Xem tiếp

The Breakers (phần 2): không ai long lanh được suốt ba đời…30. 04. 17 - 5:49 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo phần 1)

Phần làm nên dấu ấn của The Breakers chính là nội thất được trang trí cầu kỳ và sang trọng đến cực điểm, đảm nhiệm bởi Jules Allard và Ogden Codman Jr. (Codman được chính chồng của nhà văn Edith Wharton, tác giả cuốn The Age of Innocence giới thiệu cho Cornelus Vanderbilt II)

Đây là phòng sinh hoạt dành cho đại gia đình tụ họp mỗi sáng. Các cửa sổ được đặt hướng phía đông để đón ánh mặt trời buổi sớm. Xung quanh phòng là các tấm bạch kim khảm hình các nàng thơ. Toàn bộ nội thất được lắp ghép ở Pháp trước khi chuyển về Hoa Kỳ.

Buồng ngủ của tiểu thư Gertrude Vanderbilt có màu hồng xinh xắn. Gertrude Vanderbilt là một người yêu hội hoạ. Có thể thấy hai bức tranh vẽ chân dung tiểu thư khi còn nhỏ do các hoạ sĩ nổi tiếng thực hiện.Trong buồng còn có hai bức tranh do chính cô tự tay vẽ. Sau này Gertrude Vanderbilt sẽ lấy con trai nhà triệu phú Whitney và thành lập bảo tàng Whitney nổi tiếng ở New York.

Đây là phòng âm nhạc nơi diễn ra các buổi biểu diễn và dạ vũ. Trần nhà được dát vàng, bạc, kèm thêm các chi tiết trang trí với motif âm nhạc. Tên các nhà soạn nhạc nổi tiếng cũng được viết trên trần nhà. Theo các câu chuyện kể lại, bác trai (Cornelius Vanderbilt II) chơi vĩ cầm còn bác gái (Alice Vanderbilt) thì chơi dương cầm.

Phòng đọc sách – thư viện màu tối mang vẻ nghiêm trang. Trên lò sưởi có khảm dòng chữ: “Ta cười vào của cải và không cần đến nó, bởi sau tất cả chỉ có trí tuệ là vinh quang nhất.” Thế nhưng trần nhà lại dát đầy các lá vàng hình quyển sách. Trong phòng có hai bức tượng bán thân của Cornelius Vanderbilt II và con trai. Cậu này mất sớm vì bệnh sốt phát ban khi đang học tại Yale (hiện giờ tại Yale vẫn có một sảnh đề tên cậu.)

Cầu thang lớn với bức chân dung cụ tổ Commodore Vanderbilt

Bếp rộng rãi với nhiều nồi niêu xoong chảo bằng đồng đỏ. Vốn sợ hoả hoạn nên ông Cornelius Vanderbilt hạ lệnh xây bếp thật xa nơi ở của gia đình. Hồi đó chưa có tủ lạnh nên nhà Vanderbilt dùng đá lấy từ các hồ xung quanh để bảo quản thực phẩm. Có thể thấy bếp được chiếu sáng rất tốt. The Breakers có tổng cộng hơn 300 cửa sổ, phần lớn nhìn ra hướng biển.

Đây là phòng chơi bi-a với đồ đạc làm bằng gỗ dái ngựa (mahogany.) Tường được làm bằng thạch cao tuyết hoa Cippolino với các vòng cung bằng cẩm thạch hồng. Các viên đá bán quý nhiều màu sắc kết hợp thành hình những hạt sồi (huy hiệu nhà Vanderbilt).

Phòng ăn chính khổng lồ với diện tích 220m2 là phòng ăn lớn nhất tại Newport. Trên trần nhà là tranh vẽ nữ thần bình minh Eos trên chiếc xe 4 ngựa, lại thòng xuống hai đèn chùm pha lê Baccarat lộng lẫy. Trên tường có khảm vàng 18, 22, 24k.

Phòng ăn phụ, hay còn gọi là Breakfast room, để đối ngược với phòng ăn chính hoành tráng. Nơi này ít vàng và ít đèn pha lê hơn nhưng vẫn có khí phái sang trọng kiểu Louis XV.

Phòng ngủ của bác gái Vanderbilt có hình oval (đây tuy là hình vẽ trên con tem nhưng vẽ chính xác và đẹp hơn ảnh chụp ngày nay.) Trong buồng có cửa dẫn đến 4 tủ quần áo (mỗi ngày bác gái Vanderbilt phải thay ít nhất 7 bộ.) Ngoài ra còn nhiều cửa ẩn để người hậu kẻ hạ ra vào một cách dễ dàng.

Buồng ngủ của chủ nhân – bác trai Vanderbilt lại đơn giản một cách đáng ngạc nhiên. Trong phòng thay vì vàng bạc là các đồ kỉ niệm của gia đình và bạn bè. Xin đừng thắc mắc sao hai bác lại … ngủ riêng. Quý tộc thời đấy là như vậy đó. Ngay cả Nữ hoàng Anh và chồng bây giờ cũng có hai phòng ngủ tách biệt. Một lý do quan trọng là quý tộc đi ngủ phải có người thay đồ cho, mà người hầu nam lại luẩn quẩn ở bên lúc bà chủ cởi áo thì kỳ.

Sơ sơ vậy cũng có thể tưởng tượng The Breakers của ngày xưa với ánh nến lấp lánh, tiếng nhạc dìu dặt, những bữa tiệc linh đình,… quyến rũ ra sao. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Cornelius Vanderbilt II dọn vào đây ở chưa đầy 4 năm thì bị đột quỵ và mất. Lý do khiến sức khoẻ của ông giảm sút nhanh là câu chuyện muôn thuở: con trai ông là Cornelius Vanderbilt III yêu một cô gái mà ông không thích, mà cậu lại gặp nàng đúng lúc nghỉ ở The Breakers mới đau. Bố mẹ không ưa bồ của con vốn là chuyện xưa như trái đất, điều lạ ở đây là nhà Wilson cũng giàu có, thế lực, môn đăng hộ đối, và nàng Grace trẻ thì rất được mọi người yêu mến. (Trong số những người ái mộ nàng có cả Teddy Roosevelt và vua Phổ Edward VII). Lý do tại sao hai ông bà Vanderbilt ghét Grace Graham Wilson thì chỉ có giời biết.

Một phen nổi giận bởi hồng nhan: Grace Graham Wilson.

Nhất định muốn chia cắt đôi trẻ, Cornelius Vanderbilt gửi con đến châu Âu. Nhà Wilson cũng chẳng vừa, thấy vậy họ cũng gửi Grace đến châu Âu luôn, và nàng vừa đặt chân đến Paris thì đôi chim cu đã quấn chặt lấy nhau. Báo chí hồi đó theo sát nhà Vanderbilt lắm, vậy là chuyện tình Romeo-Juliet Hoa Kỳ ai ai cũng biết. Ông Vanderbilt cáu đến mức đuổi theo con sang tận châu Âu để mắng vốn, và khi con trai nhất quyết không chịu thua, ông từ luôn con và đuổi cậu Cornelius Vanderbilt III ra khỏi nhà. Chuyện này gây ảnh hưởng đến sức khỏe ông Vanderbilt trầm trọng: ông bị đột quỵ cú đầu tiên, và chẳng có lòng dạ đâu mà tới The Breakers nghỉ ngơi nữa. Ở tuổi 55, ông qua đời. Ý kiến chung của mọi người là cậu ấm nhà Vanderbilt đã chọc cho ông bố tức mà chết. Người nhà lẫn người lạ đều chê trách ông quá cứng đầu, và cuối cùng thì ông vẫn… thua: Cornelius Vanderbilt III nhất quyết kết hôn với Grace Graham Wilson, không buồn nói chuyện với cha đến khi ông mất, và rốt cuộc vẫn thừa hưởng tài sản của cha một cách đàng hoàng. Lý do là bởi lòng mẹ mềm hơn lòng cha: bà Alice Vanderbilt cuối cùng vẫn phải chấp nhận con trai và con dâu, nhất là khi chúng đã sản xuất ra bốn đứa cháu cho bà bồng bế.

Vợ chồng nhà Cornelius Vanderbilt III

The Breakers được chuyển quyền sở hữu cho Alice Vanderbilt sau khi Cornelius qua đời. Bà Alice thì để lại The Breakers cho cô con gái út được cưng chiều Gladys Vanderbilt. Có hai lý do chính. Thứ nhất là mấy đứa con còn lại nhà Vanderbilt chẳng ai ngó ngàng gì đến The Breakers – họ thích hội hè nhộn nhịp ở New York cơ. Lý do thứ hai mới thật quan trọng: Gladys chưa có đất đai gì của riêng mình. Nàng kết hôn với một bá tước kiêm đại sứ đầu tiên của Hungary tại Hoa Kỳ. Ông này làm khoa học và… quý tộc thì giỏi (ông là người phát minh ra thiết bị điện báo không dây dưới nước) nhưng đầu tư lại kém, làm mất hết sạch tiền của vợ. Buồng ngủ của nữ bá tước Gladys Vanderbilt Szechenyi tại The Breakers nghe nói cũng rất đẹp nhưng không thể nào tìm được ảnh, thế nên mời bạn đọc ngắm tranh vẽ nàng khi còn trẻ vậy.

Gladys Vanderbilt

Glady Vanderbilt Szechenyi giữ The Breakers đến năm 1948 thì cũng không kham nổi phí bảo trì nữa. Bà cho Hiệp hội bảo tồn quận Newport thuê lại với giá tượng trưng 1 đô la/năm, với điều kiện là gia đình bà tiếp tục được sống ở tầng ba bất cứ khi nào họ muốn. Nhờ cấu trúc kiên cố, The Breakers đã trải qua cơn lốc xoáy kinh khủng năm 1938 mà vẫn bền vững. Người đã mất nhưng vật thì vẫn còn, du khách vừa lang thang dạo bước trong lâu đài vừa mơ về cảnh hào hoa thuở trước, âu cũng là cái kết ổn cho The Breakers. Liệu một trăm năm nữa có ai đến thăm Mar-a-Lago để nhớ về Donald Trump không nhỉ?

Phòng dạ vũ của The Breakers được bảo toàn nguyên vẹn chẳng kém gì thời hoàng kim

Trở lại gia đình cậu ấm Cornelius Vanderbilt III, số phận quả thật trớ trêu. 30 năm sau ngày họ trốn bố mẹ lấy nhau, lịch sử được lặp lại: con gái của Cornelius Vanderbilt III cũng tên là Grace và cũng… bỏ nhà theo trai, phớt lờ hết những hoàng thân quốc thích được mai mối cho cô.

Ý kiến - Thảo luận

16:00 Friday,22.3.2019 Đăng bởi:  Long Cương
Tòa lâu đài đẹp tuyệt với, nội thất không thể chê vào đâu được, vừa sang trọng cực độ vừa quý phái, thanh lịch. Nhìn kiến trúc của người ta mà hãi hùng cho mấy cái nhà được một số lều báo định danh là "lâu đài" ở một vài nơi trên đất Việt Nam được xây gần đây, nhìn từ tổng thể khu đất, đến kiến trúc, sân vườn, đến nội thất dày đặc gỗ mà t
...xem tiếp
16:00 Friday,22.3.2019 Đăng bởi:  Long Cương
Tòa lâu đài đẹp tuyệt với, nội thất không thể chê vào đâu được, vừa sang trọng cực độ vừa quý phái, thanh lịch. Nhìn kiến trúc của người ta mà hãi hùng cho mấy cái nhà được một số lều báo định danh là "lâu đài" ở một vài nơi trên đất Việt Nam được xây gần đây, nhìn từ tổng thể khu đất, đến kiến trúc, sân vườn, đến nội thất dày đặc gỗ mà thấy phát hoảng lên. Thế mới rõ, đẳng cấp là thứ không thể đốt cháy giai đoạn được. 
14:38 Monday,1.5.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Thật lòng không thấy nội thất nhà này đẹp. Quá rườm rà và cầu kỳ. Có mùi trọc phú!!!
...xem tiếp
14:38 Monday,1.5.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Thật lòng không thấy nội thất nhà này đẹp. Quá rườm rà và cầu kỳ. Có mùi trọc phú!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp