Tạp hóa - Xã hội

Học nhà Joel Salatin trồng rau, nuôi gà04. 01. 17 - 9:45 pm

Pha Lê

Sau khi cuốn “Thế lưỡng nan của loài ăn tạp” do Michael Pollan viết có mặt ở Việt Nam (cuốn sách hay dã man tàn bạo, hồi đó nghĩ chả biết ai siêng dịch nhưng giờ có người dịch rồi ấy), một số bạn bắt đầu dòm ngó tới bác nông dân Joel Salatin vì trong sách có nguyên chương về trang trại của bác.

Cuốn “Thế lưỡng nan của loài ăn tạp” đã có bản dịch ở Việt Nam. (Hình từ đây)

Một số bạn cũng ý kiến rằng bác có đất rộng, có rừng như thế, mình làm theo khó. Bới đâu ra rừng, đất như bác.

Riêng tớ thì thấy cách của bác Joel thậm chí còn dễ thực hành hơn nhiều bác khác chứ chả khó, không làm to được như bác thì làm nhỏ. Vài người cũng học theo bác và làm nhỏ chẳng sao cả.

Còn rừng và đất thì chính nhà Salatin cũng chả có sẵn đâu.

Trong tất cả những cái hay ho về bác Joel, tớ thích nhất chuyện này: khi một bạn nông dân hỏi bác Joel rằng sao thực hành nông nghiệp tự nhiên, đa canh, không hóa chất ở Mỹ giờ khó quá. Đất ngày càng nghèo dần, muốn cải tạo là tốn thời gian, chính quyền thì không hỗ trợ gì hết. Bác Joel mới nói “Có khả năng mình sẽ không thấy hoặc hưởng được kết quả trong đời của mình, mình chỉ cố làm để con cháu nó hưởng thôi”.

Trang trại của bác Joel nhìn đồng cỏ, đất tốt màu mỡ, thà cả đàn bò thế này chứ ban đầu nó không đẹp vậy đâu mà xấu lắm. (Hình lấy từ phần trang web “polyface hen house” của nhà Salatin. Polyface là tên trang trại nhà bác, còn Hen house là phần bác Joel dành cho… phái đẹp của trang trại, họ lên đó cập nhật bài viết, suy nghĩ)

Chính bố của bác Joel Salatin chẳng hưởng cái gì cả. Trang trại rộng đó của nhà Salatin ban đầu là mảnh đất xấu. Nó bị cày xới, trồng thâm canh nhiều quá, cộng với xói mòn đất vì thâm canh nên đất trơ cả đá ra, mất hết dinh dưỡng. Lúc bố của bác Joel mua đất, nó rẻ như bèo vì mảnh đất gần như vứt đi, không trồng được cái gì. Nhà Salatin lúc ấy phải nai lưng ra trồng lại từng cái cây, mong chúng lớn lên thành rừng đặng giữ phần đất ít ỏi còn sót lại. Sau đó hì hục moi đá đào hồ trữ nước. Lúc ấy “trang trại” có to như thế nhưng cũng chỉ nuôi nổi vài con bò và đàn gà nhỏ.

Chuồng gà nhà Salatin cũng đặc biệt. Bỏ gà vào đấy, nó vặt hết cỏ ăn thì kéo chúng nó đi nơi khác. Gà vừa được thả, vừa ăn cỏ, vừa được di chuyển nhưng sản lượng lại cao hơn là thả rông cho nó chạy búa xua, Cỏ chỗ bị gà vặt ăn sẽ mọc lại, bác tiếp tục kéo chúng về chỗ cỏ mọc lại. Xoay vòng như thế thành thử nuôi được nhiều gà trong một lô hơn

Bác Joel và cái chuồng gà di động do bố bác “tự biên tự chế”. (Hình từ hermitage hotel)

 

Lô lô chuồng gà trên đồng cỏ xanh nhà bác, kéo qua kéo lại nên sản lượng thu về rất cao. (hình từ trang Polyface)

Bố bác Joel xác định là trang trại chỉ “không lỗ” là ổn, và nó đã không lỗ thật. Bố Joel qua đời trong tình trạng trang trại không lỗ ấy.

Đến đời con, tức bác Joel tiếp quản. Cây lớn thành rừng, phân của các con bò, gà (sau đó có heo) cứ liên tục bồi thêm vào đất nên đất ngày càng dày hơn, cộng với rễ cỏ và rừng chống xói mòn nữa. Đất cũng như rừng bắt đầu giàu dinh dưỡng, nhà Salatin bắt đầu nuôi trồng được nhiều hơn, thu được lộc từ đủ thứ nguồn. Thế là gia đình này bắt đầu có lời từ nông trại. Càng ngày trang trại càng nổi tiếng. Và tiền lời thậm chí còn dồi dào vì nhà bác Joel chả phải chi gì mấy cho sinh hoạt, mọi thứ có thể lấy từ trang trại cả. Rừng cho gỗ xây nhà, cho trái cây dại, mật ong… thực phẩm hàng ngày thì “ngay đó, khỏi mua”. Vợ bác Joel còn đùa rằng nếu chồng mình trồng được giấy toilet thì bà khỏi cần đi siêu thị.

Sau khi lớp đất màu của trang trại dày lên, nhà Salatin đã có thể dựng bạt trồng rau. Rau hút chất từ đất, hơi bị hao dinh dưỡng nên trước khi đất tốt thì nhà bác không trồng rau được mấy. Nhờ các “con” bồi phân, giẫm đạp phân bón đất mà dần dà bác mới có đủ chất bổ trồng rau. Do vùng của bác Salatin ở có khí hậu ôn đới nên bác không trồng rau quanh năm được. Mùa không trồng rau bác cho đất “nghỉ”, nuôi thêm “con” để bồi bổ phân cho đất. Nhờ vậy đất luôn tốt chứ không bị hao.

Nhà rau của gia đình Salatin, nhìn kỹ sẽ thấy hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. (Hình từ trip advisor)

Trang trại Salatin bây giờ thành niềm mơ ước, đến Pollan cũng phải chạy tới ở một tuần hòng viết sách. Con cháu bác Joel sống sung túc, khỏe mạnh, toàn bộ con cái bác là homeschool (học ở nhà) cả.

Tuy nhiên đây là điều bố bác Joel không hề thấy: bố bác qua đời trước khi trang trại được màu mỡ giàu đẹp, nổi danh khắp chốn như thế này. Nhưng không có ông bỏ cả một đời ra thì lấy đâu trang trại? Nghe bác Joel bảo “Có khả năng mình sẽ không thấy hoặc hưởng được kết quả trong đời của mình” thật nao lòng, nghe cảm động và khâm phục nhà Salatin, đặc biệt là bố của bác Joel.

Gia đình Salatin bốn thế hệ. Mẹ của bác Joel (đứng giữa, áo xanh quần xanh) đã hơn 90. Bà hay đến các viện dưỡng lão gần đó chăm người già yếu, và bác Joel hay trêu bà vì tính theo số năm thì bà cụ nhà Salatin cao tuổi hơn mấy bà ở viện nhiều. (Hình từ trang web của Polyface)

* Trang trại của gia đình Salatin tên là Polyface, hay dịch nôm na sẽ thành “đa diện”. Nhà Salatin nuôi đủ con, trồng đủ cây đa dạng theo kiểu luân canh, đa canh chứ không “thâm canh, độc canh” nên bác nhấn mạnh sự đa dạng sinh học qua cái tên Polyface.

Bài lấy từ Facebook của Pha Lê

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp