Đi & Ở

Xem gì ở Hội Hoa Xuân (phần 2):
gỗ lũa, non bộ không dành cho tay mơ 10. 02. 16 - 6:24 pm

Bình Bát - Ảnh: NCB

Sau khi xem xong phần hoa, chúng tôi chuyển sang xem phần “không hoa”.

Đầu tiên là khu vực gỗ lũa. Theo định nghĩa của trang này thì: “Gỗ lũa là phần lõi cây cứng nhất còn sót lại của các gốc cổ thụ khô sau khi cây bị chết. Là phần gốc, lại là lõi nên gỗ lũa rất cứng và không bao giờ bị mối mọt, mục nát và các tác động của nắng, mưa, côn trùng hay dòng chảy của nước…”

 

Dĩ nhiên là sau khi nhặt được một cái gốc cây đẹp về, con người bao giờ cũng thấy mình cao hơn thiên nhiên một bậc, và thế là bắt tay vào ép cho nó một ý nghĩa, một hình hài; cần thì cho thêm tí dầu bóng.

 

Thí dụ như gọt dũa bớt để còn lại hình một trái tim

 

… một bộ óc,

 

… một con rồng,

 

… hai con người,

 

… hoặc thậm chí không rõ hình thù gì. Nhưng nhận xét hình thù của gỗ lũa và căn cứ vào đấy mà thích hay không thì đúng là kẻ… chẳng biết gì :-), vì về nhà đọc thêm mới thấy, người ta nhìn gỗ lũa là nhìn vào những tiêu chí quan trọng khác, thí dụ như xem là loại lũa gì, “lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước, hay lũa được tạo thành từ mưa gió. Mỗi loại sẽ có đặc điểm riêng về màu gỗ, đường vân…”. Thật là tiếc vì chúng tôi đã không chịu đọc trước khi đi xem.

 

Tiếp tục qua khu vực hòn non bộ. Khu vực bày thú chơi của người già hóa ra lại thu hút trẻ con ghê gớm. Chúng nó xem rất kỹ, cứ như là giám khảo, và đặc biệt ưa thích những cái nào có tượng con con bên trong.

 

Một chị trong đám nhận xét: “Sao non bộ nào cũng giống nhau, một khối to rồi một khối nhỏ!”

 

Thế là à à tinh thần “bài hai khối”, mọi người chỉ chọn những hòn non bộ nào cho càm giác thoát khỏi lối mòn, thí dụ như hòn này, mặc dù vẫn là cấu tạo hai khối giả sơn, nhưng nhìn đỡ lộ liễu hơn.

 

Một người đã từng đọc bài của anh Phó Đức Tùng trên Soi, nói là chiếu theo tinh thần anh ấy thì hòn non bộ hay cây cảnh đều cần bày tỏ được cái chí khí hoặc bản tính của tác giả, không thì cũng phải thể hiện được một không khí, cảm xúc nào đó. Chứ cứ như những hòn non bộ mới xem qua thì tuy kỳ công đấy mà chẳng thấy hiện ra trong tâm cảm xúc gì.

 

Trời khi ấy quá nắng, nên thấy cái hòn non bộ mát mẻ này, mọi người đồng thanh chọn “hoa vương” luôn, bất cần nguyên tắc của non bộ là cây không được lấn núi. Cảm xúc mà khối non bộ này mang lại, theo mọi người là: “bình an một bóng mát”. (Bạn chụp ảnh có xin lỗi là khi chụp làm mất cả cái chậu, tức là làm mất đến 30% không khí và cách định tỉ lệ của non bộ rồi).

 

Ngay gần đấy là khu vực bonsai. Các giám khảo có lẽ đang họp chấm điểm.

 

Không khí rất nghiêm túc. Nhưng không hiểu sao lại có anh thanh niên tình nguyện ngồi ở đây? Chắc trong thang điểm còn nhiều yếu tố khác nữa liên quan, kỷ luật trưng bày chẳng hạn?

 

Các chị trong nhóm thích cây dâu tằm này, mặc dù nhìn xa thì cái thân cây trắng trắng kia trông rất giống một cái giẻ lau khô bị ai đó vứt lên.

 

Tôi thì đặc biệt thích cái cây này, nhất là khi nó đang có lộc nho nhỏ xanh xanh. Không hiểu cuối cùng nó có được cái giải nào không…

 

Gian cuối cùng mà chúng tôi ghé qua là khu trưng bày cá. Phải nói là khu vực này làm cẩu thả nhất, những tấm nhựa xanh nhạt làm vách khiến các bể cá trông rất… tội nghiệp.

 

Ở bể cá La Hán, một bạn cho biết chúng thuộc họ cá rô phi, trong tự nhiên không có loại này; đây là sản phẩm của các nghệ nhân lai tạo các giống cá. Cá La Hán sống thọ, tới hơn 10 năm, đầu càng to càng quý, vân trên vảy càng lóng lánh càng ra kiểu chữ Tàu càng quý. Lúc bạn ấy nói, bọn này phục lăn. Giờ viết bài, đọc tài liệu mới biết toàn là thông tin từ Wikipedia, thế mà lúc nói không chịu trích nguồn, làm bọn này cứ tưởng nhà bạn có nuôi cá!

 

Đến bể cá La Hán hoàng tử, thấy con cá đầu rất to này, một chị kể ở nhà có đứa cháu nghịch lắm, quanh năm va đập các nơi, đầu lúc nào cũng như con cá La Hán!

 

Nhiều bể cá rất đẹp, nhưng chụp ảnh thì quá khó vì kính, vì nước… Có con cá dĩa này đẹp vô cùng, nhưng không chụp ảnh được, các bạn nên đến tận nơi mà ngắm tận mắt. Xem khu trưng bày cá xong, dù không thuộc Bộ Tâm linh cũng phải tin là có bàn tay Thượng đế, tạo cho mỗi loài mỗi vẻ, chu đáo đến từng chi tiết, từ cái vi, cái vảy.

 

Sau khi cả đoàn xem những tạo vật của thiên nhiên (và có bàn tay của con người tác động thêm), tất cả hào hứng chui vào cửa hàng hoa giả ngay trong Tao Đàn.

 

Mọi người vào rất lâu, và xem kỹ hơn bất kỳ gian trưng bày nào trước đó. Gọi mãi mới ra, ai cũng xuýt xoa: “Đẹp lắm, đẹp như hoa thật!”

Hội Hoa Xuân Tao Đàn còn kéo dài đến mùng 7 Tết. Các bạn nhớ tranh thủ ghé xem nhé, và ngó giùm ở mỗi gian cây nào được giải…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả