắm cờ hoa hơn, nghị viện thì nghiêm trang hơn.

Bật mí thêm, Greenwich rất hay đóng giả thành tòa nhà quốc hội, rồi nhà nghị viện. Bạn nào xem The Iron Lady sẽ thấy, bà Margaret Thatcher do Meryl Streep thủ vai đi họp ở Greenwich.
 

Hình hậu trường: đoàn làm phim The Iron Lady quay tại Sảnh Tranh vẽ ở Greenwich.

Skyfall

Buồn cười nhất là trong phim 007 Skyfall, Greenwich trở thành… nhà tang lễ. Ngay đầu phim luôn, lúc tòa nhà của các điệp viên MI6 bị đánh bom, và sau đó bà M – người cầm đầu MI6 – phải buồn bã đứng trước dãy hòm của các đồng chí.
 

Cảnh bà M tại nhà tang lễ.

Theo lời giáo sư Allchin, đoàn làm phim phải gỡ cái đèn chùm to tướng ở giữa phòng xuống, rồi đóng một sàn gỗ và gắn nó lên cái sàn thật hòng giúp trần và sàn bớt long lanh. Sau đó đạo diễn cho gỡ các bức tranh đang treo trên tường rồi dùng giấy che những bức vẽ tường lại. Cảnh nhà tang lễ kéo dài chưa đến 1 phút trên màn ảnh, và quay xong rồi thì đoàn làm phim phải trả Greenwich lại nguyên trạng, gắn lại đèn, gỡ sàn gỗ ra. Mỗi thước phim đúng là lắm công phu.

Kết luận:

Để cho vui, mọi người có thể chơi trò đoán xem Greenwich xuất hiện ở đâu khi đi xem phim. Khu này quả thật xuất hiện nhiều lắm, nhiều đến không ngờ. Thí dụ, ngoài những tác phẩm kể trong bài ra còn phim Sleepy Hollow, Bốn đám cưới một đám ma, Xác ướp Ai Cập, Lý trí và tình cảm… lẫn tỷ phim khác nữa. Các bạn tìm thêm nhé!

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả