Gẫm & Bình

Ghi chú của Hồng Hoang (phần 3):
Vẽ cái gì? 23. 04. 16 - 7:10 am

Nguyễn Hồng Hưng

(Tiếp theo bài 1 bài 2)

Mỹ học với tên gọi hoành tráng: “khoa học của cái đẹp” đã tạo ra quan niệm cho cả trò và thầy dạy mỹ học tưởng là có một nguyên lý khoa học cho sáng tạo cái đẹp. Mỹ học bị hiểu như một bí kíp võ công trong những tác phẩm võ hiệp kỳ tình của ngài Kim Dung và Cổ Long Tiên Sinh.

Về các dạng cảm thụ thị giác

Hiện nay có rất nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau, nhưng để cho dễ nhận thức khái niệm “vẽ cái gì” và khái niệm “vẽ như thế nào”, cần phân chia thành ba dạng nghệ thuật lớn đối với nhận thức thị giác.

1. Hiện thực (Realism): Về hình thức là những tác phẩm hội họa mô phỏng hiện thực giống ít hay nhiều so với hình ảnh mắt nhìn thấy trong tự nhiên. Đặc điểm của thể loại nghệ thuật hiện thực là có hình thức tác phẩm trông như mắt thấy hình ảnh từ tự nhiên.

A. Plastov. “Sau khi phát xít đi qua”, 1941

2. Hiện đại (Modernism): Về hình thức là một thể loại hội họa tự do với quan niệm “vẽ như thế nào” tùy theo ý họa sĩ, và không quan tâm người xem có nhận ra họa sĩ vẽ giống những gì trong tự nhiên không. Họa sĩ cảm nhận cái đẹp từ tư tưởng thẩm mỹ cá nhân, không nệ thực nhưng cũng có thể tả thực cao sâu hơn cảm thụ thị giác bình thường (vẽ rất kỹ, khác thường như nhìn qua dụng cụ quang học). Hầu hết tác phẩm hiện đại không thể mô tả bằng văn bản.

“Hoa ra chợ” của Diego Rivera.

3. Hậu hiện đại (Postmodern) hay còn gọi là “nghệ thuật đương đại”, bao gồn cả hiện thực, hiện đại và đột phá cả không gian và giác quan. Tác phẩm có thể có mùi, có chuyển động, ánh sáng, âm thanh.v.v… Là một thể loại nghệ thuật không giới hạn phương pháp và nguyên tắc thể hiện, hoàn toàn có thể sử dụng đồ chế sẵn (readymade art) làm tác phẩm, chậm chí chép lại tác phẩm cổ điển lừng danh rồi vẽ biếm sang một nội dung khác thành tác phẩm giễu nhại. 

“Ba chai Coke”, Andy Warhol, 1962, mực in và than chì trên vải.

Trong hội họa, sự tự do của nghệ thuật hậu hiện đại đạt tới mức xóa nhòa các biên giới chuyên ngành của một nghệ sĩ như thiết kế-hội họa-điêu khắc-điện ảnh.v.v… thành một tên gọi chung “nghệ sĩ nghệ thuật thị giác”.

“Cloud Gate”, tác phẩm của Anish Kapoor. Ảnh do Tojosan chụp.

Còn nghệ thuật của trào lưu Hậu hiện đại được gọi là “Nghệ thuật thị giác”. Nghệ thuật thị giác bao gồm những môn nghệ thuật mới như “nghệ thuật trình diễn” (Performance art), Nghệ thuật sắp đặt (installation art), Video art v.v…Người thưởng lãm có thể hòa nhập vào không gian tác phẩm.

Đóng chặt đến ngộp thở… tác phẩm “Box Sized Die” của nghệ sĩ João Onofre

Đặc biệt nghệ sĩ thị giác có thể không cần biết vẽ, chỉ cần có ý tưởng và thực hiện ý tưởng qua video. Nhiều nghệ sĩ performance art nhờ người khác vẽ lên cơ thể cho giống môi trường xung quang, tương tự như tắc kè tự biến màu da để tàng hình vào môi trường.

Trina Merry chụp bức ảnh này tại Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc. Người mẫu được sơn toàn thân đang thủ một từ thế kung fu cổ điển.

Vẽ cái gì?

Lẽ thường là phải nghĩ “làm cái gì” trước đã rồi mới tìm cách làm cái đó như thế nào. Nhưng khi cách/phương pháp “làm như thế nào” đã có mẫu sẵn để noi theo rồi thì việc quan trọng chỉ còn lại ở chỗ “vẽ cái gì”. Trường hợp sáng tạo của nghệ thuật cổ điển là như vậy.

Khi các họa sĩ trường phái cổ điển quan tâm “vẽ cái gì”, nghĩa là ngoài quan niệm về giá trị nghệ thuật phải mô phỏng tự nhiên đạt tới tầm mức rất cao, còn phải chịu ảnh hưởng bởi đề tài tác phẩm. Cụ thể như tranh bố cục lịch sử hay sự tích tôn giáo được đánh giá giá trị cao hơn tranh sinh hoạt và chân dung. Tranh chân dung giá trị cao hơn tranh phong cảnh. Tranh phong cảnh cao hơn tranh tĩnh vật.

Jacques-Louis David, “Marat bị ám sát”.

Những tranh tĩnh vật tuyệt đỉnh của danh họa Vincent van Gogh và cả những tĩnh vật tuyệt đỉnh của các danh họa hiện đại bị tín đồ phái cổ điển cho là sự suy đồi của nghệ thuật. Quan niệm về sự suy đồi của tín đồ phái cổ điển áp cho nghệ thuật hiện đại không thuần túy chỉ suy đồi thẩm mỹ mà có cả suy đồi về từng bước kỹ thuật thao tác với màu sắc, bởi các họa sĩ hiện đại đã không tuân thủ thao tác đúng từng lớp lang trước sau của phương pháp vẽ cổ điển để tranh bền mầu tới 500 năm. Chỉ tại họa sĩ hiện đại cứ như ỷ vào công nghệ hóa học hiện đại sẽ sản xuất ra những màu siêu bền tới mươi ngàn năm chưa biến màu. Họ không qua tâm cách vẽ sao cho màu bền lâu, họ coi đó là việc của các nhà khoa học.

“L’Allée des Alyscamps” của Van Gogh

Khi họa sĩ cổ điển đã suy tư “vẽ cái gì”, họ sẽ không cần phải tìm tòi phương pháp “vẽ như thế nào” vì đã có tác phẩm mẫu thị phạm. Vấn đề chỉ còn lại tìm tòi bố cục mới với những đề tài mà rất nhiều người đã vẽ. 

Phần sáng tạo của họa sĩ thể hiện ở tài khéo hết bình sinh, tạo ảo thị giác 3D y hệt như thực, cố gắng ngang bằng hoặc vượt các họa sư tiền bối, khoái cảm nghệ thuật tập trung tất cả vào tài khéo thể hiện tinh vi từng chi tiết nhỏ nhất. Chính vì thế mà có thể nói rằng tất cả các tác phẩm cổ điển, ngoài kỹ năng mô phỏng siêu phàm ra, phần nội dung là vẽ minh họa cho tích truyện thần thoại, lịch sử chiến tranh lịch sử tôn giáo hay một cảnh sinh hoạt bình dân.

“Lady Godiva” của John Collier, 1897

Những bậc thầy của muôn đời của hội họa Phục hưng dùng hết thiên tài của họ để vẽ minh họa những tích truyện, và mô phỏng tự nhiên. Ánh sáng và màu sắc tự nhiên là người thầy vĩnh viễn của hội họa cổ điển. Cấu trúc hình thức của nghệ thuật cổ điển luôn là những bố cục minh họa cho nội dung.

Arnolfini Portrait, Jan van Eyck, 1434

Thánh họa Leonrdo Da Vinci đã từng khuyên các họa sĩ trẻ chỉ cần học hỏi ở thiên nhiên, thiên nhiên là người thầy lớn kỳ diệu vô song. Thiên nhiên với quy luật ánh sáng luôn là mẫu có sẵn tinh vi nhất, họa sĩ chỉ việc mô phỏng.

Leonardo Da Vinci cũng như hầu hết các đồng nghiệp cùng thời đã chọn sự tái hiện lại thiên nhiên trên tác phẩm làm tư tưởng nghệ thuật của ông. Và thiên tài của ông được tín nhiện vẽ dịch vụ cho nhà thờ.

*
Bài tiếp theo: “Vẽ thế nào?”
Xem lại bài 1 bài 2

Ý kiến - Thảo luận

1:13 Monday,25.4.2016 Đăng bởi:  U 70 VAN CHƯA GIA

Kính bác Hồng Hưng
Giả nhời luôn hai câu ví dụ dẫn ra của bác:

Ví dụ 1: "Trong hội họa, sự tự do của nghệ thuật hậu hiện đại đạt tới mức xóa nhòa các biên giới chuyên ngành của một nghệ sĩ như thiết kế-hội họa-điêu khắc-điện ảnh.v.v… thành một tên gọi chung “nghệ sĩ nghệ thuật thị giác”...
Đã "trong hội họa" thì chỉ là
...xem tiếp

1:13 Monday,25.4.2016 Đăng bởi:  U 70 VAN CHƯA GIA

Kính bác Hồng Hưng
Giả nhời luôn hai câu ví dụ dẫn ra của bác:

Ví dụ 1: "Trong hội họa, sự tự do của nghệ thuật hậu hiện đại đạt tới mức xóa nhòa các biên giới chuyên ngành của một nghệ sĩ như thiết kế-hội họa-điêu khắc-điện ảnh.v.v… thành một tên gọi chung “nghệ sĩ nghệ thuật thị giác”...
Đã "trong hội họa" thì chỉ là hội họa thôi làm sao mà lại có các chuyên ngành khác được nữa. Bác muốn dùng đoạn dưới thì phải bỏ "Trong hội họa" đi. Kiểu như: sự tự do của nghệ thuật hậu hiện đại đạt tới mức xóa nhòa các biên giới chuyên ngành của một nghệ sĩ như thiết kế-hội họa-điêu khắc-điện ảnh.v.v… thành một tên gọi chung “nghệ sĩ nghệ thuật thị giác...thì có lẽ OK hơn

Ví dụ 2: "Đặc biệt nghệ sĩ thị giác có thể không cần biết vẽ, chỉ cần có ý tưởng và thực hiện ý tưởng qua video. "...
Câu này bác đá hậu câu ở VD1 vì bác đã cho là nghệ sĩ thị giác thì là" xóa nhòa các biên giới chuyên ngành của một nghệ sĩ như thiết kế-hội họa-điêu khắc-điện ảnh.v.v… thành một tên gọi chung “nghệ sĩ nghệ thuật thị giác..." thế mà. Nói "Đặc biệt nghệ sĩ thị giác có thể không cần biết vẽ, chỉ cần có ý tưởng và thực hiện ý tưởng qua video."???? vậy có thể hiểu ngược lại là chỉ có người làm video mới là nghệ sĩ thị giác

Còn nhiều những đọan, những câu lủng củng kiến văn... khác nữa nhưng không dám làm phiền bác và mọi người, và cũng không cần thiết phải mất thì giờ vì cũng là dịp để cảm ơn bác đã cất công viết bài chia sẻ những suy nghĩ riêng tư cho mọi người

 
18:45 Sunday,24.4.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng

Kính gửi bạn U 70 VAN CHƯA GIA
Trước hết cảm ơn bạn đã bỏ công đọc kỹ các ghi chú sổ tay của tôi. Lại cảm ơn bạn đã tận tình chỉ ra theo ý bạn những cái sai của tôi. Vậy bạn cho biết kiến thức đúng của bạn mà bạn chưa nói ra. Bạn vui lòng nói ra cho tôi và những bạn đọc nào cũng sai lầm như tôi có cơ hội học hỏi. Cảm ơn bạn thêm lần nữa.

...xem tiếp

18:45 Sunday,24.4.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng

Kính gửi bạn U 70 VAN CHƯA GIA
Trước hết cảm ơn bạn đã bỏ công đọc kỹ các ghi chú sổ tay của tôi. Lại cảm ơn bạn đã tận tình chỉ ra theo ý bạn những cái sai của tôi. Vậy bạn cho biết kiến thức đúng của bạn mà bạn chưa nói ra. Bạn vui lòng nói ra cho tôi và những bạn đọc nào cũng sai lầm như tôi có cơ hội học hỏi. Cảm ơn bạn thêm lần nữa.
Tôi thấy có lỗi vì đã không biết bạn là ai, làm nghề gì, để được như bạn đã biết về tôi. Xin lỗi bạn về điều này nhé.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả