Đi & Ở

Kể chuyện đi tàu 15. 12. 16 - 10:22 am

Candid

Ga Hải Phòng. Ảnh từ trang này

Đọc bài của Tutu về việc khi nào nên đi tàu trở lại, tôi lại thấy như nghe thấy tiếng xình xịch của bánh đà, tiếng cót két mối nối các toa, cảm giác lắc lư khi ngồi nhìn qua cửa sổ. Cũng vài năm rồi tôi không đi tàu hỏa nhưng với đường sắt Việt Nam tôi vẫn luôn có một tình cảm sâu đậm như mối tình đầu.

Nhà thơ Tế Hanh đã có một bài thơ rất hay về đoàn tàu và sân ga, mỗi khi nghĩ về những đoàn tàu là trong tâm trí tôi lại vang lên những câu thơ sau:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tầu đi đến những ga…
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Tôi thấy lòng thương những chiếc tầu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Tôi được biết đến sân ga và những toa tầu kể từ khi nhỏ xíu, mẹ tôi vốn làm cho ngành Đường sắt Việt Nam. Ấn tượng nhất trong tâm trí một đứa bé ngày đấy là quang cảnh hùng vĩ của nhà ăn dành cho những người lái tàu. Sau này tôi đã ăn ở nhiều nhà ăn tập thể nhưng không có nơi nào gây ấn tượng như thế. Do số lượng người ăn rất đông, ngày đấy người ta phải nấu cơm trong những chiếc chảo khổng lồ, người nấu phải dùng xẻng để xúc cơm. Hơi khói bốc nghi ngút, những chiếc xẻng xúc thoăn thoắt, người đi ra vào nườm nượp, những người lái tàu ăn to nói lớn, cảnh tượng như một đại công trường khổng lồ.

Thuở ấy những ngày nghỉ học tôi hay tới nhưng không phải để tiễn những chuyến tàu mà ghé thăm nhà ăn. Đứa bé như tôi len lỏi ở đấy, thế nào cũng được cho một tảng cháy to tướng và một cái đuôi bò. Đến giờ tôi vẫn chưa được ăn ở đâu một cái đuôi bò ngon như vậy.

Tàu đi trên cầu Long Biên. Ảnh từ trang này

Chính là vì do làm trong ngành đường sắt, thời ấy những nhân viên được cấp giấy đi tàu nội bộ thay cho vé nên suốt tuổi thơ tôi đi lại từ Nam đến Bắc đều bằng tàu hỏa. Lúc bấy giờ hàng không là của hiếm chỉ dành cho cán bộ cao cấp, đường bộ thì tệ hại, đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng có khi cũng mất cả ngày nên tàu hỏa là phương tiện lựa chọn duy nhất. Do vậy mùa hè tôi thường được đi nghỉ bằng tàu hỏa.

Để có được tấm vé đi tàu ngày ấy không hề dễ, bây giờ mỗi năm, báo chí thường đưa tin về việc khó mua vé tàu ngày Tết ở Sài Gòn nhưng thời ấy ngày nào mua vé tàu cũng là rất khó. Ở ga Hàng Cỏ hàng người ăn chờ nằm chực để mua vé là thường xuyên, chuyện mất cắp xảy ra như cơm bữa. Kẻ trộm ga Hàng Cỏ rất tài tình, có những chú bộ đội kể là đã nhét tiền vào trong túi áo trong, ngoài mặc mấy lần áo mà cũng bị rạch mất lúc nào mà không biết.

Cảnh tàu Bắc Nam chụp năm 1992 của Raymond Depardon

Do đi tàu bằng giấy nội bộ nên tôi không lo việc xếp hàng nhưng lại không có ghế ngồi. Thông thường mẹ tôi liên hệ với người trưởng tàu hoặc trưởng toa quen để nằm nhờ phòng nhân viên. Cũng có khi có ghế trống khi khách xuống ga dọc đường, tôi lại được bố trí lên. Lúc mệt quá thì chui xuống gầm ghế ngủ. Tàu hỏa ngày ấy rất chậm do đầu kéo hơi nước vẫn còn phổ biến. Tuyến dài nhất là tuyến Thống nhất Bắc Nam, đi từ Hà Nội vào Sài Gòn thời ấy mất những 3-4 ngày gì đấy. Do tàu đi chậm nên người đi lâụ vé ngồi đầy trên nóc tàu, có những khúc cua như ở đèo Hải Vân, cảnh tượng người ngồi đầy trên nóc y hệt những tấm ảnh ngày nay chụp ở Ấn độ. Tôi chỉ tiếc ngày đấy không có máy ảnh để chụp lại.

Ảnh từ trang này

Tàu đi chậm, dừng ở nhiều ga nên đến mỗi ga lại có cơ hội ăn đặc sản ở vùng ấy, tuy nhiên cũng có nhiều chuyện cười. Ví dụ như lần tàu dừng ở Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân để lắp thêm đầu máy hay dừng tránh gì đấy tôi thấy người ta rao bánh bột lọc Huế ngon nên mua để ăn. Thanh toán xong thì tàu cũng chuyển bánh mới bóc ra ăn. Bánh bán theo chục nhưng lúc đếm lại chục chỉ được 4-5 cái bánh. Người ta còn kể có những ga bán gà luộc mà đến lúc giở ra thì phát hiện toàn đất sét, tuy nhiên tôi chưa từng gặp nên cũng không rõ là thật hay huyền thoại.

Thời đấy tàu chưa có giường nằm mềm mà chỉ toàn là giường cứng chứ nói gì đến điều hòa. Kiếm được cái vé nằm là may mắn chán. Tàu chạy vừa chậm, lại lắc lư do khổ đường sắt 1m, lại chở nặng, cảm giác y như đi trên biển. Lần đầu tiên vào đến Sài Gòn bằng tàu hỏa, đêm đầu tiên tôi ngủ trên giường thấy cái giường vẫn chạy xình xịch, mất mấy ngày mới hết cảm giác ấy.

Sau này tàu được nâng cấp dần, có toa nằm mềm đệm mút bọc giả da, Cu pê 4 thay vì Cu pê 6, rồi có điều hòa, phòng vệ sinh cũng bắt đầu được cải thiện hơn tuy nhiên vẫn là sự kinh hoàng.

Từ tầng 2, trong khoang tàu (ảnh từ Internet)

Lần đầu tiên tôi được hưởng dịch vụ tàu cao cấp là khi tuyến đường sắt liên vận Hà Nội-Bắc Kinh được nối lại. Tôi được đi một trong những chuyến tàu đầu tiên. Gọi là tàu liên vận nhưng đến ga Bằng Tường hành khách phải xách va li đổi tàu sang tàu bạn do khác khổ đường ray. Ta dùng ray 1m còn Tầu dùng ray 1m4. Tuyến dùng khổ 1m nối liền Việt Nam-Trung Quốc là tuyến đường sắt kỳ vĩ nối liền Hải Phòng-Hà Nội-Vân Nam do người Pháp xây. Tuyến đường phá thế độc đạo của vùng Vân Nam, nối liền Vân Nam với thế giới đã được người Pháp xây bằng máu và nước mắt của những người phu. Tôi vẫn ao ước được đi một lần nhưng không kịp. Năm ngoái nghe nói Trung Quốc đã phá bỏ thay thế khổ 1m ở đây bằng 1m4. Toa tầu cũ bán ra nghe nói Đường sắt Việt Nam mua lại gây um sùm mãi trên báo.

Lại nói lại dịch vụ đường sắt Trung Quốc bấy giờ còn tốt hơn dịch vụ hàng không của Việt Nam. Lúc ấy được nằm giường nệm trắng muốt, điều hòa mát lạnh, phòng vệ sinh sạch sẽ, tàu chạy rất nhanh hơn 100km/h nhưng cốc nước không sóng sánh. Thật là cả một sự thiên đường. Sau này tôi được đi toa tàu hiện đại và đắt tiền nhất Việt Nam do khách sạn Victoria ở Sapa đầu tư, giá vé tính bằng USD và phải đặt phòng ở khách sạn mới đi được, tuy nhiên tàu vẫn chạy ầm ĩ và lắc lư do giới hạn công nghệ. Dần dần các công ty Việt Nam khác cũng đầu tư đóng toa tàu mới để kinh doanh du lịch.

Trên tàu hỏa. Ảnh: BTT

Ngoài tàu khách, còn có những chuyến tàu hàng và tàu chợ. Tàu chợ thì đúng là để đi chợ vì ga nào cũng dừng. Khi Sapa mới được du lịch khám phá lại, tôi đã từng đi Lào Cai bằng tàu chợ, quả là một nỗi kinh hoàng vì nhiều khi cảm giác rằng nhảy xuống đi bộ còn nhanh hơn đi tàu.

Nhưng tàu chợ đã là nguồn nuôi sống gia đình tôi những năm cuối của thời kỳ bao cấp, khi cuộc sống khốn khó, mẹ tôi đã liều đứng ra buôn những toa tàu chở gạo từ miền Nam ra miền Bắc để buôn bán. Sau này mẹ tôi kể lại không hiểu sao lại có thể liều lĩnh đi áp tải hàng và tiền giữa thời buổi nhiễu nhương đến thế mà không sợ gì.

Càng lớn lên, càng đi nhiều mới thấy hệ thống đường sắt của Việt Nam quá cũ kỹ và lạc hậu. Lạc hậu đến nỗi xây được một cái cầu vượt trong ga Hà Nội cũng là cả kỳ tích của Bộ giao thông.

Cầu bộ hành trong ga Hà Nội. Ảnh từ Zing

Giờ đây tôi ít khi đi tàu, vì đường sắt Việt Nam thay đổi chậm y hệt như những chiếc đầu tàu hơi nước cũ kỹ, nhưng mỗi lần nghĩ tới những chuyến tàu, tôi dường như lại nghe thấy tiếng còi tàu đang rúc vào ga.

Nghe mà sao “quặn nỗi đau”.

Ý kiến - Thảo luận

9:29 Saturday,17.12.2016 Đăng bởi:  dilletant
@ SA, thời đầu 80 tây bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội. Trong giới nói tiếng Pháp đông đảo hồi đó lại xuất hiện tiếu lâm (cả những giai thoại có thật). Có bà xếp hàng vé ở ga Hàng Cỏ thấy ông tây định nhường, nhưng tiếng Pháp thì bồi, nên bảo ông ấy: Montez sur moi (ý bả là hãy bước lên mua vé trước tôi đi, nhưng lại thành - hãy trèo lên tôi).
...xem tiếp
9:29 Saturday,17.12.2016 Đăng bởi:  dilletant
@ SA, thời đầu 80 tây bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội. Trong giới nói tiếng Pháp đông đảo hồi đó lại xuất hiện tiếu lâm (cả những giai thoại có thật). Có bà xếp hàng vé ở ga Hàng Cỏ thấy ông tây định nhường, nhưng tiếng Pháp thì bồi, nên bảo ông ấy: Montez sur moi (ý bả là hãy bước lên mua vé trước tôi đi, nhưng lại thành - hãy trèo lên tôi). 
1:15 Saturday,17.12.2016 Đăng bởi:  SA

Đường sắt là hương ca quá khứ trong Nam vì đầu thập niên không còn được sử dụng và gắn liền với ký ức của thanh bình ở nhiều người thuộc vào thế hệ đó. Vì thế sân ga trong nhạc vàng vắng hơn là sân trường tại miền Nam (Ga Lyon đèn vàng là chuyện trời Âu)
Trong ca từ, "Tàu đêm năm cũ" của Trúc Phương có lẽ là bài chót nhắc đến phương tiện di chuy
...xem tiếp

1:15 Saturday,17.12.2016 Đăng bởi:  SA

Đường sắt là hương ca quá khứ trong Nam vì đầu thập niên không còn được sử dụng và gắn liền với ký ức của thanh bình ở nhiều người thuộc vào thế hệ đó. Vì thế sân ga trong nhạc vàng vắng hơn là sân trường tại miền Nam (Ga Lyon đèn vàng là chuyện trời Âu)
Trong ca từ, "Tàu đêm năm cũ" của Trúc Phương có lẽ là bài chót nhắc đến phương tiện di chuyển này khi chính quyền Diệm hoán chuyển các sĩ quan quân đội giữa miền Trung và miền Nam và nghẹn ngào:
Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa
Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về
Bên lề, từ "toa" là một từ xưng hô đồng âm thông dụng trong một giới nào ăn học. "Toa-Moa" (toi-moi tiếng Pháp) là cách giải quyết vấn đề xưng hô trong tiếng Việt để diễn tả sự bình đẳng và thân thiện về mặt nào đó. Thí dụ, trong quân đội, cùng khóa sĩ quan nhưng về sau cấp bậc lại cách biệt thì vị cấp trên có thể dùng "toa-moa" để gần gũi hơn. Trong giới văn nghệ, đàn anh đi trước cũng thế hay bạn bè cùng vai vế nhưng khác biệt nhiều về tuổi tác.
Nói tóm lại, cùng vai cùng lứa đã đành, cùng lứa nhưng khác vai hay khác lứa nhưng cùng vai dùng "toa-moa" rất tiện, tuy nó hơi hướm Tây.
Thành phần không ưa cách dùng này vì thế có câu "Hôm qua moa đi tàu moa ỉa đầu toa".

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả