Kiến trúc

Từ đô thị hiện đại Boston: quên mình đi mới phản chiếu được thế giới 26. 04. 15 - 7:09 pm

Phó Đức Tùng

 (Tiếp theo các bài về Philadelphia, về trục đại lộ Parkways. về ấn tượng khi vào Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, về tranh tường ở Philadelphia và về tự do)

*

Boston, 13. 4. 2015

Xem tranh ảnh và các bản đồ lịch sử Boston, thì thấy tới khoảng giữa thế kỷ 19, khu trung tâm thành phố này đã được xây dựng kín, với những ngôi nhà gạch đỏ, chiều cao khá đồng đều khoảng 4-5 tầng, khép kín tất cả các mặt phố. Lõi đô thị Boston khi đó, về cả chất lượng lẫn số lượng của không gian xây dựng, lẫn hoạt động văn hóa, kinh tế xã hội, thang giá trị, phong tục tập quán v.v. đều đã khá ổn định, trưởng thành.

Downtown của Boston, ảnh tư liệu

Trận hỏa hoạn lớn năm 1872, đợt sóng phát triển đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện của các tuyến giao thông ngầm, lần cải tạo đô thị lớn (city renewal) giữa thế kỷ hai mươi, làn sóng phát triển mới những năm 1970s, rồi “big dig” hồi những năm 2000 là những đợt thay đổi lớn, phá hủy một phần đáng kể cấu trúc không gian cũ, đưa vào những yếu tố mới một cách ồ ạt. Tới nay, riêng khu lõi đô thị này đã có đầy đủ những yếu tố không gian cơ bản của một trung tâm đô thị hiện đại có tầm cỡ quốc tế: giao thông hiện đại, cả ngầm và nổi, nhiều nhà cao tầng và chọc trời, những công trình kiến trúc cao tầng mang phong cách hiện đại nhất, hệ thống thông tin liên lạc, hạ tầng điện nước, thoát nước hiện đại v.v. Thế nhưng rõ ràng về tổng thể, ta vẫn cảm nhận được có sự chặt chẽ, hữu cơ, hài hòa như một cơ thể sống, chứ không bị lanh tanh bành như ở nhiều đô thị khác, như ở Hà Nội, TPHCM của ta. Đó là vì sao?

Dock Square ở downtown Boston, hồi 1845. Ảnh của Arthur’s Magazine

 

Dock Square hồi 1987

1. Việc thay đổi thường tập trung trong phạm vi từng khu vực nhỏ, có đường kính không quá 300m.

2. Một số tuyến phố sầm uất trung tâm, như Washinton, Newsbury chạy dài suốt, kết nối các cụm cũ mới với nhau, nhưng có cấu trúc không gian và hoạt động đô thị rất ổn định, ít thay đổi, tạo ra được cảm giác liên tục.

3. Trong những khu cao tầng, tuy có thay đổi chiều cao, hình thức kiến trúc, nhưng về cơ bản, cấu trúc ô phố lịch sử vẫn được giữ nguyên. Cấu trúc đô thị lịch sử của Boston đã chia những lô phố nhỏ, mạng đường dày từ trước. Những ngôi nhà cổ ở Boston được xây liên tiếp, tạo mặt tiền đô thị liền mạch, bề thế. Nay những ngôi nhà đó được nâng cao lên, nhưng mặt bằng và ấn tượng tầng một đối với người đi đường vẫn không thay đổi. Những ô phố nhỏ với đường giao thông xung quanh đảm bảo khi chuyển từ một cụm nhà 4,5 tầng thành cao ốc 50 tầng thì giữa các cao ốc vẫn có khoảng hở cần thiết mà phần cấu trúc đô thị dưới chân đế không thay đổi.

Đô thị Boston ngăn nắp, hồi 1860

4. Bản thân những tòa nhà cao tầng rất có ý thức trong việc thiết kế khu vực tầng trệt, với tỷ lệ cửa, nhịp điệu khối, ngôn ngữ kiến trúc, khoảng lùi, vật liệu bề mặt v.v… không khác với những tòa nhà hiện hữu.

5. Những tòa cao ốc ở Boston mọc lên dần dần, từ cuối thế kỷ 19 tới nay. Chiều cao của các tòa nhà tăng dần, độ hiện đại cũng tăng dần. Trong quá trình đó, tỷ lệ gạch đá bê tông, những vật chất, hình khối nặng sẽ giảm dần, thay bằng những kính thép thanh mảnh, phi vật chất. Nhưng có sự chuyển dịch dần dần, liên tục từ cái cũ tới cái mới. Từ những nhà cổ tới các tòa cao ốc, vẫn vật liệu đó, màu sắc đó, chỉ có tỷ lệ giữa phần đặc và phần kính thay đổi dần. Vì thế, đô thị có cảm giác như một luống rau cùng loài, với một số chỗ có những cây lớn hơn thôi, chứ không phải là vật lạ từ trên trời rơi xuống.

Dock Square hồi 1920. Ảnh của Abdalian, Leon H. chụp đoạn Exchange Street giao Devonshire Street, đã có nhà cao tầng

Trong khi đó, ở Việt Nam, các phố lớn, mới xuất hiện nhiều nhà cao tầng thì chạy liền quá dài, không chia thành các ô nhỏ. Mặt tiền phố vốn liền mạch bởi các nhà phố 2-3 tầng, khi chuyển thành nhà cao tầng thì gần như buộc phải có khe hở để đảm bảo giao thông, tiếp cận xung quanh và khoảng cách giữa các nhà, vì thế đã thay đổi cấu trúc cũ, tạo đứt gãy. Ngoài ra, quy định của Bộ Xây dựng không cho phép nhà cao tầng xây kín ô đất, nhà càng cao càng phải để khoảng lùi, khoảng trống xung quanh, nên càng làm tăng thêm việc thay đổi cấu trúc. Chưa kể, những công trình cao tầng này đều cố tình muốn thể hiện đẳng cấp, khẳng định mình là landmark. Từ những trang trí hoành tráng ở tiền sảnh, tới tỷ lệ, hình thức cổng vào, đến bản thân khối công trình đều muốn bật hẳn khỏi cảnh quan đô thị xung quanh để tự thể hiện sự độc đáo, hiện đại của mình.

Tòa nhà Lotte Center Hà Nội cao 65 tầng, Hà Nội. Ảnh từ trang này

Nói chung, khi một công trình mới xuất hiện trong một cấu trúc cũ, nó có thể theo một trong hai chiến lược: hòa đồng với cái cũ, hoặc đủ mạnh để dẫn đầu một loạt thay đổi theo hướng mới của nó. Những cao ốc của ta chưa đủ mạnh để tạo trào lưu mới, xác định loại không gian mới, nhưng lại không muốn và không bị ai ép phải hòa nhập vào cái cũ. Nhìn từng công trình, có thể có sự hài hòa nhất định giữa phần cảnh quan xung quanh và tòa nhà.Nhưng nếu xét toàn bộ cấu trúc khu phố, thì mỗi công trình cao tầng này rất giống một mũi tên độc cắm vào da thịt, gây vết thương lở loét xung quanh. Nhiều mũi tên như thế cắm ngay vào tim gan, ôi thôi toi đời đô thị.

*

Ngoài nguyên lý chung về sự kế thừa mặt bằng, cấu trúc không gian và mặt tiền ở mấy tầng dưới, cũng như sự liên tục về ngôn ngữ, vật liệu ra, thì tại một số điểm trong trung tâm Boston cũng có những công trình landmark hoàn toàn hiện đại từ đầu đến chân, khác hẳn cái cũ. Nhưng về tổng thể chúng vẫn không phá hoại hình ảnh đô thị, thậm chí còn làm tăng thêm độ hài hòa, liên kết, đó là vì sao?

Hãy xem ví dụ tòa nhà Hancock, là công trình kiến trúc cao nhất, thuần chất hiện đại nhất của Boston.Tòa tháp này cao 240m, được xây năm 1976, do I.Pei thiết kế. Tòa nhà phải nằm trơ trọi một mình, kẹp giữa toàn những công trình cổ kính nhất, không có không gian đệm, không có khoảng lùi. Bài toán khó nhất là ứng xử với Trinity Church.

Tòa nhà Hancock, bên trái là nhà thờ Trinity.

Nhà thờ này có 150 tuổi, nhưng kiến trúc đặc biệt cổ kính, từ hình thức tới vật liệu, trông như một nhà thời đầu Trung cổ. Kiến trúc thấp, nhỏ, phức tạp nhiều chi tiết như một lâu đài cổ tích. Nhà thờ Trinity nằm ở góc công viên, quảng trường Copley, chắn toàn bộ mặt tiền nhà Hancock về phía quảng trường. Toàn bộ quảng trường Copley được thiết kế rất ăn nhập với nhà thờ Trinity, biến thành tiền đường của nhà thờ, khiến cho nó càng trở nên uy nghi, hoành tráng. Bây giờ xây tòa cao ốc Hancock mấy trăm mét, cách nhà thờ có một con đường nhỏ, lại đúng hướng mà bóng tòa nhà sẽ đổ trùm lên nhà thờ, thì có nguy cơ thay đổi toàn bộ cục diện, khiến nhà thờ bị đè bẹp. Mặt khác, với quy mô to lớn của mình, tòa nhà Hancock phải làm sao lấy được cả quảng trường Copley rộng lớn làm tiền đường thì mới tương xứng. Có nghĩa là phải làm sao toàn bộ nhà thờ Trinity trở thành một phần của tòa nhà.

Nhà thờ Trinity ở quảng trường Copley hồi 1920

I. M. Pey đã xử lý vô cùng khôn khéo. Nhìn từ phía quảng trường, tòa nhà Hancock có hai phần, phần trước dạng tháp cao vút, có xẻ một rãnh ở giữa, phần sau dạng thuyền dài, giống hệt cấu trúc của một nhà thờ gothic. Người ta không có cảm giác đấy là một tòa cao ốc thương mại, mà là một nhà thờ hiện đại rất lớn ở bên quảng trường. Như vậy, đã có sự đồng điệu về chủ đề giữa cao ốc này và nhà thờ Trinity khi nhìn về tổng thể.

Tòa nhà Hancock nhìn bên hông, với bóng nhà thờ Trinity phản chiếu ở mặt gương

Việc những phần của nhà thờ được xây dựng trong những thời kỳ khác nhau, bằng ngôn ngữ khác nhau là chuyện rất thường xảy ra, nhưng chúng vẫn tạo được sự hòa đồng, một phần lớn nhờ vào có cùng một chủ đề tâm linh. Xét riêng về khía cạnh kiến trúc tôn giáo, tòa nhà Hancock đã là một nhà thờ hiện đại tuyệt vời. Nếu như những nhà thờ gothic cho ta cảm giác vươn lên trời, vươn lên với ánh sáng, với Chúa, thì tòa tháp Hancock hoàn toàn đảm bảo được chất lượng này ở mức cao nhất, với chiều cao hơn tất cả các tháp chuông gothic, và rãnh xẻ mặt tiền thẳng tắp hơn bất kỳ cột gothic nào. Dõi mắt theo tòa tháp, ta không những chỉ vươn lên phía trời, mà còn hòa lẫn vào trời xanh.

Mặt khác, vì toàn bộ mặt nhà là gương phẳng lừ, nên bầu trời cũng được đưa xuống tận sát đất, tới tầm tay với, tầm mắt nhìn ngang của từng người bộ hành. Nếu nhìn thẳng vào mặt kính, ta sẽ thấy toàn bộ nhà thờ Trinity in bóng sắc nét như thật. Tháp Hancock khi đó biến mất, nó không có nội hàm, mà chỉ còn sự hiện diện của nhà thờ trinity.Vì không có hình và vật chất tự thân, tháp cũng không đổ bóng xuống nhà thờ, mà chỉ có bóng của trời mây và chính nhà thờ Trinity thôi. Từ tất cả các góc phố khác cũng vậy, nhìn đâu cũng thấy hình các tòa nhà cổ trong gương như bên ngoài, trục phố cổ được kéo dài, nhân đôi thay vì bị một chướng ngại vật án ngữ. Có thể nói, từ góc độ người đi bộ, tòa nhà Hancock không tồn tại, mà chỉ có những con phố cổ hiển hiện mà thôi. Nếu nhìn từ xa lại, với toàn cảnh đô thị, tòa nhà Hancock lúc thì hiển hiện như một oberlisk, một tháp chiến thắng, một landmark rất rõ ràng, rất kinh điển, có lúc lại biến đi vào cảnh quan như một cái bóng tàng hình.

Ảnh từ trang này

Ý tưởng về sự hòa đồng được thể hiện đến từng chi tiết. Cả tòa tháp này không có một biển hiệu, một cái tên. Ngay phía tầng trệt, đi vòng quanh cũng chẳng thấy có biển, có tên nào, cả của tòa nhà lẫn của các công ty trong tòa nhà.Đi ngoài đường, không nhìn thấy gì bên trong tòa nhà, cứ như nó chỉ thuần túy là một tấm gương, chứ không có bản ngã. Cổng vào tòa nhà cũng rất bé, rất thấp, đơn giản, bằng kính, không có gì nổi bật, hoành tráng cả.

Tòa nhà Hancock với nhà thờ Trinity gần bên

Đặc biệt xuất sắc là công trình điêu khắc ngay trước cổng tòa nhà không thấy đề của ai. Nó là một cấu trúc mảnh dẻ gồm mấy vòng xoắn hợp lại với nhau như kiểu “unity table” của châu Phi, hay giống như mấy người nắm tay nhau nhảy vòng tròn trong tranh Matisse. Nhưng mà giữa những vòng đó mắc 4 cái võng rất ấm cúng, khiến ai cũng muốn vào nằm đu đưa, nghỉ ngơi, ngắm nhìn bầu trời và cảnh quan xung quanh. Nằm vào võng, ta có cảm giác như nằm thư giãn dưới bầu trời, ngoài bãi biển, và càng không thấy sự hiện diện của tòa nhà. Cái to lớn nhất đã biến mất, trở thành bối cảnh cho cái thân thiết nhất, gần gũi nhất.

Tác phẩm trước cổng tòa nhà. (Hình lấy từ Internet)

Tóm lại, tòa tháp gương khổng lồ hiện đại này đã bỏ đi bản ngã, chỉ để phản chiếu trời đất, phản chiếu xung quanh, nâng niu từng con người, để rồi lấy được vóc dáng, hình hài cũng như sự sống động của trời đất, của cả vùng đô thị sầm uất xung quanh, chiếm được tình cảm, trái tim của từng con người. Tất cả có thể tóm gọn trong hai chữ “PHẢN CHIẾU”*.

*

(*) Câu gốc của anh Tùng là: “Tất cả có thể tóm gọn trong một chữ ‘REFLEXION’*.

Ý kiến - Thảo luận

14:11 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  admin
Anh Tùng: Soi đã có chú thêm ở cuối bài rồi anh nhé. Cảm ơn anh.
...xem tiếp
14:11 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  admin
Anh Tùng: Soi đã có chú thêm ở cuối bài rồi anh nhé. Cảm ơn anh. 
13:54 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
hi SOI
chữ cuối bài mình dùng là Reflexion, vì không biết dịch ra tiếng việt thế nào cho đúng. phản chiếu chỉ là ý quang học bên ngoài, từ này tiếng Anh còn có nghĩa như tư duy, mà đó mới là cái quan trọng. Nhìn vào cái reflexion bên ngoài khiến ta phải nghĩ tới cái tư duy bên trong, nhìn lại chính bản thân mình.
...xem tiếp
13:54 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
hi SOI
chữ cuối bài mình dùng là Reflexion, vì không biết dịch ra tiếng việt thế nào cho đúng. phản chiếu chỉ là ý quang học bên ngoài, từ này tiếng Anh còn có nghĩa như tư duy, mà đó mới là cái quan trọng. Nhìn vào cái reflexion bên ngoài khiến ta phải nghĩ tới cái tư duy bên trong, nhìn lại chính bản thân mình. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả