Nghệ sĩ thế giới

Vì sao Claude Monet không thích vẽ trong xưởng? 18. 05. 16 - 7:43 am

Tác giả: Karin H. Grimme - Thúy Anh dịch

Sinh thời Claude Monet chuyển nhà thường xuyên. Nhưng chỉ khu vườn trong những căn nhà này là nơi họa sỹ mãi lưu lại. Đó là ở Argenteuil, Vetheuil và sau đó là ở Giverny. Khu vườn nổi tiếng ở Giverny (tác phẩm “Hồ hoa súng” vẽ năm 1899) của Monet thường khiến chúng ta quên rằng mối quan tâm về vườn tược hoa lá của ông không bắt nguồn từ đó, vì ông đã vẽ hoa từ những năm giữa thập niên 1860. Khi vẽ tĩnh vật hoa lần đầu vào giai đoạn này, Monet viết cho bạn Bazille rằng: “Giờ đây hoa lá rất đẹp… sao ông không vẽ chúng đi, tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời.”

“Hồ hoa súng”, Monet vẽ năm 1899

 

“Khu vườn nghệ sĩ ở Giverny”, Claude Monet, 1900

Cái “điều tuyệt vời” ấy bán rất chạy thời đó – một khía cạnh rất quan trọng về chứng hụt tiền kinh niên của Monet. Trong khoảng 1882–1885, người kinh doanh mỹ thuật Durand-Ruel đã đặt 36 bức tĩnh vật của Monet, một vài bức trong đó được dự tính dành riêng cho nhà ông ấy. Gia đình Monet đã sống ở Vetheuil từ mùa thu 1878, một làng nhỏ dọc sông Seine phía Tây Paris. Không gian thôn dã hẻo lánh đối nghịch với không khí nhộn nhịp tấp nập của thành phố. Monet đã tường thuật nhiệt tình “quang cảnh quyến rũ xung quanh” trong bức “Cây mận nở hoa ở Vetheuil” và “Đồng hoa anh túc gần Vetheuil” (1879, Zurich, bộ sưu tập Quỹ tài trợ E. G. Buhrle). Nổi tiếng hơn tất cả là tác phẩm vẽ năm 1881, “Cánh đồng lúa mì” (Cleveland/Ohio, Bảo tàng mỹ thuật Cleveland) thể hiện màu sắc thẫm đậm của dải đất rộng nơi sông Seine giữa mùa hè.

“Cây mận nở hoa ở Vetheuil”, Claude Monet, 1879

 

“Đồng hoa anh túc gần Vetheuil”, Claude Monet, 1879

 

“Cánh đồng lúa mì”, Claude Monet, 1881

Con trai thứ hai và là con út của Monet đang sáu tháng tuổi khi vợ ông Camille lâm bệnh nặng, bà qua đời một năm sau đó, tháng 9. 1879. Alice Hoschede, vợ trước của Ernest Hoschede bạn Monet, đã đến nuôi Camille bệnh. Bà mang sáu đứa con từ cuộc hôn nhân trước của mình vào nhà Monet, sau đó trở thành vợ kế của ông.

Một nhà báo từng hỏi Monet về xưởng vẽ của ông ở Vetheuil, và Monet đã trả lời: “Xưởng của tôi! Nhưng tôi chưa bao giờ cần một cái xưởng, tôi không hiểu tại sao người ta giam mình trong phòng – có thể là để họa (draw), nhưng đó không phải là vẽ (paint).” Tuy vậy, không chỉ theo đuổi cái “không gian ngoài trời” lý tưởng mà các họa sỹ Ấn tượng thường nói, Monet đôi khi cũng rút vào xưởng làm việc. Ở Vetheuil thì đúng thật xưởng của ông chỉ là cái phòng nhỏ trên gác mái, xưởng phải thu lại do nhà có nhiều người.

Tác phẩm “Khu vườn của họa sỹ tại Vetheuil” là khu vườn nằm cạnh sông Seine, thật nhỏ bé so với con sông. Dải bậc thang dẫn từ nhà ra vườn cây ăn trái nằm trên bờ sông. Sông Seine lúc này đã bị ô nhiễm bởi nước thải của thành phố Paris, chúng được tháo thải ở Asnieres nhưng nhờ vậy cây cối sum suê vì nước chứa nhiều dinh dưỡng.

“Khu vườn của họa sỹ tại Vetheuil”, Claude Monet, 1881

Trong bốn tác phẩm, Monet chọn góc nhìn thấp dưới bãi cỏ để các dải bậc thang làm trục chính trong tranh. Cảnh bậc thang, những bông hoa hướng dương nở to khổng lồ cùng lay-ơn đỏ mọc trong các chậu xanh và trắng cho thấy tác giả có ý đồ thể hiện một hướng dịch chuyển từ dưới lên. Ánh mắt của người xem sẽ tự động lần theo các nấc thang từ thấp lên cao rồi được dìu tiếp bằng cái ống khói – hai chi tiết được cố tình vẽ thẳng hàng chĩa vào bầu trời kết thúc cách mép tranh chỉ một khoản nhỏ. Chính xác ngay trên trục dọc này là nhân khẩu nhỏ nhất nhà – Jean-Pierre Hoschede bốn tuổi – đứng ngay chân dải bậc thang.

Chi tiết hoa hướng dương nở to hai bên bậc thang

 

Chi tiết hoa lay ơn trong các chậu xanh trắng

 

Chi tiết các ống khói gần mép tranh

 

Chi tiết cậu bé Jean-Pierre Hoschede

Tác phẩm này cũng phản ánh lời bình của Emile Zola: “Claude Monet thích công viên kiểu Anh có dáng vẻ một góc rừng. Ông thích tìm vết tích của con người ở mọi nơi… Như một cư dân Paris thực thụ, ông thích Paris là đồng quê, ông không thể vẽ phong cảnh mà quên kèm vài quý bà quý ông ăn mặc đẹp đẽ.”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả