Đi & Ở

“Tôi mới trúng số 100 tỉ USD!” 22. 07. 15 - 8:23 am

Sáng Ánh

.

Người Iran đổ ra đường ăn mừng thỏa ước vừa được ký. Hình từ trang này

 
Đây là kiểu giật tít của một số truyền thông quốc tế sau thỏa ước quốc tế với Iran về vấn đề vũ khí hạt nhân. Theo (thí dụ vô khối) một nhà chính trị Mỹ chống lại việc này (Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, ứng cử viên Tổng thống 2016) thì Tây phương đã “cho” Iran 100 tỉ để họ dùng vào việc bành trướng khủng bố. Theo bộ trưởng Israel Natfali Bennett trước diễn đàn quốc hội thì thỏa ước này “sẽ chuyển nhượng nửa ngàn tỉ USD cho một siêu cường khủng bố mới” và theo (v.v.) Thủ tướng Israel thì “mục đích tối hậu của xâm lược (Iran) là cai trị toàn thế giới” (ông này chắc là fan của fim chuyện James Bond, trong các fim này thường có một đại ác mang mục đích cai trị toàn thế giới).

Hí họa của Latuff về sự tức giận của Israel trước thỏa thuận hạt nhân với Iran

 
Con số là con số, nhưng từ 100 tỉ đến 500 tỉ cũng khác biệt khoảng 400 tỉ thôi, tức là một số tiền cũng lớn, chẳng hiểu vị bộ trưởng trên lấy từ đâu ra nhưng diễn văn đọc trước quốc hội nhà mà, ứng khẩu hay hứng khẩu cũng được. Nhưng quan trọng nhất, số tiền này không phải là “cho” Iran hay “chuyển nhượng”, hay là trúng số, mà chính xác là hoàn trả lại Iran. Đây là tiền của Iran, bị giam lại ngoài nước khi cấm vận, phong tỏa về tội tình nghi định làm vũ khí hạt nhân. Đây cũng chẳng là tiền tham nhũng, phi vụ, trúng mánh của lãnh đạo Iran, tiền rửa ngân hàng nước ngoài, mà là tài sản quốc gia chính đáng. Cụ thể, Iran bán dầu cho Nhật bản, Liên hợp quốc bảo dầu thì cứ đổ vào xe Toyota nhưng tiền thì khoan khoan cầm đó chớ trao, đợi nó đổi ‎‎ý “cai trị toàn thế giới” đã.

Tehran. Hình từ trang này

 
Phong tỏa, cấm vận ở nhiều mức (từ cách mạng 1979 trở đi) đã khiến một nước có tài nguyên dồi dào, trình độ phát triển và kỹ thuật cao (không cao gì thì nghe đâu cũng tự túc mà sản xuất được vũ khí hạt nhân), phải lâm vào cảnh khốn đốn. Cho nên, vừa ký xong thỏa ước là người dân ra đường ăn mừng ngay (và có lẽ hơi vội vã). Nội bộ Iran vẫn còn nhiều mâu thuẫn và thỏa ước nào (khổ thế) cũng là phần nhân nhượng của bên này và bên kia. Đây cũng là một thỏa ước tạm, có định kỳ và với điều kiện giám sát. Một trường hợp trong khu vực là Iraq, cũng từng bị kết tội sản xuất vũ khí hủy diệt, chấp nhận giám sát, thanh tra của Liên hợp quốc nhưng vẫn bị đánh chiếm để tiện thể dứt điểm khủng bố Al Qaeda. Chắc không cần phải nhắc lại bi hài kịch này kết quả ra sao, khủng bố (Isis, Al Nusra…) bị dứt điểm thế nào và vũ khí hủy diệt tìm ra được bao nhiêu; dân chủ, tự do, phát triển kinh tế mang lại cho nhân dân Iraq bao nhiêu là hạnh phúc sau khi đồ tể quân phiệt Saddam phải đong đưa mưu toan làm bá chủ hoàn cầu của mình ở đầu một sợi dây thòng lọng.

Cựu tổng thống Iraq Saddam trình bày trước chánh án Rahman trong phiên tòa xét xử năm 2006, sau đó ông bị treo cổ. Tháng 6 năm 2014, đến lượt chánh án Rahman bị ISIS bắt và hành hình. Ảnh từ trang này

 
Con số là con số, nhưng nói chung là nghe rồi ta cũng nên thận trọng, nhất là từ cửa miệng những nhà lãnh đạo. Tại Mỹ bạn vào cửa hàng chơi xổ số, bảng đề rành rọt là độc đắc tuần này 50 triệu USD. Thực ra số tiền này là tính trên 25 năm có kể phân lời tích lũy và chưa phải trả thuế. Nếu bạn muốn lãnh ngay toàn bộ thì chỉ còn khoảng nửa, và trên nửa còn lại này, bạn phải trả thuế khoảng 1/3. Tóm lại, trúng độc đắc bạn sẽ cầm trong tay 18 hay 17 chứ không phải là 50 như con số to đùng đang chớp nháy gọi mời. Chuyện cỏn con như thế mà đã lệch lạc thì nói gì đến những thông tin phức tạp ta lướt mắt qua hàng ngày.

Mấy ngày trước, kẻ viết bài này lướt vội thông tin, thấy tít “Thủ tướng Đức vỗ về một em gái tỵ nạn đang sụt sùi”, bèn nghĩ “Bà này mà cũng giả nhân giả nghĩa được nhỉ”. Hôm nay, tìm hiểu kỹ, em gái Palestine này tỵ nạn ở Đức và mong ước là có ngày sẽ vào đại học ở đây. Em khóc là vì bà Merkel bảo làm sao mà em ở lại đây được, nước Đức không có khả năng đó! “Vỗ về” em này của bà là “chính trị có lúc phải cứng rắn!”. Đây xin không bàn cãi là nước Đức có đủ khả năng nhận em bé này hay các em bé khác để các em ăn học, có nên hay không nên, hay tống nó luôn xuống biển. Đây chỉ là một thí dụ cá nhân về việc tiếp nhận thông tin ằng cách lướt “tít”, sáng dậy mà chưa uống café đủ cử thì đừng có tin vào những chuyện Bụt hiện ra tại sao con khóc mà đối tượng Bụt là bà Merkel.

.

Giải quyết vấn đề Iran là một bước tiến và là thắng lợi của phía dung hòa tại Iran cũng như tại Mỹ. Các tiền vệ Obama và Rouhani ghi được bàn thắng trong khi họ bị chính các đồng đội của họ cản trở. Iran cần mở cửa, và thôi bị phong tỏa để sinh sống bình thường thôi, Tây phương cần ổn định trong một khu vực chiến lược. Siêu cường thế giới là Hoa Kỳ không kiểm soát được bất cứ gì tại Syria, Iraq, Yemen hay là Lybia, giờ chẳng lẽ lại săn tay áo đánh luôn cả Iran là một nước có thể khóa luôn Vịnh Ả rạp, đe dọa các tiểu vương quốc dầu hỏa và Saudi. Không đánh được thì hòa chứ sao và bắt tay làm ăn thì cũng có thể khấm khá.

Bản đồ này cho thấy vị trí chiến lược của Iran trong khu vực sản xuất dầu ơt Trung Đông. Tuy bị bao vây bởi các căn cứ quân sự và đồng minh của Hoa Kỳ nhưng khả năng gây rối của Iran rất lớn, khóa cửa Hormuz là nơi 17% dầu của thế giới phải đi qua cũng như bắn phá các bãi dầu trong vùng bằng tên lửa (Shahab 3)”
ảnh từ trang này 

Nhưng tại khu vực, bước tiến bộ này làm phật lòng Israel cũng như Saudi. Saudi là thế lực địa phương đối thủ của Iran, giờ đang lạnh nhạt với Mỹ và có chiều hướng bướng bỉnh, thôi để em tự lo lấy thân em vậy nếu chàng chẳng thèm động đậy. Israel là quý phi Đắt Kỷ ho gà, thiếp móc con mắt của nó ra, và giận lẫy, ngẫu nhiên mà trong việc này hai bà thành đồng minh của nhau, khổ cái thân Bệ hạ. Saudi thập thò dùng xã hội đen Isis, Israel thập thò giúp băng đảng Al Nusra (là hậu thân của Al Qaeda và tay dao bất bình với anh Hai Cầu Muối Isis). Nhưng dùng tay dao thì có ngày nó chém cả mình như đã thấy ở trong khu vực, nhắc lại, điển hình là gương tày liếp tại Iraq, Syria, Lybia, Yemen.

Hí họa về việc Israel nuôi khủng bố. Hình từ trang này

Iran là một thế lực địch thủ tầm vóc, nhưng dù sao thì cũng nói chuyện được, không phải là giặc cỏ. Mỹ và Iran lại gần nhau có thể gây thêm thiệt hại cho Isis vì thực tế quân sự khách quan hiện nay là Mỹ ném bom trên trời và Iran giúp vệ binh Shia dưới đất ở Iraq, Syria. Iran có thể duy trì ổn định tại Lebanon (qua Hezbollah). Phần Iran, đánh Mỹ thì chẳng sợ đâu, nhưng sợ thiếu Iphone 6 cho con gái nó lướt mạng (mày chỉnh lại cái khăn cho nó kín tóc, tao mua cho mày cái smartphone mới sau khi nó bỏ cấm vận). Nhưng reo hò của quần chúng trên phố Tehran thì như đã nói, hơi có vội. 100 tỉ, hay ngay cả 500 tỉ (tương đương với GDP 1 năm của Iran) chẳng đến đâu và đầu tư, trao đổi, xây dựng hạ tầng, cần thời gian và những thay đổi tiếp mới thấy được kết quả cụ thể.

Dân chúng đổ xuống đường ăn mừng thỏa hiệp mới. Ảnh của Atta Kenare

Quay về với đầu bài không lại đi xa quá. Ví von ở mức cá nhân, bạn đi làm lương 10 triệu 1 tháng. Láng giềng tảy chay, lối xóm hung hãn vì nghi ngờ bạn muốn sắm một con dao Thái, chắc là định cắt cổ ai. Họ cô lập, anh cơm phở cấm bạn vào cửa hàng, cô thuốc lá bạn hỏi bao 3 số không thèm trả lời. 25 triệu của bạn bán cái xe máy cho bác Bảy thì mọi người xúm lại bảo bác, cấm không được trả tiền cho nó, cứ giữ lại đấy. Bạn túng thiếu ăn tiêu, hơn 2 tháng lương chứ nào phải ít, đi lại lọc cọc cái xe đạp cũ. Giờ họ bảo, đồng ý cho họ vào trong bếp khám, con dao chặt thịt thì OK, con dao cứa cổ thì không được, bác Bảy trả lại nó cái tiền xe máy đi, thì bạn mừng. Nhưng vợ bạn thì càu nhàu, mình dao gì thì kệ mình chứ, và 25 triệu này có thay đổi cuộc đời của bạn không?

Hí họa của Chappatte về áp lực đè nặng lên Iran. Bà vợ nói với ông chồng là ở đây có cảnh sát tốt (Mỹ) lẫn cảnh sát xấu (Israel) đến thanh tra

 

Ý kiến - Thảo luận

8:02 Thursday,23.7.2015 Đăng bởi:  SA
Tính toán của chánh quyền Obama về lâu về dài có thể là khôn ngoan vì khả năng bất ổn tại khu vực rất là lớn. Ví dụ, những biến chuyển của “Mùa xuân Ả rạp” đã khiến Syria, Yemen, Lybia hoàn toàn mất khỏi kiểm soát của bất cứ ai, Tunisia trên có thể trên đà và Ai cập chưa chắc nhé, chẳng có gì là chắc cả. Giờ nếu gây hấn, đánh luôn Iran thì có ổn định k
...xem tiếp
8:02 Thursday,23.7.2015 Đăng bởi:  SA
Tính toán của chánh quyền Obama về lâu về dài có thể là khôn ngoan vì khả năng bất ổn tại khu vực rất là lớn. Ví dụ, những biến chuyển của “Mùa xuân Ả rạp” đã khiến Syria, Yemen, Lybia hoàn toàn mất khỏi kiểm soát của bất cứ ai, Tunisia trên có thể trên đà và Ai cập chưa chắc nhé, chẳng có gì là chắc cả. Giờ nếu gây hấn, đánh luôn Iran thì có ổn định không? Câu này, trẻ con nào sinh trước 2003 (là lúc “chiến thắng” Iraq) đều có thể trả lời được. Khả năng là các tiểu vương quốc vùng Vịnh đi đoong (mà đi đầu là Bahrain), cũng như ngay tại Saudi.

Dù không đánh không vây Iran, rủi ro bất ổn tại Qatar, Kuwait, Bahrein, UAE, Saudi vẫn còn đấy. Đây do những mâu thuẫn nội tại mà không phải cứ dúi tiền mà giải quyết mãi được. 4-5 năm về trước, con mình có quen 2 chị em người Kuwait sang Mỹ du học. Các cháu đang lo thuê nhà v.v. Lúc ấy, nhân dịp “Mùa xuân” trong khu vực, Kuwait cũng có biểu tình chống thực phẩm lên giá v.v. Hoàng gia bèn lập tức cho toàn dân 18 tháng hay 12 tháng tiền thực phẩm căn bản và mỗi đầu người mấy ngàn USD tiền trợ cấp phụ trội, tính ra là 2 chị em này được CP tặng chung cho cả 2 vừa 1 chiếc xe con. Nhưng vài năm nữa, lại sẽ loạn, chẳng hiểu Hoàng gia có đủ sức tặng mỗi đầu thần dân tiền mua được ½ cái nhà?

Vào lúc đó, thì chỉ còn lại Iran là nơi ổn định, tiếp tục sản xuất dầu cho thế giới cho nên quan hệ bình thường lại với họ là chuyện nên làm, nhất là đối với Âu châu, lệ thuộc vào nhiên liệu của khu vực nhiều hơn là Hoa Kỳ.

Mình thì không lo điện ảnh của Iran sẽ thụt lùi. Nếu ngay cả như thế, đã có sẵn sàng cả 1 nền điện ảnh mới toanh để giao ban, là điện ảnh… Saudi  !!! 
15:33 Wednesday,22.7.2015 Đăng bởi:  Dương Trần

Mà biết đâu, cứ để Iran nó khó khăn thế, ngặt nghèo thế, phim của nó lại hay; chứ giờ cho thả cửa ra nó lại dở dở ương ương thì có phải mất cả 1 cường quốc điện ảnh đi phải không bác SA?


...xem tiếp
15:33 Wednesday,22.7.2015 Đăng bởi:  Dương Trần

Mà biết đâu, cứ để Iran nó khó khăn thế, ngặt nghèo thế, phim của nó lại hay; chứ giờ cho thả cửa ra nó lại dở dở ương ương thì có phải mất cả 1 cường quốc điện ảnh đi phải không bác SA?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả