Chính trị

Phân tích: Ngọn nguồn tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư 12. 07. 14 - 8:56 am

Phạm Ngọc Hưng

.

Có thể nói trạng thái quan hệ bình thường trong lịch sử tồn tại của hai nước Nhật Trung là tranh chấp – nếu không phải là đánh nhau thì cũng coi nhau là cừu thù. Cuộc tranh chấp Hoa Đông bùng phát trong thời gian qua đã khiến cho 40 năm quan hệ ngoại giao hòa bình vừa qua của hai nước trở thành giai đoạn bất thường trong lịch sử của họ.

Vậy cuộc tranh chấp Hoa Đông là như thế nào?

Chúng ta đều biết cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền trên một nhóm đảo, gọi là Điếu Ngư theo tiếng Trung hay Senkaku theo người Nhật. Nhóm đảo không người này tự nó chẳng có mấy giá trị, và nó là một đầu mối tranh chấp ngủ yên mấy chục năm nay. Bắt đầu từ một tuyên bố quốc hữu hóa từ phía Nhật khiến Bắc Kinh nhìn thấy cơ hội chính trị hóa mà khuấy động tranh chấp; còn Tokyo giật mình về phản ứng của Trung Quốc, coi đây như là một bước đe dọa đầu tiên của Trung Quốc đối với vấn đề lãnh hải của mình.

Thế nhưng nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku thật ra chỉ là cái cớ lộ diện cuộc tranh chấp địa chính trị Trung Nhật nhằm giành giật vai trò bá chủ ở Đông Á.
 

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Hoa Đông – Cuộc tranh chấp được đánh thức

Không lâu sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon, Trung Quốc và Nhật Bản cũng chính thức bình thường hóa ngoại giao. Tại thời điểm đó, nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku đang được Mỹ quản lý, nên được đồng thuận bất thành văn là Nhật không xây cất làm gì cả, còn Trung Quốc không khơi gợi tuyên bố chủ quyền.

Suốt 4 thập kỷ qua, cả hai bên đều cố giữ lời.

Tháng Tư năm 2012, Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara, vốn là một chính khách cực hữu theo đuổi đường lối tìm kiếm một vai trò quốc tế cho Nhật Bản độc lập với Mỹ, tuyên bố là chính quyền thành phố Tokyo dự tính quyên tiền mua lại 3 trong 5 hòn đảo từ tay tư nhân. Sợ rằng kế hoạch quyên tiền này sẽ khơi mào tranh chấp, nên chính quyền Nhật Bản đứng ra bỏ tiền mua 3 hòn đảo này. Họ dự tính bằng cách này sẽ tiếp tục đắp chiếu cho nhóm đảo, giữ lời phần mình như trước.

Thế nhưng, Bắc Kinh đã nhìn nhận đây là cơ hội lớn không thể bỏ qua.
 

Vị trí nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku

Vào tháng Tư năm 2012, giữa lúc cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines đang diễn ra, Trung Quốc nhìn thấy Nhật Bản như là một đối thủ đồng cân lạng và là cơ hội thay đổi hình ảnh ỷ lớn hiếp nhỏ mà báo chí quốc tế đang mô tả khắp nơi. Thế nên, Bắc Kinh bật đèn xanh cho một nhóm tình nguyện viên Hồng Kông đổ bộ lên đảo làm đầu đề khơi dậy tình cảm quốc gia chống Nhật. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại ngăn các tàu cá Trung Quốc làm điều đó, vì họ cho rằng tình trạng bán tự trị của Hồng Kông là khoảng cách an toàn để có thể chối bỏ vai trò khi cần.

Thế là nhóm tình nguyện viên Hồng Kông bị tuần duyên Nhật bắt giữ. Mặc dù Nhật thả ra ngay hôm sau vì sợ tình cảm dân tộc Trung Quốc leo thang, nhưng thế cũng đủ cho báo chí chính thống Trung Quốc vào cuộc. Lực lượng này mô tả việc quốc hữu hóa để đắp chiếu của chính phủ Nhật như là hành động hợp pháp hóa hàng ăn cắp, khiến cho tình cảm bài Nhật nhanh chóng bùng lên khắp Trung Quốc. Lúc này, một mặt Bắc Kinh làm ngơ cho các cuộc biểu tình diễn ra ở quy mô lớn, một mặt khác họ coi chừng các cuộc biểu tình không để xảy ra đập phá tài sản Nhật và các công ty Nhật ở quy mô lớn.
 

Hai tàu tuần duyên Nhật vây một tàu cá Trung Quốc sau khi nhóm tình nguyện viên Hong King đổ bộ xuống đảo Uotsuri, một đơn vị trong quần đảo “Senkaku” (tiếng Nhật) hay “Điếu Ngư” (tiếng Trung). Ảnh: Yomiuri Shimbun, Masataka Morita / AP

Thế nhưng, sự thái quá trong bộc lộ tình cảm chống Nhật ở Trung Quốc lại châm ngòi cho các cuộc biểu tình bài Trung ở Nhật, dẫn đến tinh thần dân tộc lên cao ở cả hai nước. Mặc dù cả hai chính phủ đều tìm cách kiếm lợi chính trị phục vụ cho mục tiêu đối nội nhưng đều nhìn thấy không được để tình trạng trở nên xấu hơn.

Bài toán chính trị ở Bắc Kinh và Tokyo

Một lý do khiến tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku bị thổi phồng là cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều bị vướng mắc chính trị nội bộ, đều phải đối mặt với tương lai kinh tế không mấy khả quan.

Suốt hai thập kỷ qua, sự phát triển vũ bão của kinh tế Trung Quốc là nhờ vào mô hình tài trợ nhà nước cho xuất khẩu thông qua chính sách tiền tệ và mua nợ mà Nhật Bản đã thực hiện trước đó. Giờ đây, Trung Quốc đã đi đến giới hạn của mô hình này và phải đối diện với những hậu quả mà Nhật đã từng trải qua ở cuối thập kỷ 80.
Điểm cuối của chu kỳ phát triển này lại trùng với giai đoạn chuyển giao quyền lực tạo ra sự bất an ở giới lãnh đạo ở Bắc Kinh khi họ đang bàn cách chuyển đổi sang một mô hình kinh tế bền vững hơn.

Thế nhưng, trong khi kinh tế Trung Quốc chựng lại, thì năng lực quân sự vẫn tiếp tục mở rộng. Trong 2 thập kỷ qua, PLA (Quân Giải phóng Nhân dân) biến chuyển từ một lực lượng chiến đấu chân không súng nhỏ thành một đội quân hiện đại. Ngày 25 tháng 9 năm 2012, Hải quân PLA đã đưa chiếc Hàng không mẫu hạm đầu tiên vào hoạt động trong biên chế, và chiếc tàu chiến này được coi như là một biểu tượng cho sức mạnh đang lên của quân đội. Mặc dù Trung quốc coi Hàng không mẫu hạm là cách khoe khoang sức mạnh để bảo vệ quyền lợi trong vùng và trên toàn cầu (trong tương lai), nhưng trong ngắn hạn, chỉ một chiếc Liêu Ninh thì không làm được gì nhiều ngoài việc khiến cho láng giềng phải lo ngại.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh

Hai thập kỷ trước, với cùng vấn đề mà kinh tế Trung Quốc đối diện hôm nay, các lãnh đạo Nhật đã tránh cải cách để bảo toàn ổn định xã hội. Lựa chọn đó – hoặc sự không lựa chọn đó, đã dẫn tới 2 thập kỷ kinh tế Nhật giẫm chân tại chỗ, để Trung Quốc vượt mặt, và khiến cho bức tranh chính trị Nhật Bản đang thay đổi. Năm 2009, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền truyền thống đã mất quyền lực vào tay đảng Dân chủ đối lập, và cả hai đảng lớn lại đang phải đối mặt với các đảng nhỏ hơn kêu gọi tinh thần quốc gia và một vị thế ngoại giao độc lập.

Sự biến chuyển địa chính trị từ khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc trỗi dậy đã thúc đẩy Nhật Bản dần tháo lỏng các giới hạn vũ trang do Hiến pháp quy định từ sau Thế chiến II.

Sự tích cực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, chương trình tên lửa/hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cả tăng cường sức mạnh của Hàn Quốc đều khiến Nhật Bản phải thận trọng coi đấy như là đe dọa với quyền lợi trên biển của mình và phải có hành động thích ứng.

Mỹ, vốn mong muốn Nhật Bản chia sẻ gánh nặng tài chính của bảo đảm an ninh, lại khuyến khích Nhật Bản nhận trách nhiệm lớn hơn trong bức tranh an ninh toàn vùng tương ứng với ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản.

Trong lúc kinh tế trì trệ suốt 2 thập kỷ, thì Nhật Bản dần cải tổ các lực lượng phòng vệ của mình, diễn dịch Hiến pháp theo hướng nới lỏng hạn chế phát triển sức mạnh tấn công và gần đây nhất là cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể. Nhật Bản đã nâng Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng, tổ chức các cuộc tập trận liên quân chủng và chung với các tổ chức dân sự, tăng cường mua mới vũ khí hiện đại, tích hợp với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, đóng mới các tàu mẫu hạm trực thăng và gần nhất là nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí.

Cuộc tranh chấp bá chủ Đông Á

Khi tốc độ tăng trưởng hai chữ số của Trung Quốc giảm xuống, mô hình kinh tế xuất khẩu trục trặc với nợ xấu, Bắc Kinh còn nhiều việc phải làm để giữ được ổn định xã hội. Trong lúc đó, sau 2 thập kỷ trốn tránh cải cách kinh tế nhằm tránh xáo trộn trật tự xã hội, chính giới Nhật Bản cũng đang bị áp lực phải đập bỏ sức ỳ của hệ thống hành chánh.

Trong khi Trung Quốc tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự đó để định hình quan hệ quốc tế, thì Nhật Bản lại nhìn thấy quân sự là lĩnh vực có thể giúp thắt chặt quan hệ với các quốc gia khác.

Cả hai nước đều thấy chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, cả hai đều nhắm tới một vai trò tích cực hơn cho quân đội và cả hai đều nằm chung một vị trí chiến lược trên địa cầu. Với Mỹ đang xoay trục sang châu Á, Bắc Kinh lo ngại một Nhật Bản tái vũ trang sẽ hợp sức giúp Mỹ kiềm tỏa Trung Quốc như Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
 

Hí họa của Daryl Cagle

Về phía Mỹ, nhằm bảo đảm uy thế toàn cầu, tất nhiên không muốn bị thách thức ở Thái Bình Dương, do đó không muốn một nước nào trở thành bá chủ khu vực cả. Trong Thế chiến II, logic này khiến Mỹ đứng về Trung Quốc chống lại quân phiệt Nhật Bản. Trong thời điểm hiện tại, thì Mỹ lại chống lưng cho Nhật Bản chống lại Trung Quốc đang trỗi dậy. Mọi sự chú ý đang dồn về phía Trung Quốc, và chu kỳ kinh tế mới ở nước này sẽ quyết định hình thái địa chính trị tương lai của khu vực. Nếu Trung Quốc quản lý thành công chuyển đổi mô hình kinh tế, thì đấy là một nền tảng chắc chắn để Trung Quốc dần thu phục vị trí bá chủ. Còn nếu Trung Quốc thất bại, thì sự bất ổn xã hội sẽ khiến Trung Quốc quay về hướng nội. Khi đó, Mỹ cũng khó có thể ngăn cản Nhật Bản trở thành một cường quốc khu vực độc lập, thậm chí thách thức quyền lợi Mỹ.

Ý kiến - Thảo luận

17:28 Wednesday,16.7.2014 Đăng bởi:  admin

Huy Hoàng ơi: cảm ơn bạn, Soi đưa hình sai rồi :-) Đã thay hình khác rồi Hoàng nhé. Cảm ơn Hoàng lần nữa.



...xem tiếp
17:28 Wednesday,16.7.2014 Đăng bởi:  admin

Huy Hoàng ơi: cảm ơn bạn, Soi đưa hình sai rồi :-) Đã thay hình khác rồi Hoàng nhé. Cảm ơn Hoàng lần nữa.


 
16:32 Wednesday,16.7.2014 Đăng bởi:  Huy Hoàng
Hình như hình ảnh về tàu sân bay Liêu Ninh không chính xác, tàu Liêu Ninh của TQ có mũi tàu cong chứ không thẳng thế kia như tàu sân bay của Mỹ, trên cùng có cờ Mỹ kìa bạn.

...xem tiếp
16:32 Wednesday,16.7.2014 Đăng bởi:  Huy Hoàng
Hình như hình ảnh về tàu sân bay Liêu Ninh không chính xác, tàu Liêu Ninh của TQ có mũi tàu cong chứ không thẳng thế kia như tàu sân bay của Mỹ, trên cùng có cờ Mỹ kìa bạn.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả