Đi & Ở

Mảnh vỡ thiên đường dưới nắng nóng Phan Rang 30. 05. 15 - 7:25 am

Lò Bún

Cách đây đã lâu, có đọc một bài trên SOI của kiến trúc sư Phó Đức Tùng, viết về Phan Rang. Ấn tượng về bài viết của anh Tùng là hình ảnh một vùng đô thị tỉnh lẻ khô cằn, nghiệt ngã, mất hết bản sắc. Tôi nhớ có một chi tiết trong bài anh Tùng nhắc đến là thôn Vĩnh Hy, một làng chài rất nghèo nằm ở cạnh vịnh biển thơ mộng cùng tên. Vừa rồi, nhân có chuyến đi qua Phan Rang, tôi đưa gia đình ghé qua Vĩnh Hy xem xem nó thật ra là thế nào…

Phan Rang không hổ danh là nơi “gió như phang, nắng như rang”. Có cảm tưởng như ở đây sẽ chỉ có duy nhất một mùa là mùa nóng, chứ cũng chẳng có “3 mùa” là mùa nóng, mùa nóng hơn và mùa nóng nhất như những vùng nắng nóng khác! Đường từ Phan Rang về Vĩnh Hy trải nhựa sạch sẽ, láng mịn, thuê xe taxi đi từ ga Tháp Chàm về đến nơi, khoảng cách 40 cây số, giá chừng 400.000 đồng cho một chiều.

Dọc đường, quang cảnh y hệt như bờ biển phía Tây của nước Mỹ thuộc bang California, với một bên là những cánh đồng khô cháy, một bên là mặt biển xanh ngăn ngắt như màu mực. Đôi lần, xe phải giảm tốc độ vì có một hai chú “Ất Mùi” băng qua đường, miệng kêu be be. Thi thoảng, có thể thấy những vườn nho của người dân hai bên đường đang trải mình dưới cái nắng nóng gay gắt. Cách làm nhà của người dân ở đây dường như càng làm cho cái nắng trở nên nóng hơn: nhà đúc, mái tôn, cách biệt nhau, hầu như không có một bóng cây xung quanh nhà…

Vượt qua một ngọn đèo, bất chợt mặt biển xanh ngắt hiện ra. Đấy là vịnh biển Vĩnh Hy, nơi cả gia đình tôi đã trải qua mấy ngày sống trong không khí êm đềm của một vùng biển vắng khách du lịch.

Tôi ghi lại ở đây một số hình ảnh thu lượm được trong những ngày ở lại đây.

Buổi chiều, vịnh Vĩnh Hy tấp nập tàu đánh cá từ ngoài khơi trở về sau một ngày làm việc đánh bắt cá, cập vào cầu tàu đổ người lên bờ. Đấy là những tàu của hợp tác xã đánh cá, thuê người đi đánh bắt vào buổi sáng, trở về vào buổi chiều. Người được thuê đánh bắt cá nhận lương hàng tháng, người nào mặt mũi cùng xạm đen, tay toòng teng một khúc cá được trả công trong ngày. Bọn trẻ con trong thôn mặt mũi hoan hỉ chạy ra cầu tàu đón bố hoặc mẹ trở về. Số cá đánh bắt còn lại được chủ tàu gom bán ngay cho các thương lái hoặc đầu mối tiêu thụ. Quang cảnh thật tấp nập và vịnh Vĩnh Hy buổi chiều đẹp như một bức tranh

 

Sản phẩm du lịch gần như duy nhất của Vĩnh Hy hiện tại là cho du khách đi tàu đáy kính ra ngoài khơi xa ngắm san hô. Thuê nguyên một tàu nhỏ đi ngắm san hô rồi sau đó ra nhà bè ăn uống nghỉ ngơi giá 500 ngàn đồng cho cả ngày (chưa kể tiền trả cho các món ăn). Cái nắng gay gắt dường như càng làm cho mặt vịnh thêm xanh ngăn ngắt, sóng nhẹ như trong hồ và có thể thấy Vĩnh Hy không hổ danh là một trong 4 vịnh đẹp nhất Việt Nam (ai phong danh hiệu này quả thực tôi cũng không rõ, chỉ search trên mạng thấy nói thế). Rạn san sô nhìn từ trên xuống qua đáy kính của tàu không ấn tượng lắm vì không có nhiều san hô màu và có vẻ như cũng là loại san hô đã chết, không còn linh động như trong các phim về hải dương học mà tôi từng xem

 

Trên đường đi ngắm san hô ngoài cửa vịnh, có thể thấy thấp thoáng trên sườn núi những ngôi nhà của khu nghỉ dưỡng Amanoi, một tập đoàn đa quốc gia chuyên xây những khu nghỉ dưỡng cao cấp ở khắp nơi trên thế giới. Cũng phải có đầu óc kinh doanh liều lĩnh như thế nào mới dám xây một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở nơi heo hút thế này chứ! Giá phòng thấp nhất cho một đêm ở đây gần 13 triệu đồng, cao nhất là 68 triệu đồng một đêm cho biệt thự 5 phòng ngủ có hồ bơi riêng. Có lẽ đến đó, tận hưởng đời sống thư nhàn trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, người ta sẽ có đủ thời gian để nghiền ngẫm câu hỏi mang tính triết lý: “Không biết người ta cứ phải tất tả bươn bả đi kiếm tiền làm gì nhỉ?”

 

Cũng như nhiều vùng biển khác ở Việt Nam, chiếc thuyền thúng là một trong những phương tiện dùng để đi lại và sinh nhai của người dân Vĩnh Hy. Cũng có loại thuyền thúng gắn máy nổ và có mỏ neo hẳn hoi, nhưng chủ yếu vẫn là loại thuyền thúng truyền thống dùng tay chèo quạt nước để di chuyển. Đấy quả là một kiệt tác trên biển! Người lái thuyền thúng hai tay cầm chắc mái chèo quạt đều hai bên như trong một vũ đạo sinh động, đưa chiếc thuyền tròn lướt trên mặt biển vững chãi như đi trên đất liền. Nhưng cần phải cảnh báo trước cho những ai có đầu óc mơ mộng muốn ngồi trên một chiếc thuyền thúng câu mực ban đêm để lãng mạn ngắm trời sao và nước lấp lánh, bởi thuyền nhỏ, trôi chậm trên mặt biển, dù sóng nhỏ như mặt hồ nhưng độ lắc dập dình của thuyền rất dễ khiến người không quen bị say kinh khủng, rất dễ “trả lại hải sản cho nhà hàng”

 

Trên mặt vịnh Vĩnh Hy có một số nhà bè để phục vụ du khách. Chi phí đầu tư cho một nhà bè như trong ảnh khoảng chừng từ 400 triệu đến 1,3 tỷ đồng, tùy thuộc vào diện tích và vật liệu kết cấu, đặc biệt là phần đế của nhà bè luôn phải chịu nước mặn quanh năm. Trên nhà bè có các khoang cửa thông xuống những tấm lưới bao ở phía dưới, ngập trong nước biển. Chủ nhà bè đánh bắt được hải sản gì thì đem thả xuống đó, khi nào có khách yêu cầu thì dùng lưới hoặc cho thợ lặn xuống vợt lên, đảm bảo tươi ngon

 

Anh Trà, chủ nhà bè nhãn hiệu Vui Vẻ, 55 tuổi, đã có 5 năm bán hàng trên bãi cho du khách trước khi đầu tư tiền làm nhà bè này để kinh doanh, cũng đã được 5 năm rồi. Anh làm đủ mọi việc, từ vá lưới cho đến đi đánh bắt cá, lặn tìm hải sản. Sáng sớm anh cùng một số nhân viên từ trong thôn đi tàu ra nhà bè, chiều khoảng 5 giờ quay về, chỉ để lại một người trông coi trên bè qua đêm

 

Sản phẩm sau một chuyến đánh bắt ở ngay trong Vịnh! Những con ốc Vú Nàng còn tươi rói, thịt làm món ăn, vỏ làm đồ mỹ nghệ bán cho du khách

 

Trung, 23 tuổi, học xong lớp 6 thì bỏ học theo nghề biển, là một thợ lặn cho nhà bè, chuyên lặn bắt tôm hùm. Trong ảnh, Trung vừa lên sau một chuyến lặn biển

 

Sản phẩm chuyến lặn biến của Trung hôm nay là mấy con tôm hùm bé xíu, được cho vào trong cái lọ lavie để tiếp tục nuôi lớn. Một con tôm hùm bé xíu mà Trung bắt được đã có giá 150 ngàn đến 200 ngàn đồng, phải nuôi chừng 2 năm mới đủ lớn để bán cho khách với giá 1,2 triệu đồng/ký

 

Đây là tôm hùm đã trưởng thành được nhà bè nướng trên bếp than bán cho du khách. Tôm hùm vịnh Vĩnh Hy không quá to như ở các khách sạn lớn tại Hà Nội hay Sài Gòn, nhưng thịt thơm ngon hơn nhiều!

 

Thịt tôm hùm sau khi được xẻ cho khách ăn (nướng hoặc hấp), đầu tôm hùm cho vào nồi cháo nấu chung với bào ngư, cho một món cháo hải sản ngon không đâu bằng

 

Vĩnh Hy có rất nhiều loại cá, từ các loại thông thường như cá thu, cá chình cho đến những loại cá mà tôi nghe thấy tên lần đầu như cá xạo, cá bùng binh…Trong ảnh là con cá xạo rán thơm vàng tôi đã được thử ở Vĩnh Hy

 

Một bữa ăn dân dã bình thường ở Vĩnh Hy, với tô canh cá bùng binh, cá xạo rán, đĩa thịt khô và đĩa rau muống luộc và tô nước rau muống vắt chanh, quả thật là làm cho Vĩnh Hy trở nên đáng yêu biết bao nhiêu!

 

Vĩnh Hy vẫn còn khá hoang sơ, với không khí buổi ban mai tinh khiết, khi những con tàu còn nằm ngủ im lìm trên mặt vịnh lăn tăn ánh lân tinĐến đây, một không khí yên bình ngự trị, choán hết cả không gian. Ngày xưa, thiên đường bị vỡ thành nhiều mảnh vung vãi khắp trên mặt đất và có lẽ Vĩnh Hy là một mảnh trong số đó chăng?

Rồi đây, chắc chắn du khách sẽ đến Vĩnh Hy nhiều hơn, phá vỡ cái vẻ bình lặng của vùng quê yên bình. Dự án nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động cũng sẽ đổ một lượng lớn người tới khu vực này. Người dân ở đây sẽ được hưởng lợi nhờ lượng khách du lịch tăng lên và rất có thể, cái vẻ bình lặng của Vĩnh Hy sẽ bớt phấn hấp dẫn. Đó là nghịch lý không thể tránh khỏi của câu chuyện phát triển, để Phan Rang không chỉ có nắng, nóng và những tượng đài xấu xí.   

Thông tin đi Vĩnh Hy:

Từ Sài Gòn, có thể mua vé tàu đi ga Tháp Chàm, khoang nằm mềm điều hòa giá thay đổi tùy tầng, nhưng nói chung là rất rẻ. Sau đó, từ ga Tháp Chàm thuê xe taxi vào Vĩnh Hy với giá 400 ngàn đồng một chiều (có thể hẹn với lái xe taxi đón lúc quay ra). Giá thuê phòng ở resort tại Vĩnh Hy (trừ Amanoi đã nói ở trên) còn khá rẻ, khoảng 350 ngàn đến 400 ngàn/đêm với đầy đủ tiện nghi. Có tuyến xe bus từ Phan Rang đi Vĩnh Hy, về nguyên tắc 1 tiếng/chuyến, nhưng có thể 5-6 tiếng đồng hồ mới tới nơi vì lái xe đi lòng vòng bắt khách dọc đường! Không nên đi xe máy vì đường xa nắng nóng, trừ trường hợp muốn thử sức trai tráng hoặc lấy điểm với bạn gái (chụp ảnh đưa lên Mặt Sách – tức Phây Buc). Lưu ý là bến xe Phan Rang có rất ít tuyến xe về Sài Gòn, các hãng xe đò lớn như Thành Bưởi, Phương Trang không hiện diện ở đây.  

 

 

Ý kiến - Thảo luận

10:40 Friday,12.6.2015 Đăng bởi:  vinhnguyen
Cho em hỏi muốn đi Phan Rang - Vĩnh Hy từ Hà Nội thì Lịch trình như nào ạ?
...xem tiếp
10:40 Friday,12.6.2015 Đăng bởi:  vinhnguyen
Cho em hỏi muốn đi Phan Rang - Vĩnh Hy từ Hà Nội thì Lịch trình như nào ạ? 
13:41 Wednesday,3.6.2015 Đăng bởi:  candid
Em cũng xem ảnh bạn em lặn bình khí ở đây thấy rất đẹp. Tương lai gần vùng này nhiều nhà máy điện than, điện hạt nhân, chắc chắn san hô và môi trường sẽ bị hủy hoại.
...xem tiếp
13:41 Wednesday,3.6.2015 Đăng bởi:  candid
Em cũng xem ảnh bạn em lặn bình khí ở đây thấy rất đẹp. Tương lai gần vùng này nhiều nhà máy điện than, điện hạt nhân, chắc chắn san hô và môi trường sẽ bị hủy hoại. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả