Xem gì ở Hội Hoa Xuân (phần 1): hoa giấy đẹp hơn phong lan
08. 02. 16 - 10:06 pm
Bình Bát - Ảnh: NCB
Hội Hoa Xuân 2016 của thành phố Hồ Chí Minh khai mạc hôm 25 Tết thì 26 bọn tôi kéo nhau đi xem. Đi ban ngày để đỡ chật và xem được hoa dưới ánh sáng mặt trời. Nguyên tắc đặt ra thế mà vẫn có kẻ trong đám đeo kính râm xem hoa.
Vào cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai, vé 20.000đ/người lớn. Không khí bên trong đã rộn ràng. Một ban nhạc chơi trên bãi cỏ ăn mặc kiểu Hawaii. Bạn tôi đến gần để chụp ảnh, khi quay về nhận xét: “Hát nhép trắng trợn”.
Tuy nhiên, một cảm giác an tâm bao trùm khi đi lại trong khu Hội Hoa, khi thỉnh thoảng lại thấy các chiến sĩ của lực lượng cơ động có mặt canh chừng có kẻ gian trà trộn kiếm ăn không.
Hội Hoa bày thành từng khu vực. Thí dụ đây là khu vực bày mai – hoa Tết của miền Nam
Nói chung mai mà đã lọt vào đây thì dù nhỏ dù to, cây nào cũng đẹp (tuy giống giống nhau), thậm chí có cây “hoàn hảo” đến mức trông như hoa giả, kiểu cây này.
Có cây này dáng trông lạ mắt, tuy hơi có vẻ “què cụt”. Chúng tôi cá nhau là cây này có được giải không. Tôi bảo không.
Có một cây mai “nổi bật nhờ vẻ chìm lỉm” của nó: màu hoa rất nhạt, lại hơi tái xanh.
Đến sát nhìn thì thấy hoa như thế này (chúng tôi không dám chụp quá sát nên hoa không được nét. Có chị phóng viên ảnh kia cứ dí một ống kính to và đen vào sát một bông mai vàng của cái cây gần đó, chắc để chụp kiểu MPK, trông thật đáng sợ. Nhìn chị, chúng tôi không khỏi nghĩ đến một con ong vò vẽ thô bạo sắp làm rụng cánh hoa).
Thương nhất là ngay cạnh khu bày mai hoành tráng là một khu vực bày những chậu nho nhỏ, như dạt ra. Cũng có treo mã số thì chắc là có dự thi, nhưng có lẽ vì bé quá, chủng loại ít thí sinh quá nên bị dồn vào một khu hơi hẻo. Trong đám ấy, có cây đào này, thân xù xì và hoa thắm kiểu “vượt khó”.
Giữa trời nắng của miền Nam mà nghệ nhân nào làm cho cây đào này nở hoa được, kể cũng tài. Người bạn đi cùng kể là dưới Thủ Đức, có người trồng cây đào, muốn nó ra hoa thì gần Tết phải treo bịch nước đá ngay gần gốc. Một bạn khác xen vào, bảo nhà bạn cũng trồng đào ngay tại miền Nam, hoa cũng ra và chỉ nở ở khu vực… mái tôn, là nơi nóng nhất. Bạn này không bao giờ nói dối nhưng câu chuyện có vẻ khó tin?
Miền Nam vài năm nay hoa Tết có bông giấy. Họ trồng làm sao mà cây hoa giấy đặc hoa là hoa. Ở Hội Hoa Xuân này, các nghệ nhân còn ghép lại để một cây bông giấy có thể có nhiều màu hoa rực rỡ.
Màu rực rỡ của khu vực trưng bày thu hút các nhiếp ảnh gia đến tác nghiệp không khác gì thu hút ong bướm.
Miền Nam cũng thích chơi sứ Thái Lan. Để cây này ra hoa nhiều vào kịp Tết, đọc trên mạng thấy rất khổ thân cái cây: tháng 7 âm phải nhổ cây lên, cắt cành như ý, bôi vôi chống nhiễm trùng, 10 ngày sau mới trồng lại trong đất tơi xốp. Cây sẽ đâm cành mới, ra hoa, đúng dịp Tết là “dùng được”. Đây là khu vực bày sứ.
Nhưng ở Hội Hoa này, có nhiều cây sứ hoa rất lạ, không như những cây sứ Thái Lan ta vẫn thấy ở tiệm bán cây thông thường. Có loại trông như… hoa khác, không phải sứ!
Cuối cùng, do sợ cái lạ, cái mới, vẫn thấy cái quen là an toàn, đáng yêu, chúng tôi đồng loạt chọn cây này làm hoa hậu trong khu vực sứ Thái. Lý do: hoa nó… giống hoa sứ, thân nó lại to như cây đại, mang lại cảm giác ổn định và “đúng lề”. Mong là giám khảo đừng như chúng tôi.
Chúng tôi cũng có đến khu bày hoa phong lan nhưng sao năm nay phong lan có vẻ ít, và nói chung cấu tạo đơn điệu khiến phong lan lúc nào cũng gây cho chúng tôi cảm giác đang xem hoa giả. Cả đám bảo xem khu bày xương rồng còn vui hơn.
Không ngờ ở đây cũng tụ tập nhiều nhiếp ảnh gia đến thế.
Có những bụi xương rồng trông rất mịn, chỉ muốn đưa ta vuốt một cái như vuốt má một cô gái, kèm ngay theo đó là ý thức về những cái gai. Lại có bụi xương rồng xanh như ngọc, gai xếp như viền đăng ten.
Còn đây là thang điểm chấm xương rồng.
Còn những khu vực khác, xin được kể tiếp vào bài sau. Giờ là 10h đêm mùng Một Tết, phải ngồi tường thuật lại chuyện xảy ra từ 26 Tết như thế này quả là một cực hình 🙂
Cây mai màu hoa nhạt và tái xanh mà bác Bình Bát mô tả là hoa mai trắng, còn gọi (Nho) là bạch mai. Em hỏi phụ huynh thì mới biết hoa gốc ở Bắc, trong Nam không có. ...xem tiếp
11:38Thursday,11.2.2016Đăng bởi: NMH
Cây mai màu hoa nhạt và tái xanh mà bác Bình Bát mô tả là hoa mai trắng, còn gọi (Nho) là bạch mai. Em hỏi phụ huynh thì mới biết hoa gốc ở Bắc, trong Nam không có.
...xem tiếp