Bàn luận

Nỗi buồn hậu triển lãm 22. 06. 10 - 8:57 am

VŨ LÂM

 
 

 

 

Từ ngày 4 – 20.6, tại Trung tâm văn hoá Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, đã diễn ra triển lãm sắp đặt Trôi của nghệ sĩ trẻ Bàng Nhất Linh. Sinh năm 1984, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội, năm nay mới 26 tuổi, nhưng Linh đã có trong vốn nghệ thuật của mình 2 triển lãm sắp đặt đầu tay khá “oách” theo như từ thường được dùng để “đánh giá trong giới” tạo hình với nhau…

 

1.
Đó là triển lãm Bụi, xe mờ bóng phố tháng 9.09 và Trôi năm nay.
Hai triển lãm công phu này cho thấy nghệ sĩ có một khả năng tư duy và làm việc độc lập của mình. Tác phẩm “đụng” được đến nhiều vấn đề tâm lý xã hội, với chất lượng thao tác kỹ thuật tốt (điều rất cần ở những tác phẩm sắp đặt là kỹ thuật xử lý các loại vật liệu khác nhau). Ở người nghệ sĩ này, có sự rụt rè khiêm tốn và thái độ làm việc rất cầu toàn tích cực. Tác phẩm nào cũng mang đầy chất thơ, là một điều hiếm thấy trong tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ cùng lứa tuổi…

Tôi đi công tác không dự được ngày khai mạc triển lãm. Hôm sau về Hà Nội, rủ tác giả đi uống nước trò chuyện, chưa kịp chúc mừng thì đã nghe anh kể một loạt chuyện cười ra nước mắt về chuyện hậu triển lãm.

Còn nhớ sau triển lãm sắp đặt năm ngoái của Linh, một bức “chân dung đô thị Hà Nội” bằng năm mô-đun với những chất liệu khác nhau làm công phu trong 4 tháng trời.

Đó là 200 cái bếp than tổ ong xếp thành hình đồng hồ cát. Một căn phòng phố cổ nguyên trạng với cánh cửa cũ. Một bức tường kẹt cứng với chiếc xe cub bên trong, và một chiếc giá đựng 100 tháp Rùa để khán giả tô mầu. Sau triển lãm, phải phá bỏ gần hết. Linh cứ tiếc hùi hụi công sức của mình và bạn bè. Nhưng nếu không phá bỏ thì cũng chẳng có chỗ mà để.
Chiếc giá để 100 tháp Rùa thì một tay chơi đồ cổ xin về để trang trí trong nhà bằng một… bữa bia.
Cánh cửa cũ, bếp than tổ ong… đều bán lại với giá rác.

 

Đến năm nay, vừa làm xong tác phẩm thì hôm khai mạc, họa sĩ đã nhận được ngay một số lời chào mời “xâu xé” tác phẩm sau triển lãm của anh em họ hàng.
Đó là chiếc đồng hồ thóc-cát dựng bằng thuỷ tinh, và giá gỗ con tiện rộng 1,65m, cao 2m gồm một chiếc đồng hồ lớn và 9 chiếc đồng hồ nhỏ, tiền nguyên liệu hết 14 triệu đồng. Một người anh thì xin hai tấm phản tròn rộng 1,65m về làm phản… ngồi uống rượu. Hai chiếc bình y tế to làm đồng hồ mua với giá tám trăm nghìn cũng được một người chú khác xin về để làm bình đựng rượu. Một người chú nữa thì rắp ranh đống gỗ con tiện về để làm cầu thang nhà…

Thôi thì thế cũng coi là tác phẩm này đã  “có nơi an nghỉ”. Còn chiếc ô tô phủ thóc (to bằng một chiếc Camry 2.4) và bộ bàn ghế phủ thóc thì có lẽ không xẻ ra được làm gì. Chắc chắn sau ngày triển lãm sẽ phải đập bỏ, lại tiếc. Nhưng biết làm thế nào? Tuy rằng cả hai triển lãm của Linh đều có tiền tài trợ tác phẩm. Nhưng công sức làm việc bỏ ra thì không biết là bao nhiêu. Và cuối cùng quan trọng nhất là sự sống của một tác phẩm đích thực quá ngắn ngủi.

Tôi có trao đổi với người ở Lespace, họ nhận định rằng triển lãm của Linh đạt chất lượng nghệ thuật tốt. Điều tốt thứ hai là tác giả đã bỏ hết tiền tài trợ ra làm thật, chứ không “tối thiểu hoá” tiền vật liệu như người khác. Một số tác giả Việt Nam khi xin tài trợ làm tác phẩm sắp đặt hay  “tối giản” tiền vật liệu, hoặc làm bằng những thứ tre nứa rẻ tiền. Thói “ranh vặt” này làm người nước ngoài coi thường. Nhưng cũng vì một lẽ là tác phẩm sắp đặt không thể bán được. Sau triển lãm thường phải đập bỏ hoặc bán lại với giá phế liệu. Nếu làm tốn tiền quá thì rồi cũng thành phế liệu, tác giả lại tha hồ mà đau xót.

Sắp đặt (Installation) là một nghệ thuật có tương lai. Tuy nhiên, chưa có một mạng lưới  “tiêu dùng”  tác phẩm. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại thì còn lâu mới có. Nếu có một kênh tiếp thị tác phẩm tới những “đại gia” có nhà rộng, hoặc các công sở, văn phòng, khách sạn lớn để mà đặt để hữu ích thì rất đẹp và phù hợp. Tác phẩm sẽ sống bền. Nhưng hiện giờ thì chưa xuất hiện cái “kênh”  này. Nên những người đi tiên phong làm nghệ thuật này rất là khổ tâm…

 

2.
Tác phẩm Trôi của Bàng Nhất Linh là một câu chuyện về thời gian. Tác phẩm hiển hiện lên đàng hoàng, rõ rệt từ một triết lý: Xã hội cấu tạo từ những cơ cấu thời gian nhanh chậm khác nhau. Tất cả những cơ cấu này ràng buộc với nhau tạo nên một xã hội hoàn chỉnh. Nếu thiếu đi một cơ cấu hoặc bị nghịch đảo cơ cấu (cái đáng lẽ nhanh thì chậm, và ngược lại) thì sẽ  “hỏng hết bánh kẹo, hư bột hư đường” ngay.

Linh ‘tái tạo”  một hình ảnh xã hội – cơ cấu  các tốc độ thời gian dưới hình dạng những chiếc đồng hồ cát (thời gian) và những hạt thóc (thành tựu, công sức, “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”) từ sự quan sát xã hội quanh nơi anh ở. Người dân luôn rất khổ vì cái gọi là “thủ tục hành là chính”. Có những người cầm trong tay quyền lực hành chính, và người ta sẵn sàng bóp méo thời gian của người khác đi để mưu lợi riêng. (Điều này đã được các phương tiện truyền thông, nghệ thuật sân khấu… tố khổ rất nhiều. Trở thành tác phẩm tạo hình sắp đặt thì là lần đầu tiên).

Ai cũng biết thời gian là tiền bạc, được lợi một người, nhưng sẽ mất thời gian của nhiều người, tức là vật chất xã hội. Những người ăn trên ngồi trốc, cầm nắm trong tay vận mệnh thời gian của người khác liệu có ý thức rất rõ rằng họ đang phải có trách nhiệm rất lớn đối với mồ hôi, công sức của bao nhiêu người khác để dựng nên vị trí cho họ ngồi không?

Để tạo ra một hình ảnh ẩn dụ cho câu hỏi này, tác giả đã lấy thóc phủ kín lên một bộ bàn ghế công sở và mô hình một chiếc xe hơi sang trọng (mà người ta đang ào ạt nhập về để cho phố xá kẹt đường. Ước tính cả năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu 76.300 xe ôtô nguyên chiếc, với giá trị kim ngạch là 1,171 tỷ USD. Số xe này mà “quy ra thóc” của nhân dân thì biết là bao nhiêu?).

Tác phẩm có tính “xã hội” và ý đồ rõ ràng, dễ hiểu đến thế. Ấy vậy mà sự phản hồi của báo chí thì rất thú vị. Có người viết về bộ tác phẩm Trôi, chỉ chú ý đến chiếc xe hơi (mô hình thạch cao) bọc thóc vì trông nó to và ấn tượng. Và viết rất dài dòng so sánh với những chiếc xe hơi thật, được bọc để giải trí (bằng nắp chai cho đến kim cương) và so sánh giá cả nọ kia hai việc hoàn toàn khác nhau này…

Nếu so sánh hai nỗi buồn  “hậu”   triển lãm này, thì nỗi buồn tác phẩm  không có chỗ đặt để, bị  “xâu xé ”  phá ngay sau khi mới sinh có lẽ không buồn bằng được báo chí – những người có nhiệm vụ kể lại câu chuyện nghệ thuật cho người khác không có thì giờ hoặc không có điều kiện xem – hiểu nhầm. Họa sĩ kể chuyện xong thì phì cười mà kết luận vậy.

Không biết làm thế nào, tôi đành an ủi tác giả, rằng cái thân phận làm nghệ thuật là thế. Khi chưa được công nhận thì anh sẽ bị xâu xé, bị phá, bị hiểu nhầm, bị chụp mũ, bị quy nọ kia. Cho đến khi thành danh, tác phẩm của anh đắt tiền rồi và có thể trông vào kiếm lợi được thì lại sẽ bị xâu xé tiếp, bị làm giả, chết rồi còn chưa yên. Nhưng có hề gì đâu. Miễn rằng ta đã sống xứng đáng và để lại được một giọt ngọc trai cho đời…..  Như câu hát nhạc Trịnh rằng: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? ”. Ừ thì cuối cùng cũng để cho gió cuốn đi mà thôi…

 

VL

(Bài đã đăng trên Thể thao Văn hóa, t.7. 19. 6. 2010)

 

 

 

*

Vũ Lâm đi xem triển lãm:

- Từ rác cũng đẹp

- Nỗi buồn hậu triển lãm

- Not Memory: sự đối diện cá nhân với ký ức tập thể

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 1): Rào đón hơi dài để tương ở bài sau

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 2): nên bỏ đi khoảng 25 ông và thêm vào 10 ông. Ba vị curator không nên cùng một Cục.

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 3): rút lại là làm chưa hay nhưng mà đừng có sợ chê

Ý kiến - Thảo luận

8:01 Wednesday,23.6.2010 Đăng bởi:  admin
Ở Hà Nội thì không dám chắc, nhưng ở Sài Gòn đất rộng, Soi nghĩ Soi có thể kiếm được chỗ để các tác phẩm sắp đặt nấn ná thêm một thời gian cho công chúng đến xem. Hiện giờ có người hứa thế, chưa biết vào thực tế thì sao :-))
...xem tiếp
8:01 Wednesday,23.6.2010 Đăng bởi:  admin
Ở Hà Nội thì không dám chắc, nhưng ở Sài Gòn đất rộng, Soi nghĩ Soi có thể kiếm được chỗ để các tác phẩm sắp đặt nấn ná thêm một thời gian cho công chúng đến xem. Hiện giờ có người hứa thế, chưa biết vào thực tế thì sao :-)) 
7:24 Wednesday,23.6.2010 Đăng bởi:  hoàng
sorry các bạn nha! mình nói thế có vẻ sai rồi vì mình chưa được đi ra nước ngoài xem nên không biết, nhưng có nghe các anh đã được đi nhiều nói là ở New York vào mùa triển lãm có khoảng 400 cuộc khai mạc mỗi ngày mà gallery ở đó to cực vậy nếu chỉ mang 1% số tác phẩm đó vào trong bảo tàng thì các bảo tàng ở đó phải to lắm nhỉ, trí tưởng tượng của mình bắt đ
...xem tiếp
7:24 Wednesday,23.6.2010 Đăng bởi:  hoàng
sorry các bạn nha! mình nói thế có vẻ sai rồi vì mình chưa được đi ra nước ngoài xem nên không biết, nhưng có nghe các anh đã được đi nhiều nói là ở New York vào mùa triển lãm có khoảng 400 cuộc khai mạc mỗi ngày mà gallery ở đó to cực vậy nếu chỉ mang 1% số tác phẩm đó vào trong bảo tàng thì các bảo tàng ở đó phải to lắm nhỉ, trí tưởng tượng của mình bắt đầu đuối khi hình dung ra sự to lớn của các bảo tảng ở những trung tâm nghệ thuật thế giới rồi! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả