Mũ miện của Tây về hình thức là càng gắn nhiều đá quý lên, càng đắt thì càng tốt. Miện của Hoàng gia Anh, cũng như nhiều Hoàng gia châu Âu khác vốn ảnh hưởng từ kiểu miện của Hoàng đế La Mã và Byzantines (Đông La Mã). Chữ crown tiếng Anh bắt nguồn từ chữ Latin corona, nghĩa là cái vòng đội đầu, thường kết bằng cành, lá, hoặc hoa. Người La Mã đội vòng (vòng hoa, vòng nguyệt quế) cho người chiến thắng. Hoàng đế La Mã về sau cũng đội vòng trên đầu, với ý rằng Hoàng đế là người chiến thắng cả thế gian. Chiếc vòng đội đầu dần dần biến thành chiếc mũ có đính ngọc, và thành chiếc miện.
Hoàng đế La Mã Tiberius với vòng lá trên đầu
Miện của vua chúa châu Âu hầu hết đều có thập giá và trong lễ Đăng quang (coronation, dịch ra là lễ ban miện), miện luôn luôn được một chức sắc của Giáo hội đặt lên đầu nhà vua (trừ Napoleon, tự giật miện từ tay giáo hoàng để tự đặt lên đầu mình). Điều này thể hiện sự trao truyền “thiên mệnh” từ “vua của các vua trên trời” xuống cho vua dưới đất, thông qua văn phòng đại diện là Giáo hội Công giáo Roma, hoặc Chính thống giáo phương Đông. Trường hợp nước Anh từ sau 1534, tự lập Giáo hội Anh giáo, thì việc đặt miện lên đầu vua Anh là do Tổng giám mục Canterbury đảm trách.
Mũ miện của Hoàng gia Anh đang dùng hiện nay, cái cổ nhất chỉ có 355 tuổi (từ năm 1661). Lý do là vì trong Nội chiến Anh thế kỉ 17 (sử gia Mác-xít hay gọi là Cách mạng Tư sản Anh), phe Oliver Cromwell phế vua, giải tán Nghị viện, phong Cromwell làm Hộ quốc Công và làm một cuộc Cách mạng Văn hóa mini kiểu Mao bằng cách bán hoặc đốt hết kiếm trượng mũ miện của chế độ cũ không còn cái gì. Sau khi Cromwell chết, phe bảo hoàng thắng lại và lập vua Charles II lên ngôi, Charles II mới khôi phục lại chế độ mũ miện hoàng gia.
Vua Charles II
Miện Thánh Edward
Để chuẩn bị cho lễ Đăng quang (tức lễ ban miện) của mình năm 1661, Charles II cho làm miện theo giống kiểu miện của vua Edward Người Xưng tội (Edward the Confessor, vua Tây có tên buồn cười kiểu vậy đó), gọi là miện Thánh Edward. Miện này có khung làm bằng vàng, phủ vải nhung tím, đính 444 viên đá quý đủ loại (Tàu Nhật mà thấy toàn số bốn thế này sợ lắm). Miện này theo lệ thì chỉ được vua đội chính thức đúng một lần trong đời, vào lễ Đăng quang.
Miện Thánh Edward, chỉ được đội chính thức đúng một lần trong đời vào ngày Đăng quang của vua Anh.
Miện Thánh Edward tới giờ vẫn còn, và chính là cái miện cao tuổi nhất. Người gần đây nhất đội miện này là Nữ hoàng Elizabeth II vào lễ đăng quang năm 1953. Miện này đang trưng bày ở Tháp Luân Đôn. Do làm bằng vàng nên miện Thánh Edward nặng hơn 2 kg. Nữ hoàng Elizabeth II trước khi được đội chính thức vào lễ Đăng quang đã phải đội thử mấy tuần trước lễ để làm quen. Nhiều vua khác chê nó nặng quá, nên không chịu đội, điển hình là Nữ hoàng Victoria (sẽ nói ở dưới).
Nữ hoàng Elizabeth II đội miện Thánh Edward trong lễ đăng quang (tức lễ ban miện).
Đế miện (Imperial State Crown)
Đây là miện đội chính thức của vua Anh. Miện này hay được làm đi làm lại, tùy sở thích (và tiền) của vua. Phiên bản hiện tại được truyền lại từ thời vua George VI (bố của Elizabeth II, tức ông vua nói lắp trong phim The King Speech ấy). Miện này là miện đắt nhất, vì có đủ thứ đá từ kim cương với viên hồng ngọc đã nói ở trên, cho tới lam ngọc (sapphire) và cả ngọc trai từ thời Nữ hoàng Elizabeth I. Khung miện làm bằng hợp kim của vàng, bạc và bạch kim.
Đế miện, miện chính thức của vua, điểm nhấn là viên hồng ngọc Black Prince đặc trưng.
Vua Anh sẽ chính thức đội Đế miện ngay sau lễ đăng quang (và sau khi cởi miện Thánh Edward ra). Miện này sẽ được vua đội vào các lễ mở cửa Nghị viện hàng năm. Đây là một lễ rất hoành tráng và cực kỳ màu mè, nhưng rất đậm nét văn hóa, chính trị và lịch sử của Anh quốc, thể hiện rất rõ quan hệ chính trị giữa nhà vua, Viện Quý tộc và Viện Thứ dân. Nếu có dịp sẽ bàn về vấn đề này sau.
Vua nói lắp George VI (phải) đội Đế miện, sau lễ đăng quang. Hoàng hậu Elizabeth (đội Hậu miện có Kohinoor) và Công chúa Elizabeth ở bên trái.
Sau đó 16 năm, Công chúa Elizabeth lên ngôi trở thành Nữ hoàng Elizabeth II, đội Đế miện sau lễ Đăng quang, khung miện đã được hạ thấp xuống để cho “nữ tính hơn”.
Đế miện và Miện Kim cương mini của Nữ hoàng Victoria
Như đã nói ở trên, vì miện Thánh Edward nặng quá, Nữ hoàng Victoriakhông chịu đội nó vào lễ Đăng quang (lúc này dáng Victoria còn khá mình hạc xương mai). Nữ hoàng cho làm một cái Đế miện nhẹ hơn để đội, như thế này:
Đế miện phiên bản nhẹ của Nữ hoàng Victoria đội lễ Đăng quang, điểm nhấn vẫn là viên ruby đỏ Black Prince. Tranh của George Hayter.
Thế nhưng, hình ảnh về Nữ hoàng Victoria hiện nay vẫn luôn được gắn liền với chiếc miện mini như các ảnh dưới. Vốn sau khi chồng là Vương Albert mất, Nữ hoàng Victoria ít xuất hiện trước công chúng và bắt đầu đội khăn quả phụ (cho tới tận khi qua đời). Khi đội khăn quả phụ thì rất khó đội Đế miện (dù là phiên bản nhẹ). Thế là Nữ hoàng cho làm một cái miện bạc nhỏ cẩn kim cương để đội chồng lên khăn, và từ đó dùng cái miện mini này luôn, bỏ hẳn Đế miện.
Ảnh chụp Nữ hoàng Victoria vào lễ Jubilee kỷ niệm 60 năm Đăng quang. Về già Victoria bị béo phì, không còn mình hạc xương mai nữa. Nữ hoàng đội miện kim cương mini. Chú thích trong ảnh có ghi “Victoria – Nữ hoàng Ấn Độ”, sẽ nói tiếp bên dưới.
Tượng Nữ hoàng Victoria ở đài nước trước Điện Buckingham. Hình tượng của vị Nữ hoàng quyền lực nhất Đế quốc Anh luôn gắn liền với chiếc miện kim cương mini.
Hậu miện
Quay trở lại Kohinoor, sau khi được tiến cho Nữ hoàng Victoria, Kohinoor được đem ra trưng bày ở Đại Đấu xảo Luân Đôn 1851. Sau Đại Đấu xảo, Vương Albert là chồng Nữ hoàng Victoria không thích hình dạng của viên Kohinoor lắm, thế là đem nó đi gọt lại. Sau khi tốn tiền gọt, Kohinoor giảm mất 42% khối lượng, không còn là viên kim cương lớn nhất nữa (mặc dù vẫn lớn), nhưng đã hoàn hảo hơn so với trước đó.
Nữ hoàng Victoria qua đời, vua Edward VII lên ngôi, nước Anh lại có Hoàng hậu, và cần có hậu miện để Hoàng hậu đội trong lễ Đăng quang. Các hậu miện trước đó được cho là “tuồng chèo” quá và không đẹp, nên một hậu miện mới được làm cho Hoàng hậu Alexandra, “nhân tiện” gắn thêm viên Kohinoor đã gọt lên. Viên Kohinoor từ đây chính thức yên vị trên hậu miện. Tuy các hoàng hậu tiếp theo (Mary và Elizabeth) đều làm lại hậu miện, nhưng lần nào cũng có gắn Kohinoor lên.
Hậu miện có gắn Kohinoor qua 3 đời Hoàng hậu Anh.
Các miện khác
Ngoài các miện nổi bật trên, Hoàng gia Anh còn có một số miện khác:
Đế miện Ấn Độ: Dính líu gì tới Ấn Độ ở đây? Vốn là từ thời Victoria, vua Anh được kèm thêm một danh hiệu nữa là “Hoàng đế (hoặc Nữ hoàng) Ấn Độ”. Vua George V (cháu nội của Victoria, ông nội của Elizabeth II) sang Ấn Độ để làm lễ Đăng quang Hoàng đế Ấn trước mặt các vương Ấn Độ cho nó đàng hoàng, nhưng luật Anh quy định không được đem Đế miện Anh ra khỏi nước Anh (sợ bị cướp hoặc sợ vua đem bán). Thế là vua cho làm một cái Đế miện riêng để sẵn ở Ấn, để qua đó có mà đội luôn. Đế miện Ấn Độ phủ nhung màu đỏ, đây là điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất so với các miện ở Anh. Miện này chỉ có mỗi vua George V đội.
Đế miện Ấn Độ phủ nhung đỏ của vua George V
Miện Scotland: Vua nước Anh trên giấy tờ cũng là vua nước Scot, nhưng sẽ không đội miện Scotland. Miện Scotland hiện giờ chỉ để thể hiện vương quyền ở Scotland.
Miện Scotland, được đem giấu khi Cromwell làm Cách mạng Văn hóa mini, hiện giờ để trưng là chính.
Thái tử miện: Miện của Thái tử Anh, tức là Vương xứ Wales, chỉ đội khi làm lễ.
Thái tử Charles, vương xứ Wales, đội Thái tử miện.
Các miện tiara: Bình thường, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ không đội miện crown mà đội miện tiara. Tiara là các miện nhỏ, không có khung, dành cho nữ giới. Không có vua nào đội tiara, trừ Giáo hoàng. Và tiara của Giáo hoàng tuy cũng gọi là tiara, nhưng khác hoàn toàn, nó như thế này:
Giáo hoàng Pius XII đội tiara (đôi chỗ gọi là mũ Triều thiên 3 tầng, nhưng mũ Triều thiên của Trung Quốc/Việt Nam hoàn toàn khác). Từ giữa thế kỷ 20 trở đi, giáo hoàng không đội tiara nữa.
Tiara của nữ thì gọn nhẹ, để cài lên tóc. Các nữ hoàng (cũng như Công nương, Công chúa…) có rất nhiều tiara. Trước khi kết thúc, mời các bạn cùng xem hình về tiara:
Tranh “Ngày 1 tháng 5 năm 1851” của Franz Xaver Winterhalter. Nữ hoàng Victoria đội chiếc tiara có tên “Vua George III”.
Tiara Hồng ngọc Miến Điện của Nữ hoàng Elizabeth II làm năm 1973.
Elizabeth II đội tiara Kokoshnik khi khiêu vũ với Tổng thống Ford của Mỹ năm 1976.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
21:23Friday,29.4.2016Đăng bởi: Hieniemic
Cảm ơn bạn Hoàng, đúng là trong trường hợp vua Edward thì chữ The confessor nếu mà dịch sát thì nên dịch là Người tuyên tín hơn là Người xưng tội. ...xem tiếp
21:23Friday,29.4.2016Đăng bởi: Hieniemic
Cảm ơn bạn Hoàng, đúng là trong trường hợp vua Edward thì chữ The confessor nếu mà dịch sát thì nên dịch là Người tuyên tín hơn là Người xưng tội.
20:09Friday,29.4.2016Đăng bởi: phale
@Nguyễn Huy Hoàng: Dịch cho sát với đạo đôi khi không phải là đúng, và không phải là hay đâu. Phần "confessor" của "Edward the confessor" thực chất chỉ là cái biệt danh mà quần thần với người đời gọi yêu ông vua này thôi :) Bản thân ông Edward này mộ đạo, nhưng theo nghĩa chăm đi nhà thờ, mến Chúa. Chứ ông không làm công việc gì của người tuyên tín, bản thân giáo ...xem tiếp
20:09Friday,29.4.2016Đăng bởi: phale
@Nguyễn Huy Hoàng: Dịch cho sát với đạo đôi khi không phải là đúng, và không phải là hay đâu. Phần "confessor" của "Edward the confessor" thực chất chỉ là cái biệt danh mà quần thần với người đời gọi yêu ông vua này thôi :) Bản thân ông Edward này mộ đạo, nhưng theo nghĩa chăm đi nhà thờ, mến Chúa. Chứ ông không làm công việc gì của người tuyên tín, bản thân giáo hội cũng không ban hay công nhận rằng Edward là người tuyên tín gì hết. Ví như "Ethelred bất cố vấn" - ông vua tiền nhiệm của Edward ấy. Cái "bất cố vấn" là tên người đời gọi yêu, không phải chính thức.
Cỡ năm 1100s gì đó giáo hội đồng ý phong thánh cho Edward. Nhiều người cho rằng việc phong thánh cho Edward hơi nhuốm mùi chính trị, nhưng dù được phong thánh, giáo hội với văn bản chưa hề chính thức công nhận tư cách tuyên tín gì của Edward, rốt cuộc đấy vẫn là một dạng "nickname" (dân Anh hay thế lắm, thường gán nickname cho người có chức hoặc người nổi tiếng, kiểu Madonna họ gọi là Madge)
Với lại theo tài liệu và suy nghĩ thời nay, chưa chắc giáo hội đã thích Edward. Ông này nổi tiếng... mê trai đẹp, cuối cùng nhường ngôi lại cho trai đẹp, gây ra chiến tranh giữa vua Anglo-saxo và Normandy.
Việc Edward mộ đạo và mê trai đã từng nhắc đến trong bài "lịch sử hoàng gia Anh" rồi http://soi.today/?p=124361 Trong bài ấy mình cũng chỉ dám dịch confessor thành "giáo sĩ" để giãi bày cái tính mộ đạo, chăm đi nhà thờ của Edward thôi, kiểu gì vẫn là nickname mà, dịch sát quá không chừng bị kêu phạm thượng, bảo không biết phép tắc đạo, cha "gay" này mà lại dám bảo là tuyên tín!
...xem tiếp