Văn & Chữ

Trần Quốc Huấn: Người tài năng sớm bỏ nghề 20. 03. 16 - 4:17 pm

GIới thiệu của Bảo Ninh - Truyện của Trần Quốc Huấn

 Đầu tiên, mời các bạn đọc một đoạn trích trong bài giới thệu rất hay của nhà văn Bảo Ninh:

.

Ngày đó (1987), nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, tờ tạp chí văn học uy tín hàng đầu này mở cuộc thi truyện ngắn. Đấy cũng là đợt vận động sáng tác văn xuôi lớn và rộng khắp nhất trong cao trào Đổi mới văn học. Đã có cả ngàn tác phẩm của hàng trăm tác giả dự thi.

Vinh dự Giải Nhất cuộc thi thuộc về chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quốc Huấn. Sự nổi trội lên này có thể nói là đáng ngạc nhiên, không chỉ vì tác giả là một tên tuổi hoàn toàn mới, trước cuộc thi chưa từng hiện diện trên văn đàn, mà còn bởi vì những truyện ngắn dự thi của anh rất khác “ tông” với xu hướng văn xuôi cởi trói đang rất thịnh hồi bấy giờ.

Bấy giờ, đang tập viết văn ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi và các bạn học chăm chú dõi theo cuộc thi, đọc và thảo luận kỹ lưỡng từng tác phẩm tác giả. Những truyện ngắn của Trần Quốc Huấn, nhất là sau khi được giải thưởng, là một trong những trọng tâm gây tranh cãi, gần như chia đôi tổ văn xuôi lớp chúng tôi ra thành hai nhóm khen – chê, thậm chí kịch liệt, bảo thủ – cấp tiến. Văn học cái thời đó nó như thế, chẳng phải là sân chơi, chẳng phải những trò đùa.

Trong các truyện ngắn Trần Quốc Huấn hầu như không có cái mà người ta vẫn gọi là “ cốt truyện”, cũng không có cái vẫn được gọi là “ nút thắt kịch tính”. Mạch văn của anh trầm, nhịp điệu chậm, câu chữ cẩn trọng, kỹ lưỡng, có thể nói là cầu toàn đến từng dấu phẩy, cân nhắc ở từng chỗ xuống dòng, lựa chọn từng điểm ngắt câu, chuyển đoạn. Chữ dùng phải sao cho thật đắt, ít lời nặng ý, tinh tế mà không làm dáng, giản dị mà không hời hợt…

Song, có lẽ cũng một phần bởi tính vị nghệ thuật quá đậm như thế mà các tác phẩm của Trần Quốc Huấn không nổi trội lên đình đám trong cái thời buổi văn chương vừa mới đổi đời, vừa đặc sắc vừa rối ren, không biết đằng nào mà lần ấy. Một phần nữa, do vì nhân vật trong những truyện ngắn của anh cũng hầu hết là những kẻ lạc thời. Đấy là những phận người nhỏ nhoi và đơn độc, ảm đạm đắp đổi qua ngày trong sự âm thầm cam chịu. Những thân phận “ sống mòn” ấy dường như chẳng hành động gì, nhất là hầu như chẳng nói gì, chẳng phát ngôn này nọ gì hết, chỉ độc thoại và chỉ cứ một mình miên man trong những nghĩ ngợi, những suy ngẫm, hồi ức và hoài niệm. Những nhân vật văn học lẳng lặng và không lời như vậy rất xa lạ với mẫu người khẩu khí của văn chương nửa báo chí sôi nổi và thời thượng những năm thập niên cuối 1980 đầu 1990.

Tác phẩm không thời thượng, còn bản thân tác giả thì ẩn đi, dù vẫn tiếp tục sáng tác mà không còn muốn xuất bản. Nhà văn dần tránh khỏi văn đàn, xa rời độc giả văn học để chuyển qua lĩnh vực điện ảnh. Thực tình là tôi vẫn mãi thấy buồn và tiếc, vẫn mãi không thật hiểu vì sao anh quyết định như vậy.

Giờ đây, sau chừng bấy năm, được đọc lại các tác phẩm của anh, tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến. Bởi tình cố tri thuở nào và bởi nỗi những tác phẩm này khiến tôi xúc cảm sâu xa còn hơn cả khi xưa vừa đọc lần đầu. Đã từ lâu lắm rồi, ngoại trừ đôi lần đột ngột được là độc giả của một số rất hiếm tiểu thuyết hay bất thường của đương thời, tôi không còn bị lay động như thế nữa khi đọc truyện… (Bảo Ninh)

*
Người linh kèn về làng” của Trần Quốc Huấn quả là một tập truyện ngắn mà Soi nghĩ bạn nào thích văn chương Việt Nam cũng nên có trong nhà. Sách do nhà xuất bản Trẻ mới ấn hành. Và bây giờ, mời các bạn đọc một truyện trong tập – truyện “Mùa trái rụng nhiều”

*

MÙA TRÁI RỤNG NHIỀU

MÙATranh của Phạm Bình Chương

Tháng 7-1965, Mỹ ném bom vào Sở Dầu thành phố. Chiến tranh hiện diện thật hùng hồn: toàn thành ngập trong những cuộn khói khổng lồ màu đen sẫm. Và ngay đêm đó, dưới ánh trăng suông nhợt nhạt, những dòng người xe bìu ríu túa về các ngả ngoại vi thành phố. Cơ quan của những người chủ gia đình sơ tán định vị ở nơi nào thì cả bầu đoàn thê tử tiến về nơi ấy. Một cuộc hành hương lổm ngổm, truân chuyên, nhưng không hẳn là buồn. Chiến tranh vừa xa lạ, kinh dị, vừa gần gũi, hào hùng biết bao.

Hoàng Thịnh ngồi suốt đêm bên đường, trước lều cắt tóc của mình, cắn móng tay, ngẫm nghĩ loăng quăng. Nhà có hai mẹ con. Thần chết sáng suốt đã đột ngột dắt mẹ Thịnh đi cách đây nửa năm, để bà sớm sủa thoát khỏi cơn tao loạn khôn lường này. Ngay lập tức, Thịnh xin thôi học ở một trường trung cấp sư phạm tỉnh, vì bà mẹ nghèo của anh không để lại chút của nả gì ngoài căn nhà sâu hoắm, hẹp lòng, đầy tiếng mọt nghiến và gánh cháo sườn đã bán hết. Cần phải kể thêm một cái bao tải đựng đầy xương lợn đã phơi khô trên gác bếp. Bấy giờ và cho đến mãi sau này Thịnh không sao hiểu nổi bà mẹ lại lẩn thẩn tàng trữ những mớ xương khô phơi nắng đến bạc trắng ấy làm gì. Chỉ biết là đêm nay, Thịnh thức trắng với lòng dạ ngổn ngang, bên lề một cuộc tản cư vừa nhốn nháo, vừa bình thản kia. Anh không thuộc cơ quan, đoàn thể nào, lại hoàn toàn cô độc, nên tất nhiên, là chẳng biết về đâu.

*
– Anh bao nhiêu tuổi, sao không ghi vào đây? – Tay cán bộ tổ chức ở tỉnh đội uể oải đọc lá đơn tình nguyện nhập ngũ của Thịnh, không ngẩng mặt lên, hỏi.

– Dạ, em hai mốt, tuổi Dậu, Ất Dậu đấy ạ.

– Ất ơ gì ở đây! Mà sao không ghi thành phần xuất thân?

Rất khó có thể tự quy thành phần khi bà mẹ vốn bán cháo sườn rong, đã mất, còn mình là học sinh vừa bỏ học. Thịnh ú ớ…

– Bỏ kính ra! Sao vào đến đây rồi mà vẫn đeo kính đen?

Thịnh cứng người lại. Thế là hết. Bỏ kính ra thì còn gì để nói nữa. (Thời ấy, đã là cửa quyền, thì ngay cả một tay tổ chức tuyển quân đi đánh nhau, chín phần mười là vào cõi chết, cũng có thể cửa quyền). Chỉ khổ cho Thịnh. Anh muốn giấu, nhưng không giấu được. Chiếc kính đen kịt như kính thầy bói buộc phải gỡ ra, lóng ngóng, khổ sở. Thịnh bị hỏng một mắt, lại là mắt bên phải, tức mắt ngắm bắn.

– Anh định đùa với chúng tôi, hử?

Gắng lắm, Thịnh mới giữ được mình không nhoài nửa người lên mặt bàn, để nắm lấy bàn tay dùi đục của gã cán bộ tỉnh đội. Giọng anh hốt hoảng:

– Không, em không hề… dám đùa với quân đội nhân dân. Xin anh giúp em. Em có thể làm nhiều việc ngoài bắn súng. Ví như… cắt tóc, hay cấp dưỡng, hay… thậm chí… ném lựu đạn… Em đã nghĩ rất kỹ.

Cán bộ tỉnh đội nhìn như đóng đinh vào con mắt lành của Thịnh, thở dài:

– Trước hết, biểu dương tinh thần của đồng chí, dù tôi vẫn chưa biết đích xác thành phần xuất thân của đồng chí. Song, đồng chí cũng phải hiểu rằng: quân đội ta, chưa đến nỗi nào…

“Để phải nhận một thằng chột như mình” – Thịnh hiểu, hiểu từ lâu rồi, và lòng anh tràn ngập cay đắng. Anh có dám oán trách gì đâu. Chỉ buồn thôi. Giống như sự thảm bại hiển nhiên của một phép thử liều lĩnh. Thịnh biết, năm trước, một anh bạn cùng phố đi khám tuyển, họ còn bắt nhúng chân vào vôi bột rồi dẫm lên nền nhà, xét độ lõm của gan bàn chân, xem có đủ tiêu chuẩn không. Có trường hợp tất cả đều trúng, duy có một nốt hắc lào bằng cái khuy áo, cũng sẽ là “B. oong” hay “B. đơ” gì đó… Nghĩa là hỏng hẳn.

Chiến tranh ư, Thịnh chẳng có gì để mất, vì anh hoàn toàn cô đơn, có chăng chỉ là mất phương hướng – điểm định vị, neo đậu để mà tồn tại. Ngày hôm sau, máy bay Mỹ mở rộng phạm vi đánh phá. Sở Dầu cháy nốt chỗ cặn, khói đen đặc hơn, và bắt đầu có tàn rụng. Thịnh phủi tàn cháy trên vai áo, quyết định: Sẽ đi về hướng nào có nhiều người sơ tán nhất.

Tranh của Phạm Bình Chương

* *

Cái thị trấn vu vơ của một huyện hẻo lánh, bỗng nhiên đông vui sầm uất lên rất nhanh, như có một phép màu. Sẽ chẳng mấy người biết đến nó, nếu không có một cuộc tản cư rầm rộ, chóng vánh đến thế. Nó sầm uất chủ yếu nhờ vào sự tập kết của một loạt cửa hàng mậu dịch: Cửa hàng gạo, chất đốt, thực phẩm bán theo tem phiếu. Và cả cửa hàng ăn uống giải khát có mì không thịt, cơm tem, và si-rô thường xuyên. Nơi này có thể nghe vọng lại từng hồi còi báo động căng thẳng, ảo não từ thành phố. Cũng như có thể nhìn thấy những chớp lửa bùng lên, những tốp máy bay nhỏ hơn những chú chim chả bổ nhào xuống, rồi lại vụt bay lên quanh những đụn khói trắng như núm bông của pháo cao xạ…

Thịnh cắm lều cắt tóc của mình ở rìa phố Mới, dưới một gốc bàng ba tán xum xuê. Thịnh cũng không hiểu tại sao người ta lại chừa ra một khoảnh đất ngay dưới gốc cây vừa lành, vừa mát này. Hiệu cắt tóc của Thịnh mau chóng đông khách. Anh tự sơn vẽ lấy tấm biển quảng cáo khiêm tốn, nhưng cũng rất hiện đại ở thời ấy. Hai chữ “cắt tóc” dùng chung một chữ T ở giữa, nên thành: “CATOC”. Anh chỉ dùng “tông đơ” đối với các vị cán bộ huyện xã và đám trẻ nhà quê. Còn đối với dân sơ tán, đặc biệt đám học sinh trường cấp ba, thì anh thuần dùng kéo. “Mai trắng, gáy xanh”, rồi tiến tới “Mai xanh, gáy vuông”, tỉa đuôi… Ăn nhau ở tiếng kéo, cách… tờ rách… tách… cách… ròn rã, biến ảo. Sau hết là một chút nước hoa pha nước lã, xịt, một cách hào phóng, hoàn hảo cả lên những cổ áo cáu ghét và mồ hôi muối. Khách xếp hàng một cách tự nguyện, ai cũng muốn lấy lòng ông chủ. Còn ông chủ thì luôn kín đáo tỏ ra là mình vẫn có một chút thiên vị riêng với từng người. Không thể so sánh tay nghề Thịnh với bất cứ tay thợ vườn nào tay xách hòm gỗ, nách cắp ghế xếp, luồn lách nơi xóm ngõ, rất hay xẻo nhầm vào tai, hay cạo lấn vào thịt của khách. Một ông chủ nhiệm hợp tác kể câu chuyện này làm quà khi bước vào tiệm Thịnh: Chính ông ta đã dại dột làm mồi cho một gã thợ cạo rong kiểu đó. Gã đang tâm cắt cho khách bằng cái “tông đơ” cùn rỉ từ thời Pháp thuộc. Cắn răng chịu đựng, đến nửa chừng, ông chủ nhiệm cực chẳng đã, buộc phải thốt lên: “Tôi xin ý kiến…”. Gã thợ cạo dừng tay, giương đôi mắt gián nhấm: “Gì thế?”. “Tôi có ý kiến thế này, anh cắt thì hẳn ra cắt, còn nhổ thì hẳn mẹ nó ra là nhổ! Chứ còn nửa cắt nửa nhổ thế này, thì xin anh cho tôi thôi”. Thịnh cười mỉm, mát lòng và kiêu hãnh. Rõ ràng, Thịnh không có đối thủ cạnh tranh, ít nhất là ở khu vực đông đúc cư dân này, về nghề.

Nguyễn Hoàng Long, “Góc phố”

Buổi chiều, trời sậm sựt mưa, nên tối xuống rất mau. Vãn khách, Thịnh chột đã định hạ gương, dẹp ghế để nghỉ thì một vị khách ập vào: lão chủ hiệu “Thịt cầy tám món”. Kể cũng lạ, đã là khách quen của Thịnh, vậy mà lần nào lão ta bước vào cũng làm Thịnh giật mình. Không hẳn vì sự xuất hiện đường đột sau những bước chân âm thầm như chân thú. Không hẳn vì tiếng cười phát ra khìn khịt ở mũi, cũng không hẳn vì mùi thịt cầy toát lên từ lỗ chân lông… mà vì một cái gì đó mà Thịnh láng máng cảm thấy ở ngoài giống người thường. Thịnh biết, qua lũ khách trẻ con: Ông ta đi vào các làng, kể cả ban đêm, chó các nhà đều cúp đuôi, lui lủi, tịnh không có tiếng sủa, chỉ ư ử trong họng như rên lên mê mụ.

“Xoảng”, cái kéo trên tay Thịnh rớt xuống mặt bàn. Không nhận ra cú giật mình của anh thợ cạo, lão thịt chó cười khụt khịt:

– Chà, nghỉ sớm thế, hử? Giúp tớ cái nào.

– Để sáng mai được không? – Không hiểu sao Thịnh thoáng thấy bực mình. Tim anh vẫn đập khác nhịp.

Không đếm xỉa gì đến lời thoái thác ấy, lão thịt chó ngồi xuống ghế, tự khoác tấm vải choàng lên vai, rồi, lặng lẽ nhìn Thịnh qua tấm gương. Lão nhìn anh rất lâu, chăm chú, như nhìn một vật lạ. Giọng lão khào khào thân mật:

– Cắt đi. Còn lâu mới tối. Nắng lên bây giờ đấy!

Thịnh liếc con mắt lành ra ngoài khuôn cửa: Mưa vẫn sậm sựt, hàng phở đối diện đã nhập nhèm đèn đóm. Anh thở dài cầm lấy kéo.

– Dùng cái kia, cho nhanh – Lão thịt chó hất hàm chỉ cái “tông đơ”.

– Kiểu gì đây? Như trước nhé! – Thịnh buộc lại khăn choàng, tránh nhìn vào mắt ông thịt chó trong gương.

– Đừng, khác trước đi! Trọc!

– Thế là thế nào?

– Là như sư ấy! Chưa nhìn thấy sư bao giờ à?

Thịnh lại thở dài. Không, không thấy mùi rượu lẫn vào…

– Bắt đầu đi – Ông khách khích lệ chủ – Xong, tớ sẽ đãi đằng ấy một chầu túy lúy. Món thứ tám, hiểu chưa?

Tiếng “tông đơ” bắt đầu lạch xạch…

– Tại sao cầy tơ lại chỉ có bảy món nhỉ? Thế là ấn định rồi. Làm chó gì có giới hạn ấn định, nhất là với nghệ thuật. Sao, sao lại cười? Làm thịt chó bản thân nó không là nghệ thuật hử? Cậu dở lắm, chật chội, hạn hẹp… Thương lắm! Mình phải tự tìm lấy một khoảng hở cho mình và cho khách chứ. Món thứ tám là gì, biết chưa?

– Chưa! Ông cúi đầu xuống một tý.

– Món thứ tám, đơn giản là nó nằm ngoài món thứ bảy. Đó là khoảng hở thưa thoáng của sáng tạo. Bất cứ ông khách nào, kể cả ông cũng có thể tùy thích nghĩ ra một món nào khác, ngoài bảy món tiền định. Và tôi sẵn sang đồng tác giả với ông, tức là thực hiện ý đồ sáng tạo của ông, bằng ngon thì thôi. Hử?

– Hiểu! Nhưng đừng ngọ nguậy nữa. Vào tai bây giờ.

– Thì cứ vào tai đi! – “Xoạch!” – Lão thịt chó luồn nhanh tay vào túi quần quăng lên mặt bàn gói bông băng cá nhân, (loại của Hung viện trợ, người ta dùng phòng thân nhan nhản trong những ngày này) – Sao cậu có vẻ lơ đễnh đối với nghệ thuật thế nhỉ. Cậu giả vờ thôi, tớ biết. Này, nói thật nhá, nghe, mà nhớ nhé: Cậu, trước sau cũng sẽ phải làm nghệ thuật! Cậu, sẽ bỏ nghề thợ cạo này. Dứt khoát!

Tiếng dao cạo soàn soạt bỗng ngừng bặt.

– Tôi bỏ nghề ngay từ phút này đây!

– Ấy đừng… cậu đừng đùa. Ít nhất thì cũng phải xong cái đầu này đã chứ.

…Trong bóng tối nhá nhem, Thịnh rờn rợn khi nhìn vào trong gương: Một ông sư hoàn chỉnh, đầu trọc bóng, nhưng mắt mũi cứ loang loáng. Và nồng sộc lên mùi thịt chó. Có vẻ như cái mùi của món thứ tám vô hình.

Phạm Bình Chương, “Đối thoại”

* *

Thịnh đột ngột bỏ nghề thật.

Buổi trưa hôm ấy, một tốp phản lực Mỹ không hiểu sao cứ vòng đi lượn lại quanh khu vực Mới. Hay chúng nghi cái cửa hàng thực phẩm và chất đốt đông người nườm nượp kia? Dãy phố lặng đi nơm nớp. Dân chúng có thói quen tự giác rà soát lại tất cả những cái gì có thể làm lộ mục tiêu. Một cái tã trắng chăng trên dây phơi, hay một cái mâm nhôm ánh lên hớ hênh ngoài nắng… Bỗng từ phía bờ ruộng lanh lảnh cất lên tiếng chửi:

– Ối giời ơi! Cái thằng bỏ mẹ nào mặc áo trắng lốp đi giữa đồng kia! Cha tiên sư bố thằng chỉ đi…ểm…!

Thịnh chợt vòng ra sau lều nhìn: Phía xa, trên con đường giữa đồng nối hai làng có một gã đàn ông mặc áo trắng lốp thật. Hình như gã vẫn chưa nghe thấy tiếng chửi lẫn tiếng máy bay. Gã nghênh nghênh, vung vẩy, nách cắp một cái gì đó vuông vuông, cũng màu trắng xóa.

– Sư bố thằng gián điệp kia, mày điếc à…

Lập tức rộ lên thêm nhiều tiếng quát lác, chửi rủa, nhặng xị, thất thanh… Có vẻ như gã áo trắng kia đã nghe thấy. Gã đứng sững lại, dỏng tai lên.

– Ối giời ơi… Nó còn đứng lại nữa kìa! Sư bố thằng khốn nạn!

Đến đây thì gã áo trắng khốn nạn đã nhận thức được tình hình, vùng chạy về phía phố. Trên trời, máy bay như khép dần vòng lượn.

– Chết rồi…! Nó lại còn chạy cho “bố nó” nhìn rõ kìa… Thằng chỉ điểm cởi áo ra! Cởi ra…a…a!

Gã chỉ điểm cuống quýt vừa chạy vừa cởi áo. Nhưng ngay lập tức một bà đã tru tréo đến lạc giọng:

– Ối giời ơi… nhìn kìa! Nó cởi áo ra nom còn trắng hơn cả mặc áo kìa! Thằng kia, mày định giết cả xã này đấy hả!

Quả thực, lần đầu tiên Thịnh chợt nhìn thấy một gã đàn ông có nước da trắng đến thế, cứ loa lóa dưới nắng.

Một bà khác nhanh trí gào:

– Lăn xuống ruộng! Lăn xuống đi! Chết cả nút bây giờ!

Gã “cởi trần trắng hơn cả mặc áo” lóng ngóng lăn ào xuống thửa ruộng cày ngập nước… Gã không chết vì “rốc két”, nhưng dứt khoát sẽ chết vì sặc bùn, nếu ngay sau đó tốp phản lực Mỹ không cuốn xéo. Lóp ngóp bò lên mặt đường, toàn thân gã nhuộm sũng bùn ruộng. Lúc bấy giờ người ta mới bật cười. Cười xong thì thương hại. Thịnh chột chỉ cho người đàn ông cái ao ở sau nhà:

– Anh xuống tắm đi! Lần sau thì nhuộm áo đi nhé.

– Nhuộm rồi đấy còn gì! – Anh ta buồn rầu nhìn xuống cái áo pôpơlin “song hạc” nhúng bùn đặc quánh, rồi rên rỉ:

– Chết tôi rồi, hỏng hết cả rồi…

Hóa ra cái khối vuông vuông, trăng trắng cặp ở nách anh ta lúc nãy chính là những bức vẽ phác thảo. Một vị công an xã có mặt ngay sau khi anh ta từ dưới ao lướt thướt đi lên. Ông ta lẩm nhẩm đọc tờ giấy giới thiệu sũng nước: “Họa sĩ Trần Thế Thiện, thuộc hội nghệ sĩ tạo hình được điều về huyện L.N, để lấy thực tế sáng tác.”

– Xã không có nhà khách đâu. Anh ở đây với tôi cho vui, tôi có một mình – Thịnh chân thành. Họa sĩ nghiêng mặt nghĩ một lát, rồi nhận lời.

– Anh có muốn cắt tóc không, cho nó mát?

– Không. Cám ơn. Mát lắm rồi.

Sang tới ngày thứ ba thì họ thực sự trở thành đôi bạn tâm giao. Họa sĩ đồng ý đưa đầu cho Thịnh cắt. Còn Thịnh chột thì mê mẩn, nể phục họa sĩ, từ cách nói chuyện khoáng hoạt cho đến những bức ký họa tài tình. Bấy giờ là năm Mậu Thân, cuộc chiến vào thời kỳ quyết liệt và thảm khốc.

Tranh của Lưu Công Nhân

*

Một sáng, từ rất sớm lão thịt chó đã lẳng lặng bước vào. Thịnh lại giật bắn người, rồi định thần bằng cách lạnh nhạt bảo lão ngồi đợi. Anh liếc con dao xoèn xoẹt vào miếng dao treo trên vách, rồi giũ giũ tấm vải choàng hàng tháng không giặt… Lão “cầy tơ tám món” nặng nề ngồi xuống trước gương. Lão nhìn vào gương, nhưng lần này không xoáy cái nhìn vào Thịnh, mà nhìn vào chính mắt mình. Nhìn rất kỹ lưỡng, im lìm, thờ thẫn.

– Hôm nay sao thế? Không bắt được chó à?

Lão im lặng. Thịnh gai gai người, mọi lần lão đặt đít xuống là nói như băm nhân tiết canh cơ mà?

– Cắt thế nào đây bố? Bỏ mũ ra chứ.

Lão từ từ hạ chiếc “bêrê bát” xuống, giọng khào khào, xa lạ hẳn:

– Còn gì đâu mà cắt!

Thịnh sực nhớ là cách đây chừng một tuần lão đã cắt, đúng hơn là cạo trọc.

– Gọi thằng cha họa sĩ ra đây!

– Việc gì thế? – Thịnh sửng sốt.

– Gọi hắn ra đây!

– Nhưng anh ấy còn ngủ…

– Gọi dậy! – Cái đầu trọc bất động trong gương lệnh cho Thịnh.

Khi Thịnh và họa sĩ Thế Thiện từ buồng trong bước ra, thì khuôn mặt lão thịt chó đã đầm đìa nước mắt. Hai người bối rối nhìn nhau. Còn lão thì hức lên thành tiếng. Cả tiếng khóc cũng lạ như tiếng cười, nó như không phải tiếng người thường… Bỗng lão im bặt. Với tay lấy chiếc khăn choàng bẩn thỉu, lão thận trọng lau mặt. Đoạn vẫy họa sĩ đến gần:

– Tôi có cái này – Lão xòe ra một tấm ảnh nhỏ cỡ 2 x 3 – Con trai tôi đây. Mới nhận được báo tử chính thức hôm qua… Tôi muốn ông vẽ… nghề của ông gọi cái này là gì nhỉ?

– … truyền thần?

– Phải. Truyền. Anh truyền lại hộ tôi cái thần của nó!

Họa sĩ lúng túng. Thịnh nhìn xuống đất.

– Nó bị ở Khe Sanh. Ảnh nhỏ quá, không thắp hương được. Nhờ anh phóng nó to ra, bằng cái gương này này, được không?

Họa sĩ nhìn kỹ tấm ảnh: Một gương mặt đứa con trai tuổi mười bảy sáng trưng, nụ cười bẽn lẽn… Đằng sau ghi dòng chữ viết tháu, hơi khó đọc: “Kỷ niệm ngày lên đường 2.1966!”.

– Được! – Họa sĩ đáp khẽ.

Ngày hôm ấy, họa sĩ làm việc ở nhà cả ngày. Thịnh, lần đầu tiên, cạo xước da, rớm máu một tay kế toán cửa hàng lương thực.

Ba ngày sau cửa hiệu thịt chó tự nhiên đóng cửa nghỉ. Thay vào mùi chả chó trần tục, ngạt ngào, là mùi khói hương trầm mặc linh thiêng: Ông chủ đã nhận được bức truyền thần như ý.

Những ngày sau liên tiếp có những khách lạ bước vào quán Thịnh chột, nhưng không phải cắt tóc mà là để gặp họa sĩ Thế Thiện. Họ đều đưa ra những tấm ảnh nhỏ xíu, phần chân dung còn sót lại của những người ruột thịt vĩnh viễn không trở về. Họa sĩ giúp họ một cách tận tình và bối rối. Anh không nhận tiền. Song những người khách cứ dứt khoát trả công anh, tùy hảo tâm và hoàn cảnh. Một ông khách khoảng năm mươi tuổi, đầu trần, chân đất từ xã khác sang mắt đỏ hoe, sụt sịt: “Anh bỏ công, bỏ việc giúp cho thế này chúng tôi ơn lắm, nhưng chả nhẽ lại nhịn đói để làm?…”

Một tuần sau, vào nửa đêm, họa sĩ gọi Thịnh dậy:

– Tình hình này, căng đấy.

– Cái gì căng? – Ngái ngủ, Thịnh hỏi lại.

– Người chết… Báo tử về nhiều lắm.

Thịnh tỉnh ngủ hẳn, bỗng nhiên sa vào trạng thái phấp phỏng rất lạ.

– Cậu phải học lấy nghề này! Giọng họa sĩ khô ráo, đứng đắn. Thời gian này anh ít ngủ. Vẽ suốt ngày sang đêm, dưới ánh đèn dầu. Thịnh biết, một bức truyền thần, họa sĩ hoàn tất trong vài tiếng đồng hồ với khoản tiền công bằng Thịnh gò lưng chồn gối cắt tóc hàng tuần. Ý nghĩ ấy giúp Thịnh định thần ngồi hẳn dậy.

– Học khoảng bao lâu?

Họa sĩ châm điếu Đ’rao, hút một hơi dài, nhả khói uể oải:

– Một, hai tuần. Có thể còn nhanh hơn, vì nhìn tấm biển “CATOC” của cậu, tớ biết cậu khéo tay lắm. Tớ không ở đây lâu được. Mà khách hàng ngày một đông. Chẳng lẽ…

Tranh của Phạm Bình Chương

* *

Khoảng nửa tháng sau, họa sĩ Thế Thiện chia tay Thịnh chột. Anh phải trở về cơ quan với chiếc cặp giấy căng phồng những phác thảo, ký họa và chiếm đến non nửa là những “chân dung chiến sĩ” lấy nguyên mẫu từ những tấm ảnh nhỏ, kẻ ô vuông. Còn lại mình Thịnh với ngổn ngang những hợp đồng dở dang. Khách ngày một đông, còn đông hơn lượng khách đến cắt tóc ngày trước. “Hàng” làm toàn những người lính có giấy báo tử chính thức, hoặc chưa cần chính thức. Đến lúc những ông già bà cả mặc áo xuyến vân nổi chữ Thọ, đầu đội khăn xếp, hoặc nhung the, ngồi trên ghế chạm có tay ngai, xòe đủ mười đầu ngón tay, mười đầu ngón chân… dần biến mất khỏi giá vẽ, nhường chỗ cho những chàng trai tươi rói đáng tuổi cháu, con. Thịnh biết, trận mạc đang khốc liệt lắm. Cái mùa khủng khiếp, với Thịnh, đó là mùa những trái bàng chín rụng. Sớm ra, Thịnh phải mất nửa giờ để dọn bàng rụng quanh lều. Những trái bàng vàng nhoi nhói, nứt nẻ những đường vân đỏ tým, rơi vô tư không để lại chút vết bầm dập trên mình. Thịnh vừa mừng, vừa rờn rợn. Mừng, vì đơn giản như một gã làm công tham việc có rất nhiều việc để làm. Rờn rợn, vì hình như… Thịnh mang máng nhận ra có một mối liên quan nào đó, dù rất đỗi mơ hồ, giữa những trái bàng rơi đêm khuya với những khách hàng tìm đến sớm mai. Đêm nào bàng rụng thật nhiều, thì y như rằng ngày hôm sau có đông khách đến tìm.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng ngon ăn, nghĩa là tấm ảnh mẫu nào cũng còn mới, rõ. Có nhiều tấm ảnh đã phai ố, nhòe nhoẹt vì thời gian và cả vì nước mắt thấm vào nữa. Phần lớn là ảnh chụp những chàng trai trước ngày nhập ngũ. Họ để đầu trần, mặc áo trắng, áo nâu, chứ chưa phải là áo lính. Người ôm cặp sách trên tay. Người đứng cạnh con trâu, cái cày. Thậm chí có người tay xách toòng teng con cá, vai vác cần câu, mắt sáng long lanh miệng cười chúm chím… Thịnh, lúc này là họa sĩ Thịnh, quy hết những tấm ảnh đó về cùng một khuôn mặt lính: Quân dung kiêu hùng, và đượm buồn (ảnh thờ nào mà chẳng đượm buồn), với đầy đủ mũ mão, quân hiệu, quân hàm. Đó là anh bộ đội, thuần túy trong mường tượng của người thân. Đấy, anh ấy đấy, anh ấy đang nhìn ra từ bức truyền thần. Đúng anh ấy rồi. Trong nỗi tiếc thương, đau xót, chen lẫn tự hào, người ta cố tìm ra và bao giờ chẳng tìm thấy ở những đường nét vụng dại, thậm chí méo mó của bức vẽ kia những dấu tích thân gần, yêu dấu, dù chỉ là phảng phất. Nhiều người đã khóc. Khóc không thành tiếng hay òa lên nức nở ngay khi thoạt nhìn thấy bức vẽ mà họ nghiệm thu. Thịnh hiểu, từ ngày ra đi, phần đông những người lính ấy đâu có dịp trở lại một lần…

Tranh của Phạm Bình Chương

Duy có một người được về phép ít ngày, thì lại không có tấm ảnh nào để lại. Khách tìm đến Thịnh là một thiếu phụ còn rất trẻ. Trẻ và đẹp hơn nhiều thiếu nữ mà Thịnh biết ở phố Mới này. Anh lính về “tranh thủ”, và kịp cưới vợ, kịp hoàn tất một trong ba việc hệ trọng nhất của đời người trong vòng hai ngày. Để rồi lại ra đi, vĩnh viễn. Tấc gang hạnh phúc ấy chưa đủ để một thiếu nữ trẻ đẹp nhường kia kịp trở thành một người đàn bà cho thật hoàn toàn. Thời buổi này, có không ít những góa phụ chưa kịp làm đàn bà, chứ chưa nói đến làm mẹ. Điều ấy thì mãi mãi về sau Thịnh mới hiểu. Còn bây giờ, đối diện với người góa phụ đó, Thịnh lúng túng, và có phần lạnh nhạt:

– Không có tấm ảnh nào của anh ấy, thì bằng đánh đố tôi à?

Thiếu phụ ngồi im lặng, nhìn ra cửa bằng đôi mắt sóng sánh ngấn nước. Chị có lỗi gì trong thiếu sót nghiêm trọng này? Đám cưới ở quê ngày đó chẳng mấy đám có chụp ảnh. Thật ra chị cũng có nghĩ tới, không dám mong nhiều, chỉ duy nhất mong có một tấm hình hai vợ chồng bên nhau. Kề bên nhau thôi, chứ ngả hẳn đầu vào vai chồng thì hơi quá. Sau đám cưới một ngày, thì anh đi. Nhưng ý nghĩ, điều ước về một tấm ảnh chỉ đến với chị vào phút cuối cùng. Cái khoảnh khắc mà anh đã sang đò, bước đi ở bờ bên kia của dòng sông, lẩn khuất trong bãi ngô non và ngoảnh nhìn ngoái lại… Chị có lỗi gì nào?

Thịnh chột đã căng giấy trên giá vẽ, và thoăn thoắt kẻ những ô vuông cuối. Ngày hôm nay còn ba cái buộc phải làm xong, để trả cho đúng hẹn, trong đó có một tấm ảnh mờ ố đến khó có thể nhận ra những nét đặc trưng, kể cả xoáy kính lúp vào mắt. (Vừa rồi Thịnh đã phải mua lại chiếc kính lúp như cái đui bóng điện của gã thợ chữa đồng hồ với giá cắt cổ).

– À, tôi nhớ ra rồi, vẫn còn… hình như… vẫn còn một tấm ảnh của anh ấy thì phải…

Người thiếu phụ từ nãy vẫn ngồi lặng chợt thố lên, như thể bỗng dưng tìm lại được báu vật đánh mất, rồi chị vùng chạy ra ngoài, ào đi như cơn gió. Trong vệt nắng sớm mai lọt qua song tre, Thịnh ngồi ngẩn ra, hơi ngơ ngác. Anh ngồi một mình với những tấm hình của hàng loạt người khuất bóng, với một thoáng dư hương còn đây của người thiếu phụ. Một thứ hương thơm lạ lùng, như không có thật, không sao tách bạch nổi, không sao gọi đúng tên, thoang thoảng thôi, nhưng quá nồng nàn. Thứ hương thơm thật hiếm mà Thịnh đâu biết nó chỉ có ở những người đàn bà quý tướng. Anh giương mũi hít thật sâu, và thở ra chầm chậm. Hóa ra cái công việc của Thịnh bấy lâu nay hoàn toàn chỉ tiếp xúc với cánh đàn ông. Từ cắt tóc cho đến truyền thần những người chết trận. Duy có lần này…

Thiếu phụ trở lại hiệu truyền thần ngay chiều hôm ấy.

– Đây… anh ấy đây rồi! – Chị thở hổn hển, mồ hôi lăn tràn xuống mắt, ròng ròng trên gò má hồng rực lên vì nắng gió đường xa. Thịnh lẳng lặng đưa cho thiếu phụ chiếc quạt nan, và cầm lấy tấm ảnh. Lúc đó, chị mới như chợt nhận thấy sự hấp tấp thái quá của mình, bối rối nhoẻn cười như một đứa trẻ. Rồi nụ cười của chị ngưng lại khi thấy anh họa sĩ lắc đầu, xem ảnh. Khốn khổ, đây là tấm ảnh 5×7 chụp chung cả một lớp học. Anh ấy đâu, trong đám trẻ con hớn hở, xộc xệch này?

– Anh ấy chụp từ ngày học lớp ba với em đấy…

– Biết rồi, nhưng ông ấy đâu chứ?

Chị ghé sát vào Thịnh, vẫn chưa thôi hổn hển, đưa ngón tay út run lên vì hồi hộp chỉ vào một khuôn mặt ở gần rìa đám học trò dàn hai hàng ngang. Đúng ra chỉ là một cái chấm, nhỏ hơn hạt đậu xanh, nhô lên sau hàng trẻ trước… Thịnh cố nén tiếng thở dài:

– Thế còn cô – Thịnh lắp nhoáy cái kính lúp giống đui đèn vào con mắt lành – Cô đứng ở chỗ nào?

– Khổ, bữa đó mải chạy đi ăn kem, bọn em cắm trại ở vườn hoa có đài liệt sĩ ở trên tỉnh ấy, lúc quay về thì lớp đã chụp xong rồi. Chán thế… – Chị hối tiếc thật sự. -Hồi đấy anh ấy khỏe nhất lớp, nghịch như quỷ, nhưng hay bênh em lắm. Em thân anh ấy từ một lần đi bắt cua…

“Sao lại có cua cáy vào đây”. Chưa nỡ từ chối một công việc quá sức mình, Thịnh lẳng lặng ngồi nghe thiếu phụ kể… Những mẩu chuyện thường tình ngày thơ dại lộn xộn, linh tinh, nhưng cứ óng ánh lên như những mảnh thủy tinh màu trong ống kính vạn hoa. Có một cảm giác vô cùng lạ lẫm mà anh chưa hề gặp trong đời. Cảm giác ấy không thể gọi tên, nhưng nó khiến cổ họng anh khô đắng, và máu chảy mạnh hơn trong người… Trời ơi, bỏ lại sau lưng một người đàn bà thế này có lẽ còn ghê gớm, khủng khiếp hơn là hy sinh mạng sống. Ý nghĩ đó cứ rên lên trong đầu Thịnh… “Anh ấy có cái nốt ruồi ở ngay dưới mi mắt, người ta bảo, thế là số khổ lắm, buồn bã lắm. Nói vậy đấy, nhưng anh ấy lại rất hay cười, cười tươi lắm. Một lần…” Câu chuyện cứ lẩn mẩn điệp trùng trôi đi trong mùi thơm vừa trần thế vừa huyền hoặc, nồng nàn tỏa ra từ da thịt, từ hơi thở của người đàn bà lành mạnh. Thịnh không nhớ rằng mình đã căng tờ giấy mới lên giá vẽ từ lúc nào. Lần đầu tiên anh vẽ bức tranh không phải kẻ ô vuông.

Và cũng lần đầu tiên, anh không nhận tiền công, dứt khoát.

– Anh giỏi quá. Em không ngờ lại giống anh ấy đến như thế này. Giời ơi… Đúng anh ấy đây mà…

Đột ngột, chị ôm choàng lấy đầu Thịnh, áp sâu vào ngực mình. Một cái hôn rất nhanh, nhưng thận trọng, và có vị mặt của nước mắt… Thế thôi. Rồi biến mất, không còn gì cả, ngoài cái giá vẽ trống trơn và khung cửa trổ ra khoảng không bắt đầu sẫm tối.

Đặng Tiến, “Mong ngày nắng”

Thịnh ngồi lại một mình rất lâu. Tự nhiên anh thấy muốn uống rượu, thứ chất lỏng kỳ lạ mà tay họa sĩ “cởi trần trắng hơn mặc áo” – thầy dạy của anh, thường dùng mỗi buổi chiều. Phố Mới đã lên đèn, loại đèn phòng không có che chụp chỉ đủ tỏa một quầng sáng ấm áp lên mâm cơm gia đình. Đã chớm thu. Thịnh cũng như biết bao người khác chưa hề biết rằng đó là mùa thu cuối cùng của cuộc chiến tranh này. Anh bước đi thập thõm cô độc, trong tiếng dế nỉ non và tiếng chó sủa vu vơ từ phía làng… Khi bước đến sát quán “cầy tơ tám món”, Thịnh mới sực nhớ ông chủ đã nghỉ bán từ nửa tháng nay. Cánh cửa bằng liếp nứa đóng bằn bặt, tối om. Lão lâm bệnh, một căn bệnh không ai biết, không thầy thuốc nào chẩn nổi. Nghe nói trong cơn mê sảng lão thường vầy vò cái đầu trọc mà nghiến răng chì chiết bà vợ cùng hai cô con gái: “Tiền nhiều mà làm gì, để cho ai? Nó có về nữa đâu mà cần. Cả nút chúng mày là đồ ăn hại!…” Đã toan quay lại, chợt Thịnh giật bắn mình và một tiếng kêu rất đỗi rùng rợn, dị kỳ thoát ra từ khe cửa: “U…ứ…ứ…ư” . Tiếng kêu khản đặc, bị tắt ở quãng cuối. Lặng một lát, rồi lại tiếp tục rú rít. Thịnh hẫng ruột khi nhận ra đúng tiếng lão: “U… ư… ứ…ứ”. Lão cứ tru lên từng hồi thảm thiết như thế suốt đêm.

* *

Đêm ấy bàng rụng nhiều. Tiếng rơi của những trái bàng chín nẫu trên mái tôn nghe âm âm, thảng thốt lạ lùng. Hệt như tiếng quật tay trở chân của người mê loạn. Cố chợp đi được một tý là lại “thịch” một cái, rồi lịch bịch tiếng lăn dài… Liên tiếp những đêm sau đó, Thịnh chột bị giam chặt trong những giấc mơ kinh dị: anh bị một đám đống bủa vây, rượt đuổi. Đám đông mặc áo lính rách tươm, lỗ chỗ vết đạn, và không một ai có đầu. Thịnh rúm người lại khi nhận ra những dấu vết quen thuộc ở những bóng ma không đầu câm lặng kia. Họ không nói được, nhưng nỗi tức tưởi, khinh bỉ thì cứ cuộn cồn lên sau ngực áo có những vét sém thủng… Tất cả đều đúng, chỉ khác những vết thủng không có quân hàm. Đấy là những bức vẽ bán thân có sẵn, hiện còn lại hàng tập dầy trong nhà Thịnh. Khi có khách hàng, chỉ việc thêm cái đầu, căn cứ vào ảnh chụp họ đưa. Hàm, hiệu, chức tước không quan trọng, giống như đội cho họ cái mũ cứng hay cái mũ mềm thôi. Cốt ở tư thế, hùng dũng, trang trọng và đôi mắt… Đặc biệt là mắt, phải na ná giống, đó là điều tối thiểu. Nhưng hầu hết phải đượm buồn. Một cái nhìn từ cõi khác dõi về, không thể là cái nhìn vui. Trong công đoạt sản xuất hàng loạt, đây là sự gia công cuối cùng và duy nhất, trên những ô vuông kẻ sẵn, để căn ra… Đám đông lẳng lặng khép dần vòng vây. Thịnh vật vã, quằn quại mà không sao vùng thoát. Cứ như thế mãi cho đến khi Thịnh nghẹt thở, ú ớ, hét lên thất thanh. Rồi vùng dậy được, mồ hôi vã ra ướt đẫm. Dẫu là nửa đêm mùa thu. Dẫu là nửa đêm mùa đông, là nửa đêm của bất cứ mùa nào… Thịnh bị hành hạ, đọa đày trong những cơn mơ như thế liên tiếp hàng năm sau, cho dù anh đã làm lễ hỏa táng cho những bức bán thân lính tráng không đầu, cho dù anh đã bỏ nghề, nếu như có thể gọi đó là nghề, ngay khi chiến tranh chấm dứt.

Gọi Thịnh chột là nghệ sĩ như lão “cầy tơ tám món” thì e sẽ có nhiều người phản ứng, nhưng quả thực Thịnh đã chết như một nghệ sĩ đứng đắn trong một trại điên. Người ta không hiểu sao anh lại lọt được ra khỏi căn phòng đã khóa kín. Đám nhân viên nửa thầy thuốc nửa quản giáo của trại đến khi phát hiện ra anh, thì Thịnh đã đu người lủng lẳng trên ngọn cây phi lao cao vút… Có một khoảng im lặng kéo dài, bối rối và buồn trong tiếng đêm vi vút rít lên dọc hàng phi lao lá nhọn. Bằng một giọng hoàn toàn tỉnh táo, nghiêm trang, pha cả chút thương xót nữa, Thịnh nói vọng xuống với đám người lố nhố đứng phía dưới rằng:

– Các người chẳng hiểu tôi gì cả, tôi có lỗi gì đâu. Tôi là quả bàng, tôi chín quá rồi. Thôi, tôi rụng đây…

Và anh buông tay. Lúc ấy là nửa đêm, nhưng không một ai nhớ là vào mùa nào.


18-5-1991

Ý kiến - Thảo luận

1:25 Monday,21.3.2016 Đăng bởi:  PHẠM QUỐC TRUNG
Truyện quá hay. Đúng là ở thời điểm 1990 những chuyện như này không được không hợp khẩu vị các nhà quản lý vẫn đang hăng say những Đai tự sự. Nhưng cái gì hay sẽ còn mãi vì được mọi người chia sẻ. Tiễc là tác giả lại không viết nhiều nữa.
Mấy Tranh minh họa bài rất hợp, nhất là tranh của Phạm Bình Chương, thấy có cảnh, có gió và nắng nhưng vẫn thấy thi
...xem tiếp
1:25 Monday,21.3.2016 Đăng bởi:  PHẠM QUỐC TRUNG
Truyện quá hay. Đúng là ở thời điểm 1990 những chuyện như này không được không hợp khẩu vị các nhà quản lý vẫn đang hăng say những Đai tự sự. Nhưng cái gì hay sẽ còn mãi vì được mọi người chia sẻ. Tiễc là tác giả lại không viết nhiều nữa.
Mấy Tranh minh họa bài rất hợp, nhất là tranh của Phạm Bình Chương, thấy có cảnh, có gió và nắng nhưng vẫn thấy thiếu thiếu, tiêng tiếc cái gì đó. Gọn ghẽ và sạch sẽ quá. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả