Nghệ sĩ thế giới

15. 4: Lai-áng-nạp-đa Dá Phân-cơ (hay Leonardo da Vinci) ra đời 16. 04. 15 - 10:43 am

Bop Lavender dịch tin từ Perlmutter Gallery

Leonardo da Vinci (phiên âm theo tiếng Pháp là “Lê-ô-na đơ Vanh-xi”, hoặc phiên theo tiếng Ý là “Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi, còn phiên theo âm hán việt là Lai-Áng-Nạp-Đa Dá Phân-Cơ – theo cụ Đoàn Lê :-): họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và là một nhà triết học tự nhiên. Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý.

Không ai sống thời Phục Hưng có thể rành về giải phẫu học bằng Leonardo da Vinci. Ảnh của Alamy/The Royal Collection

Trong tên gọi ngắn gọn của ông, chữ “da Vinci” có nghĩa là “đến từ Vinci” (thành phố Vinci là nơi ông sinh ra, nằm trong địa phận tỉnh Firenze, Ý. Tên khai sinh Leonardo di ser Piero da Vinci nghĩa là “Leonardo, con của Ser Piero, đến từ Vinci”).

Nhân ngày sinh của ông, thay vì điểm lại sự nghiệp ai cũng tỏ tường, xin ôn lại câu chuyện nữ họa sĩ Jenness Cortez phục dựng một phiên bản “Mona Lisa” mới đây:

Sau một năm nghiên cứu, tháng 3. 2015, nữ họa sĩ tên tuổi Jenness Cortez (sinh năm 1944) đã công bố bức tranh “Mona Lisa” bà mới hoàn thành nhằm phục dựng nguyên tác của Leonardo da Vinci mà theo bà, thể hiện đúng như bức tranh lúc vừa được hoàn thành vào đầu thế kỷ 16. Được một nhà sưu tập Mỹ ủy thác/đặt hàng, phiên bản của Cortez được cho là đã tích hợp nhiều yếu tố có trong phiên bản “Mona Lisa” gần đây được Bảo tàng Prado công bố.

Phiên bản Mona Lisa của Jenness Cortez

Ngay khi hoàn thành nhiệm vụ truyền đạt những ấn tượng “đúng như nguyên bản” của bức tranh Leonardo “như khi nó mới được hoàn thành”, bà Cortez đã công bố tường minh các điểm khác biệt giữa thành quả của mình so với tác phẩm gốc:

“Tôi không nói tôi đã đạt tới mức độ sánh ngang kỹ thuật tinh tế tuyệt vời của bậc thầy. Tuy nhiên, bằng kiến thức, kinh nghiệm, trực giác, trí tưởng tượng, niềm đam mê và kỹ năng hội họa, tôi đã quyết tâm phục dựng lại kiệt tác này. Mặc dù luôn tuân thủ đặc tính ‘chính xác đến nghiêm khắc’ trong phong cách hội họa của Leonardo trong suốt dự án phục dựng, và trong thâm tâm tôi nghĩ mình cũng được ‘nàng thơ’ của Leonardo giúp đỡ ít nhiều. Tôi hy vọng bức tranh Mona Lisa vẽ theo trí tưởng tượng của tôi sẽ mang lại niềm vui cho tất cả những ai nhìn thấy nàng.”

Bà Cortez thuyết trình về phiên bản Mona Lisa của mình. Ảnh từ video này

*
Theo các nhà nghiên cứu và chuyên gia bảo tồn, đã xảy ra nhiều biến đổi rõ rệt trong kiệt tác “Mona Lisa” theo thời gian, do một hoặc một vài nguyên nhân trong số 5 nguyên nhân sau đây:

1. dầu bóng (véc-ni) bị sạm và ngả vàng;

2. sự biến mất dần các sắc tố kém bền;

3. sự thay đổi các tính chất hóa học tự nhiên làm thay đổi các gam màu ban đầu,

4. những lần kỳ cọ làm sạch thái quá,

5. có sự co giãn của các tấm gỗ dương (không ngừng nở ra và co lại tùy theo độ ẩm môi trường)

Mona Lisa của Leonardo da Vinci

Sau khi nghiên cứu rất kỹ các kết quả do Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp (FCMRR) thu thập được từ năm 2004, tìm hiểu các hồ sơ lịch sử, khảo sát kỹ lưỡng phiên bản ‘Mona Lisa’ thứ hai tại Bảo tàng Prado (do một đồng nghiệp họa sĩ cùng thời với Leonardo vẽ), và bằng kinh nghiệm hội họa của mình, bà Cortez đã đề nghị các thay đổi sau đây trên phiên bản của mình:

1. Nhiều khu vực của bức tranh được làm sáng lên và rạng rỡ hơn (so với bức tranh tại Louvre), bù đắp cho những biến đổi về màu và sắc độ và sự mờ khuất của nhiều chi tiết do quá trình biến chất của các vật liệu sơn dầu trong suốt 500 năm. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp: màu xanh da trời, màu nâu và màu xanh lá cây là những màu sắc bị thay đổi nhiều nhất theo thời gian.

2. Cũng dựa trên các phép phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp về tương tác hóa học của các hạt sắc tố (pigment) với ánh sáng, với lớp véc-ni và sự lão hóa của các pigment theo thời gian, toàn bộ tranh sẽ được vẽ tươi hơn một chút.

3. Các vết nứt, rạn trên bề mặt phá vỡ màng sơn cần phải loại trừ.

4. Một số chi tiết đã bị xóa dần đi do quá trình vệ sinh hay làm sạch tranh kéo dài hàng trăm năm cũng được phục hồi. Ví dụ, nhiều lớp sơn men tại những khu vực bóng đổ giữa sống mũi và mắt phải hoặc trên cằm (rõ ràng đã bị mất đi) thì phải được khôi phục. Cortez còn cho rằng có khả năng xảy ra nhiều “tổn thất” tinh tế hơn. Chẳng hạn như ở phần ngực lộ ra phía trên cổ áo có những vết sơn mờ rất khó hiểu. Sự hiện diện của chúng thuyết phục bà rằng phải có một đường riềm bằng ren trắng tinh tế trên mép cổ áo (chi tiết này cũng thấy rõ trong phiên bản của Bảo tàng Prado).

Phiên bản Mona Lisa tại bảo tàng Prado

5. Bản sao tại Bảo tàng Prado cũng cho thấy có những điểm sáng nổi bật trong mắt, dù trong bức tranh tại bảo tàng Louvre không có. Theo bà Cortez thì liên quan tới đặc điểm khác biệt này, họa sĩ kiêm nhà sử học nghệ thuật thời Phục Hưng Giorgio Vasari, người đã mô tả rất sớm về “Mona Lisa” trong cuốn sách của ông năm 1550 nhan đề “Lives of the Most Eminent Painters, Sculptors and Architects”. Ngót 50 năm sau khi Leonardo hoàn thành “Mona Lisa”, Vasari đã bình luận rằng “đôi mắt của nàng long lanh và loáng nước.” Và trong bản phục dựng của mình, bà Cortez đã trả lại ánh mắt lấp lánh cho nàng Lisa.

6. Sự đơn điệu về màu của bức Mona Lisa tại Louver có khả năng một phần do Leonardo lạm dụng các chất màu hữu cơ kém bền trong những lớp men mỏng. Các nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp cho thấy hầu hết khuôn mặt và đôi bàn bàn tay của nàng Lisa ở Louvre ngày nay chỉ gồm màu nâu khét phủ trên lớp trắng chì. Tuy nhiên, trước kia, Vasari đã từng đề cập đến những cánh mũi “hồng hào và dịu dàng”, “đôi môi đỏ,” và sắc da sống động đến mức đấy “không còn là màu sơn nữa mà chính là xác thịt.” Một số màu đỏ keo (lake) được chế từ xác và phân của côn trùng, thường được sử dụng rộng rãi trong thời Phục Hưng, không bền màu. Trong trường hợp bức “Mona Lisa” của Leonardo, sự ‘bay màu’ có lẽ còn nhanh hơn vì họa sĩ đã dùng chúng cùng lớp sơn men mỏng manh, và như thế, càng dễ bị tổn thương trong quá trình lau chùi hay làm vệ sinh ‘hăng quá’.

7. Các tay áo (mà hiện nay có màu đồng) có lẽ ban đầu được phủ những lớp màu đỏ kém bền (như phiên bản của Bảo tàng Prado thể hiện), hoặc có cả những màu khác. Song theo Cortez, bà chọn màu đỏ, và coi đó là phương án hợp lý nhất.

8. Lông mày của Lisa (hầu như không có, hay rất ít) góp phần rất lớn vào sự bí ẩn của nàng. Cortez chỉ hơi nâng cao lông mày lên, và tô đậm chút xíu. Sự tinh tế và vẻ tự nhiên của cặp lông mày từng gây ấn tượng rất mạnh đối với Vasari. Do đó, Cortez quyết định không suy đoán và điều chỉnh gì nhiều về cấu trúc, kích thước và màu sắc của cặp lông mày, bởi bà cho rằng sẽ là vô trách nhiệm nếu việc chỉnh sửa lông mày dẫn tới sự thay đổi vẻ bí ẩn của nàng “Mona Lisa“, và do đó, có thể xuyên tạc nghiêm trọng ý tưởng của Leonardo.

Hai bức: của Leonardo da Vinci (trái) và của bà Cortez

9. Tóc của Lisa, như bức ở Louvre hiện nay, hầu như đen hoàn toàn, song theo kết quả phân tích chi tiết về màu của Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp thì ban đầu có lẽ là màu hạt dẻ ấm (bị ngả đen dần theo thời gian). Việc trả lại màu tóc được Cortez đề xuất dựa trên những nghiên cứu về hai phiên bản “The Madonna of the Rocks” của Leonardo (trong hai tranh đó, tóc ‘Madonna’ mịn hơn, màu tóc sáng hơn, và do đó, khả năng nàng Lisa sở hữu cặp lông mày thưa càng có cơ sở).

10. Dựa trên những phát hiện bằng kỹ thuật hình ảnh tiên tiến của Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp, Cortez đề nghị tái phục hồi tất cả các chi tiết nhỏ đã mờ đến mức không còn nhận ra được bằng mắt thường do sự lão hóa của các lớp véc-ni.

11. Trong quá trình phục dựng “Mona Lisa”, về tổng thể, tuy Cortez đã vẽ một bức tranh màu sắc sáng hơn hẳn, nhưng bà vẫn không hoàn toàn từ bỏ các hiệu ứng phối hợp sáng tối của màu (kỹ thuật chiaroscuro) mà bà tin rằng Leonardo đã vận dụng rất có ý thức trong bức tranh này (cũng như trong nhiều tranh khác) để gia tăng kịch tính và sự bí ẩn. Rõ ràng sự lão hóa của những lớp véc-ni đã làm cho “Mona Lisa” của Louver tối thẫm đi, nhưng vẫn hiển hiện trên bức chân dung bất tử đó một kỹ thuật diễn tả sáng tối phi phàm.

*

Ghi chú:

Nữ họa sĩ Jenness Cortez sinh năm 1944 tại Frankfort, bang Indiana, Hoa Kỳ. Bà có bằng cử nhân nghệ thuật của Trường Mỹ thuật Herron ở Indianapolis, từng học nghề với họa sĩ danh tiếng người Hà Lan Antonius Raemaekers, và sau đó, với Arnold Blanch tại New York. Các tác phẩm của bà có mặt trong nhiều bộ sưu tập công cũng như tư nhân, trong đó có các cựu tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton, Nữ hoàng Elizabeth II và Bảo tàng Quốc gia New York.

(Để khỏi loãng bài, về nhân vật này Soi sẽ tìm dịch bài sau, với nhiều hình đẹp)

*Nguồn: từ FB của Bop Lavender

Ý kiến - Thảo luận

14:02 Friday,17.4.2015 Đăng bởi:  IQ ABC
Về kỹ thuật, vốn nghiên cứu thâm sâu của bà Jenness Cortez thì không dám hé răng nhưng về nàng Mona của bà thì cháu không thấy được cái tính thăng trầm kiểu từng trải nhưng rất quý phái và nụ cười bí ẩn thì hoàn toàn mất tiêu ạ :(
...xem tiếp
14:02 Friday,17.4.2015 Đăng bởi:  IQ ABC
Về kỹ thuật, vốn nghiên cứu thâm sâu của bà Jenness Cortez thì không dám hé răng nhưng về nàng Mona của bà thì cháu không thấy được cái tính thăng trầm kiểu từng trải nhưng rất quý phái và nụ cười bí ẩn thì hoàn toàn mất tiêu ạ :( 
1:31 Friday,17.4.2015 Đăng bởi:  Cùng học tiếng Việt
Các cụ già cả chắc không biết chứ bọn cháu xem đá bóng Anh quốc hàng tuần toàn phiên âm tên cầu thủ, hlv, trọng tài kiểu đấy thôi. Phiên âm tên cũng phải là một nghệ thuật, rèn dũa mãi mới được, không phải bạ đâu làm đấy đâu.

Một số ví dụ kinh điển cho các cụ: Theo Walcott -> Tiêu Quan Cốc, Arsène Wenger -> An Sơn Vân Cơ, Mourinho -> Mộ Nhân Đồ, Mike Dea
...xem tiếp
1:31 Friday,17.4.2015 Đăng bởi:  Cùng học tiếng Việt
Các cụ già cả chắc không biết chứ bọn cháu xem đá bóng Anh quốc hàng tuần toàn phiên âm tên cầu thủ, hlv, trọng tài kiểu đấy thôi. Phiên âm tên cũng phải là một nghệ thuật, rèn dũa mãi mới được, không phải bạ đâu làm đấy đâu.

Một số ví dụ kinh điển cho các cụ: Theo Walcott -> Tiêu Quan Cốc, Arsène Wenger -> An Sơn Vân Cơ, Mourinho -> Mộ Nhân Đồ, Mike Dean -> Mai Điên, Phil Dowd -> Phi Đao, vân vân. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả