Gẫm & Bình

Tâm Vương – hay bàn về triển lãm của Nguyễn Khắc Chinh 11. 09. 14 - 7:04 am

Vũ Lâm

CUỘC SỐNG CỦA MA NƠ CANH
Khai mạc: 18h, ngày 09. 09. 2014|
Địa điểm: Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam – 66 Nguyễn Thái Học – Ba Đình – Hà Nội
Artalk – trò chuyện cùng nghệ sĩ: 14h15 ngày 13. 09. 2014
Triển lãm: 09. 09 – 14. 09 – 2014

“Tìm kiếm gương mặt thật 3″, sơn dầu, 150x165cm, 2013

Hồi là sinh viên, tôi có nảy ra một ý nghĩ về một câu truyện ngắn tưởng tượng như thế này. Đến một lúc nào đó, con người ta có thể thay được mặt mình như thay áo. Có ngân hàng mặt để bán cho mọi người, với việc đăng ký mã số mặt với cảnh sát để kiểm soát. Người càng giầu, càng giỏi thì càng sở hữu được lắm mặt. Việc trưng ra nhiều cái mặt khi giao tiếp xã hội là một kiểu mốt thời trang. Các cô gái đi ngoài đường có thể cất mặt vào túi để khỏi dính bụi, đến cơ quan, hay đến chỗ hẹn, mới rút mặt ra tra vào. Bởi vậy, đi đường rất khó nhận biết ai với ai. Tội phạm bị truy nã chỉ cần rút mặt ra đút túi quần, công an tìm cũng hơi khó…

Ý tưởng này của tôi dừng lại ở đó, tôi ghi chép lại mà không phát triển được thành một câu chuyện gì. Bởi vì bỗng đến một ngày, tôi nhận thấy, nhiều người có những ý tưởng tương tự, cả trước tôi nhiều và sau tôi nữa. Búp bê, bù nhìn, hình nộm, mặt nạ… hay được nghĩ tới thành những ẩn dụ để chỉ sự đa diện, biến đổi, chuyển động của nhân cách. Dường như đó là một nét siêu tưởng có tính phổ biến. Có người nghĩ ra chỉ để cho vui, có người thì nghĩ ra rồi có thể đem dùng vào việc sáng tạo những câu chuyện khác nhau về con người.

Và rất thú vị vì tôi được gặp một “đồng minh” nghĩ đến chuyện đổi mặt, thay mặt như thế, và còn đưa được vào sáng tác của mình, là họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh. Tất nhiên đây chỉ là một trong nhiều chủ đề họa sĩ quan tâm. Nhưng có vẻ chủ đề đi tìm “gương mặt thật” và những giá trị thật sự của cuộc sống trở đi trở lại khá nhiều trong cái sự vẽ của họa sĩ lâu nay.

Sinh năm 1984, họa sĩ xuất thân từ một thanh niên làng thực sự ở miền đất trăm nghề, vùng Cát Quế, Hoài Đức, nơi ngày xưa có giống bưởi ngon, vài nghề tiểu thủ công nổi tiếng, vô số đền chùa, và truyền thống đấu vật. Đối với người làm nghệ thuật, thì bất cứ ai có được một tấm phông nền văn hóa làng là một điều đáng để tự hào.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 2006, họa sĩ sở hữu một tay nghề sơn dầu thuần thục, được rèn luyện ngay từ trong những triển lãm nhóm thời sinh viên, và việc chăm chỉ tham gia triển lãm  được duy trì liên tục và đều đặn, suốt từ khi anh bắt đầu theo nghiệp vẽ cho đến giờ. Người nghệ sĩ trẻ đặt mình vào nghệ thuật nghiêm túc, kiên quyết thủ tiến, nhẫn nại và chắc chắn như một…đô vật. Chinh bảo, “anh làm việc đúng giờ như công chức nhà nước”. Sự khắc kỷ trong công việc nghệ thuật – điều mà thế hệ trẻ của mỹ thuật ngày nay nên trang bị cho mình, nếu muốn ra khỏi ngưỡng cửa biên giới – để lại dấu hiệu dễ nhận thấy trên tác phẩm của họa sĩ. Nhất là trong loạt tranh được bày trong triển lãm cá nhân “Cuộc sống của Manequin” lần này.

“Chuyện nhỏ chuyện to 3″, sơn dầu, 135x155cm

Loạt tranh bày tỏ nhiều tính tự sự cá nhân. Nhìn kỹ, cảm nhận được sự tham vọng và khao khát của tác giả từ những biểu tượng mà họa sĩ muốn xây dựng thành phong cách. Tham vọng là tham vọng bao quát được những gương mặt phổ quát của đời sống họa sĩ đang sống, nhất là lớp trẻ. Họa sĩ vẽ những điều mình cảm nhận thông qua việc tạo ra rất nhiều khuôn mặt phi thực… giống nhau ở  cái vỏ vô hồn vô cảm. Sự tiết chế và kiểm soát liên tục diễn ra trên một hình thể hay nhóm hình thể mà tác giả mô tả với trạng thái lờ đờ hoài nghi gây cho người xem cảm giác bức bối khó tả, có lẽ là đạt dụng ý. Còn khao khát, là khát khao về thông điệp rõ ràng nhắc nhở người xem rằng, hãy nhìn lại cuộc sống của từng cá nhân, xem mình đã sống phần nhiều với cảm xúc thực của mình chưa hay là sống phần nhiều như là ma nơ canh trong “thời nhôm nhựa” này. Tiến tới một thông điệp rộng mở hơn, con người bị ma-nơ-canh hóa, chất người biến đổi thành chất công nghệ người, công nghệ người này còn đi cả vào trong những ứng xử với truyền thống… Điều này, hoàn toàn có thể mạnh mẽ và ám ảnh hơn nữa, nếu như sự nghi hoặc mơ hồ trong những cử chỉ của hình tượng, cũng như không gian của tranh được đẩy sâu vào cảm thức trừu tượng hơn nữa… Việc này, cũng quan trọng không kém gì việc họa sĩ ngả theo “phe” nào trước cái tôi bị chia hai ở trong mình. Bởi họa sĩ nói mình muốn dùng nghệ thuật như một cây “phương tiện sạn”, để thỏa mãn những tâm tư riêng về tín ngưỡng!

Việc tìm “bản lai diện mục” của đời sống cũng như con người, hầu hết là mục đích của đạo nói chung. Nhưng vui và kỳ quặc thay, cũng có một số tín ngưỡng dân gian thú vị lại tung hỏa mù vào vấn đề ấy, làm cho con người ta không biết thế nào mà lần, nhầm lẫn lung tung cả về mục đích và phương tiện. Ở những người trẻ, nếu không “nghịch”, không “chơi”, mà cứ băn khoăn mâu thuẫn quá thế nào là đời, thế nào là đạo, có khi chỉ tổ làm cho tâm thần nhăn nhó, thưởng thức đời sống, vẽ vời… nó cũng kém khoát đạt đi. Nhân nghĩ đến chữ “đi tìm gương mặt thật” , tôi chợt nhớ đến một bài thơ Thiền vô cùng sảng khoái của Tuệ Trung Thượng Sỹ, muốn ngâm lại để tặng tác giả của lần triển lãm cá nhân đầu tiên này. Tên bài thơ cũng là tiêu đề của bài viết- Tâm Vương:

Tâm Vương vô tướng diệc vô hình
Nhãn tự ly châu đã bất minh
Dục thức giá ban chân diện mục
Ha ha, nhật ngọ dã tam canh

Chú Huệ Chi dịch thế này:

Không hình không tướng chúa tâm ta
Mắt dẫu ly châu đố nhận ra
Muốn biết đâu là gương mặt thật
Giữa trưa, ngủ tít đến canh ba

Bản dịch tốt, nhưng thiếu đi chữ “ha ha” đốn ngộ khoái chá, là một tiếng cười rất khó kiếm, trong các bài thơ chữ Hán nói chung. Cũng như, từ một ý tưởng nghệ thuật tươi… đành đạch, khi “dịch” ra dưới bất kỳ hình thức nghệ thuật nào, thường bao giờ cũng thiếu đi ít nhiều, hoặc mất đi rất nhiều.

Ý kiến - Thảo luận

23:13 Friday,12.9.2014 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Thấy anh em nhắc đến "kỹ thuật", tôi xin chia sẻ một vài ý kiến đọc được ở nhiều sách khác nhau về vấn đề này.

Những người coi hội họa là một "nghề" (métier, profession) thì tin rằng về mặt kỹ thuật, sản phẩm của hội họa cũng phải có "tay nghề" như sản phẩm của các nghề khác. Kỹ thuật làm nên một bức tranh chả dính dáng gì đến chủ đề và phong cá
...xem tiếp
23:13 Friday,12.9.2014 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Thấy anh em nhắc đến "kỹ thuật", tôi xin chia sẻ một vài ý kiến đọc được ở nhiều sách khác nhau về vấn đề này.

Những người coi hội họa là một "nghề" (métier, profession) thì tin rằng về mặt kỹ thuật, sản phẩm của hội họa cũng phải có "tay nghề" như sản phẩm của các nghề khác. Kỹ thuật làm nên một bức tranh chả dính dáng gì đến chủ đề và phong cách của nó. Kỹ thuật là một hệ thống các phương pháp sử dụng vật liệu để vẽ nên bức tranh ấy. Nó phụ thuộc vào truyền thống của từng trường phái và thể loại. Nhưng trong bất kỳ truyền thống nào, hệ thống phương pháp ấy cũng vẫn phải cho ra được các sản phẩm đảm bảo được ba yêu cầu là tay nghề và độ bền vững chãi, vẻ đẹp của mặt tranh, và độ tinh khiết và chiều sâu của màu sắc.

Có lẽ ở ta, chỉ có tranh sơn mài và tranh lụa là có truyền thống kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Nhưng sơn Nhật và lụa bồi cũng đang làm tan loãng cả hai hệ thống thực ra là mới manh nha hình thành ấy.

Chỉ có điều, khi hội họa không còn là mỹ thuật, thì nói chuyện kỹ thuật cũng không còn là kỹ thuật vẽ tranh nữa rồi. 
21:45 Friday,12.9.2014 Đăng bởi:  Linh Cao

Hí hí, thế ra hổng phải nick mà là tên thật ạ.
Kính bác lại nhà...


...xem tiếp
21:45 Friday,12.9.2014 Đăng bởi:  Linh Cao

Hí hí, thế ra hổng phải nick mà là tên thật ạ.
Kính bác lại nhà...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả