Đi & Ở

Trời Bắc Kinh (phần 3): trời tuần ấy xanh một màu Apec 28. 08. 15 - 6:56 am

Oliver Wainwright – Minh Thảo dịch

(Tiếp theo phần 1phần 2)

Khói sương ở Bắc Kinh. Ảnh từ trang này

“Cuộc chiến một mất một còn với không khí” của Trung Quốc đã đẻ ra một đống những nỗ lực để giải quyết vấn đề, từ thần kì cho đến điên rồ. Ở thành phố Lan Châu phía tây, nơi bị Tổ chức Y tế Thế giới công bố là thành phố có không khí tệ nhất Trung Quốc, nhà chức trách đã đề xuất đào các rãnh lớn vào những rặng núi bao quanh, hy vọng giữ cho không khí ô nhiễm quẩn trong một cái ống máng phong cảnh khổng lồ, như một đường hào khí quyển. Nhưng chất lượng không khí thấp của Lan Châu là do thói quen của dân địa phương dùng mìn phá núi, hơn là do đốt than đá và khói thải xe hơi. Hơn 700 đỉnh núi đã bị san bằng để lấy đất phẳng cho phát triển, và làm nổ tung tạo một cái rãnh lớn chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Những giải pháp khác được đề xuất ở Bắc Kinh có hơi hướm vị lai hơn. Nhà khoa học môi trường Yu Shaocai đề xuất lắp những vòi phun nước trên đỉnh các tòa nhà cao để “rửa” sương khói ra khỏi bầu trời. “Nước cần được phun vào không khí như tưới vườn,” Yu viết trong tạp chí Environmental Chemistry Letters, nhận thấy phần lớn sự ô nhiễm của thành phố đều nằm lơ lửng dưới tầm 100m, nên có thể “tóm” được bằng mưa nhân tạo từ những tòa tháp cao nhất của thành phố. Là một chuyên gia trong lĩnh vực “lắng đọng ẩm” (mưa có thể rửa sạch một số phân tử không khí), ông cho rằng về mặt cơ sở khoa học là mình đã giải quyết được, khó khăn còn lại chỉ là “thiết kế hệ thống phun nước đặc biệt có thể phun được giọt nước kích cỡ tốt và đảm bảo rửa trôi triệt để ô nhiễm không khí.” Nhưng những hình ảnh được Photoshop vội vàng của ông về những vòi phun nước gắn trên đỉnh nhà cao tầng chẳng khiến người ta tin tưởng mấy.

.

Trên thực tế, lắng đọng ẩm từ lâu đã được các cấp thẩm quyền cao hơn coi là giải pháp khả thi, với sự huênh hoang kiêu ngạo muốn kiểm soát cả thời tiết. Vào 2013, Cục Khí tượng thủy văn Trung Quốc đã ban hành một văn bản đầy tham vọng, tuyên bố rằng đến năm 2015 mọi chính quyền địa phương đều sẽ có thể sử dụng mưa nhân tạo để rửa trôi sương khói. Và theo tường thuật của tờ Washington Post, ý tưởng ấy có lẽ không quá xa với hiện thực nữa: do thiếu nước trầm trọng, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào mưa nhân tạo từ cuối những năm 1950. Đất nước này giờ đây tự hào có một dàn 7.000 súng pháo tạo hạt mây, 7.000 bệ phóng tên lửa hóa học, và hơn 50 máy bay – tất cả được điều khiển bởi một đội quân 50.000 người, sẵn sàng mở một cuộc chiến toàn diện với thời tiết.

Một cực khác lại là những sáng kiến nhắm nhắm vào việc tác động đến thái độ của con người trên mặt đất. Thôi thúc bởi nỗ lực nâng cao ý thức về vấn nạn khói bụi và muốn hối thúc chính quyền ra tay, rất nhiều dự án nghệ thuật mang tính phê phán đã xuất hiện. Nghệ sĩ Anh Matt Hope đã thiết kế một “chiếc xe đạp thở”, một dụng cụ kì cục theo phong cách Heath Robinson tự làm tại gia dùng để lọc không khí khi bạn đạp xe rồi truyền khí này qua một cái ống vào mặt nạ thở như của phi công chiến đấu.

Xe đạp của Hope. Ảnh từ trang này

Đạp xe qua các ngõ hẻm trong bộ dáng giống Darth Vader bị một chiếc máy hút bụi tấn công, rõ ràng anh đã thu hút được nhiều ánh nhìn tức cười.

“Đó là một hình mẫu đầy khiêu khích,” Hope nói. “Khá cổ lỗ sĩ, nhưng đốt than đá cũng cổ lỗ sĩ đấy thôi. Đây là một giải pháp cố tình lố lăng để giải quyết một vấn đề lố bịch.”

Hope và chiếc xe đạp. Hình từ trang này

Một nhà thiết kế gan dạ khác người Hà Lan nghĩ mình có thể biến ô nhiễm thành mặt hàng sinh lời. Ròng rã mấy tháng, Daan Rooosegaarde đã xin gặp thị trưởng Bắc Kinh, trình bày về kế hoạch lắp đặt các “máy hút bụi điện tử” tại các công viên trên khắp địa bàn thành phố để hút sương khói từ trên trời. Nghe thì có vẻ xa vời, nhưng anh nói mô hình mẫu của mình sẽ có vào hè 2015.

“Tôi muốn bỏ đi các số liệu thống kê và những cuộc thảo luận giấy má thông thường,” Roosegaarde hào hứng nói với tốc độ chóng mặt, quả là một con người đang đi làm nhiệm vụ. “Nếu tạo được một nơi sạch hơn phần còn lại của thành phố đến 75%, bạn sẽ tạo nên một sự khuyến khích mạnh mẽ để người dân dọn dẹp toàn thành phố.”

Kế hoạch tạo ra một công viên không-sương-mù của Daan Roosegaarde là dùng các cuộn đồng được chôn xuống để tạo môi trường tĩnh điện hút các phân tử khói. Minh họa: studioroosegaarde.net

Hợp tác với các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Delft Hà Lan, Roosegaarde đề xuất sử dụng những cuộn đồng chôn để tạo ra một trường tĩnh điện hút các phân tử khói, tạo ra một quầng không khí sạch ở bên trên. “Giống hệt như khi tĩnh điện hút tóc bạn,” Roosegaarde nói. “Chúng tôi nạp điện cho các phân tử sương khói và hút chúng xuống đất.”

Roosegaarde cũng đã làm ra một phiên bản di động sử dụng chính công nghệ này, nhưng chứa một cấu trúc thẳng đứng như cây nêu, đặt trên một nóc nhà vòm trông như cái đền nhỏ vẫn hay thấy ở những công viên Bắc Kinh. Đây là nơi sẽ diễn ra thuật giả kim thực thụ. “Chúng tôi sẽ biến bụi thành kim cương,” Roosegaarde nói. “Chúng tôi sẽ cô đặc 1.000 m3 sương khói thành một tinh thể carbon lập phương có cạnh 1 mm – giống như một viên kim cương trên chiếc nhẫn.” Khi mua một chiếc nhẫn khói, anh nói, bạn đang đóng góp một cách thiết thực 1.000m3 không khí sạch cho thành phố.

“Vòng sương khói” của Roosegaarde chứa 1,000 m3 khói trong một khối lập phương tinh thể carbon có cạnh 1 mm. Ảnh từ trang này

“Tôi thích ý tưởng rằng bạn có thể biến một rắc rối thành thứ gì đó đáng mong muốn,” Roosegaarde nói thêm. “Tất nhiên đó không phải một giải pháp thực tế, nhưng tôi hi vọng trang sức bằng sương khói sẽ khiến mọi người bàn về vấn đề ô nhiễm – và khi thấy những khoảng trời xanh thế này trên những công viên, họ sẽ đòi hỏi phải có không khí sạch cho toàn thành phố.”

Thái độ bất mãn ngày càng gia tăng từ kể từ khi người dân Bắc Kinh hồi 2014 có dịp được thấy chính xác thế nào là trời trong xanh, khi thời tiết kì diệu được trưng ra cho các nhà lãnh đạo thế giới đến Bắc Kinh dự Hội nghị Thượng định Apec. Với những thứ biện pháp nghiêm ngặt chưa từng gặp lại kể từ Olympic 2008, toàn vùng được phong tỏa để đảm bảo cho trời xanh trong suốt tuần lễ quan trọng ấy. Các nhà máy trong bán kính 125 dặm phải ngưng sản xuất, nửa số xe hơi bị cấm lưu thông trên đường, trường học đóng cửa, và nhân viên khu vực nhà nước được cho nghỉ. Không được tổ chức đám cưới thời gian đó, không phát hành hộ chiếu, không trả thuế, không giao hàng hoá tươi sống, và không mở cửa ngân hàng. Không thiêu xác và việc chôn cất ít nhiều phải hoãn lại.

Ảnh từ trang này

Kết quả ra sao? Là một vỏ bọc khí hậu hào nhoáng bằng trời xanh hoàn hảo – là thứ nhanh chóng trở thành một chủ đề trên Internet, tạo nên cụm từ “xanh Apec” (Apec blue).

“Đó không phải xanh bầu trời hay xanh dương, cũng không phải xanh Phổ hay xanh Tiffany,” một người dùng Weibo viết. “Vài năm trước là xanh Olympic, và nay là xanh Apec.” Cụm từ đó nhanh chóng hàm nghĩa cái gì đó nhân tạo, chóng tàn, đẹp tới mức không thật. thí dụ “Anh ấy không thích bạn đâu, chỉ là một thứ xanh Apec thôi”, đám dân mạng truyền nhau cụm từ ấy.

Một người lính Trung Quốc tận hưởng trời “xanh Apec” sau khi Bắc Kinh đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh này. Ảnh: Narendra Shrestha

Trở lại Bắc Kinh trong tuần lễ Apec như thể đến với một thành phố hoàn toàn khác. Nơi đã từng là một thế giới ma quái của những con đường cách một khối nhà thôi đã biến mất, bỗng trở thành một nơi thoáng đãng với những đại lộ trải dài đến những ngọn núi xa xa, lần đầu hiện ra.

.

Và trở lại với trường Quốc tế Anh, nhà vòm sương khói đã vắng người. Học sinh đang tận hưởng một buổi học ngoài trời hiếm hoi dưới một mái nhà nhân tạo kiểu khác – vòm trời xanh Apec trong như pha lê.

.

Ý kiến - Thảo luận

15:36 Friday,28.8.2015 Đăng bởi:  candid
HN cũng sắp đuổi kịp đến nơi rồi, aqi hôm nay toàn ở mức trên 100.
...xem tiếp
15:36 Friday,28.8.2015 Đăng bởi:  candid
HN cũng sắp đuổi kịp đến nơi rồi, aqi hôm nay toàn ở mức trên 100. 
12:32 Friday,28.8.2015 Đăng bởi:  Nhạn Thê
Không biết có bạn nào nắm được số liệu tổng thể là các bạn Tàu phải chi phí tổng cộng bao nhiêu để có được màu xanh APEC trong một tuần lễ không nhỉ?
...xem tiếp
12:32 Friday,28.8.2015 Đăng bởi:  Nhạn Thê
Không biết có bạn nào nắm được số liệu tổng thể là các bạn Tàu phải chi phí tổng cộng bao nhiêu để có được màu xanh APEC trong một tuần lễ không nhỉ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả